Đồng Tâm: Khi nào có thể tin được chính quyền? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

Đồng Tâm: Khi nào có thể tin được chính quyền?


Cuộc tấn công vào Đồng Tâm được thực hiện vào lúc đêm hôm, internet bị cắt, điện thoại bị phá sóng và các quan sát viên độc lập trong đó có các luật sư của dân Đồng Tâm bị cấm vào làng

Hình trích xuất từ video trên trang YouTube của Việt Mai Sau.

Cuộc tấn công vào Đồng Tâm được thực hiện vào lúc đêm hôm, internet bị cắt, điện thoại bị phá sóng và các quan sát viên độc lập trong đó có các luật sư của dân Đồng Tâm bị cấm vào làng.

Hiển nhiên chính quyền đã cố tình dựng lên bức tường ngăn thông tin khách quan lọt ra bên ngoài. Vậy khi nào chúng ta có thể tin vào những gì chính quyền nói?

Câu trả lời là chúng ta không thể nào tin vào những gì họ nói mà chỉ có thể tin khi có những hình ảnh và video quay lại những gì họ đã làm. Đó là những video phải còn nguyên các dữ liệu về ngày tháng, máy quay nào được sử dụng và những góc quay khác nhau của cùng một sự kiện. Để kiểm chứng ảnh, người ta chỉ việc tải lên trang http://fotoforensics.com/ và lấy thông tin kỹ thuật của ảnh. Đối với video, công cụ mang tên InVID - http://bit.ly/kiem_tra_video - sẽ giúp xác định địa điểm, ngày giờ quay video nếu người ta chưa xoá những thông tin đó đi. Những ảnh không có ngày giờ và địa điểm đều khó có thể kiểm chứng dù không phải là không thể.

Hơn nữa, do chính quyền đã chọn tiến hành cuộc bố ráp vào ban đêm, các hình ảnh quay được, nếu họ có quay, sẽ khó rõ ràng ngoại trừ họ dùng camera đặc biệt.

Cho tới khi có những hình ảnh thu từ những góc độ khác nhau mà chúng ta có thể kiểm chứng, tất cả những gì chính quyền đưa ra chỉ là lời bao biện cho một cuộc tấn công tàn ác nhưng được thực hiện kém cỏi tới mức có ba quân chính phủ thiệt mạng. Ngay cả chi tiết ba cảnh sát thiệt mạng cũng vẫn cần phải có hình ảnh động xác thực mới có thể chứng minh hoàn cảnh họ qua đời.

Trong thời đại 4.0 mà chính quyền Hà Nội đang muốn tận dụng triệt để các lợi thế, việc ghi lại các hình ảnh của cuộc tấn công là chuyện rất dễ dàng. Cũng không loại trừ trường hợp họ đã có những thước phim đó nhưng không thể sử dụng công khai vì chúng bất lợi cho chính quyền.

Tương tự, những lời khai của các thành viên gia đình đảng viên xấu số Lê Đình Kình mà VTV đưa đều vô giá trị. Chỉ có các video quay lại hành động họ làm mới có thể làm bằng chứng.

Các tù nhân Việt Nam từng khai bị cảnh sát đánh đập dã man, thậm chí gí cả roi điện vào dương vật rồi treo ngược họ lên đánh. Để bảo toàn tính mạng, người ta sẽ cứ đọc những gì công an viết sẵn để rồi ra toà sẽ phản cung. Có những người nhận tội giết người trong quá trình điều tra và bị ở tù nhiều năm như ông Nguyễn Thanh Chấn dù có phản cung về sau này. Nhiều trường hợp được cho là “tự tử” ngay trong quá trình tạm giam, có những trường hợp còn được cho là tự đút tay vào ổ điện để tự sát.
Chuyện những người bị bắt ở Đồng Tâm có gương mặt thâm tím khi lên truyền hình cũng có thể là sự cố tình của phía công an và những người làm tuyên giáo hòng làm hả dạ bộ phận dân chúng bực tức vì chính quyền kém cỏi khi để ba cảnh sát thiệt mạng.

Những người làm tuyên giáo cũng dùng tiểu xảo để đánh lừa dư luận một cách tinh vi. Chẳng hạn họ dùng một đoạn video mà người dân kể lại kế hoạch bảo vệ Đồng Tâm hồi năm 2017 để nói rằng đó là âm mưu họ sẽ thực hiện trong năm 2020.

Đoạn từ giây thứ 44 trong video của VTV1 có tại đường dẫn này - http://bit.ly/vtv_tieu_xao - chính là đoạn phỏng vấn ông Bùi Viết Hiểu đã có trên YouTube ở 52’36’’- http://bit.ly/dong_tam_2017 - nhân kỷ niệm hai năm diễn biến ông Lê Đình Kình vô cớ bị đánh gãy chân khiến dân làng bắt giữ một nhóm cảnh sát. Ông Hiểu, người là cánh tay phải của ông Lê Đình Kình, được cho là hiện vẫn đang nằm tại Bệnh viện Quân y 103 nhưng gia đình không được phép vào thăm. Trong lần ông Kình bị đánh què chân, ông Hiểu cũng bị bắt dẫn ra xe công an nhưng vùng chạy thoát.

Để hình dung ra đôi chút cách lực lượng cảnh sát cơ động đối xử với ông Lê Đình Kình ra sao vào lúc mờ tối ngày 9/1, hãy nghe chính ông kể lại lần đầu họ tẩn ông hồi tháng 4/2017 sau khi lừa ông ra khỏi làng:

“Khi đến đấy một cái là một anh cảnh sát cơ động nhưng họ toàn mặc quần bò áo thun đen…, một anh nhảy xuống, đứng vào cái góc tường ở đấy và nổ hai băng đạn chỉ thiên và ngay lúc đó là Trần Thanh Tùng đá tôi một cái, Trần Thanh Tùng đứng đằng sau tôi, mà Trần Thanh Tùng là về công tác tại xã Đồng Tâm này nhiều lần rồi, mà ngay hôm đấy và cách đấy mấy hôm vẫn gặp tôi, vẫn cứ làm việc.

“Đá tôi một cái tung lên và trôi một mét rưỡi. Cái đá của một công an mà họ đang sung sức thì có thể nói nó là một cái đá mà mục đích là tiêu diệt mình cho nên một cái đá họ không thương tiếc. Thì tôi tung lên một cái rồi ngã ngửa, đập đầu xuống đường bê tông nhưng mà hôm ấy tôi đội mũ bảo hiểm. Nếu không đội mũ bảo hiểm thì hôm ấy có thể vỡ đầu ngay tại chỗ ấy, và chết ngay tại chỗ ấy.
“Thế sau đó là ba anh cảnh sát, thì một anh tức là nó nổ chỉ thiên để nó nhảy lên sau, còn hai anh nó ẩn cái đít xe lên thì mỗi anh đứng một bên nó cầm một chân một tay tôi nó tung lên như một con vật, tung lên xe…

“Khi lên, thì tôi biết là gãy chân tôi rồi, thì tôi xin lỗi tôi chửi một câu “ĐCM chúng mày, chúng mày đá gãy chân bố mày rồi” thế thì lập tức lấy tay, còng tay số tám tôi và lấy giẻ đút nút chặt vào mồm tôi và lấy một mũ len ba lỗ kéo kín mít thế này.”

Lần này ông Lê Đình Kình, vẫn còn là đảng viên vào rạng sáng ngày 9/1, đã bị những viên đạn găm thẳng vào người. Ông cũng không còn có thể mô tả lại được họ đã giết ông ra sao và tất cả những nhân chứng đang nằm trong tay của những người giết ông. Sự thật về những gì diễn ra sáng hôm đó có thể sẽ không bao giờ được biết tới vì không loại trừ khả năng những người chứng kiến sẽ bị kết án tử hình.


Nguyễn Hùng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad