2019 và 2020: Việt Nam tiếp tục đàn áp tiếng nói đối lập, phản biện - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2020

2019 và 2020: Việt Nam tiếp tục đàn áp tiếng nói đối lập, phản biện


Năm 2019 là năm mà nhiều bản án rất nặng được tuyên cho các nhà đấu tranh, những cây bút phản biện hay các bloggers… chỉ vì họ thẳng thắn trình bày chính kiến với mong muốn một xã hội tốt đẹp hơn, dân chủ và nhân quyền phải được tôn trọng.

Án ngày càng nặng

Người dân TP.HCM biểu tình phản đối Luật an ninh mạng và Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế ngày 10 tháng 6 năm 2018.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Năm 2019 là năm mà nhiều bản án rất nặng được tuyên cho các nhà đấu tranh, những cây bút phản biện hay các bloggers… chỉ vì họ thẳng thắn trình bày chính kiến với mong muốn một xã hội tốt đẹp hơn, dân chủ và nhân quyền phải được tôn trọng.

Có thể kể đến như hồi tháng 4, năm thành viên Hội Anh em Dân chủ - Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trần Thị Xuân, và Phạm Văn Trội - bị xử từ 7 đến 13 năm tù giam.

Đến tháng 8, nhà hoạt động Lê Đình Lượng nhận bản án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế - bản án có lẽ cao nhất từ trước đến nay với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình sự cũ năm 1999.

Một tháng sau đó, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình kết án ông Nguyễn Trung Trực 12 năm tù 5 năm quản chế với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Tháng 10, năm người là Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung bị xử theo điều 79 của bộ luật hình sự năm 1999 ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ với mức án từ 8 đến 15 năm tù giam.

Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Defend the Defenders, người được vinh danh giải Nhân Quyền & Pháp Quyền năm 2019 do Đức và Pháp đồng chủ xướng, lên tiếng với RFA về tình trạng nhân quyền Việt Nam năm 2019:

“Tình trạng nhân quyền năm 2019 rất tồi tệ với việc gia tăng giới bất đồng chính kiến và giới hoạt động xã hội dân sự như Nhà xuất bản Tự Do, nhóm Cây Xanh. Con số cụ thể là năm 2019 nhà cầm quyền bắt ít nhất là 40 nhà hoạt động, trong đó có 21 người liên quan đến những bài viết ôn hòa trên facebook; kết án 40 người hoạt động khác với tổng cộng 207 năm và 6 tháng tù giam cùng 47 năm quản chế.”

Theo đánh giá của ông Ngữ thì số người bị bắt năm 2019 cao hơn năm 2017 nhưng ít hơn năm 2018 bởi ngày 10 tháng 6 năm 2018, hàng ngàn người dân tại một số địa phương là Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và Sài Gòn xuống đường biểu tình phản đối Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế và Dự thảo Luật An ninh mạng khiến hàng trăm người bị bắt và có ít nhất 127 người đã bị kết án tù với các tội như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.

Như vậy có thể thấy tình hình bắt bớ, bỏ tù những tiếng nói đối lập không hề giảm mà ngày càng tăng.

Blogger Nguyễn Ngọc Già, một cây bút phản biện trên mạng xã hội nêu quan điểm của ông:

“Theo quan điểm của tôi thì trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường bắt bớ là điều không có gì ngạc nhiên hết. Tuy nhiên nó lại cho tôi thấy sự hỗn loạn trong việc đánh giá và bắt bớ của chính quyền địa phương hơn là trung ương. Ví dụ, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh chỉ dạy học trò hai bài hát của Nhạc sĩ Việt Khang mà bị kêu án lên tới 11 năm tù.

Thời gian cách đây khoảng 5 năm, tức thời gian tôi bị bắt, trước đó là Điếu Cày, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định… thì lúc đó họ có sự thống nhất và quy về một mối cho việc tăng cường đàn áp nhân quyền. Nhưng giai đoạn sau này, đặc biệt năm 2018, 2019, tôi thấy nó không còn tính thống nhất mà mạnh địa phương nào địa phương đó tùy nghi bắt bớ và kết án mà không cần xin ý kiến của trung ương.”


Có thể nhận thấy nhận xét của ông Nguyễn Ngọc Già qua trường hợp ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập bị cơ quan an ninh điều tra thuộc Công an TP. Hồ Chí Minh bắt và khởi tố hình sự chứ không phải công an Hà Nội.

Bà Bùi Hồng Loan, vợ ông Phạm Chí Dũng nói với RFA vào ngày 30 tháng 12 năm 2019 rằng, bà không biết những việc ông Phạm Chí Dũng làm, nhưng qua những bài viết mà bà có dịp xem thì ông Dũng có những nhận xét và đánh giá sắc sảo về thời cuộc. Bà nói thêm:

“Việc viết bài của anh Dũng thì anh phản biện đúng, không sai nhưng có thể là “đụng chạm” tới người ta. Nói đúng, nói thật thì nó hay mất lòng. Mình không biết người ta bắt anh Dũng với ý đồ gì?”

Ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập cho rằng việc ông Phạm Chí Dũng bị bắt thì cũng bình thường thôi. Không phải bởi ông Dũng phạm tội, vi phạm pháp luật Việt Nam mà do nhà cầm quyền Việt Nam thấy cần bắt thì họ bắt mà không cần chứng cứ.

Lo ngại cho năm 2020

Nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc tại phiên tòa sơ thẩm ở tỉnh Thái Bình ngày 10 tháng 4 năm 2019. AFP
Với những vụ bắt bớ, những bản án nặng nề và vô lý dành cho các nhà hoạt động mà các tổ chức nhân quyền trên thế giới đã lên tiếng, có thể thấy tình hình nhân quyền Việt Nam không có gì sáng sủa cho đến những ngày cuối cùng của năm 2019.

Liệu tình hình năm tới có gì khả quan hay không? Ông Vũ Quốc Ngữ khẳng định:

“Tôi nghĩ rằng năm 2020 là năm đảng cộng sản chuẩn bị đại hội đảng nên họ thắt chặt an ninh và có lẽ tình trạng nhân quyền sẽ tiếp tục tồi tệ chứ sẽ không được cải thiện.”

Sau khi ông Phạm Chí Dũng bị bắt, dư luận bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của các nhà báo độc lập khác hay những người “mạnh miệng” trên mạng xã hội, đặc biệt là Phó chủ tịch của Hội Nhà Báo Độc lập. Ông Nguyễn Tường Thụy bày tỏ quan điểm của mình với RFA vào một ngày cuối năm 2019:

“Quan niệm của tôi là đã đấu tranh thì phải chấp nhận những điều không hay, không tốt đến với mình. Từ những năm 2012, 2013 tôi đã bị công an Việt Nam đe dọa qua những tin nhắn hoặc những comment qua trang blog của tôi rằng tôi đang “đi quá” nhưng họ chưa có thời gian “sờ’ đến tôi. Những chuyện đó tôi đã tính đến rồi. Không phải vì tôi vi phạm gì cả mà vì họ thích bắt ai là họ bắt.”

Ông Thụy cho rằng năm 2019 chính quyền tăng cường đàn áp những tiếng nói đối lập. Họ diệt từ trong trứng nước, bởi rất nhiều người không hề có tiếng tăm gì trên cả mạng xã hội lẫn đời thường. Đến khi họ bị bắt được báo chí loan tải hay đem ra tòa xử thì người dân mới biết.

Còn với blogger Nguyễn Ngọc Già thì ông thẳng thắn chia sẻ ông không làm gì sai nhưng ở Việt Nam thì sau khi Luật an ninh mạng có hiệu lực, họ không cần chứng cứ để bắt và muốn kết án bao nhiêu thì tùy. Ông nói thêm:

“Thú thật là tôi cũng không biết là tôi có bị bắt lại nữa hay không bởi vì nó bị cái tình trạng gọi là hỗn mang. Tôi không chống nhà nước mà tôi chỉ thực hiện Quyền con người được Nhà nước CHXHCNVN đã xác định trong hiến pháp và ngay cả trong cương lĩnh của ĐCSVN cũng đã nói rằng, tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.”

Những người bị bắt với lý do chống nhà nước với những bài viết trên mạng hết sức bình thường nhưng bị quy vào tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXNCNVN theo Điều 117 thuộc Bộ Luật Hình Sự hiện hành.

Blogger Nguyễn Ngọc Già cũng chia sẻ thêm rằng, giới luật sư, những người đang bị bắt tạm giam cũng như thân nhân của họ nên thay đổi cách tiếp cận, lý luận và bào chữa cho những người đang bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 117, bởi đây là một tội danh không có hậu quả.


Diễm Thi
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad