Khen có… lũy thừa, còn nói thật thì không - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Khen có… lũy thừa, còn nói thật thì không


Sau khi bị Sở GDĐT tỉnh Nghệ An… nhắc nhở, Phòng GDĐT huyện Kỳ Sơn đã triệu tập một hội đồng để xem xét – lựa chọn hình thức kỷ luật ông Nguyễn Quế Trường (Hiệu trưởng) và bà L.T.P (Giáo viên), cùng làm việc tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS) Phà Đánh. Đây là trường bán trú dành riêng cho con em người thiểu số…

Khen có… lũy thừa, còn nói thật thì không

Cách nay khoảng hai tuần, vào ngày 6 tháng 2, bà L.T.P đưa lên trang Facebook của bà những tấm ảnh chụp lũ trẻ đang học lớp 6B của trường Phà Đánh phải dùng giấy để che mũi, miệng thay cho khẩu trang! Tấm ảnh không chỉ gây xúc động vì phơi bày sự nghèo khó, thiếu thốn của “một bộ phận không nhỏ” người Việt mà còn làm thiên hạ ái ngại cả về nỗ lực lẫn khả năng phòng ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID – 19 gây ra tại Việt Nam.

Một số tờ báo thuộc hệ thống truyền thông chính thức đã cử phóng viên đến huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An để tìm hiểu thực hư. Ở vị trí Hiệu trưởng, ông Nguyễn Quế Trường, xác nhận, chỉ có một số đứa trẻ là học sinh trường Tiểu học và Trung học Phà Đánh có khẩu trang y tế, hoặc khẩu trang vải để phòng ngừa lây nhiễm, đa số phải dùng giấy che mũi miệng thay khẩu trang. Trường đã cử người đi tìm mua khẩu trang cho học sinh ở các cửa hàng trong xã và trung tâm huyện nhưng không có để mua...

Tuy bà L.T.P không ngụy tạo sự kiện và ông Trường thừa nhận sự kiện đó có thật nhưng phản ánh sự thật bị xem là… “phản cảm”. Sự thật này không phù hợp “trong thời điểm cả nước đang ra sức dành mọi nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp”. Cũng vì vậy, Hội đồng Kỷ luật đã quyết định “phê bình, nhắc nhở” cả hai vì việc phơi bày thực tế “làm ảnh hưởng đến uy tín của huyện cũng như của ngành và trái ngược với những gì huyện Kỳ Sơn và ngành đặc biệt quan tâm và chỉ đạo” (1).

***

Cũng trong tương quan giữa giáo dục và dịch viêm đường hô hấp cấp, ngày 18 tháng 2, tờ Thanh Niên giới thiệu một bài thơ của cô Chu Ngọc Thanh, giáo viên trường THCS Hùng Vương, tọa lạc ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Bài thơ có tựa là “Đất nước ở trong tim” và tờ Thanh Niên giải thích họ chọn - giới thiệu “Đất nước ở trong tim” vì đó là một “bài thơ chống dịch COVID – 19” đang làm “dậy sóng cộng đồng mạng”! Nguyên văn “bài thơ chống dịch COVID – 19” như thế này:




Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em. Nhưng làm được những điều phi thường lắm. Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm. Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào. Em thấy không? Trong nỗi nhọc nhằn, vất vả, gian lao. Khi dịch bệnh hiểm nguy đang ngày càng lan rộng. Cả đất nước mình cùng đồng hành ra trận. Trên dưới một lòng chống dịch thoát nguy. Với người láng giềng đang lúc lâm nguy. Đất nước mình không ngại ngần tiếp tế. Dù mình còn nghèo nhưng mình không thể. Nhắm mắt làm ngơ khi ai đó cơ hàn. Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan. Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại. Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi. Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường. Với chuyến du thuyền đang “khóc” giữa đại dương. Mình mở cửa đón họ vào bến cảng. Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn. Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ.

Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa. “Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại”. Chẳng có điều gì làm cho mình sợ hãi. Khi trong mỗi người nhân ái được gọi tên. Từ mái trường này em sẽ lớn lên. Sẽ khắc trong tim bóng hình đất nước. Cô sẽ nối những nhịp cầu mơ ước. Để em vẽ hình Tổ quốc ở trong tim. Nhớ nghe em, ta chẳng phải đi tìm. Một đất nước ở đâu xa để yêu hết cả. Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa. Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam!

“Đất nước ở trong tim” được Thanh Niên giới thiệu hôm trước thì hôm sau, hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt loan tin, Văn phòng Chính phủ vừa phát hành một công văn cho biết, Thủ tướng đã đọc bài thơ cô Thanh làm để ca ngợi đất nước trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID - 19. Theo công văn vừa kể, vì bài thơ đã phản ánh đúng thực trạng phòng chống dịch COVID - 19 của đất nước, thể hiện được niềm tin và tinh thần yêu nước nồng nàn, có ý nghĩa vận động toàn xã hội (trong học tập, sinh hoạt), cùng đoàn kết chung sức, chung lòng thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch COVID – 19 mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng đang chỉ đạo, triển khai nên Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và gửi lời cám ơn cô Chu Ngọc Thanh.

Nếu theo dõi mạng xã hội, ai cũng có thể thấy, trên thực tế, “Đất nước ở trong tim” chỉ thật sự làm “dậy sóng cộng đồng mạng” sau khi Văn phòng Chính phủ thay mặt Thủ tướng chuyển lời khen và lời cám ơn đến cô Thanh. Dư luận dấy lên thành bão vì nhiều lẽ: Xét ở góc độ thi ca, chất lượng của bài thơ có đáng để khen và cám ơn hay không? Chẳng lẽ quốc gia, dân tộc không còn vấn đề nào đáng phải bận tâm, do rất rảnh nên Thủ tướng và chính phủ chỉ ngồi chờ, có người khen là lập tức tổ chức… khen lại, thậm chí tận dụng việc… khen lại để tự khen, tự nâng cả đảng, nhà nước, chính phủ, lẫn Thủ tướng lên thêm một lần nữa bất chấp thực tế ra sao?..




Nhìn một cách tổng quát, “Đất nước ở trong tim” đã kích hoạt qui trình “khen” từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới. Sau khi cô Thanh nhấn nút “khen” đảng, chính phủ, toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền rùng rùng chuyển động, báo giới phát tán “Đất nước ở trong tim”, chính phủ “khen” lại cô Thanh, UBND tỉnh Gia Lai góp lời “khen” thêm và thông qua đó “khen” kế hoạch phòng chống dịch COVID – 19 mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng đang chỉ đạo, triển khai thêm một lần nữa!

***

Đáng tiếc là những lời khen không phủ lấp được những thực tế chẳng hạn như chuyện lũ trẻ con trường Phà Đánh phải dùng giấy để che mũi, miệng thay cho khẩu trang, hay những thắc mắc chẳng hạn như tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không hành xử như Ấn Độ,… cấm xuất cảng trang bị phòng dịch, khẩu trang, hoặc bước những bước xa hơn, quyết liệt hơn như Đài Loan: Vừa cấm xuất cảng, vừa nhập thêm thiết bị để gia tăng sản lượng, vừa xác định khẩu trang, cồn sát khuẩn là hàng hóa đặc biệt, chính phủ sẽ dùng các biện pháp đặc biệt để kiểm soát hoạt động phân phối, hỗ trợ toàn dân bảo vệ mình, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh trên toàn quốc (2)?

Xem phản ánh việc trẻ con không có khẩu trang, phải dùng giấy che mũi, miệng là… “phản cảm”, vậy bất chấp tình trạng khẩu trang y tế càng ngày càng khan hiếm - ngay cả các bệnh viện cũng phải tổ chức may khẩu trang bằng vải cho nhân viên y tế tạm dùng (3), vẫn mở toang cửa để đưa khẩu trang sang Trung Quốc – chỉ trong tháng giêng, đã có 36 tấn khẩu trang được đưa qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất (4), cũng trong tháng giêng, chỉ tính các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có bốn triệu khẩu trang được xuất cảng sang Trung Quốc, gần đây nhất, dẫu dân chúng trong nước hết sức chật vật, thậm chí tuyệt vọng vì không thể tìm mua được khẩu trang để bảo vệ họ, riêng ngày 19 tháng 2 có tới sáu xe vận tải vận chuyển khẩu trang y tế qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) sang Trung Quốc (5)… thì cảm giác của đảng, nhà nước, chính phủ, thủ tướng ra sao?

Không phải tự nhiên mà công chúng nổi giận với lời lẽ, ý tứ của “Đất nước ở trong tim” và việc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thi nhau “khen” bài thơ này. Cho dù tờ Thanh Niên đã “tự ý đục bỏ” bài giới thiệu “Đất nước ở trong tim” (6). Các tờ báo khác (7), kể cả trang thông tin điện tử của chính phủ cũng đã lẳng lặng “đục bỏ” tin, bài giới thiệu việc Văn phòng Chính phủ thay mặt Thủ tướng phát hành công văn khen cô Thanh và bài thơ (8) nhưng chẳng lẽ cứ phải chấp nhận – nhìn ngắm mãi diện mạo “dân chủ xã hội chủ nghĩa” theo kiểu nói thật thì bị vạ còn ngoa ngôn thì được khen theo kiểu tính bằng lũy thừa?


© Trân Văn
    Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad