Lãnh đạo Đảng Cộng sản vẫn khẳng định con đường đi theo chủ nghĩa xã hội |
Nhưng trong tình thế đất nước bị xâm lăng thì cần liên minh để bảo vệ chủ quyền. Hiện tại thấy ai tốt, thật lòng tôn trọng chủ quyền và lợi ích chính đáng của ta thì kết bạn.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, Mỹ là quốc gia luôn lên tiếng đầu tiên phê phán mạnh mẽ sự xâm lăng của Trung Quốc, ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền biển của Việt Nam, bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.
Lợi ích của Việt Nam và Hoa Kỳ thống nhất với nhau. Trong quan hệ đa phương hiện nay, tăng cường được mối quan hệ hữu nghị hợp tác phát triển với một quốc gia như nước Mỹ đó là việc cần thiết và nên làm.
Sợ mất chế độ?
Có ý kiến còn nói đi với Tàu thì mất nước, đi với Mỹ thì mất chế độ.Thế giới văn minh đã từ bỏ phong kiến và tư bản hoang dã. Còn chế độ XHCN thì chưa có ( không biết lúc nào mới có- như một vị lãnh đạo nước ta đã nói).
CNTB hiện đại cũng chưa có. Vậy sợ mất chế độ nói ở đây thực chất là mất cái gì?
Chắc người ta muốn nói đến chế độ xã hội do Đảng Cộng Sản Việt Nam đang lãnh đạo, nói cách khác là sợ mất vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN.
Việc ấy thì chẳng ai có thể vào đây mà đánh mất được, chỉ trừ khi Đảng tự mình đánh mất. Mất còn ở đây phụ thuộc lòng tin của nhân dân. Mà lòng tin của nhân dân thì lại do sự trong sạch, chân chính và năng lực lãnh đạo của Đảng tạo nên, hoặc có hoặc không, hoặc còn hoặc mất.
Giữa Tổ Quốc và chế độ thì Tổ Quốc đương nhiên phải là trên hết.
Chế độ chân chính nào cũng phải phục vụ cho Tổ Quốc chứ không phải ngược lại.
Chẳng có CNXH
Hiện tại, các nước tư bản phát triển đã vượt xa các nước gọi là XHCN. Dù nói rất nhiều về mục tiêu XHCN nhưng nếu không phát triển thì chẳng có CNXH nào đâu.
Dù không nói CNXH nhưng nếu phát triển tốt thì tất yếu sẽ có CNXH.
Chính các nước tư bản phát triển mới là những nước tiến đến gần nhất CNXH.
Theo đó, trong tư duy của tôi, CNXH và CNTB khác nhau chủ yếu là ở trình độ phát triển, chứ không phải ở tính chất khác biệt hay đối lập.
Quá trình phát triển ấy như một sự tiếp nối tự nhiên chứ không phải là sự "lật đổ" và "thay thế".
Thể chế dân chủ
Thực tế lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới cho thấy có nhiều con đường khác nhau để phát triển, nhưng trong đó nổi rõ có hai con đường chủ yếu:
- Phát triển bằng thể chế dân chủ và tự do, dựa chính vào nhân tố con người. Người ta thường gọi đó là "con đường dân chủ".
- Phát triển bằng sự tập trung quyền lực, toàn trị, mệnh lệnh, mất dân chủ và thậm chí kể cả độc tài. Người ta còn gọi đó là "con đường chuyên chính".
Cả hai con đường đó đều có thể phát triển. Một bên dựa chính vào nhân tố động lực con người, còn bên kia thì dựa chính vào khả năng tập trung nguồn lực và quyền lực. Và đương nhiên con đường nào cũng đều có những gian khổ, chông gai, đừng nghĩ con đường nào là bằng phẳng, dễ dàng và chỉ có ưu điểm.
Phương Tây ngày nay rất nhiều nước phát triển theo con đường thứ nhất.
Phương Đông trước kia nhiều nước đi theo con đường thứ hai, nhưng thời kỳ sau đó đã có một số nước chuyển đổi theo con đường thứ nhất và họ đã thành công. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan là loại nước và vùng lãnh thổ kiểu đó.
Liên Xô trước đây cũng như Trung Quốc ngày nay đã có những thành công nhất định theo con đường thứ hai.
Cả hai nước này thì Liên Xô đã từng và Trung Quốc ngày nay đang trở thành nước có nền kinh tế thứ nhì thế giới nếu tính theo tổng sản phẩm quốc nội.
Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn, thì sẽ thấy sự phát triển theo con đường thứ nhất mới bền vững, nhân dân hạnh phúc hơn vì có tự do, dân chủ, vấn đề con người được đặt vào vị trí trung tâm...
Đi theo con đường dân chủ, Đảng không thoái hóa mà lại trưởng thành, tốt hơn, dương cao ngọn cờ dân chủ và xứng đáng với ngọn cờ ấy là con đường để Đảng trường tồn cùng với sự phát triển của dân tộc và đất nước.
* Tác giả là Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng ở Sài Gòn. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết.
Lê Thân
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét