Sau khi được thả ra, Joshua đã gửi thông điệp dứt khoát với chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh [2]: “Tất cả những gì chúng tôi đòi hỏi chỉ là thúc giục Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông rút lại Dự luật Dẫn độ, chấm dứt sự tàn bạo của cảnh sát, và trả lời các yêu cầu của chúng tôi về bầu cử tự do”. Mặc dầu đã bị tù đầy ba lần và sẽ phải đối diện với phiên tòa vào ngày 8 tháng 11 tới đây, Joshua khẳng định sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh, và không bao giờ đầu hàng. Joshua cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế gửi thông điệp rõ ràng đến Chủ tịch Tập Cận Bình: “Gửi quân đội hay sử dụng pháp lệnh khẩn cấp không phải là cách giải quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh bất kể họ sẽ bắt bớ hay truy tố chúng tôi ra sao.”
Mục tiêu của các nhà hoạt động tại Hồng Kông trước nay luôn rõ ràng và dứt khoát: bầu cử tự do, để tự chọn lựa lãnh đạo cho mình; yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ảnh hưởng vào nền chính trị tại đây, và không thể giải quyết khủng hoảng chính trị bằng bạo lực và đàn áp; đây là khát vọng của người dân Hồng Kông và cần sự quan tâm của thế giới, vì nếu không mạnh mẽ lên tiếng với Bắc Kinh thì hậu quả sẽ tai hại không chỉ cho Hồng Kông mà rộng khắp; người dân Hồng Kông sẽ chiến đấu đến cùng, sẽ không bỏ cuộc, cho dù có bị tù đầy, đối xử tàn tệ; hãy để những người trẻ quyết định lấy tương lai của chính họ, thay vì sử dụng thủ đoạn để áp đặt, kiềm chế, trấn áp họ. Joshua Wong cũng bày tỏ các thông điệp này một cách nhất quán, rõ ràng và dứt khoát [3]. Trong bài đăng trên báo The New York Times, Joshua Wong và Alex Chow cho biết Bắc Kinh có thể bỏ tù họ, nhưng sẽ càng có thêm người biểu tình, sẽ chiến đấu, sẽ chống chủ trương kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 10 sắp tới [4].
Tinh thần dấn thân của Joshua Wong, của Agnes Chow, của Andy Chan, và của hàng triệu người khác tại Hồng Kông trong suốt ba tháng qua, cho thấy sự quyết tâm cao độ của họ để đạt được mục tiêu quan trọng nhất: tự do làm chủ cuộc đời của mình, ngay bây giờ.
Cuộc đấu tranh của họ làm cho cả thế giới chú ý, ngạc nhiên và thán phục. Ngoại trừ một số cuộc biểu tình xẩy ra bạo động, đại đa số diễn ra trong ôn hòa.
Có ba trong nhiều đặc điểm đáng nói về cuộc đấu tranh của người Hồng Kông ba tháng qua.
Một, tất cả có vẻ được tổ chức kỹ càng, có chiến lược chiến thuật hẳn hoi, nhưng dường như không có ban tổ chức cụ thể.
Hai, tất cả có vẻ được điều động, phối hợp nhưng không có một ban lãnh đạo. Các khuôn mặt Anges, Joshua, Andy, Denise v.v… là bề nổi, nhưng đằng sau họ là ai, thì … ai cũng như ai. Chỉ có họ mới biết với nhau.
Ba, nó không theo một khuôn mẫu, một mô thức nhất định nào cả. Có lúc hàng triệu người mặt đồ đen (biển đen). Có lúc hàng triệu người cầm dù (biển dù). Có lúc hàng ngàn người nối vòng tay dài 50 cây số, (biển đường), được truyền cảm hứng bởi cuộc biểu tình chống Liên Xô đúng 30 năm về trước của hai triệu người kéo dài 600 cây số, gọi là ‘Baltic Way’ [5]. Có lúc chiếm toàn bộ phi trường, gây chấn động và làm tê liệt vài ngày gần như toàn bộ hệ thống hàng không ở đây [6]. Phương thức, chiến thuật, địa thế biểu tình v.v… luôn thay đổi, nhất là các địa thế chiến lược.
Những người đấu tranh tại Hồng Kông không những có tinh thần quyết tâm cao, óc tổ chức sáng tạo, mà cách truyền thông chính trị của họ cũng rất khôn khéo. Họ tránh các thông điệp cực đoan, phản cảm. Họ hiểu mọi truyền thông tại đại lục đều do Bắc Kinh kiểm soát, do đó hiển nhiên gán ghép họ là phản động, là phá hoại, và kể cả khủng bố (nếu chỉ xem truyền thông tại đây thì dễ dàng bị thuyết phục bởi chiến thuật tuyên truyền của truyền thông nhà nước) [7]. Được trang bị và đào tạo kỹ lưỡng, các nhà hoạt động Hồng Kông rất khôn ngoan trong truyền thông chính trị của họ (political communication), đưa ra những thông điệp chính đáng và hợp lý. Sau năm năm kinh nghiệm đấu tranh, họ đã rất trưởng thành và trở nên rất sáng tạo. Họ chứng minh đã học kỹ các bài học từ cuộc đấu tranh chống độc tài, toàn trị và cộng sản trên thế giới. Trên hết, như Joshua đã chia sẻ, họ đã học các bài học từ Phong trào Dù vàng năm 2014, những thành công, nhưng quan trọng nhất, và những thất bại của mình.
Họ đã và đang trở thành nước: Nước chảy đá mòn. Không có gì linh động, uyển chuyển, biến hóa, vô dạng, vô hình, đa nguyên, như nước cả, mà triết lý võ thuật của Lý Tiểu Long (Bruce Lee) từng ví. Không có gì mạnh mẽ và có sức tàn phá cao độ trên trái đất này như nước. Sức dân được ví như sức nước. Nước đưa đẩy thuyền và nước cũng nhận chìm thuyền, dù thuyền có lớn và vĩ đại đến mấy.
Cách đây gần 16 tháng, tôi có chia sẻ vài suy nghĩ về cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam qua bài “Dân chủ? Hãy như nước!” [8]. Quan niệm sống và đấu tranh của tôi gôm vào ba nguyên tắc: một, luôn học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm, thành công cũng như thất bại, để cải tiến ngày một tốt hơn; hai, trau dồi suy nghĩ phê phán, hay còn gọi là tư duy phản biện, để không bị lệ thuộc tư tưởng, và nhất là không bị sỏ mũi dẫn dắt bởi người khác (không thể để người khác, dù là ba mẹ hay anh chị em mình, suy nghĩ dùm mình, bởi vì không ai sống cho mình và giúp mình cả đời được); ba, phát huy truyền thông nhân ái, bất bạo động, vì lời nói thể hiện tư tưởng của mình; lời nói bạo động sẽ đưa đến hành vi bạo lực. Truyền thông nhân ái sẽ tạo cảm thông và đoàn kết. Tôi đã kết luận rằng muốn cuộc đấu tranh thành công, thì thay vì đề cao yêu nước, mỗi người hãy trau dồi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để chính mình là nước, dù chỉ là một giọt nước. Mỗi giọt nước này, góp chung phần làm hàng trăm triệu giọt nước khác, sẽ nhận chìm bất cứ thế lực cường quyền nào.
Mọi sắc dân trên thế giới muốn sống trong tự do, nhân phẩm và dân chủ, muốn tự mình quyết định lấy cách sống và tương lai của mình, thì đều phải dứt khoát tư tưởng và hành động: một, phải hiểu rõ bản chất và thủ đoạn duy trì quyền lực của các chế độ độc tài; hai, suy nghĩ triệt để nhưng hành xử dung dị, linh động và mềm mỏng như nước, đặc biệt là đối với chế độ cường quyền; ba, có viễn kiến cho mục tiêu dài hạn nhưng không quên nỗ lực tối đa để đạt cho được từng mục tiêu cụ thể cho các chiến lược ngắn hạn. Người dân Hồng Kông đã và đang thực hiện các nguyên tắc đấu tranh này một cách linh động, sáng tạo và hiệu quả, đáng để cho các dân tộc khác vọng tự do học hỏi.
Gần 1000 người Hồng Kông bị bắt kể từ các cuộc biểu tình trong thời gian qua [9]. Khi chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh càng ra tay đàn áp, người dân Hồng Kông và khắp thế giới càng hiểu rõ bộ mặt của những người đứng sau các quyết định này. Những nhà hoạt động Hồng Kông cho biết Hồng Kông cần một cuộc cách mạng thì mới có thể tạo thay đổi, và không có cuộc cách mạng nào không có đổ máu, hy sinh, và chỉ có cách mạng mới cứu được Hồng Kông nếu chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh tiếp tục sử dụng bạo lực đối với người biểu tình. Tuy xả thân vì đại cuộc là quan trọng, bạo lực là con dao hai lưỡi, và chỉ nên dùng trong tình huống tự vệ. Bằng tinh thần ôn hòa, nếu chỉ 10 ngàn người trong số gần hai triệu người từng biểu tình, sẵn sàng ngồi tù trong thời gian tới, nó có khả năng tạo khủng hoảng đối với chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh về mặt pháp lý, hành chánh và sau cùng là chính trị và kinh tế.
Cuộc đấu tranh của người Hồng Kông cho đến nay thật là phi quy ước và đầy sáng tạo. Họ đã đi khắp nơi, đến Liên Hiệp Quốc, đến Hoa Kỳ, Âu châu, Úc v.v… để đẩy cuộc đấu tranh này lên bình diện toàn cầu. Joshua Wong đã đến Đài Loan cách đây vài hôm để vận động toàn quốc gia này ủng hộ cuộc đấu tranh của họ [10].
Để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh, phong trào dân chủ Hồng Kông hiểu rằng hai triệu người Hồng Kông, hay ngay cả toàn dân Hồng Kông 7,5 triệu, cũng không thể chống cự lại sức mạnh của Bắc Kinh. Do đó họ đi tìm đồng minh của thế giới tự do khắp nơi [11]. Người dân Hồng Kông thừa hiểu quyết định chính thức rút lại dự luật dẫn độ là một sự nhượng bộ mang tính chiến thuật chứ họ hoàn toàn không ngây thơ về chủ tâm của bà Carrie Lam, và Bắc Kinh [12]. Cuộc đấu tranh của họ chỉ có một chọn lựa duy nhất: tiến về phía trước bằng mọi giá, bây giờ hay không bao giờ. Bắc Kinh thừa hiểu chuyện này, và biết rằng nếu chỉ rút lại dự luật dẫn độ mà không đếm xỉa gì đến bốn yêu cầu khác của người Hồng Kông, thì cuộc biểu tình vẫn sẽ tiếp tục. Với nước cờ này, Bắc Kinh chắc sẽ biện giải rằng quyết định đưa quân đội vào với mục tiêu “thiết lập trật tự” là hoàn toàn chính đáng?
Nếu thế giới văn minh và dân chủ không mạnh mẽ lên tiếng trong những ngày tới thì tôi quan ngại rằng chủ trương dứt khoát “tự do hay là chết” sẽ đụng độ với chủ trương “Hồng Kông là chuyện nội bộ của Trung Quốc”. Nếu diễn ra một Thiên An Môn nữa, điều mà tôi cầu mong không xảy ra, thì cục diện thế giới sẽ thay đổi sâu sắc.
Phạm Phú Khải
Blog VOA
Tài liệu tham khảo:
1. AP, Reuters, “Các nhà hoạt động Hong Kong được tại ngoại, tuần hành bị cấm”, VOA Tiếng Việt, 30 August 2019.
2. Erin Hale and Lily Kuo, “Hong Kong protests: Joshua Wong and other pro-democracy figures arrested”, The Guardian, 30 August 2019.
3. Phạm Phú Khải, “Trần Kiều Ngọc trò chuyện cùng Hoàng Chí Phong”, VOA Tiếng Việt, 29 August 2019. Joshua cũng đã cảm ơn người Việt hỗ trợ tinh thần cho người dân Hồng Kông trong cuộc đấu tranh này.
4. Joshua Wong and Alex Chow, “Joshua Wong and Alex Chow: The People of Hong Kong Will Not Be Cowed by China”, The New York Times, 31 August 2019.
5. Erin Hale and Emma Graham-Harrison, “Hong Kong protesters join hands in 30-mile human chain”, The Guardian, 24 August 2019.
6. Mike Ives, Ezra Cheung and Elsie Chen, “Chaos Grips Hong Kong’s Airport as Police Clash With Protesters”, The New York Times, 12 August 2019.
7. James Griffiths, “Beijing says Hong Kong protests 'show signs of terrorism.' If you only watch state media, you probably agree”, CNN, 14 August 2019.
8. Phạm Phú Khải, “Dân chủ? Hãy như nước!”, VOA Tiếng Việt, 4 May 2018.
9. Verna Yu, “Hong Kong: ‘Revolution is war, and no war is without bloodshed’”, The Guardian/The Observer, 1 September 2019.
10. Samson Ellis, “Hong Kong’s Joshua Wong Visits Taiwan to Meet With Ruling Party”, Bloomberg, 3 September 2019.
11. Bang Xiao, “Hong Kong student protest delegation arrives in Australia amid fears of 'another Tiananmen Square'”, ABC News, 5 September 2019.
12. Bill Burtles, “Hongkongers vow to continue protests as Carrie Lam backdown shocks mainland Chinese”, ABC News, 5 September 2019.
1. AP, Reuters, “Các nhà hoạt động Hong Kong được tại ngoại, tuần hành bị cấm”, VOA Tiếng Việt, 30 August 2019.
2. Erin Hale and Lily Kuo, “Hong Kong protests: Joshua Wong and other pro-democracy figures arrested”, The Guardian, 30 August 2019.
3. Phạm Phú Khải, “Trần Kiều Ngọc trò chuyện cùng Hoàng Chí Phong”, VOA Tiếng Việt, 29 August 2019. Joshua cũng đã cảm ơn người Việt hỗ trợ tinh thần cho người dân Hồng Kông trong cuộc đấu tranh này.
4. Joshua Wong and Alex Chow, “Joshua Wong and Alex Chow: The People of Hong Kong Will Not Be Cowed by China”, The New York Times, 31 August 2019.
5. Erin Hale and Emma Graham-Harrison, “Hong Kong protesters join hands in 30-mile human chain”, The Guardian, 24 August 2019.
6. Mike Ives, Ezra Cheung and Elsie Chen, “Chaos Grips Hong Kong’s Airport as Police Clash With Protesters”, The New York Times, 12 August 2019.
7. James Griffiths, “Beijing says Hong Kong protests 'show signs of terrorism.' If you only watch state media, you probably agree”, CNN, 14 August 2019.
8. Phạm Phú Khải, “Dân chủ? Hãy như nước!”, VOA Tiếng Việt, 4 May 2018.
9. Verna Yu, “Hong Kong: ‘Revolution is war, and no war is without bloodshed’”, The Guardian/The Observer, 1 September 2019.
10. Samson Ellis, “Hong Kong’s Joshua Wong Visits Taiwan to Meet With Ruling Party”, Bloomberg, 3 September 2019.
11. Bang Xiao, “Hong Kong student protest delegation arrives in Australia amid fears of 'another Tiananmen Square'”, ABC News, 5 September 2019.
12. Bill Burtles, “Hongkongers vow to continue protests as Carrie Lam backdown shocks mainland Chinese”, ABC News, 5 September 2019.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét