Vấn nạn không thể thu hồi thuế bị doanh nghiệp nợ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

Vấn nạn không thể thu hồi thuế bị doanh nghiệp nợ


Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước, ngày 17/09/19


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Khóa 14, tại phiên họp thứ 37 cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Qua đó, Bộ Tài chính kiến nghị xóa nợ hơn 10 ngàn tỷ đồng tiền thuế không có khả năng thu hồi.

Tiền nợ thuế đến cuối năm 2018 là hơn 81 ngàn tỷ đồng

Tại phiên họp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước, vào ngày 17 tháng 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tính đến cuối năm 2018 nợ đọng thuế là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước đó.

Trong tổng số hơn 81 ngàn tỷ đồng nợ đọng thuế, tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7%. Có xấp xỉ gần 760 ngàn trường hợp người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự phá sản, giải thể, không hoạt động tại địa chỉ đã kinh doanh, gặp khó khăn bất khả kháng…

Hiện tại, Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Tuy nhiên, những trường hợp vừa nêu trên làm cho số tiền thuế chậm nộp ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê của Tổng Cục thuế Việt Nam, tính đến cuối năm 2018, tổng số tiền phạt chậm nộp và tiền thuế chậm nộp cơ quan quản lý thuế là 11.896 tỷ đồng.

Bộ Tài chính kiến nghị xóa nợ đối với số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 10.562 tỷ đồng và việc xóa nợ thuế nếu được thông qua sẽ thi hành từ ngày 1/1/2020 và được thực hiện trong thời hạn 3 năm.

Quốc hội vừa thông qua Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thì mới có phần xử lý nợ đọng thuế, tồn kho thuế. Còn những luật thuế trước đây là không có. Hiện nay hàng năm số nợ đọng thuế năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay nợ đọng thuế vào khoảng 81 nghìn tỷ. Cho nên việc thực thi cần sửa đổi về nợ đọng thuế thì Quốc hội cần phải ra nghị quyết xóa nợ, giãn nợ và khoanh nợ, đồng thời những tiền phạt chậm nộp thuế thì xử lý, chứ không phải xóa toàn bộ

-Tiến sĩ Ngô Trí Long
Theo Luật Quản lý thuế năm 2006 và đã qua 3 lần sửa đổi, cho đến nay vẫn chưa có quy định về xử lý nợ thuế đối với những người nộp thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh và thực sự không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Đài RFA trao đổi với Tiến sĩ Kinh tế Ngô Trí Long và được ông giải thích cặn kẻ hơn liên quan thông tin về nợ thuế không có khả năng thu hồi:

“Quốc hội vừa thông qua Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thì mới có phần xử lý nợ đọng thuế, tồn kho thuế. Còn những luật thuế trước đây là không có. Hiện nay hàng năm số nợ đọng thuế năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay nợ đọng thuế vào khoảng 81 nghìn tỷ. Cho nên việc thực thi cần sửa đổi về nợ đọng thuế thì Quốc hội cần phải ra nghị quyết xóa nợ, giãn nợ và khoanh nợ, đồng thời những tiền phạt chậm nộp thuế thì xử lý, chứ không phải xóa toàn bộ.”

Tác dụng của Nghị quyết

Theo quy định trong Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 vừa được Quốc hội thông qua thì chỉ áp dụng cho đối tượng nợ thuế phát sinh từ ngày 1/7/2020 trở đi, mà không áp dụng đối với các trường hợp nợ thuế phát sinh trước ngày này.

Ảnh minh họa Courtesy: Ảnh chụp màn hình congly.vn
Tiến sĩ Ngô Trí Long trình bày cách thức một khi Quốc hội biểu quyết thông qua “Nghị quyết của Quốc hội xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước”

“Quốc hội khi đồng ý rồi thì mới bắt đầu xử lý theo nghị quyết được thông qua, nhưng phần lớn Quốc hội theo Thường vụ Quốc hội, theo Chủ tịch là vì những loại phá sản hay chết rồi, những loại không có khả năng thanh toán…mất vậy thì thôi, đòi thế nào được nữa thì phải xử lý thôi. Còn loại tiền phạt mà nộp thì có xử lý thế nào hay không? Chỉ có những đối tượng trong điều kiện bất khả kháng thì người ta vẫn xử lý và không bắt phạt nữa. Có hai loại: một loại miễn giảm và xóa; loại thứ hai là nợ thuế bị phạt, mà mỗi ngày là 0,03% thì những đối tượng bị phạt đó đến nay không có khả năng trả được thì cũng sẽ được miễn cho, nhưng phải xét cụ thể từng trường hợp một. Và đối với ông Thủ tướng thì được quyết định xóa bao nhiêu tỷ, đối với Bộ Tài chính bao nhiêu tỷ, Tổng Cục trưởng Cục thuế bao nhiêu tỷ thì có quy định rất cụ thể.”

Ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế Việt Nam được báo giới quốc nội dẫn lời cho biết cơ quan này thu ngân sách năm 2018 đạt 1.146.933 tỷ đồng, tương đương 107,2% dự toán, tăng 12, 3% so với trong năm 2017.

Tuy nhiên, một hiện tượng đáng chú ý là có nhiều trường hợp thuộc diện nợ thuế khó thu hồi là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể như tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Cục Hải quan cho biết có hơn 1000 doanh nghiệp nợ thuế tính đến thời điểm đầu tháng 6 năm 2019, có nhiều doanh nghiệp FDI nợ thuế đã bỏ trốn; đặc biệt nhiều doanh nghiệp nợ thuế đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh và mặc dù Cục Hải quan TP.HCM đã áp dụng các biện pháp thu hồi thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế nhưng vẫn không hiệu quả.

Trả lời câu hỏi của RFA liên quan các trường hợp nợ thuế khó đòi này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ Tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Luật Gia Việt Nam (VLCAC) - Phó Chủ Tịch Hội Luật Gia Việt Nam cho biết Luật Quản lý thuế hiện hành có quy định rõ ràng:

Hiện nay, có nhiều cá nhân, tổ chức luôn luôn tìm cách né tránh nghĩa vụ nộp thuế đã trở thành một hiện tượng phổ biến. Tuy nhiên nếu như trốn thuế mà có dấu hiệu tội phạm thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, là phạt tiền. Không nộp hồ sơ thuế, không khai thuế, khai thuế sai và trốn tránh chuyện đó thì khi bị phát hiện sẽ bị tính thời hiệu bắt đầu vào thời điểm phát hiện để phục hồi hành vi trốn thuế đó

-Luật sư Nguyễn Văn Hậu
“Có quy định phần đó, quy định về trốn thuế và quy định về trách nhiệm hình sự của cá nhân. Hiện nay, có nhiều cá nhân, tổ chức luôn luôn tìm cách né tránh nghĩa vụ nộp thuế đã trở thành một hiện tượng phổ biến. Tuy nhiên nếu như trốn thuế mà có dấu hiệu tội phạm thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, là phạt tiền. Không nộp hồ sơ thuế, không khai thuế, khai thuế sai và trốn tránh chuyện đó thì khi bị phát hiện sẽ bị tính thời hiệu bắt đầu vào thời điểm phát hiện để phục hồi hành vi trốn thuế đó.”

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong phiên họp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, cũng yêu cầu cần phải tập trung, thanh tra kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế trong nhiệm vụ công tác quản lý thuế năm 2019.

Dự toán thu ngân sách năm 2019 được Quốc hội và Chính phủ đưa ra là 1.168.100 tỷ đồng và Tổng Cục thuế Việt Nam được giao trách nhiệm trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đảm bảo số nợ thuế không vượt quá 5% tổng số thu ngân sách năm 2019.

Với những mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đề ra trong lãnh vực về thu thuế ngân sách nhà nước, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng cần phải hoàn thiện Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước để làm sao cho công bằng và minh bạch vì đây là chính sách lớn nhằm thực thi nội dụng của Luật thuế hiện hành để có thể tác động đến việc thu thuế về cho ngân sách nhà nước, đồng thời cũng liên quan đến ý thức tuân thủ pháp luật về thuế cũng như đảm bảo sự công bằng của người nộp thuế. Còn Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng nêu quan điểm của ông rằng cần thiết phải phổ biến thông tin minh bạch danh sách các doanh nghiệp nợ thuế tại Việt Nam để có những biện pháp chế tài theo đúng quy định pháp luật, cũng như có thể giám sát và phát hiện những sai phạm của cán bộ ngành thuế trong việc bao che cho những doanh nghiệp nợ thuế kéo dài.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad