1.Một truyện trong cuốn sách Truyện khôi hài 1882 của Trương vĩnh Ký:
Lão kia hay chữ mà cà xốc, thấy con kia đề đạm nhủm nha có duyên có sắc thì hát chọc rằng:
Thấy em cũng muốn làm quen/ Lại sợ em có chữ thiên trồi đầu.
Con kia đáp lại:
Anh ơi chớ nói thêm rầu, chữ thiên trồi đầu lại có phết vai.
Ông TRƯƠNG VĨNH KÝ bàn rằng: Chữ thiên天 trồi đầu là chữ phu 夫 (chồng), còn chữ thiên trồi đầu lại lại có phết vai là chữ thất 失, nghĩa là mất, tức là muốn nói có chồng nhưng chồng đã chết.
Tôi, NVS bàn rằng: Chữ thất đó lấy âm mà thôi đi với chữ phu của lão kia thành thất phu 匹夫, ý nghĩa của cả câu là xỏ ngọt ông nọ, cho rằng ông kia là người thất phu, vô hạnh.
Thế mới tạo được tiếng cười trong câu chuyện.
2.Một kiểng hai quê, câu chuyện của người bình dân.
Một ông thầy thuốc kia hai vợ, người ta có con bịnh ở nhà, đến tiệm thuốc của bà lớn thì ông đương ăn cơm với vợ. Hai giờ đồng hồ sau con bịnh trở nặng, họ phải chạy sang tiệm của bà nhỏ thì cũng thấy ông ngồi cố nuốt cơm mà coi bộ bí xị vì đã no mà phải cố chèn. Ông nói:
Tôi thiệt khổ sở vì chuyện mộtkiểng hai quêchạy qua chạy lại cũng mệt.
Bà vợ hí háy:
Chớ không phải ông ham hai huê, huê nào cũng muốn nhổ, nhổ cả cụm bông hoa của vườn mới vừa ý.
Kể hai chuyện nầy làm nhập đề tôi muốn nhắc rằng một bản văn hay một câu chuyện người ta có thể hiểu theo nhiều lối khác nhau tùy theo lối suy nghĩ của mình. Chuyện hiểu theo nhiều lối có thể làm cho bài văn mất bớt ý nghĩa, nhưng cũng có khi làm sáng tỏ vấn đề hơn.
Cũng vậy, những bài văn mà ông Trương Vĩnh Ký phiên âm từ bản Nôm - mà ông gọi là chép ra chữ quốc ngữ - nhiều khi ông nhấn mạnhkhông biết là ai cho chắc, tôi (NVS), thấy có điều gì đó ông giấu mép cái lòng yêu nước, chống Tây mà ông mang mển trong lòng. Có thể quí bạn không được thuyết phục vì chẳng thấy rõ ràng chuyện Trương Vĩnh Ký xác nhận bằng văn bản rằng mình yêu nước, rằng mình chống Tây. Trong một xã hội kềm kẹp thì sự phát biểu rõ ràng trên giấy trắng mực đen ai cũng biết rằng là một sự việc khó thể có. Liên tưởng đến tình trạng người dân VN ở trong nước hiện nay thì hiểu rõ tại sao chúng ta không tìm được giấy tờ gì xác nhận lòng yêu nước của ông Trương Vĩnh Ký, nếu có thì rất xa gần thôi, không thể rõ ràng và chúng ta phải trải qua nhiều suy luận mà chưa chắc đã thuyết phục được số đông.
p
Trong chiều hướng đó, tôi đi tìm lòng yêu nước của ông Trương vĩnh Ký qua những gì gọi là gián tiếp. Gián tiếp nhưng phần nào thể hiện.
1. Những bài phiên âm hay những bài ông cho đăng trên báo mình chứa đựng những từ ngữ, tư tưởng có thể coi là chống đối người Pháp.
a. Bài Hịch Con Quạ, tác giả nói về những cái xấu của con quạ, như mổ lưng trâu ghẻ, ăn thịt rắn lột da, phá trái hoa cây lá, cắn lôi chim cu con mới ra ràng, bắt xớt gà con xa mẹ. Hành vi của loài quạ, vạc đồng cũng sợ, còng cọc cũng e… Đó là nói về thú vật thiên nhiên, ngay đến sinh hoạt của con người, loài quạ cũng không tha: Lục nồi cơm trã cá của dân quê, cướp đồ ăn con nít đương cầm, bắt cá của người nôm đôm, mổ ghè tương của sãi, giọc nước phơi nắng cho ấm để dành cho con trẻ tắm…
Sau khi kể xấu con quạ rồi thì bài văn đi đến ước mong thiệt là tha thiết và hùng dũng:
Phải chi:
Ấn dầu[1] ban, gươm dầu phú, chém đầu ngươi răn thói gian tà.
Cung dầu nấy, tên dầu trao[2], bắn quách gã, buông oai giáo hóa
Những câu nầy như lời ước ao có được Chiếu Cần Vương hay lịnh vua ban cho mình làm chuyện giết quạ giúp dân.
Uớc ao như vậy để chi?
Như vậy thì:
Dân đen nhuần nhã, nơi nơi con đỏ thảnh thơi.
Tánh quỉ biết chừa, tượng bởi[3] bút thần linh tả.
Giết được quạ rồi thì dân chúng sống đời thanh bình, khỏi bị bách hại, được thảnh thơi. Và những con quạ khác thấy hình ảnh đó mà chừa, không còn theo thói.
Sao chỉ là chuyện con quạ thôi mà tác giả dùng lời quan trọng:ấn ban, gươm phú, tên nấy, cung traonhư là tướng nhận lịnh trực tiếp từ tay nhà vua? Quạ, một con vật nhỏ bé, lớn bằng con gà là cùng, phá phách cũng chẳng nhiều nhỏi gì, phải chi một đàn diều, một lũ kên kên thì nghe còn có lý.
Có thể ai đó giải thích trường hợp nầy làsự nói quá, làcách viết phóng đạicủa văn chương.
Tôi không thấy sự giải thích như vậy là thỏa đáng.
Tôi nghĩ đến bài Hịch Đánh Trịnh trước đó, bài Hịch Con Chuột mà Trương Vĩnh Ký cũng có nhắc tới, những tác giả thiệt sự của hai bài hịch trên khi phóng bút ra chắc chắn là đã có dụng ý bởi vì người ta làm hịch để kêu gọi gọi dân chúng đi theo để làm điều gì đó, thông thường là một cuộc nổi dậy, một đại binh biến.
Tôi đi tìm nơi nào đó có bản văn chữ Nôm, bản khắc hay bản viết tay. Tôi đi tìm một lời nhắc đến bài Hịch Con Quạ của ai đó sống xấp xỉ thời của Trương Vĩnh Ký. Tất cả đều là một sự đi tìm vô vọng, chỉ là một im lặng trường kỳ. Nghĩa là không ai thấy/biết bản NômHịch Con Quạ, ngoài chuyện Trương Vĩnh Ký cho biết gián tiếp bằng mấy chữ ‘chép ra quốc ngữ’và‘bài văn người-ta, không biết là ai cho chắc, làm ra mượn để mà răn ta…’
Và tôi đi đến giả thuyết gồm hai phần:
· Bài Hịch Con Quạ là do Trương Vĩnh Ký viết ra, ông ẩn danh vì sự an nguy của mình.
· Con quạ là Tây thực dân lúc đó mà tác giả buộc lòng phải nói gần xa bóng gió.
Giả thuyết đặt ra công luận tùy nghi phẩm luận. Xin cám ơn trước.
b. Bài Phú con Muỗi cũng vậy, rất giống ở mặt xa gần chống Pháp như bài Hịch Con quạ.
c. Bài Thơ Năm Canh Điểm Mục: (Thông Loại Khóa Trình số 4, 1889)
Bài thơ quan trọng nầy cũng không do Trương Vĩnh Ký viết, nhưng ông đã cho đăng lên trên tờ báo do ông chủ trương. Vậy thì cũng như ông viết mà thôi về mặt quan điểm. Bài thơ nói sự khổ của dân chúng phải lo việc canh phòng, đêm không được ngủ nhà. Đặc biệt tác giả nói thẳng thừng huỵch tẹt ra bằng mấy chữ nặng nề, giặc Lang Sa. Từ ngày họ đến nước nầy mới có chuyện cuộc sống người dân đảo điên. Sự chống Tây, hay nói khác hơn, là tình tự yêu nước Việt thấy rõ ràng trong bài Thơ Năm Canh Điểm Mục nầy.
Xin trích đoạn quan trọng:
Ngồi buồn lấy bút cùng nghiên,
Đọc thơ nằm dõ người hiền xem qua.
Kể từ có giặc Lang Sa,
Muôn dân thiên hạ nhà nhà đảo điên.
Dân tình ai nấy ưu phiền,
Sưu cao thuế nặng quan truyền vô đây.
Ngày thì hối lộ đông tây[4],
Tối thì ra dõ roi dây hẳn hòi[5].
Vợ ơi: Nhà cửa mầy coi,
Đặng tao ra dõ làng đòi làm chi.
Vai mang chiếu gối ra đi,
Người trong thủy thổ luận gì lao đao.
Xảy nghe có lịnh thầy rao ,
Canh thì nghiêm nhặt kẻo tao đánh đòn,
Canh thì phải giữ vuông tròn,
Thằng nào ngủ gục thì đòn trên lưng,
Canh ba thì phải đi tuần,
Đường quanh nẻo tắt canh chừng cho manh…
…. Quản bao hai chữ cứng mềm,
chừng nào tới chết mới êm thân nầy,
thôi thôi còn sống lại đây,
Ắt là ta dõ ngày rày bá niên.
p
d. Bài Tự thuật phú… Trong cuốn Cours de langue francaise, bản in thạch bản từ chữ viết tay của tác giả, Saigon, 1874, Collège Stagiaires[1] ông nói rõ ràng, ông, hay ít nhứt ông đồng tình với tác giả rằng mình, chỉ biết chúa/vua mà thôi vì mình là con dân mình nhờ ơn vua để sống, còn theo người Pháp thì chẳng tiền bạc gì.
Sanh đất Việt Nam; Nhờ ơn Nguyễn Chúa.
Dòng Quan Tây vốn chẳng nhiều tiền; Nhà Đình Úy vốn còn cao ngõ.
Sang hèn bởi phận, Biếng xem văn Hàn Dũ tống cùng. Giàu khó ở trời, Lo đọc sách Đào châu trí phú.
b. Thơ ngụ ý xa xôi: Có thể thấy trong bàiThơ Nước Lụt Thơ(TLKT số 3 năm 2)
Ý tứ như là trách móc người không xứng đáng ở vào vị thế cao trọng, và dân chúng nghèo khó ở vào những chỗ khó khăn nguy hiểm.
Mây từ trận, gió từ hồi,
thế giái bao nhiêu nước khỏa rồi,
Lũ kiến bất tài đòi chỗ tấp,
gốc rêu vô dụng một bè trôi.
Lao xao cụm rợp nghe chim dắng,
Lẩm xổm giường cao thấy chó ngồi.
Nỡ để dân đen trên vạc yếu.
chớ nào Hạ Võ ở đâu ai
Trách ai? Vua quan của triều đình bù nhìn Việt Nam vì bị khóa tay bóp miệngchăng? Người Pháp đương làm chủ đất nước đau khổ nầy chăng? Người viết bài Thơ Nước Lụt nầy mong mỏi ai xuất hiện để cứu dân? Những người quyết tâm chống Pháp như Phan Đình Phùng, như Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Duy Dương…? Không ai biết! Không ai có chứng cớ bằng tư liệu viết. Chúng ta ở trong trạng thái muốn tinnhưng cũng ngài ngại những điều mình muốn tin chưa chắc là đúng. Một ẩn dụ, đồng thời là một ẩn số.
2. Sáng tác những gì có ích lợi cho người dân trong cách sống:
a. Sách Phong Hóa Điều Hành.Sách nầy dạy những điều tốt đẹp cho người dân như cách ăn ở đối xử với nhau lấy các thí thụ trong lịch sử của người Tây phương.
b. Cờ Bạc Nha Phiến. Sách nầy khuyên người ta không dính dáng tới những trò chơi có hại như cờ bạc, hút sách (á phiện). Để ý thời của Trương Vĩnh Ký người Pháp không cấm cờ bạc và còn coi việc sản xuất rượu và tiêu thụ nha phiến là phương tiện tăng ngân quỹ mà không chú ý gì đến mặt tiêu cực do tác dụng của những thứ độc hại nầy đối với đời sống và sức khỏe của dân chúng Việt Nam. Cuốn Cờ Bạc Nha Phiếnnhư một phản đối thẳng thừng đối với chủ trương ngu dân của người Tây phương, hay nói khác hơn là phản đối người Pháp.
Nhìn chung, tất cả các bài viết của Trương Vĩnh Ký đều có tính cách dạy điều tốt, điều hay lẽ phải cho người bình dân. Đưa những bài thơ dạy hiếu để, tam cương, ngũ thường, dạy đàn bà ăn ở hết lòng vời chồng, đàn ông thương vợ, bạn bè đối xử trung nghĩa với nhau...Đó là công việc của một nhà văn hóa có lòng với xã hội. Nói chung là một người yêu nước thương dân.
c. Ý nghĩa trong cách viết cuốn Cours D’histoire Annamite.
Theo Nguyễn Vy-Khanh,"các sử gia biên niên xưa nhằm xu nịnh vua chúa, đã đặt ra những huyền thoại để khẳng định thiên mệnh của nhà vua. Còn dân gian thì trong các chuyện truyền khẩu, đã biết ngược dòng thời gian xa xôi trong cái thời điểm mà lịch sử không còn dấu vết, có chăng chỉ còn dấu tích trong các ngọn nguồn thâm sâu huyền hoặc của thần thoại. Người ta không thể coi thường những chuyện kể ở những thời xa xưa, bởi vì mặc dù chúng có khó hiểu, thậm xưng, hoặc không chặt chẽ nhưng người ta vẫn có thể rút ra, từ sự tưởng tượng và cả những nhận thức sai lầm trong đó, những kiến thức về những cái có thể có thực, hoặc ít ra là một phương hướng một dấu vết khả dĩ dùng được để tìm ra sự thực".
Trương Vĩnh Ký đã luận công tội các triều đại xưa và vinh danh các anh hùng dân tộc. Ngòi bút trở nên đanh thép khi viết về Hai Bà Trưng :"Suốt 149 năm (111 av CN đến 38 CN) nước An nam đã phải chịu đựng cái ách của các viên quan cai trị Trung quốc. Nhưng cuộc đô hộ rồi cũng phải bị tiêu diệt, như tất cả những gì bắt nguồn từ những quá độ của bạo lực: ách đô hộ đã bị bẻ gãy bởi bàn tay của một người phụ nữ"(85). Hay khi xét mặt trái chuyện Sĩ Vương :"Sĩ Vương đã du nhập sang ta nền văn học Trung quốc, cũng như đạo lý Khổng Tử, ép buộc nhân dân An-nam phải tiếp nhận làm của mình, và cấm dùng thứ chữ viết phiên âm đặc biệt riêng của người An-nam. Vì biện pháp nghiệt ngã ấy mà người An-nam đã hoàn toàn mất đi thứ chữ viết riêng của mình"(86).
Hoặc phê phán nhà Nguyễn:"Gia Long có công thống nhất đất nước nhưng ông làm vua một đất nước đã tan hoang. Đất nước này có tiềm năng giàu có vì tài nguyên phong phú nếu có một chính quyền sáng suốt biết lo cho dân. Nhưng đáng tiếc là các vua nhà Nguyễn mù quáng, cố chấp nên đã làm mất Nam-kỳ (Basse-Cochinchine), còn nền hành chánh lủng củng của họ đã làm mất lòng dân Đàng Ngoài (Tonkin), còn Đàng Trong (Cochinchine) thì tai biến, khủng bố và các quan chức thì tham nhũng, tàn ác ai cũng đều đã biết. Nếu ở Huế người ta mong đợi nước Nam (Annam) có được sinh hoạt chính-trị hữu ích của một dân-tộc, và nếu triều đình Huế muốn kéo dài, thì họ phải tìm cho ra con đường và theo đuổi nó đến cùng.
Phần chúng tôi, những người viết sử trung thực và có ý thức, chúng tôi vẫn luôn tôn trọng quá-khứ, biết xưng tụng và công bằng; chúng tôi chẳng thể quên rằng người Việt dân của Pháp (ý chỉ Nam-kỳ), hoặc người Việt ở Đàng Trong hay Đàng Ngoài, chúng tôi đều có chung nguồn-gốc. Dù bị chia cách bởi những phần số chính-trị, chúng tôi đều cùng chống lại nền hành chánh sai lạc ấy, thứ chính-trị phản động, khiến người dân thành súc vật cho vua; thứ guồng máy bóc lột vụng về và hại người cả một dân-tộc, của đám quan chức tham lam và đầy tham vọng..."
Xét chuyện xưa đưa đến phê phán nặng nề chuyện nay:"Dù người An-nam là công dân của nước Pháp hay của Bắc, Trung kỳ đều có chung một nguồn gốc. Dù bị ngăn chia (với phần còn lại nước Việt) vì vận mạng chính trị, chúng tôi vẫn phải phản đối mạnh mẽ cái chế độ cai trị lầm lạc đã biến dân chúng thành bầy thú của vua, và là một sự bóc lột trầm trọng, có tội với xứ sở".Ông liền ghi-chú xin lỗi:"Nhưng xin người đọc đừng giận tôi vì trong tôi tràn ngập một nỗi buồn cay đắng khi thấy đất nước phải ra nông nỗi này, chuyện đáng ra không đáng phải xảy ra"(89). Đây là lần hiếm hoi ông lộ rõ bất bình đối với vua quan Tống-nho nhà Nguyễn.
Dù là người đạo Thiên-Chúa, ông đã nhận xét sắc bén trong mục “Đạo Thiên chúa dưới thời Lê Hiển Tông”:
"Giáo hội mới hình thành ở Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong đã gặp nhiều cấm cản thời Lê Hiển Tông. Trịnh Đinh cấm tôn giáo làm mất đoàn-kết đất nước chứ không phải do lòng căm thù một tôn giáo nào, nhưng vì muốn duy trì sự hợp-nhất tôn-giáo, hợp nhất chính-trị khiến cho các chính quyền trở nên nghiêm khắc về tôn giáo. Mục đích của vua An-Nam cũng không khác mục đích của biết bao vua chúa các nước văn minh khác đã cố gắng theo đuổi sự thống nhất tôn giáo trong vương quốc mình, và chắc chắn rằng Charles IX, Louis XIV của nước Pháp, hai vị này cũng đã làm nhiều điều xấu để duy trì thống nhất tôn giáo hơn là tất cả các vua An-Nam cộng lại. Vả lại, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, việc cấm đạo ở An-Nam không bao giờ đưa tới những vụ thiêu sống như từng thấy rải rác trong lịch sử các dân tộc khác.”
Khi viết về việc cấm đạo mà ông và gia-đình ông đã là nạn nhân, ông vẫn tỏ ra công bằng lịch-sử:"Lòng căm ghét của vua Minh-Mạng với người Âu-châu, các giáo-sĩ và Kitô hữu không phải đã có từ trước. Tất cả chỉ bắt đầu sau cuộc nổi-loạn của Lê Văn Khôi khi đã lộ tính cách khả nghi...”
Nhắc lại là sau cuộc nổi đậy của Lê Văn Khôi bị dẹp tan thì quân chánh quyền bắt được một vài LM người Pháp trong số người theo quân của Khôi ở trong thành.
d. Quyển Dư Đồ Thuyết Lược dầu viết về địa lý cũng cho thấy những yếu tố tích cực góp phần cho ta kết luận rằng Trương Vĩnh Ký là người yêu nước.
3. Mở những con đường mới cho văn học:
Viết văn với chữ dùng thiệt bình thường bằng cách sử dụng từ ngữ của người dân hằng ngày. Làm báo cho người Pháp nhưng lèo lái để có những bài viết có ích lợi cho Việt Nam. Làm tự điển Pháp Việt, có thể nói Trương Vĩnh Ký là người dân thường Việt Nam – không phải linh mục, không phải người Pháp mà làm tự điển loại nầy, ông là Người Việt Nam đầu tiên làm tự điển Pháp Việt, nghĩa là làm một công việc có ích lợi cho việc học hành của dân tộc.
Đặc biệt nhứt là ông mở đầu việc viết truyện ngắn bằng quốc ngữ- người đầu tiên viết truyện ngắn với hai truyện :Kiếp Phong Trần và Bất Cượng Chớ Cượng Làm Chi.
Truyện có mô tả hoàn cảnh của nhân vật, có nhân vật đối thoại, và có cảm tưởng của nhân vật. Truyện ở trong hình thức phôi thai điều tưởng tượng để mua vui để kể chuyện bị lu mờ trước ý hướng giảng dạy luân lý, nhân nghĩa của người thế kỷ 19.
Những việc viết lách của Trương Vĩnh Ký ta đừng nhìn ở mặt công laomànhìn theo mặt động cơ đã thôi thúc ông làm những điều nầy. Ta hãy nhìn cái tấm lòng chơn thật của ông với công việc, nhứt là điều gì khiến ông tìm tòi những con đường độc đáo đó để thực hiện mục tiêu của mình, để tiêu pha cuộc đời mình. Đó là con đường phải đi của một trí nhân sống trong thời đại đặc biệt, cố tìm ra những yếu tố gì để giúp nước: Con đường phổ biến văn hóa mới.
4. Hành động ngoài đời: Không mặc Âu phục, không vô quốc tịch Pháp để được hưởng những ưu đãi đến nỗi nhà nghèo, không đủ tiền tiếp tục in tạp chí Thông Loại Khóa Trình cho đến nỗi phải đóng cửa tờ báo và… khi chết thì chôn trong miếng đất của bà suôi hiến cho.
Kết luận về Trương Vĩnh Ký:
Nói Trương Vĩnh Ký phản quốc đầu Tây, người theo phái nầy là dựa theo sự bắt buộc chánh trị giai đoạn đương thời của nhóm họ.
Nói Trương Vĩnh Ký yêu nước: là suy luận gián tiếp theo những điều đã trình bày ở trên.
Cả hai phe đều dựa trên những bằng chứngbên ngoài,không ai thấy được rõ ràng một văn bản nào chứng tỏ luận cứ mình là đúng.
Đọc Trương VĩnhKý ta phải thấy cái tâm sự của ông, ông nói ít, nhưng ta phải hiểu nhiều. Chẳng hạn mấy câu sau đây trong bài tựa sách Trung Dung mà ông đã dịch và cắt nghĩa:
Làm gương cho kẻ hậu tri,
Làm người không học có chi quí mình.
Việc chi ta cũng làm thinh,
Chỉ điều văn học gia tình phương Nam.
Bấy nay ý nghĩ tay làm,
Cang thường nhân nghĩa là đàng thủy chung,
Muốn ai đồng chí cũng cùng,
Nên theo quốc ngữ dùng chung mọi người[2]. (Trung Dong, trang 3).
Xin đọc lại từ từ đoạn văn nho nhỏ nầy :
1.Việc chi ta cũng làm thinh.Tại sao? Những tiếng chê khen, những lời bắt khoan bắt nhặt làm ông bực mình, gợn một chút buồn trong lòng nhưng rồi sẽ qua vì ông còn biết bao nhiêu chuyện phải làm.
2.Chỉ điều văn học gia tình phương Nam.Làm thinh để lo cho văn học, cái văn học nói thêm được cái tình cảm của người Việt ở phương Nam (chơn chất, không lễ mễ cầu kỳ), làm cho người Nam gần gũi với nhau.
3.Cang thường nhân nghĩa là đàng thủy chung.Trong việc viết lách đó luôn luôn đưa ra con đường của người ăn ở phải đạo, theo cang thường, tôn trọng và thực hành nhân nghĩa..
4.Muốn ai đồng chí cũng cùng/ Nên theo quốc ngữ dùng chung mọi người.Ông đã tìm được nhiều người đồng chí hướng, đó là Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Nguyễn Khắc Huề… và một loạt những người viết văn và làm văn hóa cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 ở Miền Nam.
Cổ động cho quốc ngữ là yếu tố đặc biệt và quan trọng nhứt của lòng yêu nước trong giai đoạn phôi thai của chữ Quốc ngữ. Cổ động bằng cách cắm cúi làm những việc gì để phát triển nó và làm cho nó đi sâu vào quần chúng bằng cách viết sao cho người ta dễ hiểu, công bố những bài văn đã được viết bằng một thứ chữ khó đọc và gia công cắt nghĩa với những chú giải tường tận… Trong tiêu chí nầy thì những nhà văn đồng thời với Trương Vĩnh Ký như Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký là những người yêu nước, những nhà văn viết quốc ngữ đầu tiên đều có giá trị đó, một giá trị nhân cách tuyệt vời nếu họ không có tì vết tham nhũng, dựa hơi Pháp hay giết hại những người chống Pháp…
Cuối bài nói chuyện, xin kể chuyện ông thầy thuốc trị bịnh theo sách. Có người bị bịnh đau bụng lâu ngày đến nhờ thầy thuốc nọ cho toa hốt thuốc. Ông lật sách thấy mấy chữ :Phúc thống phục đinh hoàng.
Ông đắc ý cho con bịnh thang thuốc đinh hoàng. Con bịnh chết, người nhà đến bắt đền. Ông ta nói tôi cho thuốc đúng theo sách vở ông bà để lại, không thể sai được. Người bịnh chết là vì tới số không phải tại tôi . Rồi ông mở sách ra chứng minh. Ai dè trang sau tiếp theo là hai chữ tắc tử nghĩa là phải chết. Ông thầy thuốc vô tình giết con bịnh vì tin tưởng ở sách mà không đọc sách kỹ lưỡng.
Tin sách mà không đọc kỹ thì rất hại.
Tôi hi vọng rằng mình không đọc cẩu thả, không cắt nghĩa cẩu thả theo ý mình để làm hại một sự kiện văn hóa… không đã cố tình biện hộ cho một người bán nước thành người yêu nước.
Xin đa tạ quí vị đã tốn thời giờ cho tôi để có mặt ở đây.
Xin cám ơn ban tổ chức cuộc hội thảo đã cho tôi cái hân hạnh góp phần bằng buổi nói chuyện mặc dầu trong lòng vẫn áy náy vì lập luận trên những cứ liệu suy đoán hơn là tài liệu giấy của chính ông Trương Vĩnh Ký. Mong sự góp phần nầy không làm quý vị thất vọng.
(Bài nói chuyện ngày Thứ Bảy 8 tháng 12 năm 2019 tại hội trường nhật báo Người Việt, CA, USA)
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm
DĐTK
Chú thích
[1]Dầu: Nếu mà.Nấy: Đưa cho.
[2]Ban, phú, nấy, trao:Các chữ nầy đều có nghĩa là đưa cho, trao cho. Các chữ nầy mang nghĩa trang trọng hơn từ đưa.
[3] Tượng bởi: Vì bởi.
[4] Nói chuyện các viên chức Pháp hay làm việc cho Pháp ăn hối lộ.
[5] Thường đối xử tàn tệ đối với người dân, như đánh, trói, bỏ tù… khi có dịp.
[6] Sưu tập của Nguyễn Văn Sâm.
[7] Trung Dong, bản dịch của Trương Vĩnh Ký, trang 3.
[1]Dầu: Nếu mà.Nấy: Đưa cho.
[2]Ban, phú, nấy, trao:Các chữ nầy đều có nghĩa là đưa cho, trao cho. Các chữ nầy mang nghĩa trang trọng hơn từ đưa.
[3] Tượng bởi: Vì bởi.
[4] Nói chuyện các viên chức Pháp hay làm việc cho Pháp ăn hối lộ.
[5] Thường đối xử tàn tệ đối với người dân, như đánh, trói, bỏ tù… khi có dịp.
[6] Sưu tập của Nguyễn Văn Sâm.
[7] Trung Dong, bản dịch của Trương Vĩnh Ký, trang 3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét