Bài diễn văn của ông Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Việt Nam, trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã gây ra nhiều phản ứng bất bình của người Việt.
Bài diễn văn được đưa ra ngay sau hơn hai tháng người Tàu quậy phá ở thềm lục địa Việt Nam, có nguy cơ chưa kết thúc, vậy mà ông Minh không một lần nhắc tới tên người Tàu.
Ông lại đi nói đến nào là giải quyết đa phương, nào là luật quốc tế,… toàn những vấn đề trừu tượng. Đã thế, ông còn kêu gọi chống cấm vận nữa chứ. Mà Việt Nam có đang bị ai cấm vận đâu? Chả hiểu ông kêu để làm gì!
Thế sao không bực mình cho được.
Thực ra những người theo dõi tình hình Việt Nam hiểu rõ bản chất của chế độ hiện hành, hiểu rõ quan hệ quốc tế tại khu vực Đông Nam Á, hiểu rõ ngành ngoại giao của Việt Nam, có thể cũng không bất ngờ. Nhưng bực thì vẫn cứ bực.
Vì sao không bất ngờ?
Vì nền ngoại giao Việt Nam là nền ngoại giao đảng trị. đảng Cộng sản làm hết mọi thứ. Các viên chức ngoại giao cứ như là kẻ thư lại.
Ngoại giao của Đảng
Khi tôi viết như trên, tôi xin gửi lời xin lỗi đến những người bạn mà tôi rất kính nể và mến mộ trong ngành ngoại giao Việt Nam. Thôi thì như một tác giả vừa viết trong một bài đăng trên Tiếng Dân: Chắc nó chừa mình ra.
Tôi có quen, thân và sơ, tổng cộng là bốn vị Đại sứ Việt Nam thời cộng sản. Cả bốn vị đều là những người hiểu biết, làm việc vất vả, và rất có tâm quyết mong muốn Việt Nam trở nên một quốc gia… “bình thường”.
Thế nhưng, chúng ta nên biết rằng đảng Cộng sản Việt Nam có một ban tên là Ban Đối ngoại Trung ương. Không rõ hiện nay mức độ quyền lực của ban này tới đâu, nhưng ban này từng là nơi quyết định mọi lề lối ngoại giao của Việt Nam, chứ đâu phải các vị đại sứ, mà cũng chẳng phải là ông Phạm Bình Minh.
Chúng ta còn nhớ, bố ông Minh là ông Nguyễn Cơ Thạch, cũng từng là Bộ trưởng Ngoại giao vào thời kỳ nước Việt Nam Cộng sản đang muốn phá thế cô lập của mình vì cuộc can thiệp quân sự vào Cambodia. Người ta nói rằng, ông Thạch không muốn Việt Nam dựa vào người Tàu khi ký hiệp ước Thành Đô. Và ông phải lui về vườn vì tay cầm chịch mọi thứ lúc ấy, kể cả ngoại giao là Lê Đức Thọ, hỗn danh Sáu Búa, gạt ông ra ngoài. Sáu Búa là nhân vật quyền lực bậc nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại, một thời gian dài giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nắm hết mọi ngóc ngách đời tư các đảng viên cao cấp.
Ngược thời gian về trước nữa, trong khi đàm phán hiệp định Paris, các vị Xuân Thủy (Ngoại trưởng miền Bắc Cộng sản), Nguyễn Thị Bình (Ngoại trưởng Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bình phong của Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam) có quyết định chi đâu, mọi thứ là tay Sáu Búa trên kia quyết định hết mọi việc.
Mà cũng chẳng riêng gì nước Việt Nam cộng sản có nền ngoại giao đảng trị như vậy. Nếu ai chịu khó tìm đọc quyển sách mà các đoàn viên cộng sản một thời dùng làm sách gối đầu giường “Thép đã tôi thế đấy”, thì thấy rất rõ, quan điểm ngoại giao của người cộng sản, họ không cho rằng cần phải có ngành ngoại giao. Sở dĩ họ cũng có chức này nọ về ngoại giao, chẳng qua là vì họ vẫn còn phải giao thương với phần còn lại của thế giới.
Nhận vật chính trong tiểu thuyết là Paven nói với người tình cũ, Tonia, là vợ của một viên chức ngoại giao Ba Lan (lúc ấy đang có cuộc chiến Soviet – Ba Lan), rằng: (Người vô sản) chúng tôi không cần cái thứ ngoại giao sản phẩm tiểu tư sản, chẳng qua là chúng tôi vẫn còn phải giao thiệp với các người. (Nguyên văn có thể tôi không nhớ một cách chính xác, nhưng đại ý là như vậy).
Vì thế cứ để đảng làm luôn cho tiện vậy.
Một nền ngoại giao thất bại
Thất bại đầu tiên của ngành ngoại giao cộng sản Việt Nam là hiệp định Geneva. Lực lượng Việt Minh, do đảng cộng sản làm nòng cốt, đã có nhiều chiến thắng quân sự, đẩy người Pháp vào thế rất khó khăn, thế mà dưới áp lực đảng của người Tàu, Việt Minh đành chấp nhận chỉ lấy được một nửa nước, để rồi sau đó dấn thân vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn kéo dài và đau đớn cho đến tận ngày nay.
Có thể người cộng sản tự hào rằng, họ đã chơi trên cơ trong hội nghị hòa bình Paris, vì người Mỹ rút quân, còn lực lượng của họ vẫn còn nằm lại khắp miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện cho chiến thắng quân sự của họ hai năm sau đó. Nhưng xin thưa rằng, họ, cũng như người anh em thù hận của họ là miền Nam Việt Nam chỉ là con cờ trong ván cờ lớn của các nước lớn. Sự sụp đổ của miền Nam thực sự đã bắt đầu trước đó 3 năm, khi Nixon quyết định chơi con bài Trung Quốc. Người Mỹ không cần miền Nam Việt Nam như một tiền đồn chống cộng sản nữa.
Dù sao ngành ngoại giao Việt Nam đã đạt được thành công là đã khôn khéo phá bỏ thế cô lập vào thập niên 1990, mở đầu bằng cuộc rút quân khỏi Cambodia. Nhưng đạt được điều đó là do họ, những viên chức ngoại giao, đã được sự ủng hộ quan trọng của ông Võ Văn Kiệt, nhân vật có nhiều quyền lực trong đảng lúc đó.
Từ khi bắt đầu bỏ những ý thức hệ Mác – Lê (ít nhất về mặt kinh tế), có vẻ như đảng Cộng sản Việt Nam đã chấp nhận khoa học và nghệ thuật ngoại giao, khi họ gửi người đi học ngoại giao ở phương Tây. Trong số những người đó là ông Phạm Bình Minh đương kim ngoại trưởng. Ông Minh và một số vị cựu đại sứ hiện nay của Việt Nam được học trong trường Fletcher lừng danh của Đại học Tufts miền Đông Bắc nước Mỹ.
Thế nhưng họ có được hành động, được áp dụng kiến thức họ học hay không thì là chuyện của…. Đảng.
Và có khi là của… Công an nữa.
Cứ lấy cái chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ra mà xét. Ông Đại sứ Việt Nam bên Đức dù có lẩn thẩn cách mấy cũng không thể dại dột làm một chuyện như vậy. Nhưng mà quyền lực của ông trong tòa đại sứ liệu có cao hơn tay an ninh chìm (có khi hắn cũng chẳng cần chìm) được Đảng cài trong đó?
Trong một cuộc hội thảo tại thủ đô Washington DC, tôi gặp ông đương kim Đại sứ Việt Nam Hà Kim Ngọc. Tôi bèn đến bắt chuyện. Dù sau thì giữa kinh đô nước Mỹ, chúng tôi vẫn là những người nói cùng thứ tiếng. Đại sứ Ngọc có vẻ là một người cởi mở. Thế nhưng cuộc nói chuyện đã không đi tiếp nữa, vì một cô nhân viên tòa đại sứ khi nhìn thấy tôi đã vội vã cuốn quít kéo ông Đại sứ đi chỗ khác, cứ như tôi đang thực hiện “diễn biến hòa bình” với ông Đại sứ vậy.
Trong tình cảnh các cơ quan ngoại giao bị Đảng “thư lại hóa”, các viên chức ngoại giao cao cấp rất ít khi trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài, vì họ phải chờ… chỉ thị trung ương!
Cơ quan ngoại giao cũng trở thành các cơ quan nhà nước như mọi cơ quan nhà nước khác, nơi mà người ta sẽ đưa vào những người con ông cháu cha, hay đút lót tiền bạc để được… “một suất” đi ngoại giao. Có lần một anh nấu bếp của tòa Đại sứ Việt Nam tại một nước nhỏ kia nói với tôi: Sang cái nước này chả kiếm được gì, lần sau chạy qua chỗ nào thơm thơm mới bõ công!
Trở lại câu chuyện ông Pham Bình Minh và bài diễn văn của ông tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, tại sao người ta không ngạc nhiên mà người ta vẫn bực mình? Vì cái cách ngoại giao ấy, mà nói chung ra là cái cách điều hành đất nước hiện nay, nó không bình thường, nó làm xói mòn ý chí mà sức mạnh tiềm năng của dân tộc này.
© Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét