Alexandre De Rhodes có phải là người đầu tiên đặt ra chữ quốc ngữ không? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Alexandre De Rhodes có phải là người đầu tiên đặt ra chữ quốc ngữ không?


Bài này tôi post cách đây 6 năm, nay Facebook và một số bạn nhắc lại, vậy nên nhân những lùm xùm về việc đặt tên đường và vai trò của giáo sĩ Alexandre de Rhodes đối với chữ quốc ngữ, xin post lại cho mọi người đọc thêm, may ra có ích chút nào về mặt tư liệu.

Xin không tiếp nhận những bình luận nhắm vào những chuyện thị phi trên các trang mạng xã hội những ngày qua.


Nhiều người trong chúng ta nghe nói nhiều đến giáo sĩ Alexandre de Rhodes, song cũng không ít người tưởng đó là … Bá Đa Lộc, vì chút ám ảnh cái Lăng Cha Cả ngày xưa trên đất Sài Gòn. Kỳ thực Alexandre de Rhodes là giáo sĩ Đắc Lộ, còn Bá Đa Lộc là Giám mục Evêque d’Adran, tên thật là Pigneau de Béhaine, sinh sau Đắc Lộ đến 148 năm (1593-1660 và 1741-1799). Từ đây trở xuống, chúng ta gọi Alexandre de Rhodes là Đắc Lộ cho dễ nhớ.

Trong các thế kỷ 17-18, có hai thành phần người nước ngoài ồ ạt tìm sang Đại Việt, đó là các thương nhân và giáo sĩ đủ quốc tịch, từ Bồ Đào Nha, Hà Lan, đến Anh, Ý, Pháp… Mục đích chính của thành phần thứ nhất là mở rộng thị trường, bán nhiều hàng và thu lợi nhuận tối đa từ một xã hội khép kín từ lâu. Còn thành phần thứ hai là những người nhận trách nhiệm của Hội truyền giáo hải ngoại Paris (Missions étrangères de Paris) rao giảng đạo Thiên Chúa vốn còn rất xa lạ với các dân tộc phương Đông và thu nạp càng nhiều tín đồ càng tốt.

Ở Đại Việt, những giáo sĩ phương Tây đầu tiên đã đến và giảng đạo từ thế kỷ 16. Tuy nhiên phải chờ đến những thập niên đầu thế kỷ 17, cụ thể là năm 1615, mới có sự xuất hiện của đoàn truyền giáo đầu tiên hoạt động có tổ chức. Một trong những giáo sĩ đến Đàng Trong trước tiên vào thời kỳ này là Francesco Buzomi, người Ý. Ông đến Hội An ngày 18. 1.1615 cùng với Diego Carvalho, giáo sĩ người Bồ Đào Nha, tiếp sau là các giáo sĩ Francesco Barret và Francesco de Pina (1617).

Giáo sĩ Cristoforo Borri, người Ý (tên Cristoforo được viết nhiều cách khác nhau) đến Đàng Trong năm 1618 và rời khỏi nơi đây năm 1621. Có những dấu hiệu cho thấy ngay trong thời gian đầu xây dựng cơ sở truyền giáo, các giáo sĩ phương Tây đã có ý la tinh hóa một số tiếng Việt thông dụng.

Một trong những văn kiện đầu tiên dưới dạng này là bản báo cáo ngày 20.11.1621 của giáo sĩ Joao Roiz viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, trong đó có những từ tiếng Việt được la-tinh hóa như sau: Annam (Annam), Sinoa (xứ Hóa, tức Thuận Hóa), Unsai (ông sãi), Cacham (Kẻ Chàm, chỉ Quảng Nam), Ungue (ông Nghè).

Đáng chú ý là tập hồi ký của C. Borri xuất bản bằng tiếng Ý năm 1631, được dịch ra tiếng Pháp cùng năm đó, dịch ra tiếng La-tinh và tiếng Hà Lan năm 1632, dịch ra tiếng Đức và tiếng Anh năm 1633. Tựa đề của tác phẩm này bằng tiếng Pháp là “Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine”, tạm dịch là “Bút ký về hội truyền giáo tân lập của các Cha thuộc giáo đoàn Jesus ở vương quốc xứ Đàng Trong”. Tuy sách xuất bản năm 1631, nhưng có thể hiểu những gì Borri mô tả thuộc về những năm 1618-1621 là khoảng thời gian ông sống ở Đàng Trong. Điều đáng ghi nhận là số tiếng Việt la-tinh hóa trong tác phẩm của Borri đã nhiều hơn so với báo cáo của Joao Roiz. Ngoài những từ kể trên, người ta còn thấy nhiều từ khác như: Tunchim (Đông Kinh), Kemoi (Kẻ Mọi, chỉ vùng Tây Nguyên), Quamguya (Quảng Nghĩa), Quignin (QuiNhơn), doij (đói), chìa (trà), sayc Kim (sách Kinh), sayc chiu (sách chữ).

Mãi đến tháng 12.1624, nghĩa là 9 năm sau khi giáo đoàn đầu tiên được thành lập tại Đàng Trong với sáng kiến la-tinh hóa tiếng Việt của những người đến trước, giáo sĩ Đắc Lộ mới đặt chân đến vùng đất này. Ông ở đây được ba năm thì đến năm 1627 được lệnh của hội thánh ra Đàng Ngoài để xây dựng giáo đoàn đầu tiên ở phía Bắc.

Những năm đầu tại Kẻ Chợ (sau là Hà Nội), ông rất được lòng chúa Trịnh Tráng, được xây dựng nhà cạnh phủ chúa để truyền giáo, song về sau do bị các quan lại người Việt ganh ghét, đồn là ông có tà thuật nên cuối cùng bị Trịnh Tráng trục xuất khỏi Đàng Ngoài. Không nản chí, sau khi ở Macao để giảng đạo suốt 10 năm, năm 1640, Đắc Lộ quay trở lại Đàng trong, lấy lòng được bà Minh Đức Vương Thái phi, vợ góa Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng, thuyết phục được bà theo đạo Thiên Chúa và cất một nhà nguyện cạnh nhà bà để ông ta tới hành đạo.

Năm 1643, một cuộc thủy chiến quan trọng nổ ra giữa thủy quân Việt và thủy quân Hà Lan ngay tại Faifo (Hội An), thủy quân Hà Lan thua tan nát, nhưng cũng từ đó chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan nghi ngờ các hoạt động của hàng giáo sĩ nước ngoài. Ông ra lệnh trục xuất hàng loạt những người này, bản thân Đắc Lộ cũng bị giam 22 ngày và bị trục xuất vào năm 1645.

Năm 1651, tại Macao, Đắc Lộ xuất bản một số sách có liên quan đến thời kỳ ông sống tại Đại Việt, được biết đến nhiều nhất là quyển Từ điển Việt-Bồ-La, bằng ba thứ tiếng Việt, Bồ Đào Nha, và La Tinh. Đây là quyển từ điển tiếng Việt la-tinh hóa lâu đời nhất còn tồn tại, nên đây có thể là nguyên nhân chính khiến có sự ngộ nhận rằng giáo sĩ Đắc Lộ là người đầu tiên nghĩ ra chữ quốc ngữ.

Trên thực tế, như chúng ta thấy ở phần trên, trước khi Đắc Lộ đặt chân lên đất nước Đại Việt (1624), thì thứ chữ la-tinh hóa này đã được những giáo sĩ phương Tây đặt ra rồi. Ngay cả quyển từ điển Việt-Bồ-La của ông mà nhiều người tưởng là quyển từ điển tiếng Việt đầu tiên (vì là quyển từ điển lâu đời nhất còn tồn tại) cũng là một ngộ nhận nốt. Gần 20 năm trước khi quyển từ điển của Đắc Lộ ra đời, vào thập niên 1630, đã có hai quyển từ điển, một của giáo sĩ Gaspar d’Amaral, cũng với tên Việt-Bồ-La (“Diccionario anamita-português-latim”), một của giáo sĩ Antonio Barbosa với tên Từ điển Bồ-Việt (“Diccionario portugues-anamita”). Hai quyển này là những bản chép tay, bị thất lạc rất sớm, và không còn dấu vết, song có một chứng cứ là chúng từng tồn tại: đó là trong phần mở đầu quyển từ điển Việt-Bồ-La của mình, chính Đắc Lộ thừa nhận là ông có sử dụng công khó nhọc của các giáo sĩ dòng Tên (dòng Jesuites) khác, trong đó có hai quyển từ điển kể trên của Amaral và Barbosa.

***

Tất cả những cứ liệu trên đủ để chúng ta kết luận rằng giáo sĩ Đắc Lộ tức Alexandre de Rhodes không phài là “cha đẻ của chữ Quốc ngữ” như nhiều người lầm tưởng. Ông chỉ là người đến sau, tiếp nối công trình của những người đi trước, và làm cho thứ chữ này ngày càng hoàn thiện hơn mà thôi. Song sở dĩ ông được biết đến nhiều là vì ngoài quyển từ điển trên mà nay còn được lưu giữ, và nhiều sách giảng đạo khác, ông còn là tác giả một sử liệu rất quan trọng xuất bản cùng năm 1651 với một nhan đề rất dài, sau được các nghiên cứu sử nhắc lại với một cái tên ngắn gọn là Histoire du Royaume du Tunquin (Lịch sử Vương quốc xứ Đàng ngoài).

Đây là một trong những tác phẩm ra đời sớm nhất và viết một cách đầy đủ nhất về sinh hoạt của xã hội Đại Việt vào thế kỷ 17, từ cung vua, phủ chúa cho đến đời sống và phong tục, tập quán của người Việt tại Đàng ngoài trong nửa đầu thế kỷ 17. Về đời sống cung đình, sách của Đắc Lộ cho chúng ta biết là ông từng tận mắt chứng kiến cảnh vua Lê chúa Trịnh đích thân dẫn quân vào đánh Đàng trong lần đầu tiên vào năm 1627, chi tiết các ngày lễ Tết tại cung vua Lê và phủ chúa Trịnh, lễ Tế Giao, lễ Hạ Điền, cách tuyển chọn nhân tài, việc hình pháp…..

Về đời sống xã hội bên ngoài cung điện, Đắc Lộ miêu tả rõ thói quen sử dụng trầu cau của người bản xứ, các chi tiết về tục cưới gả, ma chay cùng nhiều vấn đề khác trong đời sống tâm linh của của người Việt … Có thể nói đây là một quyển sách không thể thiếu trong tủ sách của những người làm công việc nghiên cứu hay đơn thuần của những người yêu lịch sử muốn biết về đời sống xã hội của cha ông ta cách nay hơn 350 năm.

Cũng chính do công lao quan trọng này của Alexandre de Rhodes, kèm theo sự ngộ nhận rằng ông là người đầu tiên đặt ra chữ quốc ngữ, mà một số người đã đề xuất việc dựng tượng cho ông và điều này đã gây ra ít nhất một cuộc tranh luận rất sôi nổi trên tạp chí Thế Giới Mới cách đây nhiều năm. Hi vọng sẽ có dịp trở lại sự kiện trên cùng với quan điểm cá nhân đã trình bày trong bài đăng cuối cùng trong cuộc tranh luận, nếu như bài viết hôm nay không làm cho các bạn … chán.

Cảm ơn các bạn đã cho tôi cơ hội được trình bày một sự kiện lịch sử đang có nhiều ngộ nhận. Xin cầu chúc mọi người một đêm Giáng sinh đầm ấm, một năm mới 2014 luôn Vui Khỏe, Thịnh Vượng và nhiều May Mắn.


Thân ái,

Lê Nguyễn
(Cựu sinh viên Quốc Gia hành Chánh 1962-1965)
FB Lê Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad