‘Dạy người’ – học viên đầu tiên là Bộ trưởng Giáo dục? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2019

‘Dạy người’ – học viên đầu tiên là Bộ trưởng Giáo dục?


Khai giảng năm học mới ở Tắc Pổ, Nam Trà My, Quảng Nam. (Hình trích xuất từ website báo Tuổi Trẻ)

Giống như nhiều quốc gia khác, tuần này, 22 triệu đứa trẻ ở Việt Nam chính thức bước vào niên khóa mới.

Giống như mọi năm, ngày khai giảng niên khóa mới lại trở thành dịp để công chúng bày tỏ sự thất vọng về hiện trạng giáo dục.

***

Ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo (GDĐT) – lại tiếp tục trở thành tâm của trận bão dư luận sau khi công chúng tận mắt mục kích ông sải bước trên thảm đỏ, vẫy tay chào học sinh trường THPT Sơn Tây (tọa lạc tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)…

Công chúng đã những hình ảnh ấy so với các hình ảnh khác cũng liên quan đến khai giảng niên khóa mới ở Tắc Pổ, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam: Chỉ có Trưởng bản, hai cô giáo và 34 đứa trẻ. Lũ trẻ nhếch nhác, nhiều đứa đi chân không cũng bắt đầu niên khóa mới ở nơi mà phải bảo đó là trường thì thiên hạ mới biết là chỗ dùng vào việc dạy dỗ trẻ con (1).

Tắc Pổ chỉ là một trong rất nhiều cơ sở giáo dục thuộc loại “trường không ra trường, lớp không ra lớp” nhưng đã như thế, đang như thế và có lẽ sẽ còn như thế. Hình ảnh về những cơ sở giáo dục kiểu này nhan nhản cả trên báo chí lẫn mạng xã hội.

Chẳng hạn Neu Confession chia sẻ một tấm ảnh, chụp lũ trẻ trong độ tuổi tiểu học ở xã Nậm Cang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, xếp thành hàng dắt díu nhau leo lên dốc, đứa nào cũng cầm trên tay một cái ghế nhựa để dự Lễ Khai giảng (2).

***

Rất nhiều người đã so sánh Lễ khai giảng niên khóa mới ở trường THPT Sơn Tây với phân hiệu của Tiểu học Tắc Pổ rồi đặt vấn đề như Nguyễn Thiện: Tại sao chẳng bao giờ ông Nhạ chịu dời gót đến những chỗ như Tắc Pổ để biết trẻ con đang phải học trong điều kiện thế nào? Có người như Hưng Lê Đình cho rằng, ông Nhạ không đến những nơi như Tắc Pổ vì sợ mấy “bộ đồ vía” bị vấy bẩn! Có người như Chi Ming tin rằng, đến những trường nghèo thì phải tặng quà cho lũ trẻ khốn khổ, còn đến những trường sang trọng thì khi ra về có phong bì mà ông Nhạ thuộc loại chẳng “ngu” chút nào! Cũng có những người như Thao Dinh chỉ trích kịch liệt việc đem thảm đỏ trải ở trường học (3)…

Bên cạnh những người bất bình vì ông Nhạ chỉ “qua lại” với các ngôi trường bề thế, sang trọng, có những người như Ngoc Vinh phản bác yêu cầu ông Nhạ phải đến những cơ sở giáo dục kiểu Tắc Pổ. Theo Ngọc Vinh, dù thiếu thốn đủ thứ nhưng Lễ Khai giảng ở Tắc Pổ “đẹp lung linh” vì hết sức đơn sơ giữa núi cao, rừng rậm. Những người như ông Nhạ nếu có đến thì chỉ nhằm đánh bóng hình ảnh của mình, tạo cơ hội cho báo giới ca ngợi “sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo đối với giáo dục miền núi”, còn cô giáo và lũ học trò sẽ chẳng được gì. Đừng để những diễn văn sáo rỗng, những khuôn mặt hợm hĩnh của những kẻ có quyền... khai giảng hủy diệt nét đẹp thuần khiết ấy của Tác Pổ (4)…

***

Giống như mọi năm, năm nay, dịp khai giảng niên khóa mới cũng là thời điểm mà nhiều viên chức hữu trách tuôn ra đủ thứ “lời hay, ý đẹp” và tất nhiên là không thể thiếu ông Nhạ. Ở vị trí Bộ trưởng GDĐT, ông Nhạ tuyên bố: Niên khóa này ưu tiên… “dạy người”. Ngành giáo dục đã xác định “dạy người”, dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh phải là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và quyết tâm triển khai hiệu quả (5).

Đó cũng là lý do Cù Mai Công đặt vấn đề: Ưu tiên “dạy người”! Dạy người, ai dạy vậy (6)? Facebooker này dẫn ra hàng loạt scandal trong lĩnh vực giáo dục, liên quan đến các viên chức đặc trách giáo dục, giáo viên, học sinh và nhấn mạnh: Thực trạng tệ hại, đau lòng đó tồn tại đã lâu chứ không còn cá biệt. Công nhắc lại, năm ngoái, ông Nhạ từng tuyên bố: Sẽ chấn chỉnh, sẽ đẩy mạnh giáo dục đạo đức trong nhà trường, sẽ yêu cầu cả thầy lẫn trò thực hiện Quy tắc ứng xử trong trường học...

Năm nay, ở Tắc Pổ, không có đường, các cô giáo vẫn leo núi hai tiếng để đến trường. Còn ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thì hàng trăm ngôi trường không thể khai giảng do mưa, lũ. Ông Nhạ thì đến trường THPT Sơn Tây tham dự một buổi khai giảng hoành tráng, sải bước trên thảm đỏ, vẫy tay chào mọi người… Rồi tiếp tục lập ngôn: Ưu tiên dạy người”! Công dẫn Lã Khôn: Kẻ nào hiếu danh, việc làm thường giả dối! – kèm thắc mắc: Làm người, làm thầy cô ai làm vậy?! Làm vậy còn dạy được ai?!

***

Cũng tham gia luận bàn về dịp khai giảng niên khóa mới, Le Duc Duc nhận xét: Chưa thấy vị Bộ trưởng GDĐT nào bị chửi nhiều như ông Nhạ cả! Đầu năm - khai giảng bị chửi, cuối năm - mùa thi bị chửi! Tại sao một xứ sở xưa nay vẫn ráng giữ truyền thống “tôn sư, trọng đạo” nhưng người đứng đầu lĩnh vực giáo dục suốt ngày bị réo tên? Chẳng lẽ để một người như thế nhằm thực hiện âm mưu nào đó (7)?


Trân Văn
Thiên Hạ Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad