Đây không phải con đường nhập cư lậu như trường hợp 39 nạn nhân ở Essex, nó hoàn toàn hợp pháp, tuy nhiên đứng đằng sau âm mưu buôn người này vẫn là bóng dáng của tội phạm có tổ chức.
Cụ thể, điều tra của The Times phát hiện ít nhất 21 trường hợp trẻ em người Việt biến mất khỏi trường trung học nội trú hoặc trường cao đẳng tư trên khắp nước Anh trong 4 năm qua.
Theo mô hình này, các học sinh thường trả cho các trường trung học tư - đơn vị bảo lãnh visa - học phí của một học kỳ, rồi sau đó biến mất khỏi trường lớp chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng sau ngày khai giảng.
Nhà chức trách và các tổ chức bảo vệ trẻ em của Anh lo rằng số trẻ vị thành niên này dễ bị bóc lột trong các tiệm nail, trại trồng "cỏ" (cần sa), và cả nhà thổ do các băng nhóm gốc Việt điều hành nằm rải rác trên khắp nước Anh.
Cảnh sát và Bộ Nội vụ Anh đang điều tra các trường hợp chính thức, nhưng khả năng vẫn còn nhiều nạn nhân khác họ không biết đến. Một thiếu nữ mất tích hồi năm 16 tuổi đến nay vẫn chưa tìm ra, trong khi vài em khác được phát hiện làm việc trong tiệm nail.
Tổ chức từ thiện Every Child Protected Against Trafficking ghi nhận số trẻ em Việt Nam là nạn nhân buôn người tăng từ 135 hồi năm 2012 lên 704 năm 2018.
Trong một câu chuyện cụ thể, có 8 trẻ em người Việt biến mất khỏi Trường cao đẳng Chelsea Independent College nằm ở tây London, nơi học phí lên đến 25.000 bảng Anh mỗi năm.
Một cựu nhân viên kể lại một thiếu nữ đã bỏ trốn khỏi ký túc xá qua cửa thoát hiểm vào lúc nửa đêm, khiến cả trường náo loạn vì sợ nổ ra xìcăngđan.
Còn tại ngôi trường danh tiếng Abbey College ở Worcestershire, một thiếu nữ 15 tuổi người Việt quê gốc Quảng Ninh nhập học vào tháng 9-2017 rồi biến mất sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Người ta tìm thấy cô bé trong một tiệm nail ở Yorkshire hơn một năm sau.
Danh sách còn một loạt trường khác như DLD College ở London (3 thiếu nữ Việt mất tích sau lễ khai giảng, 1 em mới 15 tuổi); Cambridge Tutors College (1 thiếu nữ 16 tuổi mất tích khỏi gia đình bảo trợ); các trường thuộc Bellerbys school Group (3 học sinh)...
"Các em không quay lại sau kỳ nghỉ lễ, gọi điện thoại cũng không ai trả lời. Đây là một lỗ hổng, kẻ nào đó nhận ra đây là cách hợp pháp đưa các thiếu nữ Việt sang Anh để bóc lột" - một cựu giáo viên thuộc Bellerbys nhận xét.
Bà Pat Saini, một luật sư về di trú ở Anh tư vấn cho nhiều trường học, gọi các vụ mất tích là "vấn đề bảo vệ an toàn tồi tệ nhất chúng ta gặp phải".
"Các trường học chia nhau đi tìm học sinh tại nhiều nơi ở Anh. Họ tự tìm và trợ giúp cảnh sát. Chúng tôi cùng chia sẻ tâm trạng với các khách hàng 'ôi những em học sinh 15 tuổi của tôi đâu rồi'" - bà Saini tâm sự.
Tình hình tệ đến mức hồi năm 2017, các tổ chức trường tư và trường nội trú ở Anh phải khuyến cáo các thành viên "cẩn thận" khi tiếp nhận học sinh Việt Nam. Trong tất cả trường hợp mất tích, các trường đều thông báo cho cảnh sát và Bộ Nội vụ Anh theo đúng quy trình.
Tất cả học sinh Việt Nam đến Anh theo diện visa loại 4 dành cho trẻ em, vốn không đòi hỏi trình độ tiếng Anh. Trong năm 2017, có 220 công dân Việt Nam được cấp visa này.
"Điều này quá hãi hùng. Bắt trẻ em lặn lội ngàn dặm từ quê nhà, lẽ ra chúng phải được đi học thì lại bị bán làm nô lệ ở Anh. Không thể tưởng tượng nổi" - bà Yvette Cooper, quan chức Bộ Nội vụ Anh, cảm thán.
Bà Cooper kêu gọi chính quyền phải khắc phục lỗ hổng visa này ngay lập tức để chặn đứng bọn tội phạm.
Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét