Vì sao Việt Nam không còn dám khoe dự trữ ngoại hối? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

Vì sao Việt Nam không còn dám khoe dự trữ ngoại hối?


Nếu bị Mỹ đánh thuế nặng hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam sẽ lâm vào cảnh phá sản, còn nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không thể chịu nổi thuế suất cao mà sẽ phải rút khỏi Việt Nam, khiến nền kinh tế nước này lao nhanh vào suy thoái trầm kha và càng khiến tuổi thọ của chính thể độc đảng trở nên ngắn ngủi đến khó lường.



Sau đợt tự sướng như thể ‘tiểu nhân đắc chí tiểu nhân cười’ vào tháng 4 năm 2019 về thành tích đã thu gom được hơn 8 tỷ USD và tích lũy cho quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia đến hơn 60 tỷ USD - cao chưa từng thấy từ trước tới nay, dàn đồng ca do Ngân hàng Nhà nước lĩnh xướng và các tờ báo quốc doanh phụ họa chợt im bặt. Im cho đến nay.

Từ tự sướng đến im bặt

Thậm chí khi công bố số liệu về cán cân thanh toán tổng thể quý 2/2019, Ngân hàng Nhà nước cũng không nói đến thành tích thu gom ngoại tệ và quỹ dự trữ ngoại hối, cho dù đó là những con số mà Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc luôn tự hào và đã có lúc bật đèn xanh cho báo chí nhà nước đăng tin thả giàn về vấn đề từng được xem là ‘nhạy cảm’ và nằm trong độ ‘MẬT’ này.

Chỉ có một vài công ty chuyên phân tích chỉ số kinh tế, như SSI Research, đưa ra nhận định rằng quỹ dự trữ ngoại hối vẫn tiếp tục tăng cao chưa từng có, ước tính khoảng 70 tỷ USD.

Nhưng ở một chiều kích khác và âm thầm, có tính toán cho biết Ngân hàng Nhà nước vẫn âm thầm gom ngoại tệ và đã gom được 9,15 tỷ USD sau nửa đầu năm 2019. Tuy nhiên gần đây con số đó dường như đã chựng lại mà không phát triển thêm nữa.

Vì sao chính phủ Việt Nam không còn khoe khoang thành tích dự trữ ngoại hối? Khiêm tốn chăng? Hay bởi nguồn cơn khó nói nào?

Cùng lúc, một số bài viết trên báo quốc doanh đã tỏ ra lo lắng về tương lai ‘Việt Nam có thể bị Mỹ xếp vào danh sách các nước thao túng tiền tệ’, và nguy cơ đó cho đến nay vẫn tồn tại.

Đó mới chính là nguồn gốc của sự nín miệng.

Hãy ngoái đầu về dĩ vãng gần…

Mấp mé bờ vực thao túng tiền tệ

Vào đầu năm 2019, Mỹ đã sử dụng ba tiêu chí để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia: thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đô la, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP. Nhưng khi đó đã không vang vọng lời cảnh báo nào từ trong nội bộ các cơ quan kinh tế Việt Nam. Bài ca ‘tự sướng’ vẫn reo vui bất tận cùng với đà tăng trưởng thặng dư xuất khẩu vào thị trường Mỹ và sự phình ra đáng kể của quỹ dự trữ ngoại hối.

Sau nhiều năm liên tục gia tăng giá trị xuất siêu vào thị trường Hoa Kỳ, đến năm 2018 Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ (còn gọi là giá trị xuất siêu) ở mức kỷ lục tới 35 tỷ USD, càng củng cố một cách chắc chắn vị trí thứ 6 của Việt Nam trong số 16 quốc gia bị Donald Trump liệt vào danh sách ‘gây hại’ cho nền kinh tế Mỹ. Không chỉ dừng ở đó, năm 2019 sẽ có thể mang lại giá trị xuất siêu trên 40 tỷ USD trong cán cân thương mại Việt - Mỹ.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục nâng tỷ giá trung tâm trong những tháng cuối năm 2017 và trong 4 tháng đầu năm 2019, trong bối cảnh thị trường và tỷ giá USD/VND ổn định, và đặc biệt là trong điều kiện cung ngoại tệ dồi dào và nhà điều hành mua vào lượng lớn, để dẫn đến kết quả đã mua vào lượng khá lớn ngoại tệ hơn 8 tỷ USD.

Việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm để kích thích gom USD trôi nổi, dù đã trám bớt lỗ hổng toang hoác của quỹ dự trữ ngoại hối để có tiền trả nợ nước ngoài, nhưng lại khiến cơ quan ‘siêu ngân hàng’ này phải trút vào thị trường tự do đến 200.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2019 - chiếm đến hơn 4% GDP, tức vượt xa giới hạn 2% GDP mà Mỹ quy định đối với quốc gia thao túng tiền tệ.

Như vậy xét theo hệ thống tiêu chí của Mỹ, Việt Nam đã vi phạm về hai tiêu chí thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đô la, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP, khiến Việt Nam đầy triển vọng bị Mỹ đặt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, nếu không phải trong năm 2019 thì cũng vào những năm sau đó.

Vậy Việt Nam có thể tự làm gì để khỏi lọt vào danh sách tai họa đó?

Tiến thoái lưỡng nan

Tình thế giờ đây đã có vẻ quá trễ cho một sự rút lui, dù có muốn rút lui theo trật tự.

Bởi Việt Nam khó có thể giảm mức độ thặng dư thương mại với Mỹ trong ngắn hạn, tức ngay trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020, khi mà diễn biến xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ vẫn còn đà và vẫn chưa vấp phải một hàng rào thuế quan dụng đứng như bức tường mà Mỹ đã dựng trước hàng hóa của Trung Quốc. Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam cùng với việc hàng hóa Việt Nam dần thay thế hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ khiến cho thặng dư thương mại với Mỹ nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Chưa kể đến thặng dư với Mỹ tăng nhanh chóng trong thời gian vừa qua đến một phần từ việc hàng hóa Trung Quốc lách xuất xứ qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, điển hình là mặt hàng thép. Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, nếu nhìn tương quan giữa các nhóm ngành xuất khẩu sang Mỹ và các nhóm ngành nhập khẩu từ Trung Quốc, ngoại trừ điện thoại và linh kiện, khá nhiều các nhóm hàng đạt tốc độ tăng trưởng mạnh sang Mỹ lại trùng khớp với các nhóm hàng gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc như máy tính và sản phẩm điện tử, máy móc phụ tùng khác, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Mà như thế, Việt Nam chỉ còn cách phải kiểm soát chặt chẽ tình trạng nhập nhèm trên thì xuất siêu của Việt Nam với Mỹ trong thời gian tới, dù vẫn tăng, nhưng tốc độ có thể chậm lại so với nửa đầu năm 2019 và do đó mới có thể khiến Trump bớt giận dữ về ‘kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất’ (cụm từ mà Trump thốt ra vào tháng 5 năm 2019, không hẳn là bốc đồng, nhằm chỉ trích Việt Nam).

Còn với việc can thiệp thị trường ngoại hối, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tự giảm bớt tỷ lệ can thiệp xuống mức 2% bằng cách bán bớt một phần ngoại tệ đã thu gom trước đây, mà con số bán ra có thể vào khoảng 3 - 4 tỷ USD.

Hiệu ứng của Danh sách các nước thao túng tiền tệ mà Hoa Kỳ tạo ra là thấy rõ, bởi sau khi bị Mỹ áp hệ tiêu chí về việc này, cả Ngân hàng Nhà nước lẫn chính phủ Việt Nam đã chỉ phản ứng một cách yếu ớt. Thậm chí còn có thể lượng hóa hiệu ứng đó: nếu vào năm 2019 Ngân hàng Nhà nước đã mang lại số lời lãi lớn cho Nhà máy In tiền Quốc gia bằng những đơn đặt hàng in thêm núi tiền đến hơn 200.000 tỷ đồng để thu gom hơn 9 tỷ USD, thì đến năm 2019 số đơn đặt hàng in tiền đã bị thu ngắn đáng kể, đến nỗi Nhà máy In tiền Quốc gia còn bị lỗ đến hơn 11 tỷ đồng chỉ trong nửa đầu năm 2019.

Nếu không gấp rút thực thi những biện pháp cấp bách để khỏi vi phạm các tiêu chí của Mỹ, sắp tới Việt Nam rất có thể bị Mỹ xếp vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, để tương lai rất cận kề là theo lệnh của Tổng thống Trump, Đại diện Thương mại Mỹ sẽ nâng cao mức thuế suất đánh vào hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ - tương tự chiến dịch nâng thuế suất đến 25% của Mỹ đối với toàn bộ 500 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Và nếu bị Mỹ đánh thuế nặng hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam sẽ lâm vào cảnh phá sản, còn nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không thể chịu nổi thuế suất cao mà sẽ phải rút khỏi Việt Nam, khiến nền kinh tế nước này lao nhanh vào suy thoái trầm kha và càng khiến tuổi thọ của chính thể độc đảng trở nên ngắn ngủi đến khó lường.

Chưa kể cửa vào ‘kinh tế thị trường’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam, vốn đã chẳng rộng mở gì, sẽ càng thêm hẹp lại…


Phạm Chí Dũng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad