Do đâu “đường lưỡi bò” vào Việt Nam quá dễ dàng? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

Do đâu “đường lưỡi bò” vào Việt Nam quá dễ dàng?


Một chiếc đèn lồng đỏ do Trung Quốc treo trước một ngôi nhà ở Hà Nội, cạnh lá cờ Việt Nam

Nhấp vào nút play (►) bên tay phải để nghe 👉

Liên tiếp những ngày gần đây, những sản phẩm, ấn phẩm có “đường lưỡi bò” trên bản đồ Trung Quốc được phát tán tại Việt Nam quá dễ dàng qua nhiều ngả. Trung Quốc đang muốn tuyên truyền chủ quyền phi pháp trên Biển Đông thông qua sự vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng Việt Nam?

Hình ảnh “đường lưỡi bò” tràn lan

Chỉ trong vòng một tuần lễ, bốn sự kiện xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc tràn vào Việt Nam bị phát hiện, mà lẽ ra nó phải được ngăn chặn từ bên kia biên giới hoặc ít ra được phát hiện từ khâu kiểm duyệt tại Việt Nam.

Đầu tiên là bộ phim hoạt hình Everest - người tuyết bé nhỏ (tựa tiếng Anh là Abominable) có lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp vẫn được công chiếu tại Việt Nam từ đầu tháng 10 qua sự yếu kém của cơ quan kiểm duyệt. Phim chỉ bị dừng chiếu vào ngày 13 tháng 10, tức sau 10 ngày ra rạp và bị khán giả phát hiện.

Dù thừa nhận sai sót nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia lại “hồn nhiên” cho rằng: ‘Có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên’…

Họ tìm mọi cách quảng bá, truyền thông tin cho thế giới thấy rằng Biển Đông là của TQ và đường lưỡi bò phải là hình ảnh ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người.

- Ông Lã Việt Dũng
Dư luận phẫn nộ khi cho rằng với tư cách là người trong hội đồng duyệt phim, chẳng lẽ bà Hồng Ngát không hiểu rằng nếu chi tiết đó không quan trọng thì chắc chắn nó không được cài vào trong phim, và đó không phải là chuyện tình cờ. Trong khi đó, theo hãng tin AFP, giới chức Malaysia đã cấm phát hành bộ phim này khi hãng Universal đã quyết định không cắt bỏ “đường lưỡi bò” theo yêu cầu của hội đồng kiểm duyệt.

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng nhận xét rằng chuyện này không mới, chỉ có cơ quan chức năng Việt Nam là vô trách nhiệm và nhận thức kém về chủ quyền biển đảo:

“Thứ nhất về phía Trung Quốc thì đây là một hành động cố tình mà không phải bây giờ họ mới làm, họ làm từ rất lâu rồi. Họ tìm mọi cách quảng bá, truyền thông tin cho thế giới thấy rằng Biển Đông là của TQ và đường lưỡi bò phải là hình ảnh ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Không chỉ cho người Việt Nam. Họ muốn cho cả thế giới thấy rằng đường lưỡi bò là của Trung Quốc từ xa xưa.”

Bộ phim hoạt hình Everest - người tuyết bé nhỏ dừng chiếu vào ngày 13 tháng 10 thì chỉ một ngày sau, chiều 14 tháng 10, cơ quan chức năng TP.HCM lại phát hiện ấn phẩm quảng bá du lịch Trung Quốc có hình “đường lưỡi bò” ở Hội chợ quốc tế du lịch diễn ra tại TP.HCM vào tháng 9 năm 2019. Đây là sự kiện du lịch thường niên của ngành du lịch Việt Nam. Công ty du lịch dùng tờ rơi này để phát cho khách hàng tham dự hội chợ. Tuy nhiên khi họ vừa phát thì bị cơ quan an ninh, Thanh tra Sở Du lịch có mặt phát hiện và tịch thu, theo nguồn tin từ báo Thanh Niên.

Dư luận chưa kịp lắng xuống thì chỉ mấy ngày sau, khách hàng mua tour du lịch của Dịch vụ lữ hành Saigontourist lại phát hiện ấn phẩm giới thiệu du lịch có hình ảnh bản đồ thể hiện "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Đại diện Saigontourist giải thích với truyền thông trong nước rằng, nhân viên nghĩ đây là ấn phẩm lưu hành nội bộ, chỉ dành cho bộ phận kinh doanh xem để nắm thông tin tour. Đến khi Thanh tra Sở Du lịch sang làm việc vào chiều 17 tháng 10, công ty mới biết ấn phẩm có hình “đường lưỡi bò”.

Ngoài những chuyện liên quan đến lĩnh vực văn hóa như phim ảnh, du lịch, hôm 19 tháng 10, các xe hơi Zotye, BAIC... do Trung Quốc sản xuất được nhập khẩu vào Việt Nam với phần mềm định vị có bản đồ với “đường lưỡi bò”, dù khi nhập khẩu, tất cả các xe đều được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nhận định:

“Chuyện Trung Quốc quảng bá đường lưỡi bò liếm cả khu vực Biển Đông của Đông Nam Á không phải mới mà chuyện này từ hơn 10 năm trước đã xuất hiện trên hộ chiếu của dân Trung Quốc khi du lịch vào Việt Nam. Rồi các ấn phẩm, bản đồ, phim ảnh đã nhiều lần dư luận Việt Nam lên tiếng cảnh cáo nhưng với sự tuyên truyền và sức mạnh mềm của Trung Quốc theo chiêu bài ‘mưa dầm thấm lâu’, làm riết để người ta quen là đường lưỡi bò thuộc chủ quyền của Trung Quốc.”

Đường lưỡi bò, Đường chữ U, Đường chín đoạn là tên gọi dùng để chỉ đường quốc giới hải vực Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền. Đường chín đoạn bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi ngầm Macclesfield với khoảng 75% diện tích mặt nước của Biển Đông, chỉ còn lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam.

Ngày 12 tháng 7 năm 2016, tại Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) ở The Hague, Hà Lan, tổ trọng tài gồm 5 người đã chính thức tuyên bố bác bỏ đường chín đoạn của Trung Quốc, yêu cầu rút lại chính sách này ngay lập tức, trong vụ kiện chủ quyền của Philippines.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Khách du lịch Trung Quốc tham quan Vịnh Hạ Long. AFP
Tuy bị tòa án quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò” với lý do không có căn cứ pháp lý nhưng Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của tòa và ngay từ đầu đã từ chối tham gia vào vụ kiện.

Chỉ một ngày sau khi phán quyết được công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ban hành Sách Trắng khẳng định rằng: “Ngoài vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Trung Quốc còn có quyền lịch sử trong Biển Đông.”

Trung Quốc vẫn luôn tìm cách chứng tỏ chủ quyền của mình trên Biển Đông bằng nhiều hình thức. Ngoài các hành động quân sự, leo thang căng thẳng trên Biển Đông, Trung Quốc từng bước chứng minh chủ quyền phi pháp của mình bằng nhiều con đường khác, từ văn hóa, kinh tế… mà việc đưa hình ảnh “đường lưỡi bò” để quảng bá là một trong những cách của Trung Quốc. Tiếc rằng Việt Nam lại nhiều lần bị “lọt lưới” với chiêu bài này.

Năm 2018, phim Điệp vụ Biển đỏ của Trung Quốc cũng được chiếu rộng rãi tại Việt Nam cho đến khi khán giả phát hiện ra trong phim có đoạn nói Biển Đông là của Trung Quốc.

Cái ‘lộng giả thành chân’ của Trung Quốc cứ lập đi lập lại nhưng rất tiếc rằng các cơ quan chức năng, những người thừa hành lại không quan tâm vấn đề chủ quyền biển đảo nên vấn đề chủ quyền quốc gia bị ‘lọt lưới’ liên tục.

- Ông Đinh Kim Phúc
Về điều này, ông Đinh Kim Phúc cho rằng Trung Quốc sử dụng phương cách “lộng giả thành chân” và chỉ rõ trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng của Nhà nước:

Cái ‘lộng giả thành chân’ của Trung Quốc cứ lập đi lập lại nhưng rất tiếc rằng các cơ quan chức năng, những người thừa hành lại không quan tâm vấn đề chủ quyền biển đảo nên vấn đề chủ quyền quốc gia bị ‘lọt lưới’ liên tục.

Chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều năm nhưng việc chế tài và răn đe của Nhà nước chưa đủ mạnh. Do đó tất cả các cơ quan vì quyền lợi kinh doanh của mình, vì doanh số của mình vẫn tiếp tục bị coi như là tiếp tay cho Trung Quốc quảng bá ý đồ xấu của cả khu vực Đông Nam Á. Trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng của Nhà nước.”


Nhà hoạt động Lã Việt Dũng cho rằng các cơ quan chức năng Việt Nam thiếu nhận thức về mức độ nguy hiểm về chủ quyền quốc gia dẫn đến việc vô trách nhiệm trong kiểm duyệt các sản phẩm của Trung Quốc khi nhập vào Việt Nam. Ông nói thêm:

“Sau hết thì tôi thấy sự vô trách nhiệm của họ không chỉ trong ‘đường lưỡi bò’ với Trung Quốc mà ở rất nhiều việc khác, ví dụ như nước sông Đà để ô nhiễm ảnh hưởng hàng trăm ngàn người…Họ đổ lỗi cho một công ty nhưng về nguyên tắc thì đó là sự vô trách nhiệm của chính quyền.”

Ông kết luận chính quyền đang ngày càng thể hiện sự bất lực. Những thứ cần kiểm soát thì họ không kiểm soát được, kể cả chủ quyền quốc gia, chứ chưa nói là cần kiểm soát để mang lại đời sống tốt lành cho người dân.


Trân Văn
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad