Góp phần bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt trong lĩnh vực dịch thuật - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020

Góp phần bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt trong lĩnh vực dịch thuật


Ngôn ngữ là trật tự tự phát, không có người thiết kế và giám sát; nôm na là sử dụng lâu thành quen. Cho nên nói bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt chỉ là cách nói tương đối, tức là theo quan điểm của người viết/người nói, chứ không phải là tiêu chí được mọi người đồng thuận hay bắt buộc phải theo.

Hình minh họa

I. Đôi lời phi lộ

1. Ngôn ngữ là trật tự tự phát, không có người thiết kế và giám sát; nôm na là sử dụng lâu thành quen. Cho nên nói bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt chỉ là cách nói tương đối, tức là theo quan điểm của người viết/người nói, chứ không phải là tiêu chí được mọi người đồng thuận hay bắt buộc phải theo. Có thể 50 hay 100 năm sau, cách nói/cách viết mà bây giờ một số người cho là không trong sáng lại được nhiều người theo, còn cách nói/cách viết mà nhiều người cho là trong sáng lại trở thành cổ hủ. Xin đọc những STT bàn về BẢO VỆ SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT TRONG LĨNH VỰC DỊCH THUẬT theo tinh thần như thế.

2. Tôi không đồng ý với quan điểm: “Người Việt có học/có đoc sách dịch bây giờ ít nhiều có học ngoại ngữ và không xa lạ với các mẫu câu này cho nên cứ giữ nguyên cấu trúc câu tiếng nước ngoài trong bản dịch”.

3. Tôi đồng ý với quan điểm: “Bản dịch tiếng Việt ngoài việc truyền tải đúng nội dung tư tưởng thì giữ được chừng nào văn phong của nguyên bản thì vẫn tốt”. Nhưng với 1 điều kiện: Người dịch cố tình làm như thế chứ không phải là do tiếng Việt còn kém, trình bày không mạch lạc, lười suy nghĩ và tìm cách biện hộ hay cãi cùn như thế. Kiểm tra việc này không khó. Chỉ cần đọc vài trang là biết ngay.

Còn 1 điều nữa: Có 1 số người cầm bút, ngoài việc thể hiện tư tưởng, họ còn tìm cách trình bày một cách viết khác lạ, chính người bản ngữ cũng thấy lạ, thấy khó hiểu. Muốn dịch những vị đó, phải rất giỏi cả ngôn ngữ nguồn lẫn ngôn ngữ đích và phải tìm mọi cách để thể hiện văn phong của họ. Nhưng theo kinh nghiệm cá nhân, đa số các tác giả Mĩ viết về kinh tế học, xã hội học hiện nay đều sử dụng ngôn ngữ bình dân và mẫu câu đơn giản. Vậy, hà cớ gì ta không dịch những tác phẩm đó bằng ngôn ngữ và mẫu câu đơn giản, đã quen với người Việt Nam.

4. Với ví dụ của anh @Võ Văn Tạo: “thành ngữ Pháp: "Quand le chat est sorti, les souris dansent": Trường phái 1: "Khi con mèo đi vắng, bầy chuột nhảy múa". Trường phái này cho rằng, dịch như vậy, vừa chuyển được nội dung, ý nghĩa, vừa cho bạn đọc VN biết, người Pháp diễn đạt nội dung đó bằng hình ảnh nào. Trường phái 2: "Vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm". Trường phái này cho rằng, dịch như vậy cũng thoát ý và mới là Việt hóa 100%” (hết trích). Tôi theo trường phái 2 (nếu tìm được thành ngữ tương đương trong tiếng Việt) và ghi chú: dịch thoát ý thành ngữ…). Tôi có thể tôn trọng người theo trường phái 1, với điều kiện người đó biết thành ngữ trong tiếng Việt chứ không phải là lười suy nghĩ hoặc kém tiếng mẹ đẻ, cãi cùn.

II. Bị cấu trúc Too… adjective + to verb… ám ảnh

1. He is too young to understand – dịch thành Nó còn quá trẻ để hiểu
2. It is too hard/difficult to do – dịch thành Quá khó để làm
3. He is too good to do that – dịch thành Anh ta quá tốt để làm việc đó.
4. Cấu trúc này ám ảnh người ta đến mức, có nhà báo viết: “Biên giới Mỹ - Mexico quá dài để kiểm sóat”. Có lẽ là do đọc quá nhiều những bản dịch có phần ngô nghê hay tự dịch trong đầu cấu trúc: “.. frontiers are too long to control…”

Trong khi đúng ra phải dịch những câu trên thành:
1. Nó còn quá trẻ/quá nhỏ chưa/không thể hiểu được
2. Việc này khó quá, không thể làm được
3. Anh ấy là người tốt lắm, anh ấy không làm việc/những việc như thế.
4. Biên giới Mỹ-Mexico dài quá, không thể kiểm soát nổi

III. Bị thể thụ động ám ảnh

1. A Novel written by Nguyen Cong Hoan – dịch thành: Cuốn tiểu thuyết được viết bởi Nguyễn Công Hoan
2. A delegation led by Mr. Nguyen Phu Trong – dịch thành: Đoàn đại biểu dẫn đầu bởi ông Nguyễn Phú Trọng
3. Thậm chí tôi còn gặp: Tôi được dạy bởi thày giáo rằng…

Rõ ràng, đây người dịch/người viết đã bị thể thụ động trong tiếng Anh ám. Trong khi những câu như thế trước đây được viết nhẹ nhàng hơn hẳn:

1. Cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan
2. Đoàn đại biễu do ông NPT dẫn đầu
3. Tôi được thày giáo dạy rằng/Thày giáo dạy tôi rằng….

Người dịch/người viết thậm chí bị ám ảnh đến mức gần đây, có 1 cuốn sách dịch, do những người khá “nhiều chữ” thực hiện, với lời giới thiệu như sau: TL của TD, giới thiệu bởi NHL. Sao không viết đơn giản như thừ xưa đến nay: TL của TD, NHL giới thiệu. Bớt được 1 từ và nghe thuận tai hơn?

IV. Không chịu tra từ điển

1. Observe /Observation: He observed that… dịch thành Ông ta quan sát rằng..
2. He argued that… dịch thành Ông ta lập luận rằng…
3. Câu sau: If every part of the business of society which required organised concert, or large and comprehensive views, were in the hands of the government…. Trong 1 tác phẩm quan trọng “organized concert” được dịch thành “buổi hòa nhạc có tổ chức..”

Trong khi đó đúng ra:

1. He observed that… phải là Ông ta nhận xét rằng…(chỉ cần tra tra từ điển Lạc Việt đã thấy observation có 1 nghĩa là “lời bình phẩm”.

2. He argued that… dịch thành Ông ta lập luận rằng…, không hẳn là sai, nhưng trong các cuộc trang luận mang tính ý thức hệ thì nên dịch là: “Ông ta khẳng định rằng…” Từ điển https://www.collinsdictionary.com/dictionary/english/argue, mục 4: If you argue that something is true, you state it and give the reasons why you think it is true. Các bản dịch Anh-Nga đều chuyển ngữ “argue” thành khẳng định.

3. Trong câu này dịch “organised concert” thành “buổi hòa nhạc có tổ chức” dường như cũng hợp nghĩa, nhưng đọc tiếp đoạn sau thì rõ ràng dịch sai …(chỉ cần tra tra từ điển Lạc Việt đã thấy nghĩa đầu tiên của “concert” là “hòa hợp”, còn khi dùng làm động từ thì nó có nghĩa là “phối hợp, hành động”, trong bản tiếng Nga được chuyển ngữ thành: “организованное действие сообща” nghĩa là “hành động có tổ chức”.

Tra từ điển, một lần nữa: Liên tục tra từ điển… Còn khi dịch tác phẩm lớn thì người dịch phải biết 2 ngoại ngữ và nên tham khảo bản dịch sang ngôn ngữ thứ 2.

Phải nói rằng, đôi khi việc dịch sai 1 loại bệnh hay tên 1 loài cây không ảnh hưởng gì tới cảm nhận 1 tác phẩm văn học. Nhưng hiện nay, khi mà độc giả cũng là những người biết chút ít ngoại ngữ và có thể dễ dàng tra từ điển trên mạng, thì sai 1 vài từ có thể làm mất niềm tin vào tác phẩm và dịch giả.

Phạm Nguyên Trường
Blog Phạm Nguyên Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad