Khối u ‘doanh nghiệp Nhà Nước’ cần phải cắt bỏ thế nào? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

Khối u ‘doanh nghiệp Nhà Nước’ cần phải cắt bỏ thế nào?


Báo chí Việt Nam loan tin Hội Nghị Chuyên Đề về đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Doanh Nghiệp Quốc Doanh, hay Doanh Nghiệp Nhà Nước, sẽ được tổ chức cuối tháng Chín đầu tháng Mười tới đây.

Hình minh hoạ. Một người đạp xe qua một biển hiệu của công ty Quân đội Viettel ở Hà Nội hôm 30/1/2007


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Tin cho hay phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu các bộ và cơ quan ngang bộ thuộc chính phủ là trước ngày 25 tháng Chín phải hoàn tất báo cáo lên Bộ Tài Chính cũng như Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, đánh giá tình hình triển khai phương án tái cơ cấu đã được cấp thẩm quyền phê duyệt từ năm 2016.

Ngoài Bộ Tài Chính và Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, các bộ khác được nhắc đến là Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây Dựng, Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, Bộ Nội Vụ, Bộ Lao Động,Thương Binh Và Xã Hội.

Về phía các cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc chính phủ còn có Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Theo tin thì tại Hội Nghị Chuyên Đề do ông Vương Đình Huệ đề nghị, dựa trên cơ sở báo cáo từ các đơn vị được nêu tên, Bộ Tài Chính sẽ xây dựng và trình bày tổng hợp về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp quốc doanh dựa cơ sở trên các báo cáo từ các đơn vị được nêu tên ở đây

Đây không phải lần đầu tiên việc đổi mới và tái cơ cấu Doanh Nghiệp Nhà Nước, mà các chuyên gia lẫn giới quan sát kinh tế tài chính đánh giá là một cỗ máy cồng kềnh và yếu kém, được nói đến một cách khá là qui mô như lần này.

Chủ trương cổ phần hóa mấy mươi năm nay vì không có người chỉ đạo dứt khoát để mà làm. Mấy ông chủ tịch, tổng giám đốc mấy công ty nhà nước ấy sợ mất quyền mất chức đâu có chịu làm. Chỉ đạo không quyết liệt, cuối cùng nó kẹt trong vấn đề tổ chức, mấy ông trong đảng ông này nể nang ông kia, ông kia nể nang ông nọ, rồi vướng mắc chi bộ này kia, nói không ai nghe ai.

-Chuyên gia Bùi Kiến Thành
Chuyên gia kinh tế, tài chính, giới nghiên cứu độc lập nghĩ gì và góp ý như thế nào?

Hơn 4 thập kỷ qua, Doanh Nghiệp Nhà Nước tuy có mang lợi ích nhưng sự tổn thất gây ra cho đất nước cũng không nhỏ, là nhận định của chuyên gia ngân hàng và tài chính Nguyễn Trí Hiếu:

Việt Nam là một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các doanh nghiệp có vốn Nhà Nước  vẫn giữ vai trò chủ đạo, thể hiện qua việc nắm giữ những vị trí, những nguồn lực quan trọng, những quyền lợi đặc biệt để vận hành doanh nghiệp của họ. Cách đây 40 năm nền kinh tế Việt Nam rất èo uột, chỉ có doanh nghiệp có vốn Nhà Nước hoặc Doanh Nghiệp Nhà Nước vận hành trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp đó đã đóng góp rất nhiều, biến nền kinh tế Việt Nam từ lạc hậu  và một trong những nước nghéo nhất thế giới trở thành một nền kinh tế có 250 tỷ đô la GDP thuộc hàng các nước có thu nhập trung bình.

Mặt trái của các doanh nghiệp có vốn Nhà Nước là không vận hành theo yêu cầu thị trường mà vận hành theo chỉ đạo của chính phủ. Vì họ là những đứa con cưng của chính phủ nên trong hoàn cảnh nào đó, tại địa phương nào đó họ tạo ra những khó khăn về mặt kinh tế. Các doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả, không theo cung cầu không theo thị hiếu của thị trường, nhiều doanh nghiệp thua lỗ trong mấy chục năm qua. Sự thua lỗ đó đưa đến những thất thoát nguồn vốn chính phủ, chi phí của những doanh nghiệp đó quá cao, người lao động không được trả lương phù hợp. Một điều nữa ai cũng biết Doanh Nghiệp Nhà Nước là những doanh nghiệp dễ dàng trở thành đối tượng của tham nhũng. Tất cả những điều đó đều bất lợi cho nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, cơ cấu lại Doanh Nghiệp Nhà Nước thì trước hết phải đặt người vào đúng chỗ:

Nói chung vấn đề Doanh Nghiệp Nhà Nước là do vấn đề bố trí nhân lực, toàn là đảng viên vào đó làm mà đảng viên thì chuyên về chính trị, chạy chức chạy quyền. Còn đảng viên thật sự có năng lực điều khiển doanh nghiệp đếm trên bàn tay được bao nhiêu người. Nguyên nhân sự hoạt động không hiệu quả của Doanh Nghiệp Nhà Nước là như vậy.

Vì sao không hiệu quả mà vẫn phải duy trì rồi tính chuyện đổi mới hoặc nâng cao năng lực, lại còn huy động tất cả bộ ngành ban bệ của nhà nước vào phương án? Chuyên gia kiêm nhà tư vấn kinh tế Bùi Kiến Thành nhắc lại trên tất cả vấn đề then chốt vẫn nằm ở chỗ bố trí nhân lực:

Một số Doanh Nghiệp Nhà Nước cần duy trì vì tư nhân chưa làm được, ví dụ vấn đề cung cấp điện lực cho cả nước hay những công ty có tính chất công ích. Ngoài ra thì mấy chục năm nay đã có chủ trương về cổ phần hóa, không dám nói “tư nhân hóa” vì động chạm đến vấn đề tư duy. Chủ trương cổ phần hóa mấy mươi năm nay tại sao không làm vì không có người chỉ đạo dứt khoát để mà làm. Mấy ông chủ tịch, tổng giám đốc mấy công ty nhà nước ấy sợ mất quyền mất chức đâu có chịu làm. Vấn đề là chỉ đạo không quyết liệt, cuối cùng nó kẹt trong vấn đề tổ chức, mấy ông trong đảng ông này nể nang ông kia, ông kia nể nang ông nọ, rồi vướng mắc chi bộ này kia, nói không ai nghe.

RFA/internet
Vẫn theo lời ông Bùi Kiến Thành, từ lâu Việt Nam đã có một ủy ban trung ương về quản lý Doanh Nghiệp Nhà Nước nhưng:

Tại sao lập ủy ban ra rồi bây giờ mới ngồi lại mà bàn với bộ này bộ khác? Mấy ông bộ trưởng đó là từ bí thư tỉnh, quận rồi lên làm bộ trưởng chứ thật sự có học quản lý hồi nào đâu. Hội lại bộ này bộ nọ cũng chỉ là ngồi bàn với nhau mà không giải quyết được gì cả. Cái quan trọng nhất là Nghị Quyết Trung Ương Khóa X của đảng cách đây mười mấy năm rồi, là mở ra vấn đề quản lý nhà nước, mở vấn đề hành chính cho tất cả những người có năng lực trong đảng cũng như ngoài đảng, trong nước cũng như ngoài nước. Đã có Nghị Quyết Trung Ương như thế mà không làm thì sao mà bố trí người có tài có lực.

Chỉ riêng việc cứ phải họp rồi hội nghị hết năm này sang năm khác để nâng cao năng lực và hiệu quả của Doanh Nghiệp Nhà Nước đủ thấy đây là một việc hết sức khó khăn, dù cố gắng thế nào thì kết quả cũng không được như mong muốn, không dễ dàng, là ý kiến của chuyên gia kinh tế cũng là nhà nghiên cứu độc lập Phạm Chi Lan:

Đầu năm nay thì đảng cộng sản Việt Nam, trung ương đảng, cũng ra Nghị Quyết số 39, đặt trong tâm vào việc nâng cao hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế. Tôi nghĩ việc đó càng cho thấy rõ cần cải thiện rất nhiều về mặt Doanh Nghiệp Nhà Nước sử dụng các nguồn lực.

Mấy năm vừa rồi thì cũng có những trường hợp như là 12 dự án do Bộ Công Thương quản lý mà thua lỗ nặng nế, không hoạt động được, kể cả những cái chưa quyết toán xong, nhà máy chưa hoạt động mà cũng đã thấy là không thể có hiệu quả nỗi. Mấy năm trời không xử lý hết 12 dự án này, chứng tỏ gánh nặng của Doanh Nghiệp Nhà Nước đối với kinh tế như thế nào.


Những trường hợp nào mà Doanh Nghiệp Nhà Nước không thể gượng được nữa, sự tồn tại của nó không thể mang lại hiệu quả thay đổi lớn được thì có lẽ nên thúc đẩy cổ phần hóa, bán được thì cứ bán. Trường hợp mà thua lỗ nặng nề quá thì nên cho họ phá sản.

-Bà Phạm Chi Lan
Tất nhiên trong số các Doanh Nghiệp Nhà Nước thì cũng đôi ba cái hoạt động có hiệu quả và được biểu dương, bà Phạm Chi Lan nhắc nhở, thí dụ Tập Đoàn Viettel chẳng hạn:

Tập Đoàn Viettel đầu tư trong nước, đầu tư ra nước ngoài và có kết quả rất đáng khích lệ, hoặc một số tập đoàn khác cũng có cố gắng cải thiện dần. Nhưng mà nhìn chung, bức tranh chung của Doanh Nghiệp Nhà Nước còn rất đáng lo ngại.

Đối với đề xuất của phó thủ tướng Vương Đình Huệ về
Hội Nghị Chuyên Đề cuối tháng này để các bộ ngành báo cáo phương án tái cơ cấu Doanh Nghiệp Quốc Doanh, đồng thời tham luận việc nâng cao năng lực và hiệu quả, bà Phạm Chi Lan nói bà tin rằng lần này phó thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ đặt vấn đề trên góc độ Việt Nam đang tham gia và có những cam kết mạnh mẽ trong các Hiệp Định Thương Mại FTA mới:

Thí dụ như CPTTP hoặc EVFTA thì đều có những đòi hỏi như minh bạch hóa các hoạt động của Doanh Nghiệp Nhà Nước, đặt Doanh Nghiệp Nhà Nước trên nền tảng các nguyên tắc thị trường, cạnh tranh sòng phẳng so với các doanh nghiệp khác. Phải hết sức minh bạch cho xã hội và cho các nước liên quan có thể giám sát. Có lẽ trong bối cảnh đó cho nên phó thủ tướng Vương Đình Huệ phải họp  và tôi chắc sẽ nhấn mạnh vào khía cạnh đó, đòi hỏi các Doanh Nghiệp Nhà Nước phải hoạt động có hiệu quả hơn.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cổ phần hóa là giải pháp quan trọng nhất trong việc cơ cấu lại Doanh Nghiệp Nhà Nước. Chuyện này được nói đến từ lâu, chuyên gia góp ý cũng đã nhiều, nhưng cái mà Việt Nam bị vướng mắc là:

Theo ngôn từ xã hội chủ nghĩa dùng từ “tư nhân hóa” là rất kỵ và họ dùng từ cổ phần hóa (Equitization), thay vì nằm trong tay chính phủ thì bán những cổ phần đó ra xã hội cho những thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp được cổ phần hóa, được tái cơ cấu thì tỷ lệ cổ phần của chính phủ vẫn nắm phần lớn. Rất tiếc việc tái cơ cấu rất chậm, nó mang tính chất nhạy cảm nhưng thực tế là các lãnh đạo Doanh Nghiệp Nhà Nước không muốn thực hiện việc cổ phần hóa vì muốn giữ vị trí của họ, giữ nồi cơm của họ.

Một điều cũng rất quan trọng nữa, cổ phần hóa không phải là dễ dàng. Một doanh nghiệp đã hoạt động hàng chục năm nay rồi, có cả một hệ thống, một cơ chế, bộ máy các đơn vị vận hành, có chân rết có quan hệ mua bán liên quan đến các doanh nghiệp khác. Bây giờ cổ phần hóa có nghĩa cả bộ máy đó phải thay đổi, việc các lãnh đạo của các doanh nghiệp có vốn nhà nước phản ứng ngược lại với kế hoạch của chính phủ cũng là điều tất nhiên. Cuối cùng nó cũng nằm trong cái thể chế của Việt Nam là một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngôn từ xã hội chủ nghĩa rất kỵ từ “tư nhân hóa” và họ dùng từ cổ phần hóa (Equitization). Rất tiếc việc tái cơ cấu rất chậm, nó mang tính chất nhạy cảm nhưng thực tế là các lãnh đạo Doanh Nghiệp Nhà Nước không muốn thực hiện việc cổ phần hóa vì muốn giữ vị trí của họ, giữ nồi cơm của họ.

-TS. Nguyễn Trí Hiếu
Được biết tại Hội Nghị Chuyên Đề nhằm đồi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Doanh Nghiệp Nhà Nước dự trù cuối tháng này, Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường sẽ báo cáo về thực trạng và kết quả giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong phương án cổ phần hóa, thoái vốn. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, Bộ Xây Dựng, Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, Bộ Lao Động Thương Binh Và Xã Hội cũng như Bộ Nội Vụ sẽ có bài tham luận trước hội nghị.

Đối với chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, chỉ nói và nghe mà không quyết liệt hành động quả là không đáng. Nhà nghiên cứu độc lập Phạm Chi Lan cũng góp ý mạnh mẽ hơn:

Những trường hợp nào mà Doanh Nghiệp Nhà Nước không thể gượng được nữa, sự tồn tại của nó không thể mang lại hiệu quả thay đổi lớn được thì có lẽ nên thúc đẩy cổ phần hóa, bán được thì cứ bán. Trường hợp mà thua lỗ nặng nề quá thì nên cho họ phá sản.

Bà Phạm Chi Lan nói rõ nếu giữ mãi các Doanh Nghiệp Nhà Nước mà quá trình cổ phần hóa khó khăn nhọc nhằn như thời gian vừa qua thì tiếp tục làm đọng lại phần tài sản rất lớn do các Doanh Nghiệp Nhà Nước sử dụng và gây ảnh hưởng chung tới nền kinh tế cũng như tiếp tục chèn lấn các doanh nghiệp khác khiến họ không phát triển được. Thà duy trì một số ít Doanh Nghiệp Nhà Nước trong những lãnh vực thật cần còn hơn là để quá nhiều như hiện nay. Nhà Nước nên chủ động giảm bớt gánh nặng của mình, thậm chí cho họ phá sản đi để may chăng còn có thể có hiệu quả hơn.


Thanh Trúc
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad