"Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc" và "Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả mọi người” - Trump chỉ trích gay gắt và cáo buộc Việt Nam đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ.
Ngạc nhiên!
Sự việc đáng ngạc nhiên trên là một dự án khí điện khí hóa lỏng (LNG) tại tỉnh Bình Thuận, với hàng tỷ USD nhiên liệu nhập khẩu từ Mỹ, đang được chính phủ của Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo sát sao như một phần trong nỗ lực mua sản phẩm của Mỹ.
Đến đầu tháng 10 năm 2019, không khí ngạc nhiên còn được hiện thực hóa hơn khi một đoàn làm việc của Bộ Công thương Việt Nam đã lặng lẽ đến Washington, để sau đó công bố rằng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trao đổi Biên bản ghi nhớ Hợp tác (MOU) về đối tác hợp tác năng lượng toàn diện. Cùng lúc, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh thông báo là chính phủ Việt Nam vừa cấp phép cho Tập đoàn AES của Mỹ đầu tư 5 tỷ đôla vào dự án nhà máy điện khí hóa lỏng LNG đầu tiên tại Việt Nam.
Vì sao Việt Nam ‘nhiệt tình’ cho Mỹ đầu tư 5 tỷ đôla vào nhà máy điện khí hóa lỏng như thế?
Cử chỉ trên được xem là nhằm làm ‘hài hòa cán cân thương mại’ với Mỹ.
Từ “kẻ thù thương mại’ đến “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”
Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ làn sóng thặng dư thương mại với Mỹ.
Sau gần hai chục năm hoàng kim từ thời tổng thống George Bush, Bill Clinton đến Barak Obama và cả thời của Donald Trump, Việt Nam đã kích hoạt lượng xuất khẩu phi mã vào thị trường Hoa Kỳ và tăng vọt số suất siêu lên đến khoảng 160 lần so với năm 2001 - thời điểm mà Việt Nam mới ký với Mỹ Hiệp định thương mại song phương (BTA) đầu tiên.
Chỉ trong 3 năm gần đây, Việt Nam đã tạo được một lượng xuất siêu kỷ lục - lên đến hàng trăm tỷ USD - vào thị trường Mỹ.
Vào năm 2017, Việt Nam xuất sang Mỹ lượng hàng hóa tổng giá trị 41,6 tỷ USD nhưng chỉ nhập khẩu có 9,2 tỷ USD, nâng mức thặng dư thương mại lên con số 32,4 tỷ USD với Mỹ.
Đến năm 2018, Việt Nam đã đạt giá trị xuất siêu ở mức kỷ lục tới 35 tỷ USD.
Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2019, thặng dư thương mại Việt - Mỹ đã lên con số 30 tỷ USD, cao hơn 39% so với trong cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ, nâng mức dự kiến xuất siêu đến 38 - 40 tỷ USD vào thị trường Mỹ trong năm 2019.
Sự chênh lệch quá lớn trên càng củng cố một cách chắc chắn vị trí thứ 5 của Việt Nam trong số 16 quốc gia bị Donald Trump liệt vào danh sách ‘gây hại’ cho nền kinh tế Mỹ.
Khác hẳn với thời ‘êm ấm’ với Tổng thống Obama mà đã chẳng phải nhận đòn trừng phạt kinh tế nào, giờ đây Việt Nam và cả nền chính trị độc tài của nó đang phải đối mặt với nguy cơ bị Trump biến thành ‘kẻ thù thương mại’, và do đó phải gánh chịu những hậu quả khó lường về bức tường thuế quan, kiểm định hàng hóa cùng những biện pháp khác mà Trump phát nổ trong thời gian tới.
Vào tháng 6 năm 2019, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nổi đóa và tặng cho Việt Nam một biệt danh mới: Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”!
"Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc" và "Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả mọi người” - Trump chỉ trích gay gắt và cáo buộc Việt Nam đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ.
Có thể cho rằng phát ngôn trên là góc cạnh và cứng rắn nhất từ trước tới giờ của Trump nhắm vào Việt Nam về vấn đề thâm hụt thương mại. Trong hơn hai năm rưỡi nắm quyền, Trump thường than phiền về thâm hụt mậu dịch của Mỹ trong quan hệ với nhiều nước và đang cố gắng thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn để điều chỉnh tình trạng mất cân bằng thương mại.
Không chỉ dừng ở ‘kẻ làm dụng thương mại tồi tệ nhất’, Trump còn đe dọa sẽ đưa Việt Nam vào danh sách ‘các quốc gia thao túng tiền tệ’.
Một trong ba tiêu chí mà Mỹ sử dụng để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia là thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đô la.
Nếu bị xem là quốc gia lũng đoạn tiền tệ, cửa vào ‘kinh tế thị trường’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam, vốn đã chẳng rộng mở gì, sẽ càng thêm hẹp lại. Khi đó, tương lai rất cận kề là theo lệnh của Tổng thống Trump, Đại diện Thương mại Mỹ sẽ nâng cao mức thuế suất đánh vào hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ - tương tự chiến dịch nâng thuế suất đến 25% của Mỹ đối với toàn bộ 500 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.
Và nếu bị Mỹ đánh thuế nặng hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam sẽ lâm vào cảnh phá sản, còn nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không thể chịu nổi thuế suất cao mà sẽ phải rút khỏi Việt Nam, khiến nền kinh tế nước này lao nhanh vào suy thoái trầm kha và càng khiến tuổi thọ của chính thể độc đảng trở nên ngắn ngủi đến khó lường.
Món quà đi Mỹ?
Trở lại việc Việt Nam ‘nhiệt tình’ cho Mỹ đầu tư 5 tỷ đôla vào nhà máy điện khí hóa lỏng, Bộ Công thương cho biết hợp đồng xây dựng nhà máy điện này có tổng trị giá khoảng hơn 5 tỷ đôla, và khi chính thức đi vào vận hành sẽ tạo ra nhu cầu nhập khẩu khí hóa lỏng từ Hoa Kỳ lên tới gần 2 tỷ đôla/năm.
Nói cách khác, phía Việt Nam sẽ phải tự trút hầu bao ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.
Không chỉ có thế, mà còn là khí đốt tự nhiên từ Texas, than từ Pennsylvania, thịt lợn từ Iowa và thậm chí cả động cơ máy bay – một danh sách hàng hóa trị giá hàng tỷ USD được ‘gợi ý’ bởi phía Mỹ, dành cho cuộc viếng thăm Washington của một quan chức chóp bu Việt Nam vào tháng 10 năm 2019.
Sau những tín hiệu Việt Nam cử phái đoàn lo Đại hội 13 sang ‘nghiên cứu thực tiễn chính sách’ của Mỹ, và Hà Nội chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn - cha của nhà báo tự do Bùi Tín, việc chính thể này ‘nhiệt tình’ cho Mỹ đầu tư 5 tỷ đôla vào nhà máy điện khí hóa lỏng là một món quà, và cũng có thể là bằng chứng mới nhất và rõ nhất về ý đồ ‘đi Mỹ’ của giới chóp bu Hà Nội vẫn được giữ nguyên, sau rất nhiều hoạt động vận động chính thức lẫn ngoài lề của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ý đồ này thậm chí càng trở nên cấp bách bởi cho tới nay vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính do ‘đảng anh’ Trung Quốc gây ra đã kéo dài tròn 3 tháng mà vẫn chưa hề có dấu hiệu kết thúc, khiến ‘đảng em’ lâm vào tình thế chân tường.
Trong tình cảnh khốn quẫn đó, rất dễ hiểu là chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang cố gắng làm hài lòng chính sách ‘cân bằng và đối ứng’ về mậu dịch song phương của Tổng thống Trump, để đổi lại một cuộc gặp tại Phòng Bầu Dục và một chính sách ủng hộ hơn nữa của quân đội Hoa Kỳ với Việt Nam nhằm răn đe Trung Quốc - nhưng không chỉ răn đe chung chung ở Biển Đông, mà cần trực tiếp nhắm vào khu vực Bãi Tư Chính, miễn làm sao để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng các đối tác của nó có thể bớt đau tim khi tiến hành khoan dầu nuôi đảng.
Đến thời điểm này, không nhất thiết là một Nguyễn Phú Trọng đang có dấu hiệu đuối sức trở lại bởi cơn bạo bệnh ở Kiên Giang vào tháng 4 năm 2019, mà có thể sẽ là Nguyễn Xuân Phúc thay Trọng đi gặp Trump.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét