Diễn biến mới ở khu vực gần lô dầu 06.1 và Bãi Tư Chính - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

Diễn biến mới ở khu vực gần lô dầu 06.1 và Bãi Tư Chính


Bản đồ hai điểm nóng trong gần 3 tháng qua tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (Nguồn: AMTI/CSIS).

Như chúng ta đã biết, lô dầu 06.1 của liên doanh Việt Nam - Nga - Ấn Độ là nơi đang diễn ra hoạt động giàn khoan Hakuryu-5. Lô 06.1 nằm ở phía tây bắc Bãi Tư Chính trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam. Đây là một trong hai điểm nóng trong suốt gần ba tháng vừa qua, với một chiến dịch xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam của tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 cùng các tàu cảnh sát biển được trang bị vũ khí hạng nặng và tàu dân binh Trung Quốc.

Dư luận chú ý nhiều hơn tới các hoạt động khảo sát đan áo dày đặc của nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía đông bắc Bãi Tư Chính và cách Bãi Tư Chính vài chục hải lý. Nhưng trước khi nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 tới vùng biển Việt Nam ngày 3/7, thì từ ngày 16/6, đã có ít nhất hai tàu hải cảnh 35111 và 3402 hiện diện ở khu vực lô dầu 06.1, với những hành vi khiêu khích, cản trở hoạt động của giàn khoan, thường xuyên ở cự ly rất gần với các tàu hỗ trợ hoạt động giàn khoan của Việt Nam.

Trong khi khu vực nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 hoạt động có những lúc ngưng nghỉ thì khu vực gần lô dầu 06.1 chưa từng có một ngày thiếu bóng tàu hải cảnh Trung Quốc kể từ ngày 16/6 tới nay. Khi tàu hải cảnh 35111 và 3402 rút đi thì có tàu hải cảnh 46301 thay thế.

Cho đến sáng ngày hôm nay, ngày 5/9, tàu hải cảnh 46301 đã rút về Đá Chữ Thập. Theo dõi qua AIS, hiện không còn tàu hải cảnh Trung Quốc ở khu vực lô dầu 06.1 (dù vậy, chúng tôi cũng không thể kết luận là tàu Trung Quốc đã thật rút hoàn toàn khỏi khu vực này vì rất có thể có tàu tắt AIS để lẩn tránh sự theo dõi của các ứng dụng theo dõi hàng hải).

Các tàu tham gia hỗ trợ hoạt động dầu khí của Việt Nam vẫn hiện diện khá nhiều ở khu vực gần Bãi Tư Chính, trong bể Nam Côn Sơn, gợi ý các hoạt động dầu khí ở đây vẫn đang diễn ra tích cực. Ngoài hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 ở lô dầu 06.1 thì mới đây, Việt Nam cũng đã hạ đặt chân đế giàn công nghệ trung tâm Sao Vàng ở mỏ dầu Sao Vàng - Đại Nguyệt nằm sâu trong bờ biển Việt Nam.

Chúng ta vẫn sẽ phải tiếp tục theo dõi xem nhóm tàu Trung Quốc có quay trở lại sau khi đã tạm nghỉ ở Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.

Nhắc đến Đá Chữ Thập, thì đây cũng là nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền, và do vậy theo lập trường của Việt Nam, các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Đá Chữ Thập mà không được sự cho phép của Việt Nam được coi là bất hợp pháp.

Đá Chữ Thập bị Trung Quốc chiếm vào đầu năm 1988 sau khi dùng 4 tàu chiến chặn các tàu công binh của Việt Nam tiến vào. Chúng tôi sẽ có bài viết cụ thể về Đá Chữ Thập trong một dịp sau.

Tàu hải cảnh 46301 (được nguỵ danh bởi tên Chinacoastguard5303) đang neo đậu ở Đá Chữ Thập cùng với nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8.
Hiện trạng khu vực bể Nam Côn Sơn và Bãi Tư Chính sáng ngày 5/9.


Dự án ĐSK Biển Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad