Những cái chết này đánh dấu một kết cục bi thảm giữa căng thẳng và phẫn nộ sục sôi liên quan đến một trong những vụ tranh chấp đất đai thu hút nhiều sự chú ý nhất giữa người dân và chính quyền trong những năm qua ở Việt Nam.
Các viên chức công an được xác định là Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, phó trung đoàn trưởng trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an; Trung úy Dương Đức Hoàng Quân, cán bộ tiểu đoàn 1, trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an; và Thượng úy Phạm Công Huy, cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ khu vực 3, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, Bộ Công an.
Ba người này được nói là đã “lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc,” theo một bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Bản tin cho biết Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hôm thứ Sáu đã kí quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho họ và cơ quan công an các cấp cũng đã kí quyết định thăng cấp bậc hàm cho họ.
Nhà chức trách ở Hà Nội ngày thứ Sáu ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm thuộc huyện Mỹ Đức hôm thứ Năm. Các tội danh bị khởi tố bao gồm giết người; tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ.
Một thông cáo của Bộ Công an trước đó cho biết vụ đụng độ chết người xảy ra khi lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn bị tấn công bởi những người dân chống đối “sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng.”
Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi và được nhiều người dân địa phương xem là thủ lĩnh tinh thần trong cuộc tranh chấp, thiệt mạng trong vụ đụng độ được nói là diễn ra vào lúc 4 giờ sáng tại nhà của ông.
Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy thi thể được trả về của ông được khâu lại từ ngực xuống bụng và bên cạnh tim của ông có một vết thương nhỏ trông như vết đạn bắn. Một số người thân của ông báo cáo chân của ông cũng bị gãy lìa.
Các chi tiết xung quanh vụ đụng độ và những cái chết vẫn còn mù mờ và nhà chức trách thắt chặt kiểm soát thông tin liên quan tới vụ việc. Các tường trình trên truyền thông chính thống quy trách nhiệm cho ông Kình và những người chống đối trong khi trên mạng xã hội dường như có một chiến dịch ồ ạt nhắm mục tiêu đả kích họ và những người ủng hộ họ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) đã ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam mở một cuộc điều tra công khai và khách quan về vụ đụng độ gây tử vong ở Đồng Tâm.
Tổ chức này cũng kêu gọi Việt Nam cho phép các nhà báo, các nhà ngoại giao và các quan chức thuộc LHQ đến tìm hiểu tình hình ở Đồng Tâm và giám sát việc điều tra vụ việc của chính phủ.
Tranh chấp đất đai ở Việt là một trong những vấn đề nóng bỏng thường dẫn tới nhiều vụ khiếu kiện và xung đột giữa người dân và chính quyền mà đôi khi biến thành bạo lực đẫm máu.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét