Thế hệ chúng ta, những người lớn lên ở miền Bắc sau năm 1950 và trên cả nước sau năm 1975, được dạy: “Năm 1784, Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) đem Hoàng Tử Cảnh sang Pháp, được yến kiến Louis XVI. Năm 1787, Bá Đa Lộc thay mặt Nguyễn Ánh kí với De Montmorin tờ giao ước, đại khái nói rằng: Nước Pháp giúp Nguyễn Ánh một số chiến thuyền và binh sĩ, đổi lại Việt Nam phải nhường cho nước Pháp cửa Hội An và đảo Côn Lôn cũng như phải để cho người nước Pháp ra vào buôn bán tự do ở trong nước”. Đấy là lí do để các sử gia cộng sản đổ riệt cho nhà Nguyễn tội: “Rước voi về dày mả tổ” và “Cõng rắn cắn gà nhà”.
Nhưng tờ giao ước này không bao giờ được thực hiện, một phần vì Bá tước De Conway, trấn thủ Pondichéry (Ấn Độ), được giao thực hiện giao ước bất hòa với Pigneau de Behaine, không chịu làm, một phần vì chỉ sau đó mấy năm đã xảy ra Cách mạng Pháp (1789). Năm 1817, thuyền trưởng người Pháp là bá tước De Kergarion nói rằng “vua Luis XVIII sai sang xin thi hành những điều ước của Bá Đa Lộc kí năm 1787 về việc nhường Đà Nẵng và đảo Côn Lôn [không hiểu sao trang 418 VNSL ghi là cửa Hội An mà trang 448 lại ghi là “nhường Đà Nẵng”]. Vua Thế Tổ (Gia Long) sai quan ra trả lời rằng những điều ước ấy nước Pháp trước đã không thi hành thì nay bỏ không nói đến nữa” (Việt Nam Sử Lược – trang 448). Những chi tiết này chúng ta đều không được học.
Sau này, khi người Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ, buộc triều đình nhà Nguyễn kí hiệp định, gồm 12 điều nhường hẳn 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp cũng không hề nhắc tới giao ước năm 1787.
Chỉ vì chuyến đi Pháp của hoàng tử Cảnh cũng như “Bá Đa Lộc đứng lên mộ người, mua tàu và súng ống khí giới để đem sang giúp Nguyễn Vương” (VNSL – trang 419) mà nói rằng Gia Long cõng rắn cắn gà nhà thì có phải là bình luận ác ý hay không? Xin lưu ý: Các nhà buôn và các nhà truyền giáo phương Tây đã đến Việt Nam từ rất lâu rồi, họ đã biết rõ và gửi về nước các báo cáo về tình hình Việt Nam mà không cần hoàng tử Cảnh. Ngày xưa, có tài nguyên thiên nhiên quí giá mà không biết sử dụng hay không đủ lược lượng bảo vệ thì sẽ bị xâm lược. Còn ngày nay có tài nguyên và nhân công rẻ mạt thì nhất định sẽ có nước ngoài đầu tư trực tiếp. Không người “cõng” hay “rước”, họ tự đến. Qui luật muôn đời là như thế. Xâm lược hay hai bên cùng có lợi chỉ là những cách nói khác nhau mà thôi.
Còn khi Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kì thì các sử gia cộng sản lại vin vào câu: “Phan Lâm mãi quốc triều đình khí dân”, tức là các văn thân, sĩ phu và nhân dân còn muốn chiến đấu nhưng nhà Nguyễn thông qua Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp đã kí hiệp ước nhượng 3 tình Nam Kì cho Pháp để kết tội nhà Nguyễn bán nước. Tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm là việc rất nên ca ngợi và biểu dương, nhưng những người trong cuộc biết rõ tương quan lực lượng, cho nên năm 1867, khi quân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kì, Phan Thanh Giản biết thế không chống nổi đã xin đầu hàng rồi uống thuốc độc tự tử.
Việt Nam không phải là nước duy nhất và cuối cùng ở châu Á bị các cường quốc phương Tây xâm lược và phải chịu nô dịch. Các nước ở châu Á thất bại là vì châu Á lạc hậu hơn hẳn châu Âu về mặt kĩ thuật. Hãy xem cuộc Chiến tranh nha phiến năm 1839-1842: Nước Anh ngang ngược bắt Trung Quốc phải cho họ mang thuốc phiện vào bán. Không cho, họ đánh đến mức phải cho, rồi phải mở 5 thương cảng và nhượng Hong Kong cho họ. Cái này nhiều người đã biết, không nhắc lại nữa.
Không chỉ Trung Quốc, Ấn Độ, một nước lớn khác cũng bị cường quốc phương Tây là nước Anh xâm lược. Cuộc xâm lược của Anh ở Ấn Độ ít người biết. Xin trích dẫn một cuộc chiến đấu giữa quân Anh và quân Ấn: “Clive với ba ngàn quân, một phần ba trong số đó là người Anh đối đầu với viên thái thú với mười lăm ngàn kị binh và ba mươi ngàn lính bộ binh. Chênh lệch về pháo binh cũng gần như thế. Clive đã chiến đấu với lực lượng chênh lệch như thế và ngày 23 tháng 6 năm 1757 đã giành chiến thắng ở Plassey – đấy cũng là ngày mà sau này mọi người coi là ngày thành lập đế chế Anh ở Ấn Độ” (Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử - trang 389). Lòng yêu nước không thôi không thể đối đầu với sức mạnh vật chất và kĩ thuật.
Kết tội nhà Nguyễn cõng rắng cắn gà nhà và bán nước có phải là cố tình giải thích sai, chưa nói là ngậm máu phun người hay không?
2. Lờ đi một sự kiện cực kì quan trọng
Chưa hết. Sau khi quân Pháp đánh Hà Nội lần thứ hai (1882), triều đình Tự Đức đã xin nhà Thanh cứu viện: “Theo yêu cầu của Nam Triều gửi tới triều đình Trung Hoa, vì có cuộc tranh chấp xảy ra ở Hà Nội, xin một số quân viện là hai mươi ngàn người. Hoàng đế Trung Hoa đã phúc đáp bằng những chữ: Khả, sĩ bắc phong tái biện (nôm na là đồng ý) (Nước Đại Nam đối diện với Pháp & Trung Hoa, trang 341).
Việt Nam sử lược (trang 558) nói về việc cầu cứu nước tàu như sau: “Triều-đình ta bấy giờ nghĩ nước Pháp cố ý chiếm-đoạt, và lại tưởng rằng nước Tàu có thể bênh-vực được mình, cho nên mới sai ông Phạm thận Duật sang Thiên-tân cầu-cứu”. Trần Trọng Kim bình luận như sau: “Chẳng qua là người mình hay có tính ỷ-lại, cho nên mới đi kêu-cầu người ta, chớ không biết rằng người Tàu giữ nước Tàu không xong còn đi cứu ai được”. Rồi ông viết tiếp: “Tuy vậy, không những là Tàu không cứu được mình mà lại còn muốn nhân dịp để mượn tiếng sang lấy nước mình. Xem như khi thành Hà-nội thất-thủ, quan tổng-đốc Lưỡng Quảng là Trương thụ Thanh làm mật sớ về tâu với vua nhà Thanh, đại lược nói rằng : “Nước Nam và nước Tàu tiếp giáp với nhau mà thế-lực nước Nam thật là suy-hèn, không có thể tự-chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ các tỉnh ở thượng-du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy những tỉnh ở về phía Bắc sông Hồng-hà”. Bởi vậy Triều-đình nhà Thanh mới sai Tạ kính Bưu, Đường cảnh Tùng đem quân sang đóng ở Bắc-ninh và ở Sơn-tây, sau lại sai quan bố-chính Quảng-tây là Từ diên Húc đem quân sang tiếp-ứng”.
Quân Trung Quốc kéo vào Bắc kì, chiến tranh Pháp-Thanh bùng nổ. Tuy quân Pháp đã đuổi đuổi được phần lớn quân Thanh về Trung Quốc. Nhưng để tránh chiến tranh kéo dài, chính phủ Pháp sai François-Ernest Fournier sang Thiên Tân ký với Lý Hồng Chương bản thỏa thuận sơ bộ được gọi là Hòa ước Thiên Tân 1884, trong nội dung bản hoà ước sơ bộ giữa Pháp và nhà Thanh năm 1884, có điều khoản nhà Thanh công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam. Dựa vào bản thỏa thuận sơ bộ năm 1884 ở Thiên Tân, hai bên đã đi đến ký kết bản hiệp ước chính thức, được gọi là Hòa ước Thiên Tân 1885, Chính phủ Pháp sai Patenôtre - Đại diện Cộng hòa Pháp đến Huế sửa lại Hòa ước Quý Mùi 1883 trước đó giữa Pháp và nhà Nguyễn.
Sự kiện này đã bị lờ đi, không sách nào nhắc tới. Người học, người đọc sách do nhà nước in cảm thấy hụt hẫng trước những sự kiện như quân Cờ đen giết Francis Garnier (1873), giết Henri Rivière (1883), rồi Hòa ước Quý Mùi (1883), Hòa ước Thiên Tân (1884), Hòa ước Patenôtre (1884), rồi phân định biên giới với nhà Thanh….
Vì vậy mà Nguyễn Lương Hải Khôi khi “làm “phỏng vấn” nhỏ một số bậc thức giả, bao gồm cả những người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, một câu hỏi duy nhất: Trước thế kỷ 20, cuộc xâm lược cuối cùng của Trung Quốc đối với Việt Nam là cuộc xâm lược nào? Trong sự kiện ấy, ai là tổng chỉ huy của quân đội Trung Quốc? Ai là người đánh bại đội quân xâm lược đó?
Hầu hết người được hỏi đều trả lời: Đó là cuộc xâm lược của Mãn Thanh thời Hoàng đế Càn Long vào năm 1789, chỉ huy đội quân xâm lược là Tôn Sỹ Nghị, người đánh bại đội quân xâm lược đó là Hoàng đế Quang Trung.
Chỉ có một học giả duy nhất trả lời đúng: Cuộc xâm lược cuối cùng là vào thế kỷ 19, thời Từ Hy thái hậu của Mãn Thanh, chỉ huy đội quân xâm lược là Phùng Tử Tài, còn người đánh bại cuộc xâm lược đó của Trung Quốc là… thực dân Pháp” (hết trích).
3. Vĩ thanh:
Khi khoa học, nhất là các môn khoa học xã hội, trong đó có lịch sử, đã bị buộc phải có “tính đảng”, “tính giai cấp” thì dĩ nhiên là không còn là khoa học nữa. Cho nên nếu bạn có nghe thấy ai đó nói rằng ông kia, ông kia là nhà… nhớn thì bạn cũng chỉ nên “kính nhi viễn chi” chứ đừng phản bác, cũng đừng a dua theo làm gì. Bởi vì phần lớn trong số họ và phần lớn thời gian trong cuộc đời mỗi người, họ chỉ là những bồ chứa sách và cái loa tuyên truyền cho chế độ mà thôi. Nói thế nghĩa là ta có thể thông cảm phần nào cho 11 giáo sư, tiến sĩ, “bảo hoàng hơn cả vua” trong việc phản đối đặt tên đường hai vị linh mục Tây ở Đà Nẵng. “LẠY CHA, XIN THA CHO HỌ, VÌ HỌ KHÔNG BIẾT VIỆC HỌ LÀM”. Chúa Jesus từng nói như thế.
Phạm Nguyên Trường
Blog Phạm Nguyên Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét