Nếu không có những thông tin, nhận định khác với những thông tin, nhận định của chính quyền thì Bộ Công an Việt Nam có chịu “khai lại” về các diễn biến liên quan đến cuộc tấn công vào thôn Hoành hay không? Những “lời khai” bất nhất với nhiều yếu tố vô lý của một số ông tướng công an trước nhân dân, rõ ràng đã “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” tại sao hệ thống tư pháp chưa tiến hành xem xét trách nhiệm và hệ thống truyền thông chính thức làm ngơ?
Từ khi xảy ra cuộc tấn công vào thôn Hoành đến nay, trên mạng xã hội không chỉ có những thông tin, nhận định bất lợi cho Bộ Công an mà còn có không ít thông tin, nhận định nhằm giải trừ trách nhiệm cho Bộ Công an. Tuy nhiên chính Bộ Công an đã xác định, không ít thông tin, nhận định nhằm giải trừ trách nhiệm cho mình sai sự thật (chẳng hạn dân thôn Hoành không đào, không tạo “hầm chông”, bẫy cán bộ, chiến sĩ công an, ba người đã hy sinh là do sa xuống “hố kỹ thuật”…).
Nhìn một cách tổng quát, những thông tin, nhận định nhằm giải trừ trách nhiệm cho Bộ Công an, cũng như việc sử dụng những từ ngữ tục tằn, hoan hô - cổ xúy bắn giết,… chính là một kiểu “xuyên tạc làm mất uy tín của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang trong vụ chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm”. Bỏ qua, chẳng khác gì đồng tình, chẳng khác gì thừa nhận, bản chất “cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang” man rợ và thô bỉ y như vậy? Thế thì tại sao không điều tra – khởi tố để răn đe, ngăn chặn?
Về nguyên tắc, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam là “của dân, do dân, vì dân”, vận hành theo phương thức “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thế thì tại sao “Chương may mắn” không có quyền bày tỏ suy nghĩ của ông? Không có quyền nêu thắc mắc và chia sẻ thông tin, ý kiến của những công dân khác khi Bộ Công an hết sức lập lờ, mâu thuẫn trong cung cấp thông tin về vụ tấn công vào thôn Hoành và hệ thống truyền thông chính thức chỉ tường thuật theo Bộ Công an?
Nếu tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật, tại sao lại chỉ chọn “tạm giữ hình sự” rồi khởi tố “Chương may mắn” khi ý kiến và việc chia sẻ thông tin, nhận định của “Chương may mắn” giống như hàng triệu người khác (2)?
Có phải vì “Chương may mắn” có những đặc điểm riêng: Khá nhiều người biết, thậm chí từng được hệ thống truyền thông chính thức giới thiệu rộng rãi sau khi phát giác thiết kế cổng chào ở Cần Thơ giống như… quần lót phụ nữ, tuy nhiên không quảng giao, không có quan hệ mật thiết với nhiều facebooker là “đối tượng nhạy cảm”, không như những facebooker mà an toàn cá nhân của họ là điều mà nhiều chính phủ, nhiều tổ chức quốc tế theo dõi sát sao, rờ đến họ chẳng khác gì mua thêm vạ trong bối cảnh như hiện nay?
***
Nếu dành chút thời gian xem qua trang facebook “Chương may mắn” (2), có thể nhận ra ông Chung Hoàng Chương giống như hàng triệu thường dân tại Việt Nam: Cho dù quay quắt với nợ cơm áo nhưng hiện trạng chính trị - kinh tế - xã hội Việt Nam khiến họ buộc phải quan tâm đến việc tự lý giải tại sao? Trên con đường tìm kiếu câu trả lời cho riêng mình, họ nhận ra nhiều điều bất toàn và bước qua sợ hãi, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ cá nhân, chia sẻ thông tin, nhận định…
Tạm giữ hình sự và giờ là khởi tố “Chương may mắn” chính là nhắm vào hàng triệu thường dân như thế để kềm tỏa họ. Nếu không, họ sẽ giống như “Chương may mắn”. Trường hợp “Chương may mắn” minh họa: Tất cả công dân đều là bị can dự bị! Cũng vì vậy, đây không phải là chuyện riêng của ông Chương. Phản ứng với việc truy cứu trách nhiệm hình sự “Chương may mắn” là một cách trả lời hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, người Việt có chấp nhận thân phận tôi đòi nữa hay không?
© Trân Văn
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét