Vì một sức khỏe của dân tộc Việt Nam, mong những vị lãnh đạo nước ta hãy đặt vấn đề an toàn con người lên trên vấn đề lợi ích kinh tế mà có những hành động thực tế để nâng cao chất lượng môi trường cho người dân, hơn là ngồi hơn thua những chỉ số của một phần mềm làm cho Hà Nội ra vô top ô nhiễm hoặc những suy luận không đi vào vấn đề chính như quét nhà và gãi đầu!
Theo tôi nghĩ thì các bạn đừng quá lo lắng khi không có được số liệu của Airvisual, thời đại công nghệ thông tin hiện nay, chỉ cần google tí xíu là bạn có thể có những thông tin cần biết từ những nguồn tin cậy khác. Chẳng hạn như trang http://aqicn.org cũng đang cho thấy chất lượng không khi của Hà Nội là rất đáng lo ngại (trong hình chính của bài hôm nay) và có lẽ không đứng nhất được ở thế giới nhưng cũng “vinh dự” dẫn đầu ở khu vực Đông Nam Á!
Nói tới, nói lui thì cũng nên nhìn nhận tình trạng rất đáng lo ngại hiện nay về chất lượng không khí của Hà Nội. Thay vì đi thiệt hơn với một phần mềm đánh giá chất lượng không khí như AirVisual thì việc cần thiết hơn lúc này là làm sao giảm được tình trạng ô nhiễm đang xảy ra! Để nói về việc này, tui phải nói chuyện nước ngoài thôi các bạn, đó là nước láng giềng chúng ta Thái Lan. Hồi tháng 1 đầu năm nay, Bangkok bị một đợt không khí ô nhiễm nghiêm trọng (ngang ngữa Hà Nội), chính phủ đã phản ứng nhanh chóng, quản lý chặt các phương tiện gây ô nhiễm nặng, triển khai cảnh sát và quân đội để kiểm tra các nhà máy và lò đốt rác, đóng cửa trường học để bảo vệ trẻ em và thậm chí triển khai các máy bay gieo hạt trên mây để làm mưa và làm sạch không khí. Không dừng lại ở đó, sau các biện pháp tạm thời này, các bước tiếp theo là đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm nhất, dù điều đó có thể làm thiệt hại kinh tế trong ngắn hạn, nhưng bảo vệ sức khỏe cộng đồng phải là ưu tiên cao nhất. Ngoài các nhà máy, chính phủ có phương án khẩn cấp thay thế các xe buýt và thuyền công cộng phun ra muội than do chạy bằng nhiên liệu diesel bằng các loại phương tiện khác ít gây ô nhiễm hơn! Tui cũng ráng tìm thêm thông tin nhưng không hề thấy chính phủ Thái có các phản ứng phản bác hay đổ tội cho các phần mềm đánh giá chất lượng không khí nào là không trung thực, gây hoang mang dân chúng hoặc đưa ra các cách giải thích ô nhiễm “có mối liên qua xa lắc” như quét nhà hay gãi đầu!
Ô nhiễm không khí là thứ ô nhiễm rất đáng sợ vì chúng ta cần không khí để sống trong mỗi giây, mỗi phút, chúng ta không thể mua máy lọc không khí cho xịn rồi đóng cửa, ngồi nhà cả đời để hít thở. Các bạn có thể "cố" ghép tội cho AirVisual cung cấp thông tin đểu hù dọa mọi người để mua máy lọc không khí, nhưng thật ra nếu là một người nhìn xa thì chiếc máy lọc không khí không phải là một giải pháp lâu dài và AirVisual không phải là một nguồn duy nhất cung cấp thông tin cho thấy tình trạng ô nhiễm rất đáng lo ngại ở Việt Nam!
Tác hại của ô nhiễm không khí là rất rõ ràng! Tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài ở nhiều vùng thuộc Trung Quốc đã đem lại cái chết của hàng triệu người mỗi năm. Các nghiên cứu khoa học cũng đã có nhiều báo cáo trên các tạp chí chuyên ngành chứng minh nguyên nhân của những cái chết trên liên quan đến ô nhiễm không khí trong vùng gây nên các bệnh về hô hấp, đột quỵ và ung thư (nếu quan tâm, các bạn có thể đọc thêm chi tiết ở 2 bài báo khoa học xuất bản năm ngoái ở dưới phần tài liệu tham khảo)!
Do vậy, vì một sức khỏe của dân tộc Việt Nam, mong những vị lãnh đạo nước ta hãy đặt vấn đề an toàn con người lên trên vấn đề lợi ích kinh tế mà có những hành động thực tế để nâng cao chất lượng môi trường cho người dân, hơn là ngồi hơn thua những chỉ số của một phần mềm làm cho Hà Nội ra vô top ô nhiễm hoặc những suy luận không đi vào vấn đề chính như quét nhà và gãi đầu!
© TS. Nguyễn Hồng Vũ
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Tài liệu tham khảo:
- Ô nhiễm không khí và nguy cơ ung thư
- AirVisual: 'Hà Nội không phải thành phố ô nhiễm nhất thế giới'
- Air pollution is choking Bangkok, but a solution is in reach
- Air Pollution Contributed To More Than 6 Million Deaths In 2016 [Infographic]
- Mo Z et al., 2018. Acute effects of air pollution on respiratory disease mortalities and outpatients in Southeastern China. Sci Rep. 8:3461. doi: 10.1038/s41598-018-19939-1. https://www.nature.com/articles/s41598-018-19939-1
- Cao Q et al., 2018. Study on PM2.5 pollution and the mortality due to lung cancer in China based on geographic weighted regression model. BMC Public Health. 18:925. doi: 10.1186/s12889-018-5844-4. https://bmcpublichealth.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12889-018-5844-4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét