Kỷ niệm 90 năm ngày Khởi nghĩa Yên Bái (9/2/1930 - 9/2/2020) Chết vì Tổ quốc chết vinh quang - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

Kỷ niệm 90 năm ngày Khởi nghĩa Yên Bái (9/2/1930 - 9/2/2020) Chết vì Tổ quốc chết vinh quang


Chết vì Tổ quốc chết vinh quang

Tỉnh Yên Bái đã nhiều lần tu bổ khu lăng mộ Nguyễn Thái Học, năm 2019 nhân kỷ niệm 89 năm ngày Khởi nghĩa Yên Bái, một lần nữa khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học được mở rộng trên diện tích rộng hơn 30 ha, trong đó xây dựng nhà tưởng niệm để phục vụ người dân và du khách đến tham quan và tưởng nhớ các vị tiên liệt đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của nước Việt Nam hùng cường.

Nguyễn Thái Học sau khi bị bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò mặc áo có số tù.
Cuộc khởi nghĩa thất bại và bị dìm trong biển máu, 17 đảng viên VNQDĐ đã bị giặc Pháp chém đầu, nhưng khí phách hiên ngang của họ đã khiến bao thế hệ phải cúi đầu. Như Nguyễn Thái Học- lãnh tụ Khởi nghĩa Yên Bái đã nói: “Chết vì Tổ quốc chết vinh quang”…

Trước đêm cuộc khởi nghĩa

Đêm 25/12/1927, nhóm trí thức yêu nước Nam Đồng Thư Xã đứng đầu là Nguyễn Thái Học đứng ra thành lập VNQDĐ. Chỉ sau hai năm VNQDĐ đã phát triển lên tới cả ngàn đảng viên, có 120 chi bộ ở khắp các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Ninh, Sơn Tây, Yên Bái…trong đó có cả trong các đơn vị binh lính.

Sau khi tên trùm mộ phu Bazin bị ám sát, thực dân Pháp đã truy lùng ráo riết, bắt bớ nhiều đảng viên VNQDĐ từ Trung ương đến địa phương, tổ chức đảng có nguy cơ tan vỡ.

Tháng 9/1929, Nguyễn Thái Học tổ chức hội nghị tại làng Võng La (Phú Thọ) để kiểm điểm lại lực lượng và phân công nhiệm vụ cho cuộc khởi nghĩa với câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học: “Không thành công cũng thành nhân”. Theo sự phân công, Nguyễn Thái Học phụ trách các tỉnh miền xuôi: Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Phả Lại…, Nguyễn Khắc Nhu phụ trách các tỉnh miền núi: Yên Bái, Phú Thọ…, Phó Đức Chính phụ trách đánh đồn Thông, một đại bản doanh của Pháp tại Sơn Tây.

Tết Nguyên đán năm 1930, đền Tuần Quán gần thị xã Yên Bái mở hội linh đình, thu hút nhiều khách thập phương từ khắp nơi kéo đến dự lễ hội. Trên chuyến tàu lửa xuống ga Yên Bái chiều 9/2/1930 có nhiều đảng viên VNQDĐ cải trang là khách đi hội đền, họ mang súng, dao găm, lựu đạn, bom tự chế…đặt dưới các thúng bánh chưng, hoa quả cho đêm khởi nghĩa.

Đêm khởi nghĩa

Tối 9/2 trước khi khởi nghĩa, một hội nghị quân sự được tổ chức tại đồi Sơn ở thị xã Yên Bái thống nhất giờ khởi nghĩa và phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên.

Đúng 1 giờ sáng ngày 10/2/1930 nghĩa quân khởi nghĩa chia thành 3 toán, toán thứ nhất phối hợp với lính khố đỏ đánh chiếm trại lính lớn ở đồn Dưới, giết bọn sĩ quan tại nhà riêng, chiếm kho vũ khí phân phát cho nghĩa quân. Toán thứ hai tiến đánh đồn Cao, giết sĩ quan chỉ huy và cướp trại. Toán thứ 3 xông vào nhà riêng các sĩ quan nằm giữa trại lính tiêu diệt chúng.

Đền Tuần Quán nơi các đảng viên VNQDĐ hội quân chiều 9/2/1930 trước khi khởi nghĩa.

Nghĩa quân mang theo dao găm, súng lục và bom tự chế đến gõ cửa từng nhà nói là có mật lệnh của trung tá Tacon rồi bất ngờ hạ sát. Quan ba Jourdan, quan một Robert bị tiêu diệt ngay tại chỗ, quan ba Gainza, quan hai Reul thì bị thương nặng. Trên đồn Cao tên Quản Cunéo và tên Đội Sevalier bị bóp cổ và đâm chết ngay tại trận. Còn các tên Renaudet, Rolland, Troutox bị thương nặng.




Toàn bộ sĩ quan và hạ sĩ quan ở hai đồn binh này đều bị giết hoặc bị thương, trung tá tư lệnh Tacon sau khi nghe tiếng súng nổ đã kịp chui xuống hầm trú ẩn nên thoát chết, ngoài ra còn một viên hạ sĩ quan da đen cũng thoát được bàn tay của nghĩa quân.

Nối giữa đồn Cao và đồn Dưới là một hầm ngầm, nghĩa quân chỉ chiếm được trại cơ số 7 của đồn Cao, đại đa số binh lính trại cơ này không hưởng ứng khởi nghĩa lên chạy lên trại cơ số 8, cùng với các binh lính trại cơ số 5 và số 6 đồn Dưới chạy lên dưới sự chỉ huy của trung tá Tacon phản công lại.

Du khách tới thắp hương trên khu mộ Nguyễn Thái Học.

Lực lượng nghĩa quân mỏng lại không có người chỉ huy, mặc dù nghĩa quân đã nhiều lần mở các đợt tấn công lên đồi Cao nhưng bị binh lính của Tacon đánh bật trở lại. Những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa như Trần Văn Liên, Nguyễn Văn Khôi lần lượt rút lui, nghĩa quân rơi vào tình trạng vô tổ chức, hỗn loạn. Nhiều người chiến đấu dũng cảm như Ngô Hải Hoàng, Nguyễn Văn Thuyết...đã bị bắt sau khi binh lính của Tacon chiếm lại trận địa.

Cuộc khởi nghĩa chỉ sau một đêm đã thất bại, hàng chục binh lính và đảng viên VNQDĐ bị bắt giam.

Cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh miền xuôi do Nguyễn Thái Học chỉ huy nổ ra sau 5 ngày dự định ở các địa phương: Phụ Dực, Vĩnh Bảo, Ninh Giang, Hải Dương, Phả Lại, Kiến An và Hải Phòng.




Nhưng khởi nghĩa chỉ nổ ra ở Vĩnh Bảo và Phụ Dực do toán quân của Trần Văn Riệu và Đào Văn Thê cầm đầu, chỉ thu được một số thắng lợi đã bị quân Pháp phản công dập tắt. Lãnh tụ VNQDĐ Nguyễn Thái Học không thể trốn thoát bị giặc Pháp bắt tại Cổ Vịt, Hải Dương.

Hiên ngang bước lên máy chém

Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, hàng loạt đảng viên VNQDĐ bị bắt bớ, trong đó có các lãnh tụ: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính…

Sau cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, Hội đồng Đề hình của Pháp đã tổ chức 7 phiên tòa tại những nơi xảy ra khởi nghĩa xét xử 618 bị cáo, trong đó có 35 bị cáo bị tử hình.

Tại Yên Bái, chúng tổ chức hai đợt tử hình trước sân đồn Dưới, đợt thứ nhất vào ngày 8/5/1930 có 4 đảng viên VNQDĐ phải lên máy chém là: Ngô Hải Hoằng (có sách ghi là Ngô Hải Hoàng), Nguyễn Thanh Thuyết, Đặng Văn Lương (có sách ghi Đặng Văn Lung), Đặng Văn Tiệp (có sách ghi Đặng Văn Tiếp).

Toàn cảnh cuộc hành hình ngày 17/6/1930, Nguyễn Thái Học (áo trắng) bị dẫn lên máy chém.

Đợt tử hình thứ hai vào ngày 17/6/1930, có 13 đảng viên VNQDĐ bị tử hình, trong đó có Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính. Trước khi bước lên máy chém, tất cả 13 chiến sĩ đều hiên ngang, bình thản bước lên đoạn đầu đài mà không hề ân hận trước việc mình làm.

Phó Đức Chính yêu cầu đặt mình nằm ngửa để nhìn thấy lưỡi máy chém và hô vang “Việt Nam vạn tuế”, khi đó Phó Đức Chính mới 23 tuổi. Nguyễn Thái Học là người bước lên máy chém sau cùng, chúng mời rượu nhưng Nguyễn Thái Học từ chối, ông cầm điếu thuốc lá vừa chậm rãi bước lên máy chém nhìn xuống những binh lính và tất cả những người xung quang thong thả đọc hai câu thơ bằng tiếng Pháp: “Chết vì Tổ quốc chết vinh quang/ Lòng ta sung sướng, chí ta nhẹ nhàng”. Sau khi đọc xong hai câu thơ đó ông hô vang “Việt Nam vạn tuế”.

Những người già ở Yên Bái tham dự cuộc hành hình đó kể lại: Khi đầu của Nguyễn Thái Học rơi xuống đất, máu từ cổ ông phun lên trời như hình cầu vồng trong buổi sáng mùa hè đỏ rực như lửa, mắt ông mở trừng trừng, môi mấp máy như định nói tiếp một câu gì đó.

Khu lăng mộ và tượng đài Nguyễn Thái Học và các vị tiên liệt VNQDĐ được tỉnh Yên Bái khởi công xây dựng trong công viên Yên Hòa ngày 17/6/2000 nhân kỷ niệm 70 năm ngày Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ VNQDĐ bước lên đoạn đầu đài.

Tượng đài Nguyễn Thái Học và các lãnh tụ VNQDĐ giữa công viên Yên Hòa.

Nơi 17 vị anh hùng yên nghỉ nằm bên hồ Cô Giang- Nguyễn Thị Giang, người đồng chí, bạn đời của Nguyễn Thái Học- được các nhà kiến trúc xây dựng 17 cột trụ liên kết bằng vòng tròn không khép kín, biểu hiện sự nghiệp dở dang, không toàn vẹn của cuộc khởi nghĩa. Trên vòng tròn đó ghi câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học: “Không thành công cũng thành nhân”.




Những ngày cuối cùng của các lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng

Nguyễn Thái Học chỉ 28 tuổi, Phó Đức Chính mới 23 tuổi, người lớn tuổi nhất là Nguyễn Khắc Nhu cũng chỉ 48 tuổi, nhưng sự nghiệp và cái chết của họ thật lẫy lừng. Những ngày cuối cùng của cuộc đời họ thật lẫm liệt…

Sau cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, ngày 15/2/1930 Nguyễn Thái Học chỉ huy khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo và Phụ Dực. Do giặc Pháp đã đề phòng nên cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị dập tắt. Ngày 20/2/1930 Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt, Chí Linh, Hải Dương và giam tại Hỏa Lò trước khi dẫn lên Yên Bái hành hình.

Báo Le Petit Parisen viết về Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính.
Ngày 28/3/1930 Hội đồng Đề hình họp xét xử các đảng viên VNQDĐ tại Yên Bái. Báo “Le Petit Parisen” (Người Paris nhỏ) ngày 17/6/1930 đã mô tả hình ảnh Nguyễn Thái Học trước Hội đồng Đề hình, ông không ngần ngại nhận hết trách nhiệm về mình: Vâng, năm 1927 tôi thành lập tổ chức VNQDĐ với mục đích:

Đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước tôi.

Thành lập một chính phủ An Nam trên căn bản tự do, dân chủ.

Kể từ hôm nay tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm về biến cố sự kiện xảy ra trên đất nước này, chỉ có tôi và chính tôi đã thực hiện tất cả. Như vậy hành quyết một mình tôi là đủ. Tôi đòi hỏi và mong các quý vị ân xá cho tất cả các đồng chí của tôi.

Xin tuyên bố với các ông rằng! Nếu chính phủ Pháp muốn chiếm đóng Đông Dương được yên ổn, không bị chống đối bởi các phong trào cách mạng, thì từ nay các ông phải:

1- Bỏ tất cả các phương pháp, thủ đoạn tra tấn dã man.

2- Đối xử với người An Nam như bạn bè, chứ không như các ông chủ bạo tàn.

3- Giảm bớt tối đa về sưu cao thuế nặng, để người An Nam có được đời sống tinh thần, vật chất an vui, bằng cách khôi phục quyền căn bản của con người: Quyền tự do đi lại, quyền học hỏi mở mang kiến thức, quyền tự do hội họp, quyền tự do ngôn luận báo chí.

4- Không làm ngơ, thiên vị, đặc quyền cho công chức chính phủ và bao che sai trái của họ.

5- Hướng dẫn dân chúng phát triển thương mại và kỹ nghệ bản xứ.




Báo Pháp gọi Nguyễn Thái Học là “Đại Giáo Sư”, trên chuyến tàu hỏa đưa 13 đảng viên VNQDĐ lên Yên Bái hành quyết. Thường ngày Nguyễn Thái Học ít nói, nhưng hôm ấy ông biết mình sắp bị rơi đầu nhưng vẫn cười đùa vui vẻ không tỏ vẻ lo sợ. Cùng đi có vị cố đạo làm lễ rửa tội cho những ái quốc trước khi bước lên máy chém. Nguyễn Thái Học đã hỏi vị cố đạo: “Làm việc cứu quốc có phải là phạm vào một điều cấm trong Kinh thánh chăng?” khiến viên cố đạo không biết trả lời như thế nào.

Máy chém các chiến sĩ Khởi nghĩa Yên Bái.
Bước lên pháp trường ông từ chối rửa tội, ông nói: Đấu tranh cho tự do, độc lập của dân tộc thì không có tội gì và hô vang “Việt Nam vạn tuế”. Nhà báo Pháp Louis Roubaud chứng kiến cuộc hành hình ngày 17/6/1930, 15 năm sau vẫn còn ám ảnh cuộc hành hình hình đó, ông viết: “Tôi nghe các nhà cách mạng cùng hô to trước khi bước lên đoạn đầu đài đã cho tôi thấy một lòng hăng hái, một sự tin tưởng gần như mê tín vào chủ nghĩa quốc gia của họ. Những tiếng hô đó đã làm cho tôi, một người ngoại quốc, cũng phải cảm động…”.

Sau Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Phó Đức Chính thoát vòng vây chạy về Sơn Tây liên lạc với các đồng chí để tiến hành công phá thành Sơn Tây nhưng bất thành, chiều 15/2/1930 ông bị bắt tại làng Nam An, tổng Cẩm Thượng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây trong khi đang họp bàn cùng Cai Tân, Nguyễn Văn Khôi lên kế hoạch khởi nghĩa tại đây.

Trong phiên xử của Hội đồng Đề hình ngày 28/3/1930 ông tự nhận mình chỉ huy cuộc Khởi nghĩa Yên Bái nên bị khép tội xử tử, viên Chánh Hội đồng hỏi: Có chống án không? Ông đáp: “Làm một việc hỏng cả một việc rồi! Còn sống làm gì nữa mà chống án?”

Nhà báo Pháp Louis Roubaud đã gọi Phó Đức Chính là “Sự Chính Trực và Đạo Đức” (Droit et Vertu), ông nhận trách nhiệm, sát cánh bên cạnh vị “Đại Giáo Sư” như người phụ tá.

Trong chuyến tàu hỏa đêm 16/6/1930 đưa 13 đảng viên VNQDĐ lên Yên Bái hành hình Phó Đức Chính cười đùa vui vẻ nói với anh em: Đến Yên Bái chúng ta sẽ được đón tiếp long trọng lắm! Thế nào 4 anh Thịnh, Hoàng (Hoằng), Thuần, Thuyết chẳng đứng trực sẵn chúng ta ở sân ga? (Vũ Huy Phúc- Về cuộc khởi nghĩa chống pháp ở Yên Bái)

Khi bước lên máy chém ông đề nghị được nằm ngửa để xem lưỡi máy chém xuống như thế nào và hô vang "Việt Nam vạn tuế".

Toàn cảnh khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học.

Nguyễn Khắc Nhu lãnh đạo quân khởi nghĩa đánh đồn Hưng Hoá, chiếm phủ Lâm Thao đêm 9/2/1930. Theo kế hoạch, khi giành thắng lợi ở Yên Bái và Hưng Hoá hai nghĩa quân sẽ hội quân tại Hưng Hoá vượt bến Trung Hà tiến đánh đồn Thông ở Sơn Tây, hợp với quân của Phó Đức Chính.

Do không có nội ứng, vũ khí lại kém nên không đánh chiếm được đồn, nghĩa quân phải rút về Lâm Thao. Được sự chi viện của của quân Pháp từ Phú Thọ tiến đánh dữ dội, Nguyễn Khắc Nhu bị thương lại thiếu vũ khí và người chỉ huy nghĩa quân tan vỡ. Biết không chạy thoát, Nguyễn Khắc Nhu nằm đè lên hai quả lựu đạn rút chốt tự sát nhưng không thành ông bị giặc Pháp bắt. Chúng nhét ruột ông trở lại chở qua sông Thao, ông nhảy xuống sông tự tử, nhưng chúng vớt được nhốt vào nhà giam. Đêm 11/2 ông đập đầu vào tường tự tử để giữ trọn danh tiết của người quân tử Chết vì Tổ quốc chết vinh quang.

Trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thúc- con gái nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu năm bà 92 tuổi sống ở Yên Bái, bà kể: Khi chỉ huy đánh đồn Hưng Hóa ông vẫn đội khăn xếp, nên chúng nhằm bắn ông.

Khi ông bị thương, đồng đội cõng ông ra ngoài, ông bảo: Hãy để tôi ở lại chiến đấu với anh em, nếu chết thì cùng chết với anh em. Do bị thương ông không chạy được sau khi tự sát không thành nên ông bị giặc bắt giam.

Ngay trong đêm ông đâm đầu vào tường nhà giam tự tử, chúng vội đem xác ông ra một bãi đất rộng chôn rồi dùng bừa bừa đi bừa lại để không thấy dấu tích. Gia đình đã nhiều lần đi tìm hài cốt ông nhưng không thấy...


© Thái Sinh
    Nông Nghiệp VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad