Không có ‘vùng cấm’ và ‘bí mật an ninh, quốc phòng’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2020

Không có ‘vùng cấm’ và ‘bí mật an ninh, quốc phòng’


Việt Nam có thông lệ trong “lại qủa” khi mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng hay không? Nếu có và tỉ lệ “lại quả” thường là 25% như Shephard Media từng tiết lộ, 25% của năm tỉ Mỹ kim đã chi từ 2012 đến 2016 vào túi những ai? Bao giờ thì Ban Chỉ đạo Phòng – chống tham nhũng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ phối hợp với các chính phủ có liên quan để tổ chức điều tra? Bao giờ thì hệ thống truyền thông chính thức được bật đèn xanh để… “đấu tranh”?

Hình minh họa mẫu chiến đấu cơ Su-27.

Tuần trước, Airbus cam kết sẽ trả 3,9 tỉ Mỹ kim tiền phạt cho Anh, Pháp và Mỹ để đóng hồ sơ vụ đưa hối lộ nhằm được chọn làm nhà thầu cung cấp phi cơ của Airbus cho 20 quốc gia trên thế giới trong giai đoạn từ 2008 đến 2015 (1). Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam cùng ngậm tăm trước thông trong 20 quốc gia ấy có Việt Nam. Airbus nhờ “môi giới” để bán cho Việt Nam ba vận tải cơ quân sự loại C-295 trong giai đoạn từ 2009 đến 2014.

Tuy liên tục khẳng định công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam không có… vùng cấm, không có… ngoại lệ nhưng rõ ràng, nếu không có áp lực từ dư luận trong nước, hoặc từ các chính phủ bên ngoài Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam sẽ ngậm tăm, bất kể tham nhũng trong mua sắm trang, thiết bị quân sự đe dọa nghiêm trọng khả năng bảo vệ an ninh quốc gia, năng lực quốc phòng.

Những thông tin kiểu như vừa kể không hiếm. Năm 2017, dựa trên các nguồn khả tín từ Bộ Quốc phòng Mỹ, Shephard Media – một cơ quan chuyên thu thập các thông tin liên quan đến tình báo và quốc phòng của Anh, từng loan báo, sở dĩ các thương vụ mua bán vũ khí giữa Mỹ và Việt Nam thất bại vì các viên chức hữu trách trong lĩnh vực quốc phòng tại Việt Nam đòi “lại quả” 25% tổng giá trị hợp đồng. Bởi luật pháp Mỹ cấm “lại quả” nên các đối tác phía Mỹ phải từ chối đáp ứng (2).

***

Cho đến giờ, đối tác chính của Việt Nam trong các thương vụ mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng vẫn là Nga. Cách nay vài năm, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) của Thụy Điển, công bố một thống kê, theo đó, Việt Nam là một trong mười quốc gia chi nhiều tiền nhất để mua sắm vũ khí, phương tiên quốc phòng. SIPRI ước tính, riêng giai đoạn từ 2012-2016, Việt Nam đã chi khoảng năm tỉ Mỹ kim để mua vũ khí, phương tiện quốc phòng (3).

Việt Nam có thông lệ trong “lại qủa” khi mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng hay không? Nếu có và tỉ lệ “lại quả” thường là 25% như Shephard Media từng tiết lộ, 25% của năm tỉ Mỹ kim đã chi từ 2012 đến 2016 vào túi những ai? Bao giờ thì Ban Chỉ đạo Phòng – chống tham nhũng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ phối hợp với các chính phủ có liên quan để tổ chức điều tra? Bao giờ thì hệ thống truyền thông chính thức được bật đèn xanh để… “đấu tranh”?

***

Ngày 26 tháng 7 năm 2018, khi đang thực hiện một phi vụ huấn luyện, chiến đấu cơ loại SU-22U, mang số hiệu 8551 của Không quân nhân dân Việt Nam đột nhiên rớt xuống khu vực thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Vào thời điểm đó, một số nguồn thạo tin ngay tại Việt Nam, cho biết, chiến đấu cơ lâm nạn nằm trong lô Su-22U cũ mà Việt Nam mua lại từ một số quốc gia ở Đông Âu, sau đó chuyển cho Ukraine “nâng cấp”, chuyển đổi mục đích sử dụng.




Theo thiết kế Su-22U chỉ thực hiện các phi vụ trên đất liền, “nâng cấp” nhằm thực hiện các phi vụ trên biển (4). Theo tờ Sputnik của Nga, các công ty ở Ukraine tham gia “nâng cấp” lô Su-22U cho Việt Nam đều thuộc loại không đủ năng lực để thực hiện công việc “nâng cấp” (5). Tuy nhiên cả Quân chủng Phòng không - Không quân lẫn Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng làm thinh. Từ đó đến nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hành xử theo kiểu “tam không” (không thấy, không nghe, không nói).

Ở đâu thì tiền chi cho mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng cũng là tiền thuế. Do đó, thiên hạ luôn luôn tổ chức đấu thầu công khai, luôn luôn bạch hóa kết quả, giải thích tại sao lại chọn nhà thầu này mà bỏ nhà thầu kia. Việt Nam thì khác. Mua sắm vũ khí, phương tiện phục vụ cả an ninh lẫn quốc phòng luôn được xem là “bí mật quốc gia”, bất kể những thương vụ loại này chẳng giấu được ai ở bên ngoài Việt Nam. Tác dụng duy nhất của tấm áo khoác “bí mật quốc gia” là không phải giải trình và không bị điều tra.

Không phải tự nhiên mà tại một kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi cuối năm 2013, ông Nguyễn Hòa Bình, lúc đó là Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, đề nghị Quốc hội kiểm soát việc mua sắm phương tiện – thiết bị phục vụ quốc phòng, an ninh như chiến đấu cơ, chiến hạm, tàu ngầm,… Theo ông Bình, dù những thông tin liên quan đến các thương vụ loại đó là “nhạy cảm” nhưng chi phí dùng cho việc mua sắm là tiền của dân thành ra phải kiểm soát để bảo đảm tiền bạc được sử dụng đúng mục đích, thậm chí Quốc hội Việt Nam nên thành lập một hội đồng thẩm định nhu cầu và những hợp đồng mua sắm phương tiện – thiết bị cho quân đội, công an. Ông Lê Việt Trường, lúc ấy đang giữ vai trò Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh (Ủy ban QPAN)của Quốc hội Việt Nam, cũng nghĩ như vậy. Ông Trường đề nghị phải thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch cả trong mua sắm thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh (5)…

Ông Bình, ông Trường không phải loại… xoàng. Trước khi đảm nhận vai trò Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, ông Bình từng là Thiếu tướng, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an. Ông Trường có tám năm làm việc liên tục tại Ủy ban QPAN của Quốc hội Việt Nam với tư cách Ủy viên Thường trực rồi Phó Chủ nhiệm của ủy ban này. Những đề nghị như vừa kể của họ chắc chắn không phải cho… vui. Đó là những khuyến cáo nghiêm túc nhưng mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng vẫn là… “bí mật quốc gia”.

Khoảng nửa năm sau, tháng 6 năm 2014, Hải quan Phần Lan tìm thấy một container bên trong chất đầy thiết bị phóng hỏa tiễn được vận chuyển từ Việt Nam tới Hồng Kông, sau đó được đưa từ Hồng Kông đến Phần Lan… Theo thẩm định của Bộ Quốc phòng Phần Lan thì những thiết bị đó là đầu dẫn của Vympel R 73E – một loại hỏa tiễn tầm ngắn thường được gắn trên các chiến đấu cơ Su-27, Su-30 của Nga... Việt Nam ngậm tăm suốt một tháng. Chỉ đến khi sự kiện vừa kể trở thành tin chính trên hệ thống truyền thông quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới xác nhận, container bị Phần Lan tạm giữ là của Việt Nam, Các đầu dẫn hỏa tiễn được Việt Nam gửi sang Ukraine để “bảo dưỡng” (7)...

Tuy Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, việc gửi “bảo dưỡng” là “bình thường”, “đúng luật pháp, thông lệ quốc tế” nhưng Phần Lan không chấp nhận. Phần Lan cho biết sẽ điều tra thêm ít nhất sáu tháng và có thể sẽ tịch thu các đầu dẫn hỏa tiễn do vi phạm luật pháp của Phần Lan về xuất cảng “vật liệu quốc phòng”. Về nguyên tắc, vận chuyển các “vật liệu quốc phòng” qua lãnh thổ Phần Lan phải được Bộ Quốc phòng Phần Lan cho phép. Container chứa các đầu dẫn hỏa tiễn có xuất xứ từ Việt Nam đã không thông báo và không xin phép Bộ Quốc phòng Phần Lan.




Ai cũng biết đầu dẫn hỏa tiễn là loại hàng hóa không… bình thường. Tại sao lại gửi hàng hóa không… bình thường theo kiểu “bình thường”, không khai báo cho “đúng luật pháp, thông lệ quốc tế” để gặp đủ thứ rắc rối? Việt Nam đã cũng như đang mua nhiều thứ phương tiện – thiết bị quốc phòng của Nga, quan hệ giữa hai bên rất khắng khít, tại sao không gửi các đầu dẫn hỏa tiễn do Nga sản xuất cho Nga “bảo dưỡng” mà lại gửi cho Ukraine? Phía sau những lựa chọn và cách làm khác thường ấy là những gì? Chẳng riêng Bộ Quốc phòng mà ngay cả chính quyền Việt Nam cũng xếp chuyện này vào loại công chúng Việt Nam không có quyền biết vì đó là… “bí mật quốc gia”!

Đến giờ “bí mật quốc gia” vẫn phủ kín các thương vụ mua sắm vũ khí, phương tiện phục vụ an ninh, quốc phòng cho dù có rất nhiều dấu hiệu cho thấy những thương vụ này hết sức đáng ngờ vì tạo điều kiện cho nhiều cá nhân nhân danh “an ninh, quốc phòng” biển thủ công quỹ, phung phí nội lực quốc gia và gây nguy hại cho hoạt động duy trì trật tự, trị an, cũng như bảo vệ an ninh quốc gia, năng lực quốc phòng. Chẳng riêng Bộ Quốc phòng mà Bộ Công an cũng đang khai thác “bí mật quốc gia” để mua sắm thiếu minh bạch.

Tháng 10 năm ngoái, Bộ Công an công bố dự tính thay Pháp lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) bằng Luật CSCĐ để phù hợp với tình hình mới (8). Vào thời điểm đó, Bộ Công an chỉ mới trình được “Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Dự luật CSCĐ”. Tháng sau (11 năm 2019), Bộ Công an cho biết thêm, sẽ đưa vào Dự luật CSCĐ đề nghị thành lập một Trung đoàn Không quân (truy đuổi tội phạm) và Trung đoàn Kỵ binh (thực hiện nghi lễ) và giao cho lực lượng CSCĐ điều hành (9).

Đáng ngạc nhiên là Bộ Công an chỉ mới soạn - trình được “Dự thảo Báo cáo” về tác động đối với chính sách nếu Luật CSCĐ được soạn thảo và thông qua theo hướng Bộ Công an mong muốn, “Báo cáo chính thức” – giải trình về lý do bỏ Pháp lệnh CSCĐ, thay bằng Luật CSCĐ chưa có vì đang trong giai đoạn thu thập góp ý trước khi soạn – công bố Dự luật CSCĐ thì hạ tuần tháng 1, Bộ Công an mời Thủ tướng Việt Nam đến thăm Bộ Tư lệnh CSCĐ, thăm 105 con ngựa mà Bộ Công an vừa mua của Mông Cổ (10).

Nói cách khác, chưa biết đến bao giờ Quốc hội mới được thấy diện mạo của Dự luật CSCĐ, dẫu chính phủ chưa có bất kỳ ý kiến chính thức nào về đề nghị thành lập Trung đoàn Không quân, Trung đoàn Kỵ binh thuộc CSCĐ thì Bộ Công an đã sắm xong… ngựa cho Trung đoàn Kỵ binh cho CSCĐ! Thời gian từ lúc Bộ Công an loan báo ý tưởng thành lập Trung đoàn Kỵ binh cho CSCĐ cho đến khi quyết định chọn mua ngựa của Mông Cổ, thương lượng, trả tiền, mang 105 con ngựa về Việt Nam để mời Thủ tướng Việt Nam tới thăm chỉ diễn ra trong vòng hai tháng! Không có ai, kể cả Thủ tướng dám thắc mắc khi Bộ Công an thản nhiên đặt cả chính phủ lẫn Quốc hội trước chuyện đã rồi!

Chính phủ, sau đó là Quốc hội có ưng thuận việc thành lập một Trung đoàn Kỵ binh và giao cho lực lượng CSCĐ điều hành hay không đã trở thành loại vấn đề hậu xét, Bộ Công an không bận tâm. Ai sẽ điều tra và trả lời tại sao lãnh đạo Bộ Công an hành xử ngang ngược như vậy? Vì sao lại sắm ngựa Mông Cổ? Tổng chi phí là bao nhiêu? Có hợp lý hay không?.. Chắc là không có ai vì trong trường hợp này, những con ngựa thấp bé dành cho các nghi lễ ấy thuộc phạm trù “bí mật quốc gia” do liên quan tới “an ninh, quốc phòng”!


© Trân Văn
    Blog VOA
Chú thích:

(1) https://www.bbc.com/vietnamese/world-51335491
(2) https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-viet-nam-doi-my-lai-qua-tu-cac-hop-dong-mua-vu-khi/3961735.html
(3) https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-viet-nam-doi-my-lai-qua-tu-cac-hop-dong-mua-vu-khi/3961735.html
(4) http://soha.vn/cuong-kich-su-22-viet-nam-vua-gap-nan-co-the-la-chiec-tung-duoc-nang-cap-tai-ukraine-20180726153039584.htm
(5) https://www.voatiengviet.com/a/chien-dau-co-viet-nam-gap-nan-vi-nang-cap-kem-o-ukraine/4515464.html
(6) https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/de-nghi-quoc-hoi-kiem-soat-viec-mua-sam-tau-ngam-ten-lua-2912057.html
(7) http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-ngoai-giao-lo-hang-quan-su-sang-ukraine-de-bao-duong-3048412/
(8) http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Bo-Cong-an-de-xuat-xay-dung-Luat-Canh-sat-co-dong-567186/
(9) https://vnexpress.net/phap-luat/canh-sat-co-dong-se-co-trung-doan-khong-quan-ky-binh-4005896.html
(10) https://baosuckhoecongdong.vn/canh-sat-co-dong-ky-binh-cuoi-ngua-dieu-hanh-150236.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad