Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Đối với nhiều nước ASEAN, đặc biệt là với Việt Nam, thách đố lớn nhất trong năm nay vẫn là sự lớn mạnh của Trung Quốc và việc Bắc Kinh vẫn tiếp tục các nỗ lực nhằm gây áp lực lên các nước yếu hơn. Trên Biển Đông, việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo đang gây nhiều quan ngại sâu sắc không chỉ cho ASEAN, mà cả các nước ngoài khu vực, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 17/01/2020 từ Sydney, nhà báo Lưu Tường Quang trước hết nhận định về khuôn khổ hành động của Việt Nam trong hai cương vị đó, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông:
“Việt Nam đã gia nhập ASEAN từ năm 1995 và như vậy là hai lần làm chủ tịch ASEAN, lần thứ nhất là vào năm 2010. Năm đó có những chuyển biến quan trọng trong ASEAN, chẳng hạn như có hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng mở rộng, bao gồm cả Úc, Nhật, Mỹ và có những sáng kiến mới trong thời gian đó. Phải nói đây là một thành công về phương diện ngoại giao của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN) Việt Nam.
Sau 10 năm thì Việt Nam luân phiên trở lại giữ chức chủ tịch ASEAN và lần này trùng hợp với chức vụ khác cũng tương đối quan trọng là thành viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nói chung đây cũng là một thành công của ngành ngoại giao CHXHCN Việt Nam.
Nhưng nói đến ngoại giao thì phải nói đến sự mặc cả với các nước để có được những vị trí này. Riêng trong trường hợp ASEAN thì đây là chức chủ tịch luân phiên, nên không có vấn đề vận động, tranh đấu, còn về chiếc ghế thành viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thì phải vận động rất nhiều, nhất là khi CHXHCN Việt Nam là ứng viên duy nhất ( của khu vực châu Á ). Tôi đặt câu hỏi là Việt Nam đã phải trả giá như thế nào đối với Bắc Kinh để lấy sự ủng hộ?
Khi nhậm chức thành viên không thường trực, đại diện của Việt Nam đã tuyên bố rõ là sẽ không nêu vấn đề Biển Đông tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Đây có thể là một quyết định thực tiễn, bởi vì Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bị chi phối bởi năm hội viên thường trực có quyền phủ quyết. Giả sử Việt Nam có nêu lên ( vấn đề Biển Đông ) mà Trung Quốc phủ quyết thì cũng như không. Tuy vậy, tôi cho rằng đây là một thái độ dè dặt quá đáng, vì Việt Nam sẽ không mất gì cả khi nêu lên vấn đề này để Trung Quốc phủ quyết, để cho thế giới thấy lập trường ngang ngược của Bắc Kinh.
Trở lại chức chủ tịch ASEAN 2020, chủ đề mà Việt Nam đưa ra là “gắn kết” và “chủ động thích ứng”, rồi họ giải thích qua năm điểm: đoàn kết thống nhất, lợi ích kinh tế, giá trị chung, quan hệ đối tác và năng lực thể chế. Đây là những khái niệm chung, cái quan trọng là đoàn kết và thống nhất, nhưng mà đoàn kết và thống nhất như thế nào? Chúng ta đặt ra vấn đề này để chúng ta có thể lấy Biển Đông làm ví dụ.”
Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực ở Biển Đông, tranh chấp tại vùng biển này được dự báo sẽ là vấn đề nổi cộm nhất trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên ASEAN của Việt Nam, theo nhận định của trang mạng ASEAN Today ngày 04/12/2019. Theo ASEAN Today, với việc Hà Nội nay giữ chức chủ tịch ASEAN, tranh chấp với Bắc Kinh về Biển Đông có thể sẽ định hình cho vai trò của Việt Nam trong khu vực cũng như thế giới.
Hà Nội đã đề ra năm ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN 2020: an ninh khu vực, kết nối khu vực, các giá trị chung của ASEAN, quan hệ đối tác với các nước khác, hiệu quả hoạt động của ASEAN. Theo ASEAN Today, tuy phần lớn chỉ mang tính chất “hô hào”, những ưu tiên đó có thể là nền tảng để Việt Nam thúc đẩy ASEAN đạt đồng thuận trên vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Với tư cách chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ đại diện cho các nước Đông Nam Á trong các quan hệ với các nước khác, đặc biệt là với Trung Quốc, và trong hồ sơ Biển Đông, Hà Nội được dự báo là sẽ có thái độ cứng rắn hơn so với các nước khác từng nắm chiếc ghế này nhưng không có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh hoặc ngại đụng chạm Bắc Kinh.
Năm 2020 sẽ là năm mà các nước ASEAN và Trung Quốc theo dự kiến sẽ phải đẩy mạnh đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC để có thể thông qua văn bản này vào năm 2022. Trong chiếc ghế chủ tịch ASEAN, Việt Nam chắc chắc cũng sẽ nhấn mạnh nhiều hơn đến quyền “tự do hàng hải” ở Biển Đông theo hướng có lợi cho mình và điều này cũng sẽ khiến Hoa Kỳ hài lòng.
Nhưng vấn đề là ASEAN vẫn còn bị chia rẽ quá nặng nề trên vấn đề Biển Đông để có thể đạt được sự đồng thuận cần thiết để đạt được một bộ quy tắc ứng xử theo mong muốn của Việt Nam, như nhận định của nhà báo Lưu Tường Quang:
“Thương thuyết về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông trên Biển Đông COC đã có từ rất lâu, nhưng hai thập niên qua thì vẫn dậm chân tại chỗ, vì Bắc Kinh vẫn không nhượng bộ bất cứ một điểm gì trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.
Trước đây, Bắc Kinh khăng khăng loại bỏ Hoàng Sa ra khỏi phạm vi áp dụng của COC và nhất quyết giữ lập trường thương thuyết song phương, chứ không phải đa phương, trong khi tranh chấp Biển Đông là vấn đề vừa song phương, vừa đa phương. Nếu Bắc Kinh vẫn không nhượng bộ chút nào về vấn đề Hoàng Sa, cũng như về phương thức giải quyết song phương hay đa phương, thì Việt Nam sẽ làm gì?
Nếu Việt Nam nói là chúng ta theo đuổi mục đích đoàn kết và thống nhất, do đó nhượng bộ để cho bộ quy tắc COC được đồng ý, và để Brunei, quốc gia chủ tịch kế tiếp, thông qua vào năm 2021, điều này có nghĩa là CHXHCN Việt Nam bán nước và mang tội với lịch sử. Còn nếu Việt Nam vẫn giữ lập trường đòi Hoàng Sa phải được bao gồm trong bộ quy tắc ứng xử, thì tất nhiên thương thuyết sẽ dậm chân tại chổ.
Cho nên tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả trong ưu tiên đầu tiên là “đoàn kết và thống nhất”. Trong vấn đề COC, tôi rất hoài nghi là nó sẽ đạt được đồng thuận để có thể được hoàn tất vào năm 2021.
Việt Nam có thể có một vài lợi thế là sau khi Malaysia và Indonesia đã bắt đầu có những sự tranh chấp rõ rệt hơn với Bắc Kinh, thì Malaysia và Indonesia cũng đã có lập trường cứng rắn hơn khi thương thuyết về COC. Nhưng điều này chỉ có lợi một phần nào cho lập trường của Việt Nam, bởi vì ASEAN rất chia rẽ. Philippines đã ngả theo lập trường là phần lớn ủng hộ Trung Quốc. Miến Điện hay Thái Lan thì không có quyền lợi gì ở Biển Đông, do đó có thể ngả theo Bắc Kinh để thủ lợi. Còn tất nhiên Cam Bốt và Lào là hai quốc gia bị ảnh hưởng rất nhiều của Bắc Kinh từ nhiều năm nay. Nội bộ ASEAN chia rẽ như vậy, tôi không lạc quan vào khả năng của CHXHCN Việt Nam trong việc đạt được đoàn kết và thống nhất để có thể giải quyết vấn đề Biển Đông. Vì không có sự đoàn kết, thống nhất đó, thời gian Việt Nam làm chủ tịch ASEAN năm 2020 sẽ phung phí đi.”
Cũng giống như vào năm 2012 và 2016, chắc chắn là Cam Bốt sẽ ngăn chận các tuyên bố của ASEAN về Biển Đông, để bảo vệ liên minh giữa nước này với Trung Quốc. Nhất là vào lúc mà quan hệ quân sự giữa Phnom Penh với Bắc Kinh dường như đang chặt chẽ hơn, theo nhà báo Lưu Tường Quang:
“Cam Bốt không chỉ là tiếng nói của Bắc Kinh trong nội bộ ASEAN, mà chúng ta chưa bao giờ thấy một bản thông cáo chung nào của ASEAN nêu lên vấn đề Biển Đông hoặc chỉ trích Trung Quốc một cách rõ rệt, bởi lý do đơn giản là Cam Bốt bao giờ cũng chống đối. Trong năm 2020 này, Cam Bốt còn có vấn đề khác gây chia rẽ trầm trọng hơn: có những nguồn tin cho rằng Bắc Kinh có những mật ước với Phnom Penh và đã viện trợ rất nhiều cho Hun Sen để có thể sử dụng độc quyền một căn cứ gần Sihanoukville vào mục đích quân sự. Mặc dù chế độ Hun Sen đã cải chính, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng điều này có thể đã xảy ra, vì chính Hoa Kỳ và Úc đã nêu quan ngại.
Nếu Trung Quốc sử dụng căn cứ ở Cam Bốt như là bàn đạp để ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông và ảnh hưởng đến hoạt động trong ASEAN, tôi không nghĩ là Việt Nam có khả năng “gắn kết” và “chủ động thích ứng”, để có thể thực hiện mục đã đề ra khi làm chủ tịch ASEAN năm 2020.
Trong bài báo đề ngày 04/12/2019, ASEAN Today nhắc lại là đầu tháng 11 vừa qua, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Lê Hoài Trung đã tuyên bố, nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại, chính phủ Việt Nam có thể sẽ sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế để ngăn chận đà bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng nếu có kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng Tài Thường Trực như Philippines đã làm vào năm 2016, thì Bắc Kinh chắc chắn cũng sẽ bác bỏ phán quyết của Tòa.
Do đó, theo ASEAN Today, Hà Nội sẽ cố tận dụng chiếc ghế chủ tịch ASEAN để xây dựng một sự đồng thuận trong khối trước khi tiến hành một hành động pháp lý. Cho dù điều này có thể sẽ không ngăn cản Trung Quốc xâm nhập vùng biển của các nước ASEAN, nhưng ít ra nó sẽ là một thắng lợi ngoại giao đối với Việt Nam.
Nhà báo Lưu Tường Quang cũng cho rằng, dù biết trước là Trung Quốc sẽ bác bỏ phán quyết, Việt Nam cũng nên kiện Bắc Kinh ra trước Tòa Trọng tài Thường trực như Philippines đã làm:
“ Tôi không nghĩ là vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 có thể củng cố hay cải thiện khả năng của Việt Nam để đối chọi với thách đố của Trung Quốc. Vào năm 2010, Việt Nam đã từng làm chủ tịch ASEAN và lúc bấy giờ còn là thời của ông Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc chưa bắt đầu xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông. Mãi đến tháng 12/2013, khi ông Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư, họ mới bắt đầu một tiến trình kéo dài trong 3,4 năm trời để biến 6,7 đá thành 6,7 đảo và sau đó quân sự hóa hoàn toàn các đảo nhân tạo này, trở thành các căn cứ quân sự, có cả chiến đấu cơ, có cả những tàu chiến thăm viếng.
Cho nên, cục diện của Biển Đông đã hoàn toàn đổi khác và sự xác quyết về chủ quyền, về thế đứng của Bắc Kinh trên các diễn đàn quốc tế cũng mạnh mẽ hơn nhiều. Chúng ta thấy là Philippines dưới thời tổng thống Aquino đã đưa Trung Cộng ra trước Tòa Trọng tài Thường trực CPA tại La Haye. Tòa Trọng tài này đã có một phán quyết rất rõ rệt, công bố ngày 12/07/2016 theo đó, đường “lưỡi bò” chín đoạn của Bắc Kinh hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và do đó hoàn toàn bất hợp pháp. Phán quyết của CPA là chung quyết và có tính chất cưỡng hành, nhưng Bắc Kinh vẫn một mực từ chối chấp nhận.
Tuy rằng tổng thống Duterte của Philippines đã không dám sử dụng phán quyết của tòa CPA và cũng không bao giờ dám nhắc đến phán quyết này. Ngược lại, tổng thống Indonesia Widodo không những đã nhắc lại phán quyết năm 2016, mà còn sử dụng phán quyết này trong tranh chấp với Bắc Kinh về vấn đề đánh cá, về vùng đặc quyền kinh tế tại quần đảo Natuna. Tổng thống Indonesia đã đích thân đến đảo này và xác quyết chủ quyền, đồng thời gia tăng hoạt động của tàu chiến và phi cơ của Indonesia để bảo vệ chủ quyền.
Trong vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng, tôi chưa hề thấy một vị bộ trưởng, một vị thủ tướng hay một vị ủy viên Bộ Chính trị nào đến một đảo của Việt Nam tại Trường Sa để xác quyết chủ quyền cả!
Cũng vì lý do đó tôi không nghĩ là với tư cách chủ tịch ASEAN, Việt Nam có thể làm gì khác hơn là trong quá khứ. Một việc mà CHXHCN Việt Nam có thể làm và có thể gây ra sự khác biệt, là kiện Trung Quốc ra trước tòa trọng tài quốc tế tương tự như Philippines đã làm. Mặc dù chắc chắc là Trung Cộng sẽ không công nhận phán quyết đó, nhưng phán quyết đó vẫn là một thành phần của luật pháp quốc tế, trong luật về biển, chẳng hạn như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982. Nếu Việt Nam có can đảm làm việc ấy, thật sự đó là điều mà Việt Nam dù là chủ tịch ASEAN hay sau khi là chủ tịch có thể làm được và vẫn có thể mang lại một kết quả thuận lợi, mặc dù trên thực tế không đủ hoặc không có khả năng thi hành phán quyết như vậy. Tuy nhiên, đứng về phương diện công pháp quốc tế, đó cũng là một thành quả đáng kể và đó cũng là một thành phần của luật pháp quốc tế, được tồn tại sau này.”
Thanh Phương
RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét