Tính nhân bản trong bài học quốc văn tiểu học miền Nam trước 75 - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

Tính nhân bản trong bài học quốc văn tiểu học miền Nam trước 75


Sau biến cố 30-4-1975, nhà cầm quyền ra lệnh tiêu hủy các loại sách của Miền Nam kể cả sách giáo khoa môn quốc văn các cấp. Do đó, việc sưu tập các sách quốc văn cũ rất khó khăn. Tài liệu sử dụng trong bài viết này gồm Bộ quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư do các nhà xuất bản nước ngoài tái bản, và một số bài trong các sách quốc văn bậc tiểu học được giảng dạy tại các trường miền Nam được vài nhà sưu tầm đưa lên trang mạng, thêm vào đó một số bài do trí nhớ hạn chế của người viết, nên chắc chắn những điều trình bày còn thiếu sót.


I. Dẫn nhập

Mục đích của giáo dục không phải chỉ truyền thụ những kiến thức, mà là đào tạo con người toàn diện, không thể tách rời kiến thức và đạo đức. Đạo đức làm người phải được đề cao, như đức hiếu thảo, yêu thương gia đình, ông bà cha mẹ, yêu thương họ hàng thân tộc, có lương tâm trong mọi sinh hoạt, có trách nhiệm với tha nhân, góp phần bảo vệ cuộc sống cho xã hội.

Muốn đạt được mục đích này, không thể không quan tâm đến vai trò của sách giáo khoa. Khi đề cập đến vai trò của sách giáo khoa bậc tiểu học, nhiều nhà giáo dục luôn nhắc đến bộ sách Quốc văn giáo khoa thư của Trần Trọng Kim, Đỗ Thận, Nguyễn Văn Ngọc và Đặng Đình Phúc, xuất bản từ những năm 1930 – 1940, là một trong những sách giáo khoa Việt ngữ được dạy ở các trường tiểu học Việt Nam trong suốt những thập niên thuộc nửa đầu thế kỷ 20.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, nước Việt Nam tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17, thành hai miền Nam, Bắc. Miền Bắc xây dựng một nền giáo dục hướng mục tiêu đến Chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, tại Miền Nam theo chính thể tự do. Các nhà giáo dục Miền Nam tỏ ra rất thận trọng. Họ chủ trương cải tổ từ từ, chọn lọc để thích ứng với hoàn cảnh mới. Những gì người Pháp thiết lập không bị hủy bỏ ngay. Hệ thống giáo dục Pháp từ cấp tiểu học đến đại học được từ từ Việt hóa.

Chương trình giáo dục Việt Nam cũ ban hành năm 1945, dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, được gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn, vẫn còn áp dụng cho đến giữa thập niên 1950. Dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa, chương trình Việt mới bắt đầu thay thế chương trình Pháp.

Nhờ quyết định đúng đắn và thận trọng của những nhà giáo dục miền Nam mà sự chuyển sang một nền giáo dục mới không bị trục trặc.

Riêng chương trình môn Quốc văn bậc tiểu học, dựa theo nội dung các bài học về đạo đức trong bộ sách Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư làm cơ sở rồi soạn một chương trỉnh phù hợp với hoàn cảnh mới, nhằm rèn luyện cho thế hệ tương lai cả đức lẫn tài để chuẩn bị trở thành những con người hữu dụng đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Theo chủ trương, một chương trình, nhiều sách giáo khoa, chỉ cần theo chương trình và hướng dẫn của Bộ Giáo dục, các soạn giả sách giáo khoa được tự do chọn bài, trích dẫn từ những tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng hoặc có thể tự mình sáng tác những bài thơ, bài văn theo chủ đề giảng dạy để đưa vào sách, và giáo viên cũng có quyền chọn quyển sách giáo khoa để giảng dạy. Nhờ vậy, các soạn giả cố gắng để soạn ra những sách giáo khoa có giá trị. (1)

Thông thường, ở trang bìa của quyển sách, soạn giả ghi: “Soạn theo chương trình hiện hành của Bộ Quốc gia Giáo dục”… Có thể kể một số tên sách như: 100 bài tập đọc Lớp Nhất và Lớp Nhì (Một Nhóm Giáo Viên. NXB: Việt Hương), Nhị thập tứ hiếu (Lý văn Phức.NXB: Bình dân thư quán), Quốc văn Lớp Nhì, Quốc văn Lớp Nhất (Một nhóm Giáo viên. NXB: Việt Hương), Quốc văn toàn thư, Lớp Ba (Phạm trường Xuân & Yên Hà -Kinh Dương & Một Nhóm giáo viên. NXB: Việt Hương), Việt ngữ tân thư, Lớp Nhất, Việt Ngữ Tân Thư, Lớp Nhì (Bùi văn Bảo, Bùi quang Minh. NXB: Sống Mới), Việt văn Tân thư, Lớp Nhì (Bùi văn Bảo, Bùi quang Minh. NXB: Sống Mới), Việt văn Toàn thư (Bùi văn Bảo, Bùi quang Minh. NXB: Nhật Tảo), Tân Việt Văn, Lớp Bốn (Bùi văn Bảo. NXB: Sống Mới), Quốc văn Toàn Tập, Lớp Nhất (Bùi văn Bảo, Đoàn Xuyên. NXB: Sống Mới), Giảng văn, Lớp Đệ Thất (Đỗ văn Tú, NXB: Việt Nam Tu Thư), Tiểu Học Nguyệt san (NXB: Nha Học Chánh Bắc Việt) (2)

Ngoài những sách giáo khoa, giáo viên có thể sử dụng những tác phẩm của những nhà văn có uy tín để bổ sung cho bài học trong lớp, như cuốn Tâm Hồn Cao Thượng (nguyên tác Grand coeurs của Edmond de Amicis. Dịch giả: Hà Mai Anh, 1952. NXB: Mai Đình), Thơ ngụ ngôn (Les Fabres de la Fontaine, Dich già: Nguyễn văn Vĩnh)…

Trong phạm vi bài viết ngắn, xin trích dẫn một số bài học về bổn phận đối với xã hội trong các sách “Quốc văn Giáo khoa Thư”, “Tâm Hồn Cao thượng” và một số sách giáo khoa của tác giả khác. Những bài học nói lên tinh thần nhân bản của nền giáo dục miền Nam trước năm 1975. Bài viết gồm:

  • Khái niệm về nhân bản và triết lý nhân bản của nền giáo dục Miền Nam trước năm 1975.
  • Nội dung các bài học mang tính nhân bản trong sách quốc văn bậc tiểu học.

II. Khái niệm về nhân bản và triết lý nhân bản của nền giáo dục Miền Nam trước năm 1975.

Từ năm 1959, nền giáo dục miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) đã lấy nguyên tắc căn bản: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng làm triết lý giáo dục, và được ghi lại trong hiến pháp 1967.

Ba nguyên tắc căn bản: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng là mục đích và tôn chỉ của nền giáo dục Miền Nam. Chính những nguyên tắc này đã giữ cho truyền thống dân tộc được bảo tồn và phát triển vững vàng, nhưng không bảo thủ, và từng bước theo kịp đà tiến triển của nhân loại.

Nền giáo dục nhân bản lấy con người làm gốc, tôn trọng giá trị của con người, đề cao giá trị siêu việt của con người. Con người khác hơn các sinh vật khác, con người có suy tư, có sáng tạo và làm cho đời sống càng ngày càng nâng cao. Con người cần được no cơm ấm áo, tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng.


Trong xã hội có những cá nhân khác biệt, nhưng không thể đánh giá con người qua sự khác biệt đó để kỳ thị giàu nghèo, giới tính, tôn giáo, địa phương, chủng tộc…

Mọi người đều được hưởng đồng đều về giáo dục (3). Đường hướng của nền giáo dục nhân bản là rèn luyện con người có nhân cách, có thái độ sống phù hợp với nguyên tắc đạo lý mà mọi người thừa nhận.

Do đó, một con người có nhân cách sẽ có lòng yêu thương: yêu gia đình, yêu đồng bào đồng loại và yêu quê hương đất nước. Nói cách khác, giáo dục không phải chỉ dạy kỹ năng nghề nghiệp hay kiến thức mà phải dạy làm người.

III. Nội dung các bài học mang tính nhân bản trong sách quốc văn bậc tiểu học

Nội dung, tư tưởng trong các sách giáo khoa tác động đến hình thành và phát triển nhân cách của trẻ thơ, nó in sâu vào tâm não trẻ thơ ngay trong giai đoạn đầu cắp sách đến trường cho đến lúc trưởng thành.

Các sách giáo khoa bậc tiểu học của miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) trước 1975 chú trọng những vấn đề luân lý đạo đức truyền thống, vẫn hàm chứa nội dung đạo đức trong các sách giáo khoa cũ của thế hệ 1940.

Sau đây là một số bài tiêu biểu về tình thương yêu đồng bào, đồng loại, lòng biết ơn đối với mọi người trong xã hội, tình yêu quê hương đất nước và tình yêu nhân loại.

1. Tình thương yêu đồng bào, đồng loại

Từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, người dân Việt Nam đã trải qua biết bao gian nan thử thách. Tổ tiên chúng ta đã đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn phức tạp, vừa khắc phục mọi trở lực khắc nghiệt của thiên nhiên để mở mang bờ cõi giang san, vừa phải chiến đấu giữ nước, chống kẻ thù mọi phía, đặc biệt là thế lực hùng mạnh phương bắc. Để tồn tại và phát triển, tổ tiên chúng ta đã ý thức cần phải đoàn kết thật sự, cần phải nương tựa vào nhau và thương yêu nhau như những người con cùng một mẹ.

Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao


Tinh thần đoàn kết này tạo thành truyền thống lưu lại cho con cháu mai sau.Theo truyền thống của người Việt Nam, tình thương yêu không chỉ dành cho trong gia đình, mà mở rộng đến cả đồng bào và đồng loại. Một giá trị tốt đẹp của con người là lòng nhân đạo. Muốn sống cho đúng nghĩa, con người phải biết thương yêu lẫn nhau. Khi thấy người hoạn nạn, đau yếu phải giúp đỡ bằng tình thương yêu chân thành. Quốc văn giáo khoa thư mượn bài thơ trong gia huấn ca để dạy học sinh:

Thấy người hoạn nạn thì thương,
Thấy người tàn tật lại càng trông nom,
Thấy người già yếu ốm mòn,
Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần.
Trời nào phụ kẻ có nhân,
Người mà có đức, muôn phần vinh hoa


Nguyễn Trãi
(Gia huấn ca)

Có nhiều câu ca dao tục ngữ ẩn chứa triết lý tình thương được giảng dạy trong nhà trường, đã in sâu trong tâm khảm người Việt Nam:

“Lá rành đùm lá rách”

“Thương người như thể thương thân”

“Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
(4)

Người trong một nước phải thương yêu nhau như con một nhà. Bài học về “Cậu bé miền Nam” trong quyển Tâm hồn cao thượng đã dạy học sinh về lòng thương yêu, không phân biệt Bắc Nam.

Một cậu bé miền Nam lên miền Bắc theo học. Được thầy giáo giới thiệu với các học sinh trong lớp, và được các học sinh nhiệt tình chào đón.

Thầy giáo nói với cả lớp:

“….Cho được các kết quả nói trên, nghĩa là làm cho đứa bé xứ Nam ra ở xứ Bắc cũng như ở nhà mình, và đứa bé ở xứ Bắc vào xứ Nam cũng tựa như về quê mình, nước ta phải chiến đấu trong 50 năm trời và đã hy sinh trên ba vạn người mới khôi phục được quyền tự do ấy. Vậy các con phải coi nhau như con một nhà, yêu nhau như anh em ruột thịt. Kẻ nào thấy người bạn mới không phải là người xứ mình mà đem lòng khinh rẻ, kẻ ấy không xứng đáng ngẩng mặt nhìn ngọn quốc kỳ đi qua…”(5)

Các bài học về tình thương yêu đồng bào, đồng loại đã nhắc nhở học sinh phải tôn trọng mạng sống của con người, có lòng nhân ái, biết trọng của người và không vọng ngữ. Đây là thước đo tiêu chuẩn đạo đức, nhân cách của con người

1.1. Tôn trọng mạng sống của con người

Mạng sống của các sinh vật rất quí. Mạng sống của con người có giá trị tối cao. Nếu mỗi cá nhân biết quí mạng sống của mình, thì không thể xem thường mạng sống của kẻ khác. Một dân tộc được coi là văn minh là một dân tộc biết đề cao giá trị nhân phẩm của con người. Một người có lòng lương thiện không bao giờ sát hại đến sinh mạng của đồng loại và sinh mạng của cả sinh vật khác. Chỉ có con người dã man mới coi thường mạng sống của con người. Không sát sinh là cách chặn đứng lòng tham dẫm lên sinh mạng con người và sinh vật để mưu cầu tư lợi cho bản thân mình. Không sát sanh còn là nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, từ bi đối với muôn loài.

“Trọng cái tính mệnh của người ta, là đừng làm điều gì phạm đến thân thể và quyền tự do của người ta. Người ta ở đời, không có gì trọng hơn cái tính mệnh, hễ phạm đến, là một tội đại ác.

Không những là giết người mới có tội, cậy quyền cậy thế mà hà hiếp người ta, làm mất cái quyền tự do của người ta, cũng là một điều trái với lẽ công bình, người có lương tâm không ai làm.”
(6)

1.2. Lòng nhân ái

Không phạm đến tính mệnh, của cải, danh giá, sự tự do và sự tín ngưỡng của người. Nhưng đó chỉ là giữ không làm điều ác mà thôi. Như thế vẫn chưa đủ bổn phận làm người. Phải có lòng nhân ái.

Nhân ái là lòng từ thiện, thương người đói khát, giúp người hoạn nạn. Có lòng nhân ái, thì mới làm những việc như bố thí, cứu giúp kẻ nghèo khổ, mới biết thân yêu mọi người và quên mình mà làm điều thiện. Người có lòng nhân ái dám hy sinh cứu người trong lúc nguy nan như người thầy thuốc không sợ lây khi chữa những bệnh truyền nhiễm; người lính liều sống chết ở chỗ chiến trường để giữ lấy nước nhà. Họ vì lòng nhân ái mà ra sức làm nghĩa vụ.

Bổn phận người ta đối với xã hội, thường chia làm hai mối là: công bình và nhân ái. “Không hại người” tức là công bình, “làm hay cho người” tức là nhân ái.

Câu “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” trong sách luận ngữ, tức là công bình. Còn nhân ái thì ta có thể nói được rằng: “kỷ sở dục giả, khả thi ư nhân”

Người ta mà không công bình, chẳng những có tội đối với lương tâm, mà luật pháp lại còn trừng trị nữa. Giết người thì phải thế mạng; trộm cắp thì phải ngồi tù, xưa nay ở đâu cũng vậy.

Con người mà không có lòng nhân ái, thì tuy đối với luật pháp không có tội lỗi, nhưng đối với lương tâm, thì là không phải. Gặp người đói khó, mà mình không giúp người ta, cũng không ai bắt được mình, nhưng trong bụng không đành.
(7)

Người có lòng nhân ái thì không những là chỉ thương xót đồng loại mà thôi, lại còn thương xót đến cả loài vật nữa.

…Những loài vật đã giúp việc cho ta mà ta phải thương xót, là cái nghĩa vụ của ta. Nhưng đối với loài cầm thú khác, ta cũng nên có lòng nhân ái mới phải đạo làm người. Cầm thú tuy là giống không biết thiện ác và phải trái như người, nhưng nó cũng biết đau, biết khổ như mình…(8)

Vì tình nghĩa đồng bào mà phát tâm bố thí, cứu giúp người đói khổ, hoạn nạn; chia xẻ miếng ăn, manh áo cho người khốn khổ. Sống đạm bạc, cứu giúp người đồng loại là hành đông của con người có lòng nhân ái.

Người có lòng nhân ái, không chỉ bố thí miếng cơm manh áo hay tiền bạc khi thấy người đói khổ, mà vì:

Nghĩa đồng bào khiến ta thương yêu mọi người như là thương yêu anh em ruột. Bao giờ ta cũng sẵn lòng giúp đỡ mọi người, để người ta làm tròn cái nghĩa vụ ở đời. Ta phải dạy bảo những người ngu dốt, khuyên người làm điều lành, răn người làm điều ác. Ta nên che chở cho những người bị oan ức và bênh vực những người hèn yếu. Ta phải ăn ở thế nào cho đứa con mồ côi có thể coi ta như cha, người quá phụ coi ta như ân nhân. Ta làm mắt cho kẻ mù, làm chân cho kẻ què, làm tai cho kẻ điếc. Lúc nào cũng sẵn lòng nhân từ mà giúp đỡ mọi người trong lúc nguy hiểm.(9)

Khi thấy ai nghèo đói, khổ sở, mình cho cơm ăn, áo mặc, hoặc cho tiền bạc để giúp đỡ người ta đỡ khổ trong một lúc. Nhưng việc bố thí này phải “… tự nhiên, không cầu kỳ, không khoe khoang, mà có phần thiệt thòi cho mình thì mới quí. Không cứ cho ít hay cho nhiều, miễn là mình có lòng thành thực, biết thương xót kẻ nghèo khổ, thì mới là phải cái nghĩa bố thí.”(10)

Ngoài việc bố thí, “người có lòng nhân ái thường hay nghĩ đến việc thiện, như là thấy ai nghèo khổ thì đỡ đần, tìm công việc cho người ta làm, hoặc cứu giúp những cô nhi, quả phụ cho người ta khỏi đói rét, vất vả.”(11)

Lời một bà mẹ nói với đứa con trong bài “Kẻ khó” (Tâm Hồn Cao Thượng) không chỉ làm rung động tâm hồn của trẻ thơ, mà ngay đối với người lớn tuổi cũng không khỏi bùi ngùi.

Con ơi! Con phải biết con có đủ cả, chứ kẻ khó thì thiếu hết. Khi con mong sao được sung sướng thì người nghèo chỉ cầu sao cho khỏi chết. Trong một khu có bao nhiêu nhà giàu, trong một phố có bao nhiêu người sang trọng qua lại, có bao nhiêu đứa trẻ ăn mặc xa hoa, thế mà vẫn còn thấy nhiều đàn bà và trẻ con đói khát, rách rưới! Thực đáng buồn thay! Muốn cho người ta khỏi chê con là một kẻ vô tình thì từ sau, con đừng bước qua một kẻ khó mà không cho gì!(12)

Bài thơ “Cách ăn ở” và “Những đứa trẻ mồ côi” là bài học luân lý về lòng nhân đạo mà học trò bậc tiểu học được học nằm lòng. Khi thấy người hoạn nạn, đau yếu phải giúp đỡ bằng tình thương yêu chân thành. (13)

Cách ăn ở

Ở cho có đức có nhân,
Mới mong đời trị được ăn lộc trời.
Thương người tất tả ngược xuôi,
Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ.
Thương người ôm dắt trẻ thơ,
Thương người tuổi tác già nua bần hàn.
Thương người cô quả cô đơn
Thương người đói rách lẩm than kêu đường.
Thấy ai đói rét thì thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn.
Thương người như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà.
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên


Nguyễn Trãi
(Gia huấn ca)


Những đứa trẻ mồ côi

Có những con người đang thời hoa nở,
Sống trong niềm đau khổ: kiếp lầm than.
Cặp chân non ngày tháng những lang thang,
Trên đường phố ngút đầy bao gió bụi.
Tuổi niên thiếu dệt trong ngàn sầu tủi,
Không gia đình, cha mẹ, khát tình yêu.
Ôi long đong, thân trẻ nhỏ sớm chiều,
Ngàn cực nhục cũng chỉ vì cơm áo!
Tuổi niên thiếu lớn dần trong khổ não,
Mặt trẻ trung đầy những nét đau thương.
Sống lầm than, dầu dãi nắng mưa sương,
Thân còm cõi không đủ đầy nhựa sống.
Những trẻ ấy dưới bầu trời cao rộng,
Đưa mắt nhìn thèm khát cảnh yên vui.
Có chăng ai, chỉ một phút ngậm ngùi,
Cho thân phận con người xấu số.


Xuân Chính
(Tiểu học nguyệt san, tháng 3/1959)

1.3. Trọng của người

Người lương thiện, có đạo đức là người biết trọng tài sản, của cải của người khác. Tài sản là huyết mạch, liên hệ đến mạng sống của con người. Hãy bình tâm suy nghĩ, chúng ta không muốn ai cướp đoạt tài sản của mình, thì không thể nào chúng ta lại đi chiếm đoạt tài sản, của cải của người khác. Các hành vi bất lương dùng đủ mọi mưu mô, mánh khóe, lường gạt để chiếm đoạt đều là trộm cướp. Người được coi là đạo đức, dĩ nhiên là không trộm cướp, không tán thành và không giúp đỡ những người có hành động trộm cướp.

Của cải của ai, là người ấy có quyền chi dụng và có quyền để lại cho con cháu. Ta không nên phạm đến của cải của người ta. Không phải chỉ những đứa ăn trộm ăn cắp mới là người bất lương mà thôi. Điên đảo giả dối để đánh lừa người ta, đi vay vỗ nợ, bắt được của rơi mà không trả, cũng là bất lương cả.Ta phải biết rằng cái gì đã là không phải của mình thì ta đừng đem lòng tham mà chực lấy không, vì rằng lấy không của người ta, là một sự rất trái với đạo công bằng. (14)

1.4. Không vọng ngữ

Dùng lời lẽ, ngụy biện để làm sai lạc sự thật, nhầm đem lại lợi lộc cho mình, làm hại người khác đều là nói dối, vọng ngữ. Người đạo đức là người tôn trọng sự thật, không có tâm tham ác, không tán thành sự nói dối. Chuyện không nói có, chuyện có nói không, dựa vào những nguồn tin vu vơ để kết tội người khác là vọng ngữ. Trong gia đình và trong xã hội mà con người thiếu lòng tin với nhau thì cuộc sống ấy vô cùng đau khổ. Tuy nhiên cũng có những trường hơp vì mục đích cứu người lương thiện, bất đắc dĩ phải nói lời không thật; đây là một ngoại lệ (một vị bác sĩ phải dùng lời an ủi bịnh nhân).

Không nói dối bao gồm cả không nói lời ác khẩu, nói xấu, nói vu, chửi mắng, nhục mạ xúc phạm đến phẩm giá con người; không dùng lời trao chuốc, phù phiếm nhầm làm cho người khác có suy nghĩ sai lầm, đi đến hành động sai trái.

Sự nói xấu là cái tật cứ đi bới móc chuyện xấu của người ta mà nói. Người nói xấu là có ác ý hoặc để thỏa lòng ghen ghét, hoặc để khoe cái hay và che cái dở của mình. Người nói xấu là người hèn hạ đáng khinh, vì chỉ nói những lúc vắng mặt người ta, để làm cho người ta mất danh giá.

Vậy không những ta không nên nói xấu ai, mà cũng không nên nghe chuyện người ta nói xấu nhau.(15)

Nói vu là đặt chuyện ra mà vu cho ai để hại người ta, hay là làm cho người ta mất danh giá. Những người nói vu là người hèn mạt, bày đặt ra chuyện nọ trò kia để làm cho người ta mang tai mang tiếng, phải những điều oan ức, khó lòng mà rửa sạch được.

Ta đi học, đã biết điều phải trái, thì ta chớ hề nói vu cho ai bao giờ. Ta nên cho những điều ấy là điều hèn mạt, đáng khinh bỉ.
(16)

Ngoài ra, chúng ta nên nhớ rằng:

Của cải của người ta, không phải chỉ nói riêng về tiền bạc, ruộng nương, nhà cửa, đồ đạc mà thôi, lại có một thứ của cải quí giá hơn nữa là cái danh giá ở đời. Danh giá tức là danh thơm tiếng tốt của người biết tự trọng mình, biết quí cái tư cách làm người, mà khinh bi những điều hèn mạt đê tiện.Của cải mất đi thì còn làm ra được, chớ cái danh giá đã mất thì khó lòng mà lấy lại được. Thánh nhân dạy rằng “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác”, nghĩa là người quân tử làm thành tiếng hay cho người, chớ không làm thành tiếng xấu cho ai bao giờ. Vậy bổn phận mình trong xã hội là phải trọng cái danh giá của người ta, đừng có nói xấu ai, nói vu cho ai điều gì.(17)

2. Lòng biết ơn mọi người trong xã hội

Mọi người sống trong xã hội đều có tương quan nhau. Do nương nhờ nhau mà cuộc sống của mỗi cá nhân mới an ổn. Trong gia đình thì cha mẹ, vợ con, anh em nương tựa nhau. Ngoài xã hội, mọi người không thể sống lẻ loi. Tách rời mọi người ra, chúng ta không có cuộc sống an toàn. Cho nên đối với mọi người, chúng ta phải biết ơn, không được làm tổn hại. Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn,” nói lên tinh thần biết ơn, là truyền thống đạo lý của con người Việt Nam.

Người làm ruộng có trồng trọt cấy cày, thì ta mới có thóc gạo mà ăn. Thợ nề, thợ mộc có làm nhà, thì ta mới có nhà mà ở. Thợ dệt có dệt vải, thợ may có may áo, thì ta mới có đồ mặc vào mình. Quyển sách ta học cũng phải có người làm, người in. Cái đường ta đi cũng phải có người sửa, người quét. Nói tóm lại, nhất thiết một chút gì ta cần dùng đến, cũng là có người chịu khó làm việc mới nên.(18)

Thật vậy, trong xã hội muốn sinh tồn thì mọi người phải có bổn phận đem sức mình giúp vào sự ích lợi chung. Bài “Giấc mộng” dạy học sinh biết yêu mến và nhớ ơn mọi người.

Nằm mộng thấy nông phu lại bảo:

“Ra công làm kiếm gạo từ đây.
Tao thôi chẳng có nuôi mầy,
Phải lo trồng trọt cấy cày cho siêng.”
Người dệt cửi dặn mỉnh làm áo;
Chú thợ hồ lại bảo cầm bay!

Bơ vơ chẳng kẻ đoái hoài,
Tôi mang thơ thẩn đọa này cùng nơi.
Tôi túng thế vái trời cứu thử,
Lại thấy kia sư tử trên đàng!…

Tỉnh ra, thấy sáng, mơ màng!
Tiểu công hút gió, rộn ràng trên thang;
Nghe máy dệt rần rần tiếng chạy;
Ruộng đâu đâu cũng cấy đã xong.
Phận mình nghĩ lại thong dong,
Mới hay dưới thế ai không nhờ người.

Từ ngày rõ cuộc đời đắp đồi,
Cám thương người xã hội như nhau.
Dập dìu kẻ trước người sau,
Sức riêng một ít giúp vào lợi chung.


Nguyễn ngọc Ẩn
(100 Bài Tập đọc, Lớp Nhất và Lớp Nhì)

Bài học “Nên giúp đỡ lẫn nhau” cho thấy hình ảnh hai cậu bé phụ đẩy xe giúp ông lão, là bài học nhắc nhở học sinh về tình tương thân tương ái.

Trời nắng to. Đường thì dốc. Một ông lão đẩy chiếc xe lợn. Trên chiếc xe có có ba bốn con lợn to, chân trói, bụng phơi và mồm kêu eng-éc. Ông lão cố đẩy cái xe, mặt đỏ bừng, mồ hôi chảy, mà xe vẫn không thấy chuyển.

Mấy cậu bé đang chơi trên bờ đê, thấy thế, vội chạy tới, xúm lại, buộc dây vào đầu xe mà kéo hộ.

Xe lên khỏi dốc, ông lão cám ơn các cậu và các cậu cũng lấy làm vui lòng, vì đã giúp được việc cho người.
(19)

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, những bậc tiền nhân đã đổ biết bao nhiêu xương máu để vun bồi và tô điểm cho mảnh giang san gấm vóc. Họ là những vị anh hùng dân tộc. Anh hùng, không phải chỉ có những người có chiến công hiển hách, có tài năng nổi bật làm những việc phi thường được ghi công trong sách sử, mà còn biết bao nhiêu người, đủ mọi tầng lớp, mọi giai cấp đã âm thầm cống hiến đời mình cho quê hương dân tộc, không bao giờ được nhắc đến tên tuổi. Họ là:

Anh hùng vô danh

1. Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh,
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

2. Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước,
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu,
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một dãy san hà gấm vóc…

3. Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi,
Trong loan ly như giữa lúc thanh bình,
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh,
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.

4. Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách,
Tuy bảng vang, bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên,
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật.
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt cùng xương trộn lẫn với non song,
Và anh hồn cùng với tấm tinh trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt. (20 & phụ lục)

Việt Tâm
(100 Bài tập đọc Lớp Nhất & Lớp Nhì)

3. Tình yêu quê hương đất nước

Tình thương yêu gia đình, cha mẹ anh em và người thân là tình cảm khởi đầu cho tình yêu đồng bào, tình yêu quê hương đất nước.

“…Con sẽ cảm thấy tình yêu nước, khi con ở nước ngoài, và chợt nghe thấy một người trong đám thợ thuyền nói tiếng nước con, theo lòng con xúi dục, tự nhiên con đến hỏi chuyện người bạn không quen ấy. Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con nghe người ngoại quốc lăng mạ xứ sở con, lòng tức giận sẽ làm cho con nóng mặt…” (21)

'
Nhằm hun đúc tinh thần yêu nước cho học sinh, đề cao lòng tự hào dân tộc, ca ngợi những chiến công oanh liệt bảo vệ tổ quốc của các bậc tiền nhân, bài thơ sau đây nhắc nhở học sinh chăm chỉ học để sau này nối chí tiền nhân (22 & phụ lục):

Giờ Quốc sử

Những buổi sáng, vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,
Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng suốt trong giờ Quốc sử.
Thầy tôi bảo: “Các em nên nhớ rõ,
Nước chúng ta là một nước vinh quang.
Bao anh hùng thưở trước của giang san,
Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc.
Các em phải đêm ngày chăm chỉ học,
Để sau này nối được chí tiền nhân.
Ta chắc rằng, sau một cuộc xoay vần,
Dân tộc Việt sẽ là dân hùng liệt.
Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt,
Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam.
Bên những trang lịch sử bốn ngàn năm,
Đầy chiến thắng, đầy vinh quang máu thắm.”

Đoàn Văn Cừ
(Tập đọc lớp Nhất)

4. Tình yêu nhân loại

“Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”


Con người cùng sống trên quả địa cầu, không phân biệt màu da, chủng tộc. Tất cả đều là nguời như nhau, sao nỡ giết hại nhau. Chuyện kể hai người lính của hai quốc gia đối nghịch giao chiến nhau. Sau chiến trận, cả hai đều bị thương, nằm lại trên chiến trường… (23)

Tình nhân loại

Sau một trận giao tranh ác liệt,
Giữa sa trường xác chết ngổn ngang.
Có hai chiến sĩ bị thương,
Hai người hai nước hiện đương nghịch thù.
Họ đau đớn khừ khừ rên siết,
Vận sức tàn cố lết gần nhau.
Phều phào gắng nói vài câu,
Lời tuy không hiểu, hiểu nhau nỗi lòng:
Họ hai kẻ không cùng Tổ quốc,
Nhưng đã cùng vì nước hy sinh.
Cả hai ôm ấp mối tình,
Yêu thương đất nước, gia đình, quê hương.
Đêm dần xuống, chiến trường sương phủ,
Một thương binh hơi thở yếu dần.
Trước khi nhắm mắt từ trần,
Xót thương người bạn tấm thân lạnh lùng.
Anh cởi áo đắp trùm lên bạn,
Rồi tắt hơi! thê thảm làm sao!
Cho hay khác nghĩa đồng bào,
Nhưng tình nhân loại còn cao hơn nhiều!


Đặng Duy Chiểu
(Quốc văn mới)


IV. Kết luận

Dù thời gian có trôi qua, hoàn cảnh có biến đổi, nhưng giá trị đạo đức làm người trong các trang sách quốc văn, như kính yêu cha mẹ, tình thầy trò, bè bạn, lòng yêu quê hướng đất nước, tình yêu đồng bào và tình nhân loại… vẫn in sâu trong ký ức của các học sinh qua bao thế hệ.

Thương yêu con người, biết quý trọng đích thực cuộc sống an bình của con người là nét đặc sắc nhất của nền văn hóa dân tộc Việt Nam hàm chứa trong các sách giáo khoa môn quốc văn của nền giáo dục Miền Nam trước 1975.

Tóm lại, trong giai đoạn trước năm 1975 nội dung các sách giáo khoa môn quốc văn của nền giáo dục miền Nam chú trọng đến những vấn đề đạo đức truyền thống, hướng tới triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa: Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng.

Nguyễn Văn Bon, PhD (UWS)
Đăng lại từ Ngo-Quyen.org
Ghi chú:
1.- Trần Văn Chánh (2012) Những bài học thuộc lòng một thuở. Tạp chí Tia Sáng-Tạp chí Nghiên Cứu và Phát Triển, số 6 (… http://tiasang.com.vn/. ). Sau này ghi là Trần Văn Chánh
2.- Hình ảnh xưa: Sách giáo khoa trước 1975. Việt Nam Cộng Hòa
(http://namrom64.blogspot.com.au/)
3.- Nguyễn Thanh Liêm (2006). Giáo dục ở Nam Việt Nam. Từ đầu thập niên1970 đến 1975. Giáo dục ở miền Nam tự do trước 1975. Lê Văn Duyệt Foundation, CA (USA), trang 22-26.
4.- (Nguyển Văn Bon (2009). Tiếp chuyển những nét đặc sắc trong văn hóa Việt Nam sang thế hệ trẻ tại hải ngoại. Tập san 3, Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long
5.- Hà Mai Anh: Cậu Bé miền Nam, Tâm Hồn Cao thượng. Nhà xuất bản: Mai Đình, trang 13. Sau này ghi là Hà Mai Anh.
6.- Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đổ Thận…Trọng cái tính mệnh của người ta. Luân lý giao khoa thư. Lớp Sơ Đẳng. Nhà xuất bản: Nha Học Chánh Đông Pháp, 1941, in lần thứ ba. Nhà xuất bản: Quê Mẹ, Paris in lại (không ghi năm), trang 53. Sau này ghi Quốc Văn Giáo Khoa Tư. Luân Lý-Sơ Đẳng
7.- Quốc Văn Giáo Khoa Tư/Luân lý/Sơ Đẳng. Công bình và nhân ái, trang 51
8.- Quốc Văn Giáo Khoa Tư/Luân lý/Sơ Đẳng.Ta nên thương loài vật, trang 71
9.- Quốc Văn Giáo Khoa Tư/Luân lý/Sơ Đẳng.Nghĩa đồng bào, trang 65
10.- Quốc Văn Giáo Khoa Tư/Luân lý/Sơ Đẳng Bố thí, trang 62
11.- Quốc Văn Giáo Khoa Tư/Luân lý/Sơ Đẳng. Việc thiện, trang 64
12.- Hà Mai Anh: Kẻ khó, trang 43.
13.- Trần văn Chánh (2012)
14.- Quốc Văn Giáo Khoa Tư/Luân lý /Sơ Đẳng. Trọng của người, trang 54
15.- Quốc Văn Giáo Khoa Tư/Luân lý/Sơ Đẳng. Sự nói xấu, trang 57.
16.- Quốc Văn Giáo Khoa Tư/Luân lý/Sơ Đẳng Sự nói vu, trang 58
17.- Quốc Văn Giáo Khoa Tư/Luân lý/Sơ Đẳng. Trọng danh giá người, trang 55-56.
18.- Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đổ Thận (1935). Người ta phải làm việc. Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Lớp Dự Bị Nha Học Chính Đông Pháp. In lần thứ mười. Nhà xuất bản: Quê Mẹ Paris (Pháp), in lại năm 1983 trang 9. Sau này ghi Quốc Văn Giáo Khoa Thư/Lớp Dự Bị
19.- Quốc Văn Giáo Khoa Tư/Lớp Dự Bị, trang 27.
20.- Trích tử bài thơ Anh Hùng Vô Danh của Nguyễn Ngọc Huy có bút hiệu Đằng Phương và Việt Tâm, Xem phần phụ lục,
21.- Hà Mai Anh: Lòng ái quốc, trang 70.
22.- Có ý kiến cho rằng bài thơ Giờ Quốc Sử của Đoàn Văn Cừ được trích từ bài thơ “Bản đồ nước Việt” của cùng tác giả để đưa vào sách giáo khoa (?). Xem phần phụ lục
23.- Trần Văn Chánh (2012).


Nguyễn Văn Bon
Trí Thức VN

PHỤ LỤC

Anh hùng vô danh

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh,
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.
Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một dãy san hà gấm vóc
Họ là kẻ không nài hiểm hóc,
Không ngại xa, hăng hái vượt trùng sơn
Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
Cuộc Nam Tiến mở giang san lớn rộng.
Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng,
Đã xông vào khói lửa, quyết liều thân
Để bảo vệ tự do cho Tổ Quốc,
Trong chiến đấu, không nài muôn khó nhọc,
Cười hiểm nguy, bất chấp nỗi gian nan,
Người thất cơ đành thịt nát xương tan
Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.
Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm,
Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa,
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Để sống lại cuộc đời trong bóng tối.
Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loan ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.
Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách,
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật.
Nhưng máu họ đã len vào mach đất,
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.
Và anh hồn cùng với tấm tinh trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.

Nguyễn Ngọc Huy
(Đằng Phương/Việt Tâm)


Bản đồ nước Việt

Tôi sẽ giữ suốt đời trong trí nhớ
Quãng ngày xanh học tập tại quê hương
Trong căn nhà nho nhỏ dưới cây bang
Có tấm biển đề “An thôn học hiệu’’
Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê
Chúng tôi ngồi yên lặng lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng suốt trong giờ quốc sử
Thầy tôi bảo: “Các em nên nhớ rõ
Nước chúng ta là một nước vinh quang
Bao anh hùng thủa trước của giang san
Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc.
Các em phải đêm ngày chăm chỉ học
Để sau này nối được chí tiền nhân
Ta chắc rằng sau một cuộc xoay vần
Dân nước Việt lại là dân hùng liệt
Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt
Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam
Bên những trang lịch sử bốn nghìn năm
Đầy chiến thắng vinh quang, đầy máu thắm
Ta sẽ phải suốt đời đau uất hận
Nếu Việt Nam địa giới phải chia rời,
Dân Việt Nam huyết mạch rẽ đôi nơi
Người Nam, Bắc không cùng chung cội rễ
Ta nhất định không bao giờ chịu thế
Núi sông nào cũng của nước Việt Nam!’’
Tiếng thầy tôi suốt buổi học vang vang
Trên án sách, bên những hàng cửa kính
Giờ tôi tưởng như đương ngồi dự thính
Thầy tôi đương hùng biện giữa thanh niên
Đương những vì quyền lợi giống Rồng Tiên
Thề giữ vững bản đồ non nước Việt.

Đoàn Văn Cừ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad