Hình minh họa: Nguồn: The 21st Century |
Ta thử nhìn qua xem sao.
Trước hết, xin được phép nhắc sơ qua về vai trò của TTDC Mỹ trong cuộc chiến VN.
Đám nhà báo trẻ Mỹ đến VN đều có một mẫu số chung là ban đầu ủng hộ cuộc chiến vì đây là cuộc chiến do thần tượng cấp tiến của họ, TT Kennedy khơi mào nhân danh cái gọi là ‘cuộc chiến cho chính nghĩa tự do dân chủ’. Nhưng rồi họ mau chóng chuyển hướng, không tin tưởng và không ủng hộ TT Johnson, biến thành những nhà báo gọi là ‘phản chiến’, chống lại sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến mà họ gọi là ‘cuộc chiến bẩn thỉu’ tại Nam VN.
Những bản tin chính trị hay chiến sự hàng ngày của họ toàn là công kích, bôi bác, hay chê bai phe đồng minh, từ chính quyền Johnson tới các tướng lãnh Mỹ, cho đến chính quyền VNCH từ TT Diệm cho đến TT Thiệu, và toàn thể quân lực VNCH từ tướng đến lính.
Những chống phá này đã gây khó khăn lớn cho TT Johnson và sau đó, TT Nixon, đóng góp lớn vào việc dư luận quần chúng Mỹ cũng chuyển hướng theo, quay qua chống chiến tranh VN mạnh, nhất là trong những năm của TT Nixon. Cuối cùng đưa đến chiến thắng của CSBV, chiếm trọn miền Nam.
Dân Việt ta đã là nạn nhân hàng đầu của đám truyền thông thiên tả đó, ai cũng biết. Điều đáng nói là một số không nhỏ dân tỵ nạn ta hiện nay hoặc là đã quên béng mất bài học xương máu này, hoặc là vì quyền lợi trợ cấp gì đó, đã nhắm mắt tin tưởng trở lại cái truyền thông thiên vị và thiên tả này, coi những cơ quan ngôn luận của TTDC Mỹ như là những tiếng nói mà uy tín và tính khả tín không thể nghi ngờ được. Cứ nghe đến Washington Post hay New York Times, hay CBS, NBC, ABC, CNN là phủ phục xuống ghi chép, phiên dịch rồi trích dẫn hay phổ biến cho cộng đồng tỵ nạn. Chẳng khác gì lời Kinh Thánh.
Dù sao thì chuyện này cũng … xưa rồi, thôi bỏ qua. Bây giờ, ta bàn chuyện hiện tại.
Như đã viết trong phần mở đầu, bài này sẽ nhìn qua vài quan điểm của TTDC về những vấn đề không liên quan trực tiếp đến TT Trump.
CÂU CHUYỆN CÔ THUNBERG
Câu chuyện nổi đình nổi đám mới đây là tạp chí TIME đã chọn cô bé Greta Thunberg của Thụy Điển là ‘Người Của Năm’ qua.
TIME đã tự tạo cho mình một truyền thống từ hơn nửa thế kỷ qua là mỗi năm, tuyển chọn một ‘Người Của Năm’, Person of The Year, nghĩa là một người mà TIME cho là đã có ảnh hưởng lớn nhất trong năm vừa qua trên thế giới.
Năm nay, TIME lựa một cô bé 16 tuổi, mới nổi tiếng cách đây… vài tuần trong vài ngày. Cô này nổi tiếng vì đã lên tiếng báo động về chuyện địa cầu bị hâm nóng, mà bây giờ họ khéo léo gọi là ‘thay đổi khí hậu’ vì chẳng mấy ai tin chuyện hâm nóng hâm lạnh gì nữa.
Vào chung kết trong cuộc tuyển lựa ‘Người Của Năm’ của TIME còn có TT Trump, bà chủ tịch Hạ Viện Mỹ, và đám dân biểu tình đòi dân chủ tự do tại Hồng Kông. Nhưng TIME chọn cô bé Thunberg vì theo TIME, cô đã là nguồn cảm hứng cho cả triệu người trên thế giới, bất ngờ được thuyết phục là hâm nóng địa cầu là một mối nguy đe dọa cả nhân loại thật sự chứ không phải là đe dọa trong tưởng tượng.
Theo ý kẻ này, những người khác vào chung kết đều xứng đáng hơn cô bé Thunberg, vì họ đều đã thực sự để lại những dấu ấn lớn không chối cãi được cho thế giới trong năm qua. Kẻ này không phủ nhận việc hâm nóng địa cầu là chuyện rất nhiều người đã lo ngại, cũng không phủ nhận cô bé Thunberg đã nhờ can đảm và niềm tin cá nhân, nói lên ý tưởng của mình một cách mạnh mẽ. Nhưng thực tế là chuyện hâm nóng địa cầu là chuyện tranh cãi đã có từ mấy chục năm nay, cô bé này có lên tiếng hay không cũng chẳng cảm hóa được ai, chẳng thay đổi tư tưởng của một người nào, cũng chẳng giúp trái đất mát hơn, nghĩa là ảnh hưởng của cô bé này là đúng … zero. Chẳng thuyết phục được ai như TIME diễn giải.
Nhìn cho kỹ sẽ thấy quyết định của TIME thật ra là hành động ‘đá giò lái’ TT Trump mà phe TTDC đang tận tình đánh tới cùng. Đó là cách TIME đáp lễ TT Trump khi ông này cho Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận Paris về chuyện hâm nóng địa cầu. Thông điệp của TIME: một cô bé 16 tuổi có viễn kiến đáng phục hơn xa TT Trump.
Chuyện địa cầu bị hâm nóng là chuyện ai cũng nhìn nhận là có. Vấn đề tranh cãi ở ba điểm:
1) Hâm nóng đó là ‘nhân tạo’ do con người tạo ra qua cách sống, cách sử dụng nhiên liệu? Hay đó là chuyện ‘thiên tạo’, do thiên nhiên gây ra theo chu kỳ vận hành của vũ trụ từ cả tỷ năm qua? Từ đó đi đến kết luận con người có cần phải làm gì để thay đổi, giảm mối nguy cơ đó không? Và một cách thực tế, thay đổi được gì trong vận hành của vũ trụ?
2) Hâm nóng là nguy cơ trước mắt hay nguy cơ lâu dài, có thể vài thế kỷ nữa? Từ cả mấy chục năm qua, những người lo lắng cho chuyện hâm nóng địa cầu, đã hù dọa thiên hạ liên tục về nguy cơ diệt chủng nay mai. Để rồi mấy chục năm sau, thiên hạ vẫn sống phây phây. Năm 2006, cựu PTT Al Gore được giải Nobel Hòa Bình vì tuyên bố hâm nóng địa cầu sẽ đưa đến tận thế vào năm 2016. Bây giờ, 2020, người ta vẫn … chẳng thấy gì. Có người viện dẫn cháy rừng ở Cali và Úc chính là hậu quả của việc hâm nóng địa cầu. Thế thì hơi lạ. Cả thế giới bị hâm nóng mà sao lại chỉ cháy rừng ở Cali là cái đất tiên tiến nhất trong việc bảo vệ môi trường, và ở Úc là cái xứ chỉ có 3 người dân trong mỗi một dặm vuông đất (không kể việc hơn một tá người bị bắt vì cố tình đốt rừng).
3) Giữa chuyện hâm nóng địa cầu trong vài chục hay vài trăm năm nữa hay chuyện công ăn việc làm trước mắt của cả chục, cả trăm triệu dân Mỹ hay dân Tàu, dân Ấn Độ,…-, chuyện nào quan trọng hơn, cấp bách hơn? Không có công ăn việc làm bây giờ thì đói rã họng ngay, trong khi mấy chục hay mấy trăm năm nữa, ai biết được khoa học tiến bộ sẽ phát minh ra những biện pháp chống hâm nóng nào.
Nói trắng ra, TIME lựa cô bé Thunberg là Người Của Năm không phải vì cô bé Thunberg đã làm gì ghê gớm trong năm, mà chỉ vì TIME muốn mượn cô gái này để gửi thông điệp cho cả thế giới là TIME ủng hộ quan điểm hâm nóng địa cầu. Và nhất là muốn ‘đá giò lái’ TT Trump thôi.
Ở đây, có một tin nữa đáng suy nghĩ. Chủ nhân của TIME là Marc Bienoff, cũng là tỷ phú chủ tập đoàn SalesForce đang điều đình với Trung Cộng để làm đối tác làm ăn lớn với đại tập đoàn Alibaba của TC. Ông chủ này chắc chắn sẽ không cho phép TIME lựa đám nổi loạn Hồng Kông là Người Của Năm đâu.
Việc TTDC thiên vị, công khai cổ võ cho những quan điểm thiên tả cũng được thể hiện khá rõ nét trong câu chuyện Miến Điện và bà Aung San Suu Kyi.
CÂU CHUYỆN MIẾN ĐIỆN
Nếu theo dõi TTDC từ vài năm qua, người ta có cảm tưởng xứ Miến Điện là xứ kỳ thị Hồi giáo tàn ác nhất nhân loại khi cướp, hãm, tra tấn, giết khối dân Hồi giáo thiểu số hiền lành vô tội của xứ này, khiến cả triệu dân này phải bồng bế nhau tìm đường trốn chạy, qua xứ láng giềng Bangladesh và cả tới những xứ xa hơn như Mã Lai, và Úc luôn.
Tháng vừa rồi, Tòa Hình Sự Quốc Tế -International Criminal Court- mà Mỹ không nhìn nhận (TT Obama cũng chỉ chấp nhận Mỹ tham gia với tư cách quan sát viên) đã họp tại La Haye của Hòa Lan để cứu xét đơn của xứ The Gambia nhân danh Hiệp Hội Hợp Tác Hồi Giáo (57 xứ Hồi giáo) kiện Miến Điện về tội diệt chủng dân Hồi giáo. Đích thân bà Aung San Suu Kyi đã ra trước tòa để bênh vực quan điểm của Miến Điện.
Sự thật khác xa bức họa đen ngòm mà truyền thông thiên tả Âu Mỹ vẽ ra và truyền thông tỵ nạn lờ mờ dịch lại.
Miến Điện, bây giờ gọi là Myanmar (Miến Điện là phiên dịch từ Burma, chỉ là tên của một trong nửa tá sắc dân chính của Myanmar, là xứ có hơn 100 sắc dân nhỏ khác nhau) đã phải đối đầu với vấn nạn Hồi giáo từ cả trăm năm qua rồi.
Khối dân Rohingya sống bên Bangladesh này sanh đẻ quá nhanh, dân số tăng mạnh, không đủ đất sống tại Bangladesh là xứ đã quá đông dân rồi. Khối dân đó bắt đầu tràn qua kiếm đất sống bên Miến Điện, dần dà lên đến cả triệu người.
Có hai điểm cần để ý:
- Khối dân Hồi giáo Rohingya rất cuồng tín và quá khích. Họ tràn qua Miến Điện, chiếm làng Miến, đuổi dân Miến đi, đốt chùa, giết hết sư, xây đền Hồi giáo khắp nơi, thậm chí lùng giết luôn cả dân Miến không Hồi giáo mà họ gọi là ‘infidels’, lập các loại làng tự trị với rào kẽm và tre giống y như ấp chiến lược của VN ta năm xưa, thành lập các nhóm ‘dân vệ’ địa phương, có võ trang súng ống để chống lại cảnh sát và quân đội Miến. Tính bạo động của dân Rohingya hoàn toàn được truyền thông cấp tiến Âu Mỹ bao che, không bao giờ nói đến.
- Vì là ‘di dân lậu’ bất hợp pháp trên đất Miến, nên họ sống rất khốn khổ, trong nghèo đói tận cùng. Không được sự giúp đỡ nào của chính quyền Miến, cũng chẳng được chính quyền Bangladesh giúp gì. Y tế và giáo dục hầu như không có gì. Cả hai chính quyền đều không dám nhìn nhận khối dân này. Vì lý do rất giản dị: kinh tế. Cả hai nước đều nghèo mạt, không có tiền nuôi cả triệu dân ‘vô gia cư’ hay ‘vô tổ quốc’ này.
Dĩ nhiên tình trạng này đưa đến đụng độ võ trang với dân Miến và quân đội Miến. Cả hai bên đều mạnh tay vì quyền lợi sống còn. Không có chuyện tàn ác một chiều từ phiá dân Miến như truyền thông Âu Mỹ mô tả. Tất cả những ai đã viếng thăm Miến đều biết dân Miến rất sùng đạo Phật và rất hiền lành.
Người ta có cảm tưởng TTDC Âu Mỹ hình như sợ hay muốn nịnh đám quá khích Hồi giáo nên đi tìm đám dân Phật giáo hiền lành Miến làm con thiêu thân để đổ lên đầu họ những tội tàn bạo nhất.
Vì khối dân Rohingya đó đi đến đâu đốt chùa và giết sư đến đó, nên khối Phật giáo phải tự vệ. Nhiều ông sư đã mạnh miệng kêu gọi Phật tử Miến và cả sư sãi phải tự võ trang bằng gậy gộc, dao búa cá nhân để tự vệ. Truyền thông Âu Mỹ gọi mấy ông sư này là ‘buddhist terrorists’, khủng bố Phật giáo. TTDC Mỹ theo chỉ thị của TT Obama, cho đến nay vẫn không dám gọi khủng bố Hồi giáo quá khích là ‘muslim terrorists' hay khủng bố Hồi giáo, nhưng lại mau mắn gọi mấy ông sư ngồi giảng kinh và kêu gọi giữ chùa là khủng bố.
Thực tế, đây là một cuộc ‘chiến tự vệ’ của khối Phật tử Miến chống khối Hồi giáo xâm lăng Rohingya từ Bangladesh tràn qua, chứ không phải chuyện Miến kỳ thị, đàn áp một sắc dân thiểu số của họ. Một số không ít dân Miến cũng theo đạo Hồi, và tại những thành phố lớn như Yangon, Mandalay,... đều có nhiều đền thờ Hồi giáo, và dân Miến theo đạo Hồi chẳng gặp chống đối hay kỳ thị gì.
Nhưng đọc báo Âu Mỹ, ta có cảm tưởng trái ngược hoàn toàn. Đó là cách thông tin méo mó, phe đảng của truyền thông Âu Mỹ mà dân ta đã nếm mùi trong cuộc chiến tại miền Nam VN năm xưa.
Thái độ của truyền thông Âu Mỹ đối với bà Aung San Suu Kyi thật tiêu biểu.
Sau khi ông bị giết, bà vợ tướng Aung San dắt con gái Suu Kyi chạy qua Anh. Bà Suu Kyi lớn lên tại đây, lấy chồng người Anh, sanh ra hai con trai.
Năm 1988, sau gần 40 năm xa xứ, bà Aung San Suu Kyi về Miến lần đầu tiên để thăm mẹ đã về lại Miến từ lâu và đang hấp hối. Một hôm bà vào nhà thương thăm mẹ, tình cờ thấy cả mấy chục sinh viên máu me đầy người trong nhà thương. Họ đã biểu tình chống chính quyền quân phiệt và bị đàn áp. Bà bị sốc nặng, tìm hiểu vấn đề, và quyết định ở lại Miến, gia nhập hàng ngũ đảng đối lập, đòi tự do dân chủ, chống quân phiệt. Bà được đôn lên hàng lãnh tụ ngay, phần lớn vì tên tuổi của ông bố.
Năm 1991, các tướng lãnh nhượng bộ, cho bầu cử quốc hội tự do. Trong bất ngờ hoàn toàn, đảng của bà Suu Kyi thu được hơn 80% phiếu, và bà Suu Kyi trên nguyên tắc sẽ được quốc hội bầu làm tổng thống. Các tướng lãnh hoảng hốt, hủy bỏ kết quả bầu cử, ra luật cấm người có chồng, vợ, con quốc tịch nước ngoài không được làm tổng thống. Các tướng giữ quyền và bắt bà Suu Kyi giam lỏng tại gia. Vì uy tín của ông bố của bà, các tướng ‘đàn em’ không dám đụng, chỉ giam lỏng bà tại gia, trong hơn 15 năm.
Cả thế giới bất bình, tẩy chay và cấm vận Miến Điện, ngoại trừ có đúng một xứ ‘ân nhân’ đứng ra giúp Miến tối đa: ông láng giềng Trung Cộng.
Cái làm cho dân Miến tôn sùng bà Aung San Suu Kyi là tính can đảm vô song của bà. Các tướng lãnh tìm đủ cách, từ áp lực cắt điện nước, không cho tiếp tế đồ ăn, đến dụ dỗ đủ kiểu trong gần 20 năm để đẩy bà về Anh, nhưng bà nhất quyết không đi. Ngay cả khi ông chồng bị ung thư hấp hối bên Anh, bà cũng nhất quyết không về vì bà biết bà mà ra khỏi xứ là sẽ không bao giờ trở về Miến tranh đấu cùng dân Miến được. Bà Suu Kyi thực sự đã tranh đấu cho nhân quyền và dân quyền của dân Miến chứ không phải chỉ tranh đấu cho cá nhân bà, để khi có dịp đi tỵ nạn nước ngoài là chạy cho thật nhanh.
Cả thế giới cảm phục bà. Bà được đủ loại giải thưởng, kể cả giải Nobel Hòa Bình.
Năm 2010, các tướng lãnh chán Trung Cộng vì thấy TC chẳng giúp gì mà chỉ lợi dụng đất Miến để tìm đường ra biển Bengal, kiểu như giúp xây xa lộ, đường xe lửa từ TC xuyên qua cả xứ Miến xuống tới vùng biển Ấn Độ Dương. Các tướng muốn bỏ TC theo Tây Phương, bắt đầu chính sách cởi mở trong nước, thân thiện với Mỹ qua cựu thượng nghị sĩ Jim Webb trước tiên.
Các tướng cho tổ chức bầu quốc hội năm 2015. Cũng như lần trước, đảng của bà Suu Kyi chiếm 80% phiếu, ngay cả bà Suu Kyi cũng đắc cử dân biểu. Vì các tướng không chấp nhận cho sửa Hiến Pháp, bà Suu Kyi vẫn không thể làm tổng thống được. Bà mau mắn chỉ định một ông phụ tá của bà ra tranh cử tổng thống do quốc hội bầu. Đảng của bà chiếm gần hết quốc hội nên ông này đắc cử tổng thống dễ dàng, bổ nhiệm bà Suu Kyi làm Cố Vấn Quốc Gia -State Counsellor- kiêm Ngoại Trưởng. Thực tế bà nắm trọn quyền trong khi tổng thống chỉ là bù nhìn. Chính bà Suu Kyi cũng khoe tổng thống phải nghe lời của bà.
Tuy nhiên, quyền hạn của bà bị giới hạn theo Hiến Pháp Miến: tổng thống không được đụng đến quân đội, bộ quốc phòng và bộ an ninh lãnh thổ, vẫn hoàn toàn và tuyệt đối nằm trong tay Hội Đồng Quân Lực. Ngay cả trong quốc hội, 25% được dành cho các đại diện của quân đội do Hội Đồng Quân Lực bổ nhiệm. Nghiã là vấn đề Rohingya vẫn nằm trong tay các tướng lãnh mà bà Suu Kyi không xiá vào được.
Truyền thông Âu Mỹ tung hô bà Suu Kyi lên 9 tầng mây. Dù sao thì bà vẫn là con của người sáng lập ra đảng Cộng Sản Miến, có lập trường rất thiên tả, truyền thông Âu Mỹ rất mê. Tuy nhiên, tuần trăng mật Âu Mỹ - Suu Kyi kéo dài không lâu, vì họ khám phá ra cái thiên tả của bà Suu Kyi không giống thiên tả bắc Âu, mà rất gần TC.
Mỹ và Tây Âu thấy ngay không có gì thay đổi lớn lao hết. Bà Suu Kyi có quyền cải cách từng bước nhỏ các vấn đề kinh tế, giáo dục, xã hội, nhưng các tướng vẫn nắm quyền quân sự và an ninh và nhất là khối dân Rohingya vẫn không khá hơn. Họ thất vọng, bắt đầu chỉ trích và áp lực bà Suu Kyi mà bất cần biết vài chuyện:
- Thứ nhất, bà không có quyền hành gì trong các vấn đề an ninh, và Rohingya;
- Thứ nhì, bà Suu Kyi cũng đồng ý với các tướng và tuyệt đại đa số dân Miến là vấn đề không phải là chuyện Miến đàn áp dân Rohingya vì kỳ thị Hồi giáo giản dị như truyền thông Âu Mỹ xuyên tạc.
- Thứ ba, bà Suu Kyi có muốn làm gì cũng khó xoay sở vì chẳng những bà không có quyền mà cũng không có tiền để giúp khối dân này. Thế giới giả dối họp đủ loại hội nghị quốc tế về việc cứu giúp dân Rohingya, nhưng khi Miến và Bangladesh xin tiền để nuôi đám dân này thì không một xứ nào cho một xu, bắt hai anh khố rách áo ôm phải tự lo.
Câu chuyên tương lai của Miến ra sao, ta phải chờ xem. Vấn đề bàn ở đây chính là thái độ của truyền thông, bóp méo vấn đề Rohingya một cách thô bạo. Tung hô ‘gà nhà’ Suu Kyi mà không hiểu rõ vấn đề, đến khi thấy hy vọng của mình không thành thì quay ngược thái độ, đang đòi lấy lại cái giải Nobel của bà Suu Kyi, và mang bà ra trước tòa. Từ tung hô đến công kích, cả hai thái độ đều tùy thuộc quan điểm và ý muốn của truyền thông thiên tả Âu Mỹ mà không cần biết gì về nhu cầu hay quyền lợi thực tế của dân Miến.
Cái vô lý trong câu chuyện là trong con mắt của khối cấp tiến thế giới, bà Suu Kyi từ một “Phật Bà Quan Âm” trong một chớp mắt đã biến thành ma qủy hắc ám tàn nhẫn nhất thế giới.
Tại sao TTDC bênh phe Hồi giáo? Ảnh hưởng chính trị của Phật giáo trên thế giới không bằng một góc ảnh hưởng chính trị của khối Hồi giáo. Trên thế giới, chẳng có hiệp hội chính trị nào đại diện cho các nước Phật giáo hết. Phật giáo chẳng kiểm soát một nước nào hay một kho dầu hỏa nào, cũng chẳng khủng bố đánh nhau với ai hết.
Nhìn vào phiên toà La Haye thì thấy rõ tính phe phái. Phiên tòa phỏng vấn hơn 200 ‘nạn nhân’ Hồi giáo và đưa ra trước tòa 3 ‘nhân chứng’ Hồi giáo, trong khi phỏng vấn và đưa ra đúng zero nhân chứng Phật giáo Miến Điện, ngoại trừ cho phép một mình bà Aung San Suu Kyi ra trước tòa.
Câu kết ở đây rất giản dị: TTDC có ‘chương trình nghị sự’ phe phái của họ, từ trong nước đến ngoài nước, ta có đọc tin tức thì cần thận trọng, tránh làm con thiêu thân cho họ. Đừng bao giờ nghĩ TTDC Mỹ là Thánh Kinh phải nhắm mắt dịch theo rồi phổ biến tứ tung.
Vũ Linh
Diễn Đàn Trái Chiều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét