Hôm 21/9, lễ ký kết đầu tư và ra mắt dự án mạng xã hội Astra được tổ chức tại Trung tâm Hội Nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) với hơn 1.500 khách mời là các nhà đầu tư và các đối tác mạng. Dự kiến bản beta mạng này sẽ ra mắt vào cuối tháng 11/2019.
Mạng Astra sẽ tập trung vào lĩnh vực du lịch.
Theo truyền thông trong nước, trước đó, trong chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 3 phát sóng tối 18/9, CEO của Astra, ông Nguyễn Tiệp đã gửi đến nhà đầu tư lời mời 1 triệu USD cho 10% cổ phần, với tham vọng chiếm 5% thị phần du lịch online toàn cầu, trở thành một trong những công ty công nghệ du lịch hàng đầu thế giới và khu vực trong vòng 5 năm tới.
Theo facebook Astra Network, mạng này được Shark Phạm Thành Hưng rót vốn 1 triệu USD, và sẽ có mô hình trả thưởng cho những người dùng đóng góp nội dung chất lượng bằng việc ứng dụng công nghệ blockchain.
Trước đây một tuần, Lotus - mạng xã hội do Công ty Cổ phần VCCorp nghiên cứu, phát triển - cũng đã ra mắt với tham vọng thu hút được khoảng 50 triệu người dùng thường xuyên.
Việc ra đời của mạng xã hội Lotus thu hút nhiều chú ý được cho là vì nó ra đời ngay sau khi ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều lần kêu gọi Việt Nam xây dựng mạng xã hội ''nhà trồng'' để cạnh tranh, không cho các mạng xã hội nước ngoài thu thập toàn bộ thông tin về người Việt.
Ra đời hoành tráng, trải nghiệm buồn tẻ
Nhận xét về mạng xã hội Lotus, TS Nguyễn Đức An - Phó Giáo sư ngành Báo chí tại Đại học Bournemouth (Anh), nói với BBC tiếng Việt hôm 19/9 rằng, cần thêm thời gian để có thể nhận định kỹ lưỡng hơn về khả năng thành công của Lotus.
"Trên thực tế, họ ra mắt rầm rộ nhưng có lẽ là hơi vội vì hiện vẫn chưa có giao diện trên web, chỉ là một ứng dụng trên thiết bị di động," ông An nói.
Tuy nhiên, ông An nhận xét sơ khởi rằng, hai cột trụ mà Lotus muốn xây dựng để thu hút người dùng - nội dung và sự trải nghiệm của người dùng - "thất bại ngay từ vài quan sát trực quan ban đầu".
''Ai vào trang chủ, sẽ thấy màu sắc và đồ hoạ hơi loè loẹt, buồn tẻ và quan trọng nhất là thiếu tính trực quan. Ai tiến bước nữa để vào ứng dụng thì thấy cấu trúc giao diện không có sắc thái gì riêng, trông cũng hao hao giống Facebook hay Twitter.''
''Còn nội dung thì có vẻ rất nhiều thứ vô thưởng vô phạt, với lượng tin bài gái xinh-trai đẹp và những chuyện cướp-giết -hiếp chiếm tỉ trọng lớn. "Dòng trạng thái đầu tiên tôi nhận trên Lotus là hình ảnh từ một tài khoản gọi là Hội Gái xinh Việt Nam."
"Cảm giác những người đang làm Lotus đang cố tạo ra những cái buzz chứ không phải là những người quá thành thạo về việc phát triển mạng xã hội. Ngay cả về tính năng cũng rất thiếu soát như Lotus định hướng desktop, trong khi truy cập mạng xã hội bằng moblie hiện chiếm số lượng áp đảo" - ông nói.
Cùng ngày, ông Lê Ngọc Sơn (Chuyên gia truyền thông, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức), trong khi đó, cho BBC tiếng Việt biết dù ông rất ủng hộ việc xây dựng và phát triển một mạng xã hội của Việt Nam, nhưng cảm nhận ban đầu về Lotus là có quá nhiều lỗi về kỹ thuật. Bên cạnh đó, có một số nghịch lý đáng chú ý.
""Chẳng hạn, tuyên ngôn của Lotus là mạng xã hội thuần Việt, nhưng lại có tên tiếng Anh - Lotus, thuần Việt phải là "Sen" chứ?. Thứ hai, họ nói là mạng xã hội dựa trên nội dung, nhưng nội dung kiểu gì mà khi vào thì toàn nội dung rẻ tiền; không hấp dẫn để người dùng tạo nội dung trên đó. Mạng xã hội này đang có cách tiếp cận chưa ổn về thực tiễn. Họ nhắm đến những người có ảnh hưởng trên mạng (Key opinon leaders - KOLs), họ mời đến buổi ra mắt của họ cũng như đề cập nhiều đến chuyện này trong các quảng cáo của họ. Nhưng vấn đề là họ muốn nhắm đến KOLs hay nhắm đến người dùng? Trong khi mạng xã hội tồn tại được là nhờ người dùng và chính người dùng tạo ra các KOLs chứ không phải ngược lại. Tôi cho rằng, cách tiếp cận như vậy là "khôn" nhưng chưa "ngoan."
Mạng xã hội hay chỉ là mạng nội dung?
Lotus ra đời với triết lý "Content is King" (Nội dung là vua), với sự hậu thuẫn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, người lâu nay luôn nghĩ đến việc tạo ra mạng xã hội mới thay Facebook vì triết lý của Facebook giờ không còn phù hợp với thế giới nữa.
Tuy nhiên, với nhãn quan của một người nghiên cứu về báo chí, TS Nguyễn Đức An cho rằng, đây là một xuất phát điểm không ăn nhập, nếu không nói là trái ngược với yếu tố 'xã hội'" trong 'mạng xã hội.'
Ông nói với BBC Việt ngữ:
"Lotus bắt đầu từ nội dung để lôi kéo sự tương tác. Trong khi mô hình mạng xã hội lâu nay là ngược lại. Họ không bắt đầu từ nhu cầu thông tin hay nội dung mà từ một nhu cầu rất con người: nhu cầu được thấy mình đang sống giữa cộng đồng (a sense of belonging). Trên cơ sở đó, họ xây dựng một nền tảng (platform) giúp người dùng được tự do tương tác, biểu đạt với thế giới bên ngoài, để họ thoả mãn nhu cầu sống giữa cộng đồng đó. Nội dung đến từ các tương tác xã hội, chứ không phải ngược lại.
Đó là lý do vì sao Facebook trở thành hãng truyền thông lớn nhất thế giới mà không hề sản xuất một tí nội dung nào. Với mạng xã hội, nền tảng là vua, chứ không phải nội dung là vua."
Với mạng xã hội, nền tảng là vua, chứ không phải nội dung là vua."
PGS-TS Nguyễn Đức An, Đại học Bournemouth (Anh)
TS An nói thêm:PGS-TS Nguyễn Đức An, Đại học Bournemouth (Anh)
"Ở thời điểm này, tôi chỉ có thể nói, về bản chất, Lotus giống như một trang web tích tụ thông tin từ các nguồn họ tự tổ chức sản xuất hoặc thu thập từ nguồn khác, có bổ sung thêm tính năng khuyến khích người dùng đánh giá, chia sẻ nội dung thông qua hệ thống thu lượm và đổi chác token. Nói cách khác, là một tờ báo với giao diện có vẻ như của mạng xã hội. Yếu tố kết nối và tương tác xã hội giữa người với người gần như mờ nhạt, thứ yếu. Triết lý đó rõ ràng là không thích hợp với môi trường số. Và nên gọi đó là mạng nội dung thì đúng hơn. Đó là tôi chưa nói đến chuyện, nội dung được chia sẻ trên đó như thế nào."
Còn ông Kevin Doan nhận xét, không chỉ Lotus mà các mạng xã hội "Made in Vietnam" thời gian qua "đang cố tìm ra một con đường ngắn nhất để tạo ra một phần mềm và từ đó, đẩy lên mạng, chứ chưa thấy bóng dáng của khả năng và kinh nghiệm trong việc xây dựng một cộng đồng số cũng như nghiên cứu các hành vi của con người để tìm ra con đường đi chiến lược của mình."
Cũng theo ông Kevin Doan, do chưa đầu tư về tính năng để đáp ứng nhu cầu cơ bản về mặt xã hội nên hầu hết đều tuyên bố họ dựa vào content. Tuy nhiên, định hướng các mạng này về content lại khá thiên lệch. Điểm đóng góp quan trọng của mạng xã hội thời gian qua là đưa ra được những tiếng nói trái chiều. Để từ đó, có những vụ việc mà trước đây, cố gắng đến mấy cũng khó tạo nên sự thay đổi, thì nay, tiếng nói trên mạng xã hội đã tạo ra sức ép rất lớn với chính quyền và buộc chính quyền vào cuộc xử lý.
Cho nên, "một mạng xã hội nếu cố gắng tô vẽ mọi thứ cho đẹp và không sát với thực tế, thì sẽ không được người Việt Nam tin dùng. Khả năng phân việt đúng sai của người Việt Nam hiện nay rất cao, nên nếu làm content mà không đúng thực tế, người dùng sẽ nhận ra và tẩy chay", ông Kevin Doan nói.
'Nhà nhà làm mạng xã hội': Liệu có thành công?
Trở lại với xu hướng nhà nhà làm mạng xã hội bùng nổ trong gần một năm nay, TS Nguyễn Đức An nói cần phải xem lại trào lưu có vẻ thời thượng này.
Ông cho rằng, thay vì tìm cách thay thế người khổng lồ, có lẽ cách tốt hơn là tìm cách mượn đôi vai của người khổng lồ.
Nghĩa là, theo ông An, nếu Bộ Thông tin - Truyền thông nhắm mục tiêu đẩy lùi những cái mà họ gọi là tin giả, tin độc, thì họ nên tập trung xây dựng một hệ thống báo chí chính thống mạnh mẽ, đáng tin cậy và hợp nhịp sống số, rồi tận dụng các nền tảng xã hội đang thịnh như Facebook để phát tán, lưu truyền những cái mà họ cho là lành mạnh.
"Đừng nghĩ rằng Việt Nam có thể thành công như Trung Quốc đã làm dễ dàng với Weibo hay WeChat. Kích cỡ thị trường Việt Nam rất nhỏ so với hơn 1,4 tỉ dân Trung Quốc. Hơn nữa, các mạng xã hội Trung Quốc được hỗ trợ bởi chính sách chặn các mạng xã hội toàn cầu như Facebook và Twitter, từ cái thời mà các mạng này vẫn còn chưa lớn mạnh như bây giờ," ông An nói.
Ông Kevin Doan thì nhận xét, từ trước đến nay, chính phủ Việt Nam luôn coi trọng việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội và đã có một số ký kết với một số các công ty truyền thông lớn như Facebook, Google để kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, tuy nhiên vẫn chưa được như ý.
Bởi vậy, chính phủ Việt Nam muốn có những kênh có thể hợp tác tốt hơn với chính phủ. Bên cạnh đó, việc quản lý thuế với các hoạt động quảng cáo của các mạng xã hội vẫn là một thách thức.
"Chủ trương này hợp lý khi đặt trong cái nhìn về lợi ích quốc gia; nhưng bên trong đó vẫn là những ý đồ kiểm soát thông tin nhằm bảo vệ chủ quyền chính trị"- ông Kevin Doan nhận định.
"Chủ trương này hợp lý khi đặt trong cái nhìn về lợi ích quốc gia; nhưng bên trong đó vẫn là những ý đồ kiểm soát thông tin nhằm bảo vệ chủ quyền chính trị"
Ông Kevin Doan, CEO & Founder Reputable Asia
Nhận định trên cũng được ông Lê Ngọc Sơn chia sẻ khi cho rằng, "bản chất của sự ra đời Lotus không hẳn nằm ở động cơ săn tìm lợi ích kinh tế truyền thông, thực chất nó là một chuyển động của nỗ lực kiếm tìm công cụ quản trị đám đông." Ông Kevin Doan, CEO & Founder Reputable Asia
Đi vào thị trường ngách: Hướng mới hay đường cũ?
Khác với Lotus, mạng xã hội Astra vừa được kết đầu tư nhắm vào một thị trường ngách là du lịch. Dẫu nhấn mạnh rằng, cần khuyến khích những người tạo ra những giá trị mới, ông Kevin Doan vẫn không mấy lạc quan như vậy về tương lai của các mạng xã hội ngách như vậy.
Ông viện dẫn một thực tế là, trên thế giới, mạng xã hội ngách rất nhiều. Khái niệm mạng xã hội ngách đã có từ 10 năm nay. Tuy nhiên, sau đó các mạng xã hội ngách đều chết yểu. Trên thực tế, chỉ có những mạng xã hội có sức lan tỏa trên toàn thế giới thì mới sống sót.
"Tôi không nghĩ, cơ hội cho mạng xã hội ngách đã hết, nhưng nếu chỉ đi theo khuynh hướng mạng xã hội thì sẽ rất khó. Astra là một start-up thiên về kinh doanh nên điểm mạnh của họ là có cơ chế kinh doanh rất rõ ràng, khác với các mạng trước đó dựa vào ưu thế và chiến lược kinh doanh của một công ty sẵn có. Tuy nhiên, họ có thể rất thành công trong kinh doanh nhưng thành công như một mạng xã hội hay không, đó lại là chuyện khác"- ông Kevin Doan nói.
Mạng xã hội nước ngoài có bị kiểm soát chặt hơn?
Vậy liệu sự nở rộ các mạng xã hội nhà trồng như vậy có dẫn đến việc chính quyền Việt Nam sẽ dần thắt chặt kiểm soát với các mạng xã hội nước ngoài hay không? Về chuyện này, ông Kevin Doan cho rằng, nếu một cơ chế hợp lý và khôn ngoan thì việc kiểm soát các mạng xã hội nước ngoài sẽ tỉ lệ thuận theo sự phát triển và được đón nhận của các mạng xã hội Việt Nam
Văn hóa chính trị Việt Nam và Trung Quốc là khác nhau nên khả năng cấm hoàn toàn mạng xã hội nước ngoài là không thể. Mặt khác, với sinh quyển truyền thông của Việt Nam hiện tại, việc cấm sẽ không dễ, thậm chí cấm sẽ dẫn đến tác dụng ngược.
Ông Lê Ngọc Sơn, Chuyên gia truyền thông, Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức
Còn ông Lê Ngọc Sơn thì nhấn mạnh: "Văn hóa chính trị và tầm vóc kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc là khác nhau nên khả năng cấm hoàn toàn mạng xã hội nước ngoài là không thể. Mặt khác, với sinh quyển truyền thông của Việt Nam hiện tại, việc cấm sẽ không dễ, thậm chí cấm sẽ dẫn đến tác dụng ngược. Hơn thế nữa, với sự hội nhập sâu của Việt Nam như hiện nay, tôi không tin Việt Nam sẽ làm như thế.Ông Lê Ngọc Sơn, Chuyên gia truyền thông, Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức
Tuy nhiên, càng ngày Việt Nam sẽ càng hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật để đưa hoạt động của mạng xã hội vào quy củ, nhất là với các hành động xâm hại lợi ích người khác, bất hợp pháp. Và tôi ủng hộ điều này. Tuy nhiên tất cả các hành động tạo hành lang pháp lý như vậy đều phải dựa trên hành lang pháp lý đúng đắn, hướng đến việc tạo điều kiện cho người dân có không gian diễn ngôn và hoạt động đúng pháp luật."
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét