Vượt Qua Thay Đổi Khí Hậu ở Đông Nam Á bằng Kỹ Thuật Cổ Điển và Hiện Đại - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Vượt Qua Thay Đổi Khí Hậu ở Đông Nam Á bằng Kỹ Thuật Cổ Điển và Hiện Đại


Số đập tăng vọt trong lưu vực Mekong, như đập nầy ở Thái Lan, được dự đoán là sẽ thay đổi lưu lượng sông trong những năm sắp đến, có khả năng làm nhiều vùng trở nên khó sống. [Ảnh: Jack Kurtz/Zuma]

Keo Yeun gật đầu với 2 thanh sắt rồi với vũng nước đục ngầu gần đó. Vừa nhún vai vừa nói: “Nó không phải là phép thần thông. Tôi đang làm thí nghiệm về nước để sống còn.”

Keo sống trong một làng nhỏ ở gần khu đền Angkor Wat cổ kính của Cambodia, và cái ông đang làm cũng không kém phần tôn kính: tìm mạch nước hay tiên đoán về nước để giúp gia đình ông vượt qua đợt hạn hán khốc liệt nhất trong nhiều thập niên ở Đông Nam Á (ĐNA).

Ông bước qua mảnh đất khô với 2 thanh sắt được buộc một cách lỏng lẻo ở 1 đầu đặt ở gần ngực, chờ cho đầu kia bắt đầu di chuyển ra xa, báo hiệu (ông hy vọng) sự hiện diện của độ ẩm. Khi điều nầy xảy ra ở đâu, ông đào xuống đất ở đó. Nếu tìm được nước – và Keo cho biết ông thường tìm được – ông sẽ dùng để trồng hoa màu. Ông nói, 2 tuần trước, một tổ chức phi chánh phủ Nam Hàn huấn luyện cho ông phương pháp nầy. Tuy nhiên, không có cơ sở khoa học cho việc tìm mạch nước và hầu hết chuyên viên nói đây không phải là giải pháp cho khủng hoảng nước ở Á Châu. Jeremy Bird, tổng giám đốc của Viện Quản trị Nguồn nước Quốc tế (International Water management Institute (IWMI)) nói: “Cô tôi thường toát mồ hôi vì nó, nhưng tôi không biết đào 5 cái giếng có tốt hơn hay không. Bạn sẽ tìm được nước ở nhiều nơi, nhưng cái chánh là nó dùng được bao lâu, và không thầy bói nào có thể biết.”

Tình hình rất khốc liệt: Hạn hán 2015-2016 ảnh hưởng gần 100.000 gia đình ở nông thôn Cambodia, cùng với hàng triệu người ở các quốc gia lân bang, kể cả Việt Nam. Một hiện tượng El Niño mạnh bất thường, gây thiệt hại toàn cầu, là nguyên nhân của thời tiết cực đoan trong năm qua, nhưng các khoa học gia khí hậu nói rằng vùng Mekong (gồm có một phần của Trung Hoa, Cambodia, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Lào) đối mặt với một tương lai bấp bênh: mùa khô, mưa mùa, lũ lụt, giông tố và nước biển dâng dữ dội hơn. Virginia Burkett, khoa học gia trưởng về thay đổi khí hậu và sử dụng đất của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (U.S. Geological Survey) nói: “Đó là một trong những vùng có tình trạng hiểm nghèo nhất trên hành tinh.”

Hơn thế, sông Mekong hùng vĩ và môi trường của nó đang đối mặt với những thách thức vượt ra ngoài thay đổi khí hậu. Dòng sông đã chứng kiến sự bùng nổ của việc xây đập, bắt đầu ở thượng lưu Trung Hoa, và nay, dọc theo chiều dài của nó, khi các quốc gia cào bới để khai thác điện năng. Ảnh hưởng của các đập chưa được biết rõ. Maureen Harris, giám đốc ĐNA của nhóm bảo vệ sông International Rivers, nói: “Rất khó để biết làm thế nào và đến mức độ nào châu thổ sông Mekong vẫn còn có thể cư trú hay màu mỡ trong tương lai, nhưng với tốc độ hiện nay của thay đổi khí hậu và phát triển thủy điện, nó sẽ thay đổi không thể nhận ra.” Những thay đổi nầy sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng và lượng cá – sông cạn hơn khiến cá khó sống hơn, và có những lo ngại rằng các đập sẽ ngăn chận các đường di chuyển của cá, đe dọa sự sống còn của một số loại cá. Điều nầy có thể gây khó khăn cho 60 triệu người sinh sống trong vùng và phụ thuộc vào sông Mekong để có nước, thực phẩm và sinh kế.

Những gì cần phải làm vẫn chưa được rõ, một phần vì các chuyên viên chưa có tin tức căn bản nhất về tình hình. Yasmin Siddiqi, chuyên viên thủy lợi của Ngân hàng Phát triển Á Châu ở trong vùng, nói: “Chúng tôi đã làm một vài việc, và kết quả sơ khởi cho thấy ¾ vùng nầy sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước, ngoại trừ khi chúng ta quản lý nguồn nước tốt hơn. Một trong những bước đầu tiên là khởi sự đo đạc số lượng nước được ai sử dụng thật sự. Điều nầy thật sự là một hố đen đối với chúng tôi.”

Ngân hàng đã tài trợ một dự án dùng vệ tinh để theo dõi việc sử dụng nước ở các quốc gia tiên phong, gồm có Việt Nam và Cambodia. Ở cấp vĩ mô, dự án sẽ đo đạc lượng nước trên toàn quốc. Nhưng Siddiqi cho biết, những lôi cuốn hào hứng nhất thường ở địa phương. Cô nói: “Ngày trước, chúng ta không biết 1 m3 nước có thể trồng được bao nhiêu lúa. Nay, với kỹ thuật vệ tinh, chúng tôi có thể bắt đầu cứu xét các thửa ruộng của nông dân và toàn thể hệ thống dẫn thủy để xem nông dân nào trồng được nhiều nhất với 1 đơn vị nước. Sau đó chúng tôi tìm hiểu sự khác biệt mà nông dân đó đã làm và dùng làm mẫu cho các nông dân khác.” Ảnh hưởng rất to lớn: Trên khắp Á Châu, khoảng 80% nước được sử dụng cho nông nghiệp, thường là không có hiệu quả.

Theo dõi bằng vệ tinh là một khoa học hiện đại, nhưng nhiều kỹ thuật khác đang được khuyến khích ở trong vùng để cải thiện việc dùng nước liên quan đến những bước ngoặt mới về phương pháp rất cổ điển như tìm mạch nước. Thí dụ, đào giếng để giữ nước trong mùa lụt có thể làm giảm ảnh hưởng của lụt và để dành nước cho mùa khô. Và có nhiếu cách đơn giản để dùng nước có hiệu quả quanh năm bằng cách cứu xét tất cả các khía cạnh của chu kỳ nước, kể cả chất thải của con người – chính xác là nước tiểu. Pay Drechsel, trưởng nhóm phục hồi tài nguyên của IWMI, nói: “Nước thải rất giàu chất dinh dưỡng và có thể dùng để sản xuất thực phẩm cho cá.” Drechsel đang tham gia vào một số dự án giảm thiểu khí hậu xoay quanh việc tái chế nước tiểu con người. Ông nói, thích thú nhất là thiết lập một hệ thống dùng bèo, một trong những loại cây lớn nhanh nhất trên thế giới và ưa thích nước tiểu. Nó nổi trên mặt nước và biến đổi chất dinh dưỡng trong nước tiểu, như nitrogen và potassium, thành chất đạm. Điều nầy sẽ làm sạch nước, và bèo lớn mạnh thành thức ăn cho cá và thú vật khác.

Cá có thể là chìa khóa trong việc giúp khu vực thích ứng với hạn hán. Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (U.S. Agency for International development (USAID)), cộng tác với WorldFish, đã chi 2 triệu USD ở Cambodia để giúp các cộng đồng đa dạng hóa từ trồng lúa đến bắt cá trong các cánh đồng ngập nước trong mùa mưa. Điều nầy không có gì mới lạ, nhưng kỹ thuật tân tiến được sử dụng để cải thiện “các ao cá cộng đồng” – các vũng nước được cộng đồng bảo vệ để cung cấp nơi cư trú cho cá trong đồng ruộng ngay cả trong mùa khô – đã đẩy số lượng cá lên 30% trong 2 năm. Việc cải thiện đó đủ để nông dân có thể sống còn nếu lũ lụt gây thiệt hại mùa màng của họ.

Ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (ĐBSCL), lúa vẫn là vua, và đó là nơi mà những phát minh có thể mang lại cái mà ông Bird của IWMI gọi là đổi đời (game changer). Mãi cho đến nay, ĐBSCL có điều kiện hoàn hảo, kết hợp mùa khô dài và ấm với mùa mưa đủ nước cho lúa mà không làm ngập. Môi trường tuyệt vời nầy đã giúp Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia xuất cảng gạo hàng đầu trên thế giới, Nhưng mức thu hoạch nay bị đe dọa bởi hạn hán, lũ lụt và hiện tượng xâm nhập nước mặn, khi nước biển tràn vào vùng châu thổ phì nhiêu do mực nước biển dâng kết hợp với lưu lượng thấp của sông.

Để đối phó, các nhà nghiên cứu đã phát triển các giống lúa chống lại những đe dọa nầy và đang cộng tác với nông dân để trồng. Reiner Wassmann, trưởng khối thay đổi khí hậu của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (International Rice Research Institute (IRRI)) nói: “Đây là một sự chuyển đổi kiểu mẫu. Chúng tôi đã phát triển các giống lúa có thể chịu ngập hoàn toàn trong nước từ 2 đến 3 tuần.” Mặt khác, nhóm cũng phát triển các giống lúa có thể chịu hạn và mặn. Ông Wassmann cho biết: “Chúng tôi không đưa ra các giống mới mà nông dân không quen dùng vì kém khẩu vị. Chúng tôi lấy các giống phổ biến ở nơi nào đó rồi, qua việc lai giống, thêm vào 1 điểm rất đặc biệt.” Dĩ nhiên, bây giờ là 2016, và có một áp dụng cho nó: Áp dụng điện thoại cầm tay cho Quản trị viên Vụ Lúa, cung cấp những đề nghị cho nông dân chẳng hạn như phân bón, và các nhà nghiên cứu đang dự trù thêm phần báo động độ mặn.

Và cuối cùng, có lẽ là một phát triển không ngờ của thế kỷ 21 có thể có ảnh hưởng to lớn đến tương lai của khu vực Mekong: bình quyền cho phụ nữ. Siddiqi nói: “Chúng ta theo đuổi kỹ thuật [và] phát minh, nhưng bao gồm phụ nữ là thiết yếu.” 40% nông dân ở Á Châu là phụ nữ, nhưng chánh phủ và các cơ quan địa phương thường không công nhận vị thế của họ, kết quả là những nông dân nữ nầy phải tranh đấu để được huấn luyện hay mua phân bón. Nếu phụ nữ được tham gia thích hợp trong các chương trình nầy, sản lượng thực phẩm hàng năm trong vùng có thể tăng lên 30%, Cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc (U.N. Food and Agriculture Organization (FAO)) ước tính như thế.

Do đó, nếu tất cả thật sự chung tay đối phó với tương lai bấp bênh của Mekong, một số bàn tay đó nhất thiết phải thuộc về nữ nông dân, giống như Thong Throm, sinh sống gần đền Angkor Wat ở Cambodia. Được hỗ trợ bởi Kế hoạch Quốc tế (Plan International), một NGO [Non-Governmental Organization (Tổ chức Phi Chánh phủ)] chú trọng đến việc giảm nghèo cho trẻ em. Throm đang thử một số kỹ thuật mới giúp cho hoa màu trong mùa khô. Các kỹ thuật nầy gồm có trồng rau cải trong các bao, tương tự như các bao được dùng ở Bắc Mỹ và Âu Châu. Kế hoạch Quốc tế đã phân phối chúng đến 200 làng để giúp nông dân trồng rau cải dùng ít nước.

“Chồng tôi là nơi trông cậy, nhưng tôi là trưởng nhóm,” Throm nói một cách quả quyết trong khi chỉ cho tôi xem nông trại. Bà nói phụ nữ như bà phải đi đầu trong việc sử dụng kỹ thuật mới vì họ gần gũi với việc nuôi dưỡng gia đình hơn đàn ông. Nhưng bà biết bà phải là một người đi đầu. Throm nói: “ Tôi phải dạy những người mẹ và vợ khác trưởng thành như tôi, vì tôi lo ngại rằng mọi chuyện càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn.”


Tác giả Jennifer Rigby
Dịch giả Bình Yên Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad