Tôi có nhiều phần đồng ý với ông Huy Đức, còn với nhận xét của Giáo sư Tuấn, thì sau khi điểm lại những lần mình tiếp xúc với những người cộng sản, nghe lỏm họ nói chuyện với nhau, thì quả là thế thật. Họ không bao giờ nói tới từ cộng sản như trong các phim tuyên truyền của họ, mà ngôn ngữ vốn không có thật. Họ gọi nhau là… “đảng viên”, mà “đảng viên” thì có thể là bất cứ đảng nào.
Không rõ cái âm thanh cộng sản ấy biến mất từ lúc nào, nhưng chắc chắn sau năm 1986, người ta không nghe nó nhiều nữa, mà chỉ đọc thấy nó thôi. Năm đó là năm con virus cộng sản Việt Nam biến dị lần thứ nhất để tồn tại. Đại hội đảng lần thứ sáu cho phép “người bóc lột người”, cho phép tạo ra “giá trị thặng dư”, là hai cách nói của ngôn từ cộng sản về việc thuê mướn nhân công và làm ăn kiếm lời.
Nhưng guồng máy cai trị của Đảng không thay đổi, vẫn là sự kiểm soát xã hội từ trên thượng tầng, cho đến tận từng khu phố. Và từ đó đến nay con virus một mặt biến đổi liên tục, mặt khác vẫn duy trì guồng máy cai trị của nó.
Nếu chúng ta đặt chân đến Sài Gòn hay Hà Nội hiện nay, sẽ không nhận ra không khí buồn tẻ với hàng đoàn người đi xe đạp, mặc quần áo giống nhau ở Hà Nội trong những năm cuối thập niên 1970, cũng không còn những chiếc xe chạy bằng than những năm sau “giải phóng” ở Sài Gòn nữa.
Đó là hình ảnh biến dị của virus cộng sản Việt Nam hiện nay, cách xa nguyên bản Made in USSR cách đây hơn 100 năm.
Nhìn vào bề ngoài của xã hội Việt Nam lúc này, người ta thấy nó là hình ảnh của một quốc gia đang phát triển bình thường, có thể là Đông Nam Á, châu Phi, hay Mỹ Latin. Ở một quốc gia như thế, các giới chức cầm quyền có thể phớt lờ các chỉ trích về vấn đề dân chủ và nhân quyền, cho đến khi nào các đại tập đoàn tư bản vẫn ăn nên làm ra ở đó.
Đó là chuyện bên ngoài, còn bên trong thì một bộ phận lớn người Việt Nam đang chuyển từ làng quê lên thành thị, theo đúng cái câu xưa nay: Giàu nhà quê không bằng lê la thành thị. Một bộ phận nhỏ hơn nhiều, có cấu kết với guồng máy cai trị, phất lên nhanh chóng, chiếm đoạt hầu hết của cải, tài sản quốc gia.
Cả hai bộ phận dân cư kể trên đều phần nào hài lòng với cuộc sống hiện tại. Những người dân quê dù có sống chật hẹp mấy mét vuông ở một khu ổ chuột nào đó, cũng cảm thấy đồng lương công nhân làm họ an tâm hơn mùa màng thất bát vô định ở nông thôn.
Những tay thuộc tầng lớp tư sản bắt tay với những kẻ thống trị, có khi chính họ là kẻ thống trị, hoàn toàn ý thức được vị thế của họ, để duy trì guồng máy, và tài sản của họ.
Trong tình trạng đó, không ai mong muốn một sự thay đổi xảy ra.
Đã có những cuộc biểu tình lớn, thậm chí lần sau lớn hơn lần trước, những vụ xung đột đất đai ngày càng đẫm máu. Nhưng những kẻ trong cuộc không ai muốn phá bỏ cái hiện trạng, status quo, hiện nay cả. Không ai muốn thoát vùng thỏa mãn, comfortable zone, của mình cả. Tất cả vẫn trông chờ vào “Đảng và Nhà nước!”
Nhưng tình trạng “bùng nhùng” này tạo nên sự suy thoái xã hội, đạo đức, sẽ gây tác hại lâu dài về sau. Sự duy trì bộ máy cai trị, nhưng cho phép lồng bộ máy đó trong cái vỏ kim tiền, là một biến thể vô cùng nguy hiểm của con virus cộng sản ký sinh trên cơ thể hủ lậu của văn hóa Việt Nam.
Nguy hiểm hơn nữa đó là sự vắng bóng hoàn toàn của xã hội dân sự để có thể tự hoạt động được, vì tất cả những mầm móng của xã hội dân sự đều bị bóp chết từ trứng nước. Xã hội dân sự với bản chất độc lập của nó là điều đối ngược với sự toàn trị cộng sản, có cái này không có cái kia. Đó chính là điều mà tôi nói ở phần mở đầu là tôi chỉ đồng ý phần lớn với ông Huy Đức, vì tôi không hề thấy xã hội dân sự, tức là bản chất cộng sản vẫn còn đó.
Và đó là điều nguy hiểm nhất của xã hội Việt Nam hiện nay. Một mặt phiên bản cộng sản Việt Nam trưng ra bên ngoài một sự phát triển, mà đa số người dân trong đó tự hài lòng với chính mình. Nhưng mặt khác, khi có biến động, sự thiếu vắng xã hội dân sự sẽ làm cho nó tan rã, lọan lạc bất kỳ lúc nào. Như nó đã xảy ra với một cuộc khủng hoảng ở Đồng Tâm, Ô Khảm và Vũ Hán hiện nay, đang chứng minh cho điều đó, đang chứng minh ngược trở lại về sự thất bại của phiên bản cộng sản Đông Âu. Sự ổn định và hỗn loạn chỉ cách nhau có vài tiếng đồng hồ.
© Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco
Tiếng Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét