Điều gì xảy ra tiếp theo? Chắc chắn bạo lực leo thang và đổ máu nhiều hơn, thậm chí chết người. Đã qua rồi thời của phong trào Dù Vàng 2014 khi tinh thần phản kháng còn giới hạn ở khái niệm “hòa-lý-phi” (“woh-leih-fei” – ôn hòa, phi bạo động và có lý lẽ). Từ khi cuộc biểu tình lần này nổ ra vào ngày 16-6-2019, tinh thần của nó đã là “If we burn, you burn with us!” – một thông điệp mà người biểu tình rút ra từ phim The Hunger Games. Nếu muốn chơi thì chơi đến cùng. Nếu muốn leo thang bạo lực thì đáp trả bằng bạo lực. Nếu muốn chết thì cùng chết! Cho đến thời điểm này, trừ việc xua lực lượng “ái quốc” từ Đại lục sang Hong Kong để phá rối người biểu tình, Bắc Kinh vẫn “tôn trọng” chính sách “nhất quốc, lưỡng chế” bằng việc để cho chính quyền Hong Kong trực tiếp ra mặt xử lý. Carrie Lam hoàn toàn là con rối được giật dây từ phía sau. Bắc Kinh tin rằng, bằng việc kéo dài thời gian, người biểu tình sẽ cạn sức và bỏ cuộc. Chính quyền thừa tiền và nguồn nhân lực lẫn vật lực để “vật lộn” với người biểu tình. Trung Cộng cũng tin rằng, giới giàu có Hong Kong sẽ dùng ảnh hưởng để kêu gọi người biểu tình hạ màn.
Trong diễn văn tại Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh đầu tháng 9-2019, Tập Cận Bình đã khước từ đề xuất tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa quân đội vào Hong Kong để “dẹp loạn” (Foreign Affairs 30-9-2019). “Cuộc biểu tình sẽ đi đến một con đường chính trị không lối thoát” - Tập nói - “Chính phủ trung ương sẽ cố gắng hết sức kiên nhẫn cũng như kiềm chế và để chính quyền (đặc khu) lẫn lực lượng cảnh sát địa phương giải quyết cuộc khủng hoảng”. Tập nói thêm: “Yếu tố phát triển kinh tế là chiếc chìa khóa vàng để xử lý tất cả vấn đề mà Hong Kong đối mặt hôm nay” – hàm ý rằng một khi người Hong Kong nói chung nhận thức được rằng sẽ chẳng đến đâu, ngoài thiệt hại kinh tế ngày càng nghiêm trọng, thì họ buộc phải tự “giải giáp”. Giữa tháng 9-2019, tờ Nhân Dân nhật báo đăng một bài bình luận dài nhấn mạnh đề xuất tịch thu đất tư ở Hong Kong để xây nhà giá rẻ cho người Hong Kong. Chính phủ Hoa lục đến nay vẫn nghĩ và tin rằng nguồn gốc cuộc biểu tình nằm ở yếu tố bất công xã hội trong đó vấn đề khủng hoảng nhà ở vốn là câu chuyện muôn thuở đối với đa số người Hong Kong.
Tuy nhiên, “tư duy chính trị” của Bắc Kinh, lấy thước đo vật chất cũng như “thước đo” lòng người Hoa lục, để làm “đấu pháp” đối với người Hong Kong, xem ra là sai lầm. Người Hong Kong, dù chen chúc trong những căn hộ chung cư nhỏ bằng cái “lỗ mũi”, vẫn không cần nhà. Họ chẳng cần ngôi nhà nào khác trừ ngôi nhà mà họ đã có – ngôi nhà của tự do và độc lập. “Quang phục Hương Cảng-Thời đại cách mạng” là điều họ cần. “Ngũ đại tố cầu, khuyết nhất bất khả” (tất cả 5 yêu cầu phải được thỏa mãn, thiếu một cũng không được) là điều họ đòi. Cho đến thời điểm này, những chiếc dù vẫn giương lên. Cuộc biểu tình không hề mang chút dáng dấp cái gọi là “phong trào” nhất thời từ những “bức xúc” đòi hỏi vật chất. Nó đã trở thành một cuộc chiến. Một cuộc đọ sức đến cùng để giành độc lập và tự do.
Bất luận thế nào, viễn cảnh một chiến dịch trấn áp tàn bạo và khốc liệt không thể loại trừ. Đã “nhịn” để cho qua ngày quốc khánh, giờ thì Bắc Kinh sẽ thẳng tay đàn áp bằng những phiên bản Thiên An Môn nhỏ hơn? Giữa tháng 9-2019, một cách âm thầm, Bắc Kinh đã chỉ định Bộ trưởng Công an Triệu Khắc Chí kiêm nhiệm chức phó chủ tịch Ủy ban liên lạc Macau-Hong Kong (cơ quan quyền lực nhất chịu trách nhiệm hoạch định chính sách về các vấn đề liên quan Hong Kong và Macau). Cuối tháng 8-2019, trong chuyến kinh lý Quảng Đông, Triệu Khắc Chí đã yêu cầu cảnh sát Hong Kong dập tắt “những hoạt động khủng bố và bạo lực” để bảo vệ an ninh chính trị trước ngày quốc khánh. Từ tháng 1-2019, Triệu cũng đã nói rằng Trung Quốc phải bằng mọi giá ngăn chặn và tiêu diệt các “cuộc cách mạng màu” đe dọa chế độ.
Người Hong Kong luôn đi trước Bắc Kinh một bước với nhiều động thái thông minh, đặc biệt trong việc “quốc tế hóa” vấn đề. Họ không hề bày ra trước mắt thế giới mình là nạn nhân. Họ cho thế giới thấy họ là những chiến binh đang giành lấy những giá trị và nhân phẩm đáng có. Họ không thể kêu gọi thế giới cứu họ trong khi họ chẳng làm gì để cứu bản thân. Tháng 6-2019, họ đã thành công trong việc kêu gọi đóng góp hàng trăm ngàn đôla để mở chiến dịch quảng cáo trên hơn 10 tờ báo quốc tế, thúc giục lãnh đạo thế giới dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka quan tâm đến Hong Kong. Các chiến dịch vận động quốc tế của họ đã không vô ích. Cả hai ủy ban đối ngoại của Thượng lẫn Hạ viện Hoa Kỳ đều vừa chuẩn thuận Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong 2019.
Trên trang Facebook của Nathan Law (La Quán Thông) ngày 30-9-2019, có một video clip ngắn chỉ người nước ngoài cách phát âm những khẩu hiệu khi tham gia biểu tình ủng hộ Hong Kong. “Heung Gong yan, gaa yau” (Hương Cảng nhân, cố lên); “Mm dai sou kau, kuet yut bud hor” (5 yêu cầu, không thiếu một); “Gwong fuk Heung Gong, si doi gaap ming” (Quang phục Hương Cảng, Thời đại cách mạng). Đây cũng là một cách thông minh để lôi kéo sự kề vai của cộng đồng giới trẻ thế giới để cùng tạo ra làn sóng ủng hộ chính nghĩa của người Hong Kong trong cuộc chiến đương đầu tên khổng lồ Trung Cộng.
Thật khó có thể bẻ gãy tinh thần người Hong Kong vào lúc này. Đến giờ họ vẫn duy trì tinh thần đoàn kết không thể nào có thể bị khuất phục. Càng trấn áp bằng bạo lực càng sẽ được đáp trả bằng bạo lực.
“If we burn, you burn with us!”.
Ảnh: New York Times, South China Morning Post, CNN, Reuters, AFP
Mạnh Kim
FB Mạnh Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét