Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Trở về từ Việt Nam, ủy viên USCIRF là bà Anurima Bhargava đã dành cho Đài Á Châu Tự Do buổi phỏng vấn swau sau đây:
Ủy Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo được thành lập bởi quốc hội Hoa Kỳ 20 năm nay với nhiệm vụ theo dõi về tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại các nước trên thế giới. Một trong những việc quan trọng mà chúng tôi làm là đi thăm các nước để có thể gặp gỡ nhiều thành phần khác nhau từ giới chức chính phủ cho đến các vị lãnh đạo tinh thần, thành viên cộng đồng, nhằm tìm hiểu những thách thức trong việc thực hiện niềm tin và tín ngưỡng trong cộng đồng ở các quốc gia.
Chuyến đi Việt Nam vừa qua là chuyến thăm mà chúng tôi đã muốn làm trong vài năm qua và đây là chuyến thăm đầu tiên kể từ chuyến thăm lần trước cách đây đây 4 năm. Chúng tôi đã gặp được một số thành phần quan trọng và khác nhau tại Việt Nam 2 tuần trước.
Thanh Trúc: Ngoài đại diện 5 tôn giáo mà quí vị gặp và trực tiếp trò chuyện thì còn có tổ chức chính phủ nào hay những người tranh đấu nhân quyền hoặc tổ chức dân sự nào nữa không?
Bà Bhargava: Có, chúng tôi đảm bảo là có thể gặp được nhiều đại diện khác nhau bao gồm giới chức chính phủ trung ương cũng như địa phương, chúng tôi đã gặp một số vị lãnh đạo tinh thần cũng như một số tổ chức tôn giáo được hoặc không được Nhà Nước Việt Nam công nhận. Chúng tôi đã gặp những người bị ảnh hưởng do các hoạt động của chính phủ trong vấn đề tôn giáo liên quan đến đất đai, những người có liên quan đến các tù nhân lương tâm. Chúng tôi cũng cố gắng để gặp được những người có thể cho chúng tôi biết liệu luật tôn giáo tín ngưỡng của Việt Nam có được thực hiện đúng cách hay không và theo quy định của chính phủ đưa ra hay không.
Thanh Trúc: Qua tiếp xúc giữa USCIRF với đại diện các tôn giáo và các tổ chức nhân quyền khác tại Việt Nam bà nhận định ra sao về tình hình tự do tôn giáo và quyền con người ở Việt Nam tính đến thời điểm này?
Bà Bhargava: Chúng tôi theo dõi liên tục tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Đó là điểm trọng tâm trong nỗ lực của chúng tôi ở nhiều quốc gia. Điều quan trọng là khi luật tự do tín ngưỡng được thông qua và vào hiệu lực 2018, chúng tôi có thể quan sát để biết xem luật đã được thực hiện thế nào và có được thông tin từ các nhóm tôn giáo được và không được nhà nước thừa nhận về tình hình hiện tại.
Thanh Trúc: Bà và đoàn làm việc USCIRF có được chính phủ Việt Nam giúp đỡ tạo điều kiện cho cuộc gặp vào ngày 18 tháng Chín không, nhất là gặp các đại diện nhân quyền và dân sự ở Việt Nam?
Bà Bhargava: Vì là một tổ chức của chính phủ Hoa Kỳ nên chuyến đi của chúng tôi được tổ chức có sự liên kết với Đại Sứ Quán Mỹ tại Hà Nội và Lãnh Sự Quán Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng rất cám ơn chính quyền Việt Nam đã cấp visa cho chúng tôi vào gặp các nhóm khác nhau tại Việt Nam, cũng như các thông tin và kiến nghị của họ về việc ai chúng tôi nên gặp. Chúng tôi gặp nhiều thành phần trong đó có cả Hội đồng Liên tôn VN.
Bà Bhargava: Chúng tôi đề cập đến khá nhiều vấn đề với giới chức chính phủ, không chỉ chuyện tù nhân lương tâm, những người giúp đỡ cộng đồng thực hiện quyền tự do tín ngưỡng hoặc những người còn trong tù và bản thân họ cũng không được thực hiện quyền tín ngưỡng của mình trong tù. Đó là những phần mà luật tự do tín ngưỡng mới phải bảo vệ. Chúng tôi đã nêu quan ngại về vấn đề này. Đồng thời chúng tôi cũng nêu quan ngại về quyền đất đai ở trong nước, đảm bảo là những phần đất thuộc các tôn giáo phải được bảo vệ và tôn trọng. Chúng tôi cũng bày tỏ quan ngại về việc thực hiện luật tôn giáo mới ở cấp địa phương vì có những cản trở mà một số nhóm tôn giáo đã gặp phải liên quan đến việc đăng ký các hoạt động của họ ở trong nước.
Thanh Trúc: Theo bà, những kiến nghị của Hội Đồng Liên Tôn, yêu cầu Hoa Kỳ và chính phủ các nước can thiệp để Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm đồng thời tôn trong tự do tôn giáo liệu có tác động gì không trong bối cảnh tôn giáo luôn bị kiểm soát như lúc này?
Bà Bhargava: Như đã nói USCIRF đang làm việc sát với Việt Nam về vấn đề tự do tôn giáo 2 thập kỷ nay rồi. Việt Nam từ 2004 đến 2006 nằm trên danh sách CPC cần đặc biệt quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo. Những nước đã bị USCIRF khuyến nghị đưa vào CPC như Việt Nam, chúng tôi có cách làm là tiếp cận bằng đối thoại và cố gắng đạt được thỏa thuận để đề cập đến những quan ngại. Trong giai đoạn 2004 – 2006 chúng tôi đã đạt được thỏa thuận này và giới chức chính phủ đã có những bước đi quan trọng để giải quyết những quan ngại được đưa ra vào lúc đó. Tương tự như vậy, khi luật tôn giáo mới đi vào hiệu lực và chúng tôi thấy có những quan ngại và chứng kiến nhân chuyến thăm này, chúng tôi muốn có các đối thoại với chính phủ Việt Nam, và vai trò của chúng tôi là đưa ra các khuyến nghị với Tổng thống, với Bộ ngoại giao và Quốc hội về những gì đang xảy ra ở Việt Nam. Đó là những trách nhiệm mà chúng tôi sẽ tiếp tục làm nghiêm túc và đã được thấy qua chuyến thăm lần này của chúng tôi đến Việt Nam.
Thanh Trúc: Sau cùng, thưa bà Bhargava, năm 2018 Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố phúc trình thường niên về tự do tôn giáo, chỉ trích Việt Nam áp đặt những điều luật khắc nghiệt và mơ hồ để kiểm soát hoạt động của các đạo giáo trong nước họ. Bà nghĩ phúc trình tự do tôn giáo 2019 của Bộ Ngoại Giao sẽ tốt lên, xấu hơn hay vẫn không thay đổi?
Bà Bhargava: Tôi nghĩ mục đích chuyến thăm Việt Nam vừa qua nhằm thẩm định, đánh giá sự thực thi luật pháp của chính phủ Việt Nam trong phạm vi tự do tôn giáo. Chúng tôi thấy là với một số nhóm và cộng đồng thì luật có vẻ được thực hiện tốt. Với một số nhóm khác thì không: họ vẫn gặp khó khăn khi đăng ký hoạt động, một số bị cản trở thậm chí bị sách nhiễu ở địa phương. Với các nhóm tôn giáo được chính phủ nhìn nhận, luật mới đã làm rõ về nhiều vấn đề và thực hiện tốt đối với họ. Chúng tôi đã nghe nhiều thông tin và ý kiến khác nhau của người dân và chúng tôi sẽ tiếp thu, đánh giá khi chúng tôi làm báo cáo hàng năm và khi chúng tôi nhìn vào xu hướng để đánh giá về ảnh hưởng của nó đối với các cộng đồng trong nước.
Xin cảm ơn bà Bhargava đã dành cho đài Á Châu Tự Do buổi phỏng vấn này.
Thanh Trúc
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét