Thị thực du lịch Châu Âu sẽ khó khăn hơn cho người Việt Nam? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

Thị thực du lịch Châu Âu sẽ khó khăn hơn cho người Việt Nam?


Cư dân mạng Việt Nam trong mấy ngày qua lan truyền thông tin từ một thông báo của Cơ quan Di trú Na-Uy (UDI) rằng Việt Nam nằm trong danh sách 37 quốc gia mà công dân khi xin thị thực đi đến 1 trong 26 nước thuộc khối Schengen ở Châu Âu thì phải được sự chấp thuận của tất cả các quốc gia khối này.

Ảnh minh họa: Đài truyền hình MBC, hôm 23/9/2019 đưa tin về người Việt Nam trong phái đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc. 


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Cô Moon Nguyễn, ở Hà Lan chia sẻ với RFA rằng cô rất lo lắng khi xem được thông tin vừa nêu trên mạng xã hội:

“Bởi vì trước đây ba mẹ và bạn bè thường đi du lịch sang Hà Lan thăm tôi hầu như hàng năm. Có thể trong tương lai, các nước như Anh hoặc Pháp sẽ rất khắc khe trong việc cấp visa du lịch đối với người Việt Nam và cơ hội sẽ rất hạn hẹp nên cũng hơi lo ngại.”

Một số người Việt ở Châu Âu mà Đài RFA tiếp xúc được cũng bày tỏ giống như cô Moon Nguyễn rằng cuộc sống khá bận rộn và không có thời gian về thăm gia đình ở Việt Nam do đó sắp tới đây có thể cơ hội được thân nhân thăm gặp sẽ bị ít đi vì xin visa Schengen không được như trước nữa.

Đài Á Châu Tự Do còn ghi nhận một thành phần giới trẻ Việt Nam, là những người thích đi du lịch nước ngoài cũng cảm thấy quan ngại trước thông tin này. Một thanh niên ở Hà Nội, không muốn nêu tên nói với RFA:

Việc Châu Âu xét như thế cũng là hơi quá nặng. Không chỉ Việt Nam mà một số nước cũng từng xảy ra trường hợp này như Trung Quốc, các nước ở Bắc Phi…Tôi nghĩ rằng nước mình nên quản lý chặt chẽ hơn trong việc xuất nhập cảnh

-Thanh niên ở Hà Nội
“Việc Châu Âu xét như thế cũng là hơi quá nặng. Không chỉ Việt Nam mà một số nước cũng từng xảy ra trường hợp này như Trung Quốc, các nước ở Bắc Phi…Tôi nghĩ rằng nước mình nên quản lý chặt chẽ hơn trong việc xuất nhập cảnh.”

Không phải là quy định mới

Trước sự quan tâm của đông đảo người Việt trong và ngoài nước liên quan thông tin về việc cấp visa Schengen có quy định mới, truyền thông quốc nội nhanh chóng tìm hiểu thông tin này. Báo mạng Thanh Niên, vào ngày 26/11, dẫn lời của Tổng lãnh sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh Vincent Floreani cho biết hiện tại hai cơ quan Tổng lãnh sự quán Pháp và Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam không có bất kỳ thay đổi nào trong quy trình cấp visa Schengen cho người quốc tịch Việt Nam. Trong cùng ngày 26/11, Lãnh sự Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội, ông Mark Neel, qua cuộc phỏng vấn với VTC News, nói rằng mặc dù Chính phủ Bỉ cảnh giác hơn với người nhập cư nhưng quy trình cấp visa Schengen cho công dân Việt Nam vẫn chưa có gì thay đổi. Ông Mark Neel còn nhấn mạnh rằng “phần lớn các nạn nhân của nạn buôn bán người chưa từng xin cấp thị thực Schengen.”

Đài RFA cũng tìm thấy một thông báo chính thức trên trang web của Đại sư quán và Lãnh sự quán Bỉ ở Việt Nam ghi rõ kể từ ngày 21/12/2007 thời gian xét duyệt cấp visa Schengen đối với công dân Việt Nam thông thường có thể mất tối đa 10 ngày và một số nước trong khối Schengen yêu cầu được tham vấn các hồ sơ xin visa gửi đến Đại sứ quán và Lãnh sự quán của Bỉ.

Lãnh sự Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội Mark Neel, vào ngày 26/11 xác nhận với VTC News là trong nhiều năm qua quy trình xét duyệt visa như thế của các nước thuộc khối Schengen đã được thực hiện đối với công dân một số nước, bao gồm công dân Việt Nam và do đó quá trình xin visa Schengen có thể mất nhiều thời gian hơn.

Có hay không tác động sau vụ 39 người Việt chết ở Anh?

Thông báo của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Bỉ ở Việt Nam về quy trình xét duyệt visa Schengen hồi năm 2007. Courtesy: Ảnh chụp màn hình vietnam.diplomatie.belgium.be
Tuy nhiên, theo thông tín viên Đài RFA ở Pháp, bà Tường An cho biết các nước thuộc khối Schengen trong thời gian qua có phần xiết chặt hơn trong quy trình xét duyệt cấp visa, khi mà nhiều người Việt thường tìm cách vào Châu Âu qua ngả này. Bà Tường An ghi nhận:

“Việc xiết chặt quy chế cấp visa Schengen có thể coi như là hậu quả của làn sóng di dân ồ ạt vào các nước ở Âu Châu ngày càng nhiều. Lợi dụng không gian mở của Schengen thì nhiều người đã đi xuyên quốc gia vào một số nước ở Âu Châu. Pháp từ trước đến giờ được coi là quốc gia dễ dàng chấp nhận visa nhất cho nên rất nhiều người Việt Nam xin visa từ Lãnh sự Pháp. Một thông tin trên mạng cho biết có một gia đình Việt Nam có visa thời hạn 3 năm và họ đi vào Âu Châu rất thường xuyên và có cả bất động sản ở Pháp và Đức. Nhưng gần đây, visa của họ đã hết hạn hơn 1 tháng và khi visa lại thì bất ngời Lãnh sự Pháp đã từ chối mà không có bất cứ một giải thích nào.”

Liên quan đến vụ 39 người Việt bỏ mạng khi tìm cách đi lậu từ Bỉ vào Anh hôm 23/10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, vào tối ngày 26/11 cũng cho rằng có sự ảnh hưởng trong việc xin visa đi du lịch nước ngoài trong thời gian sắp tới:

“Chắc chắn là qua sự cố 39 người bị tai nạn ở Anh vừa rồi thì việc xin thị thực nhập cảnh đến các nước của người Việt Nam sẽ khó khăn hơn. Điều này cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các công ty lữ hành. Dĩ nhiên Châu Âu cũng chỉ là một thị phần thôi, chứ không phải là tất cả mà thật ra các nước làm như vậy thì họ cũng không sung sướng gì. Vì lý họ an ninh nên họ buộc phải làm như vậy thôi. Thật ra nếu thiệt hại thì cả hai bên: người Việt muốn đi thì khó khăn hơn, và các nước đó cũng bị giảm lượng khách người Việt vì hiện nay có một xu thế người Việt đi nước ngoài khá đông; năm vừa rồi tuy không có thông báo con số chính thức nhưng khoảng 8-9 triệu người Việt Nam đi nước ngoài.”

Chắc chắn là qua sự cố 39 người bị tai nạn ở Anh vừa rồi thì việc xin thị thực nhập cảnh đến các nước của người Việt Nam sẽ khó khăn hơn. Điều này cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các công ty lữ hành. Dĩ nhiên Châu Âu cũng chỉ là một thị phần thôi, chứ không phải là tất cả mà thật ra các nước làm như vậy thì họ cũng không sung sướng gì. Vì lý họ an ninh nên họ buộc phải làm như vậy thôi

-Ông Nguyễn Văn Mỹ
Ông Nguyễn Văn Mỹ nhấn mạnh việc xét duyệt visa một cách chặt chẽ hơn đối với người Việt Nam là việc làm trước mắt mà cả Chính phủ các nước Châu Âu và Việt Nam buộc phải thực hiện:

“Các nước Châu Âu cũng chẳng đặng đừng và có lẽ là biện pháp trước mắt nhằm ngăn chặn chặt chẽ hơn để tránh tình trạng đưa người đi du lịch rồi bỏ trốn và việc này từ cả hai phía, đặc biệt là phía Việt Nam phải chọn lọc kỹ.”

Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt cho biết hiện tại Việt Nam đã ban hành những quy định mới đối với các công ty du lịch đưa khách ra nước ngoài tham quan, như phạt đến 55 triệu đồng đối với các hướng dẫn viên không có thẻ hành nghề hay phạt 95 triệu đồng và rút giấy phép kinh doanh đối với công ty lữ hành nào có khách bỏ trốn lại ở nước ngoài dù với bất kỳ lý do nào.

Ông Nguyễn Văn Mỹ nhận định rằng quy định mới này của Nhà nước Việt Nam nhằm bảo vệ công dân khi đi ra nước ngoài, đồng thời còn bảo đảm uy tín của quốc gia Việt Nam.

Trong khi đó, không ít cư dân mạng tại Việt Nam lên tiếng đâu chỉ bởi vụ 39 nạn nhân người Việt bị thiệt mạng ở Anh gây tác động đến nhu cầu đi nước ngoài của người Việt Nam, mà vụ 9 người “quá giang” trên chuyên cơ của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến công du thăm Hàn Quốc hồi đầu tháng 12 năm 2018 đã trốn lại mới khiến cho thế giới cần phải cảnh giác đặc biệt hơn trong vấn đề người Việt Nam nhập cư lậu.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad