Tin giả, tin thật, tin ai? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2020

Tin giả, tin thật, tin ai?


Chúng ta đang sống trong thời đại của thông tin (The age of information). Thông tin tràn ngập. Đến độ không ai trong chúng ta mà không ngụp lặn bởi thông tin.

Hình minh họa.

Tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, đứng đầu các cơ quan ban ngành v.v… của mọi cơ quan chính phủ dân chủ cấp tiến đều rất bận, nên họ đều có một bộ phận riêng biệt chuyên thu thập các thông tin liên hệ, để có những truyền thông chính trị (political communication/ public relations) thích ứng, nếu có nhu cầu. Nhưng chủ yếu là để biết giới truyền thông, và người dân, hiện đang nghĩ gì về mình.

Lẽ ra nhiều thông càng giúp cho chúng ta hiểu biết, đánh giá và quyết định vấn đề đúng đắn hơn (informed decisions)?

Nhưng không hẳn vậy.

Thời đại thông tin tràn ngập cũng có nghĩa tràn ngập mọi loại thông tin, trong đó có cả mọi loại thông tin giả (fake news): thông tin sai lệch/xuyên tạc (disinformation) và không tin không đúng sự thật (misinformation).

Ở đây cũng xét có nhu cầu để làm rõ vài định nghĩa. Theo tổ chức UNESCO thì tin sai (disinformation) là thông tin sai lệch và cố tình tạo ra để gây hại cho một người, nhóm xã hội, tổ chức hoặc quốc gia. Nên gọi loại tin này là tin xuyên tạc. Tin không thật (misinformation) là thông tin sai nhưng không tạo ra với mục đích gây hại. Tin giả (fake news) có ý nghĩa ngược với thông tin thật, bao gồm hai loại tin nêu trên.

UNESCO đã làm một công việc rất thực tiễn là phát hành một sổ tay giáo dục và đào tạo báo chí năm 2019, dầy 128 trang, có tự đề ‘Báo chí, “tin giả” và tin xuyên tạc’ với mục đích “tăng cường giáo dục báo chí, và ấn phẩm này là nỗ lực mới nhất nhằm cung cấp những nguồn lực tri thức hiện đại nhất”. UNESCO phát hành bằng nhiều ngôn ngữ, Anh, Việt v.v…

Giới truyền thông khắp nơi, đặc biệt tại Việt Nam, cũng như hải ngoại, nên tìm hiểu ấn phẩm này vì vai trò của truyền thông mang tính quan trọng để giúp người dân hiểu biết trung thực và đa chiều, bởi như thế người dân mới có thể có những quyết định đúng đắn cho cuộc sống của cá nhân mình và đời sống chính trị của quốc gia mình, tại Hoa Kỳ, Úc, Việt hay toàn thế giới. Khi tin tức mình trình bày được kiểm chứng, mang tính đa chiều, và không thiên vị, thì sự khả tín của chính mình, và cơ quan truyền thông mình phục vụ, sẽ gia tăng.

Tất nhiên vẫn có những người chỉ muốn nghe tin tức nào hợp với nhãn quan chính trị của mình, chẳng hạn, hoặc với mong đợi từ trong thâm kín lòng mình. Do đó họ chỉ chọn những nguồn thông tin đáp ứng nhu cầu riêng của họ, và không hề tiếp cận các loại thông tin khác. Bảo thủ hay cấp tiến cũng thế, tuy tất nhiên không phải tất cả. Do đó khó có thể nào thuyết phục được thành phần này thay đổi tư duy hay cách nhìn nhận vấn đề.

Dù sao, mọi cơ quan truyền thông đứng đắn phải có trách nhiệm kiểm chứng nguồn tin từ nhiều chiều, và cần có sự cân bằng (balance) và không thiên vị (impartial) trước khi đăng nó.

Facebook, nói riêng, và các truyền thông xã hội, nói chung, vào thời gian đầu đã là nơi cung cấp những nguồn thông tin cần thiết và quan trọng cho người dân của các quốc gia không có tự do ngôn luận và tự do báo chí. Tuy nhiên các chế độ cường quyền, vì không thể cấm cản hoàn toàn, nên đã khai dụng nó cho mặt trận tuyên truyền của họ.

Peter Pomerantsev cho rằng “Nhưng ngôn ngữ, lý tưởng, chiến thuật và những câu chuyện duy trì cuộc đấu tranh cho dân chủ trong thế kỷ 20 hiện đang được sử dụng bởi chính các lực lượng mà họ có ý định chiến đấu.” Nói cách khác, các thế lực độc tài chuyên chính cũng khai thác phương thức và kẻ hở này, nhất là về luật đối với tự do ngôn luận của các chế độ dân chủ cấp tiến, để tung hòa mù và gây hoang mang cho độc giả, người dân.

Peter Pomerantsev là một phóng viên, người viết sách, và sản xuất chương trình TV, và đang là Thành viên Cao cấp Thỉnh giảng tại Viện các Vấn đề Toàn cầu tại Trường Kinh tế Luân Đôn. Bố ông, Igor Pomerantsev, từng bị mật vụ KGB bắt năm 1976 vì tội tán phác các văn học chống Liên Xô. Ngày nay, Peter Pomerantsev nhận định rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà các phương tiện thao túng đã phát triển và nhân lên nhiều lần, một thế giới quảng cáo đen tối, đòn phép/hoạt động tâm lý (psy-op), chiếm máy/dữ liệu người khác (hack), chương trình máy móc tự động (bot), sự thật mềm (soft facts), giả mạo sâu sắc bằng kỹ thuật điện ảnh (deep fakes), tin tức giả mạo, Putin, người gây chiến/xuyên tạc trên mạng (troll) và Trump.

Pomerantsev đã thành lập các nhóm nghiên cứu tại trường đại học London để tìm hiểu chiến dịch ảnh hưởng độc hại mới hơn trên toàn thế giới và cố gắng tìm cách chống lại chúng. Pomerantsev đưa ra nhiều trường hợp mà nhóm ông đã nghiên cứu đã tìm hiểu, chẳng hạn như cơ quan truyền thông độc lập Rappler tại Phi, muốn truyền đạt các thông tin trung thực và đa chiều tại tại đây nhưng đang phải chịu bao áp lực, kể cả bắt cớ, từ chính quyền Duterte; Pomerantsev cũng đề cập đến chính trị tại Mexico, Nga, Anh, Mỹ, v.v… Và câu chuyện mà bố ông bị KBG bắt giam.

Ngày nay, tin giả tràn lan trên các mạng xã hội, làm người sử dụng hoặc tin hoàn toàn, hoặc bán tin bán nghi, ngoại trừ những người nắm rõ thông tin đa chiều. Những tác hại này rất lớn, đặc biệt đối với các nền dân chủ cấp tiến, cũng như đối với các phong trào đấu tranh cho dân chủ. Các chế độ cường quyền đã hy động hàng ngàn, hay hàng chục ngàn, dư luận viên, ngoài hàng trăm các cơ quan truyền thông thực thuộc nhà nước hoặc do họ kiểm soát hoàn toàn nên không dám lên tiếng, để tung tin không thật (misinformation) và tin xuyên tạc (disinformation), đến quảng đại công chúng. Vì không nắm vững vấn đề, vì thiếu thông tin đa chiều, vì thích hợp với nhãn quan của mình, vì các vấn đề chuyên môn và phức tạp ngoài khả năng nhận thức của mình, và vì thói quen cả tin không chịu kiểm chứng các nguồn thông tin từ đâu, có khả tín không, và vì thiếu tư duy độc lập, suy nghĩ phê phán, v.v… nên những người này vô hình chung không những tin tưởng các loại tin giả này, mà con phổ biến nó đến người khác. Vô hình chung trở thành cái loa tuyên truyền cho các chế độ có mục tiêu vu khống, bóp méo, nhục mạ, tấn công cá nhân hay tổ chức nào đó đang có những hoạt động gây khó khăn cho thế lực cầm quyền.

Tháng 9 năm 2019, Pomerantsev viết thêm một bài có tựa đề “Tôi rời Nga để thoát khỏi cuộc tấn công của Putin về lý luận. Bây giờ tôi sợ nước Anh đang trên con đường tương tự”.

Ngày nay, tôi có cảm tưởng rằng nhiều người sẳn sàng tin vào một vấn đề gì đó mà không cần kiểm chứng nguồn từ bất cứ đâu; và người ta sẳn sàng bỏ qua những thông tin khả tín, xác thực dù có bao nhiêu nguồn dẫn chứng đứng đắn.

Chúng ta đang ở thời đại tràn ngập nhiễu thông tin, nhiễu niềm tin, trong khi lý luận, tư duy phản biện và tính tôn trọng sự thật đang gặp khủng hoảng rất lớn.

Các quốc gia có nền dân chủ cấp tiến, vững chắc lo ngại về ảnh hưởng này. Cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2016, hay Bexit tại Anh sau đó, và bao nhiêu sự tấn công hay coi thường sự thật đã diễn ra quá nhiều. Nếu nó trở thành bình thường thì đó là điều đáng quan ngại cho tương lai thế giới và văn minh nhân loại.

Chính phủ Úc và Quốc hội Úc đã quan ngại sâu sắc sau cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, và Brexit tại Anh, nên đã có những chính sách và hành động thực tiễn để đối phó với mối an nguy này. Úc quan niệm rằng thông tin giả là mối đe dọa to lớn đối với các định chế dân chủ và xã hội. Các biện pháp được đề nghị tiến hành bao gồm: luật chống lan truyền thông tin sai lệch trực tuyến; luật chống can thiệp nước ngoài trong bầu cử; tăng các quy định của phương tiện truyền thông xã hội (quảng cáo, bot); giám sát phương tiện truyền thông xã hội; quảng bá nội dung chính xác v.v....

Năm 2017, ba học giả của ba trường đại học danh tiếng Mỹ, Gary King thuộc Harvard, Jenifer Pan thuộc Stanford, Margaret Roberts thuộc San Diego/California, đã cùng phối hợp nhau nghiên cứu bài viết trên tạp chí American Political Science Review, có tựa đề: “Chính phủ Trung Quốc ngụy tạo các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội như thế nào để đánh lạc hướng chiến lược, không tham gia vào tranh cãi”.

Bài nghiên cứu đã tóm tác các nhận định như sau:

“Chúng tôi ước tính rằng chính phủ (Trung Quốc) bịa đặt và đăng khoảng 448 triệu bình luận trên mạng xã hội mỗi năm. Trái ngược với tuyên bố trước đó, chúng tôi cho thấy chiến lược của chế độ Trung Quốc là tránh tranh cãi với những người hoài nghi về đảng và chính phủ, và thậm chí không thảo luận về các vấn đề gây tranh cãi.

Chúng tôi cho thấy rằng mục tiêu của hoạt động bí mật lớn này là thay vào đó đánh lạc hướng công chúng và thay đổi chủ đề, vì hầu hết các bài viết này liên quan đến cổ vũ cho Trung Quốc, lịch sử cách mạng của Đảng Cộng sản hoặc các biểu tượng khác của chế độ. Chúng tôi thảo luận làm thế nào những kết quả này phù hợp với những gì được biết về chương trình kiểm duyệt của Trung Quốc và đề nghị làm thế nào họ có thể thay đổi hiểu biết lý thuyết rộng hơn của chúng tôi về kiến thức phổ biến và kiểm soát thông tin trong chế độ độc đoán.”

Những ai quan tâm nên tìm hiểu về bài nghiên cứu giá trị này.

Ngày xưa, làm âm thanh và phim ảnh thì phải dựa vào âm thanh, hình ảnh, phim ảnh thật, dù có bị thay đổi một chút, hay được thiết kế và cắt bỏ phần nào, tùy theo quan điểm của người làm. Ngày nay, kỹ thuật tân tiến đến độ người ta có thể sử dụng cả những nhân vật đã chết lâu rồi, có thể làm cho họ sống lại (như bộ phim Star Wars), và có thể nói năng diễn xuất như thường. Nó gọi là Deepfakes. Tác giả Robert Chesney và Danielle Citron kết luận rằng trong thế giới hậu sự thật này (post-truth world), chúng ta cần học cách kiên nhẫn/trì hơn, không chấp nhận các âm thanh và phim ảnh bằng chỉ bề mặt của nó; nhưng đồng thời phải đấu tranh chống lại sự xuống cấp mà trong đó sẽ có nhiều người dân mà chỉ muốn tin vào những điều làm hợp với niềm tin sẵn có của họ. Tóm lại, chúng ta trong nền dân chủ cần phải chấp nhận một sự thật khó chịu: để sống sót trước mối đe dọa từ Deepfakes, chúng ta sẽ phải học cách sống với sự dối trá.

Vâng, cuộc sống con người có nhiều trái nghịch và mâu thuẫn không ngừng, phải không?


Phạm Phú Khải
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad