Đối thoại nhân quyền và việc cải thiện thành tích nhân quyền của Việt Nam - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

Đối thoại nhân quyền và việc cải thiện thành tích nhân quyền của Việt Nam


Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà Federica Mogherini (trái) và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 5/8/2019. Reuters


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Một số đối tác của Việt Nam như Liên Minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Australia …hàng năm đều tiến hành tổ chức các cuộc đối thoại về nhân quyền với chính phủ Hà Nội. Vậy đối thoại nhân quyền thực sự giúp gì cho tình hình mà các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế đánh giá là không mấy sáng sủa tại Việt Nam?

Việt Nam thiếu vắng nhân quyền!

Sau Đối thoại Nhân quyền Liên Minh Châu Âu-Việt Nam lần thứ 8 diễn ra vào tháng 3 năm 2019, bà Maya Kocijancic, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Liên Âu về Chính sách An ninh nói với RFA:

“Có những báo cáo cho biết các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền bị hăm doạ, tra tấn, bị kết án rất nặng chỉ vì họ sử dụng quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi đã nêu bật các sự kiện này rất rõ ràng. Chúng tôi yêu sách trả tự do cho những nạn nhân này, chúng tôi đòi hỏi việc tiếp cận luật sư bào chữa, hay thân nhân được phép thăm nuôi là tối ư quan trọng. Chúng tôi cho Phái đoàn Việt Nam biết rằng chúng tôi trông chờ họ hành động, giải quyết ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi không chỉ đối thoại mà thôi, mà chúng tôi còn yêu sách áp lực cho nhân quyền tại Việt Nam.”

Hôm 13 tháng 5 năm 2019, tức hai ngày trước Đối thoại Nhân quyền thường niên Việt-Mỹ lần thứ 23 tại thủ đô Hà Nội, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) công bố một bản danh sách gồm 128 Tù nhân lương tâm Việt Nam đang bị giam giữ do biểu lộ niềm tin theo lương tâm một cách bất bạo động.

Chính phủ Việt Nam không chấp nhận định nghĩa của chúng tôi về tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Họ nói những người này đe dọa an ninh, họ phạm tội đòi thay đổi chế độ ở Việt Nam và vì vậy họ bị trừng phạt theo pháp luật.

- Ông Scott Busby
Ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động trong Bộ Ngoại Giao Mỹ nói với RFA sau buổi đối thoại:

“Chúng tôi đã đề cập đến những quan ngại về tình trạng gia tăng những tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Phản hồi của chính phủ Việt Nam là những người này đã vi phạm luật pháp Việt Nam và họ bị trừng phạt theo luật Việt Nam. Chính phủ Việt Nam không chấp nhận định nghĩa của chúng tôi về tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Họ nói những người này đe dọa an ninh, họ phạm tội đòi thay đổi chế độ ở Việt Nam và vì vậy họ bị trừng phạt theo pháp luật.”

Cựu Tù nhân lương tâm - Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, người từng bị án 6 năm tù giam và 3 năm quản chế theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam khẳng định Việt Nam không hề có nhân quyền:

“Sẽ không có nhân quyền cho Việt Nam nếu các nước dân chủ đặt lên bàn cân nhân quyền đối với cộng sản Việt Nam cho người dân. Thể chế cộng sản luôn dối trá, tàn bạo với chính họ thì đối con dân họ cũng chẳng coi ra gì. Hình ảnh nhân quyền Việt Nam chỉ là những lời nói suông mà không thấy được sự thật. Qua biến cố Đồng Tâm chúng ta thấy rõ không có nhân quyền. Tôi lập lại, Việt Nam cho tới ngày hôm nay không có nhân quyền!”

Kỳ vọng

Với những đối thoại nhân quyền đa phương, song phương diễn ra hàng năm, quốc tế luôn mong chờ sự cải thiện nhân quyền từ Việt Nam.




Nhiều người cho rằng những đối thoại như thế chẳng có tác dụng với thực tế tình hình nhân quyền tồi tệ trong nước, nhưng với Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì nó vẫn có tác dụng. Ông giải thích:

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tom Malinowski (trái) tại buổi Đối thoại Nhân quyền hàng năm với Chính phủ Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 11 tháng 5 năm 2015. AFP
“Mỗi ngày họ phải nghĩ, phải nhận thức về nhân quyền thì nó sẽ có tiến bộ. Thể chế chính trị Việt Nam có những đặc thù riêng. Các nước họ rất chú ý đến chuyện này. Những nước hiểu văn hóa Việt Nam thì họ phải kiên nhẫn. Đối thoại này chả phải là nước nọ tác động vào nước kia, mà người ta nhắm vào việc để tự nhận thức từ bên trong, thay đổi để đi đến việc tiếp cận và thực hiện những chuẩn mực chung về nhân quyền mà Công ước về nhân quyền và Tuyên bố phổ quát về nhân quyền, chứ họ chẳng ép buộc gì Việt Nam cả.”

Nhà nghiên cứu Việt Nam, ông Hà Hoàng Hợp, nêu ra thực tế là mỗi khi có đối thoại nhân quyền thì phía Việt Nam, cụ thể là Bộ Ngoại Giao, lại tự nhận là có tiến bộ về nhân quyền và giải thích là hoàn cảnh Việt Nam có sự khác biệt với các nước, nhưng luôn khẳng định Việt Nam không có tù nhân lương tâm, không có tù nhân chính trị.

Ông Hà Hoàng Hợp trình bày rõ:

“Việt Nam ký Công ước về nhân quyền và Tuyên bố phổ quát về nhân quyền năm 1948 vào năm 2007. Chuyện vận động để Việt Nam ký hai văn bản này có ý nghĩa rất lớn vì lúc đó Việt Nam hiểu nhân quyền theo tiêu chuẩn chung của thế giới, là dựa trên nền tảng về phẩm giá con người. Thế nhưng từ đó tới nay là mười mấy năm rồi mà theo đánh giá của quốc tế, trong đó có cả Hội đồng nhân quyền LHQ thì Việt Nam chưa có tiến bộ về nhân quyền.”

Vào tháng 1 năm 2020, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) gửi cho EU một bộ tài liệu với những khuyến nghị tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên liên quan đến hình hình nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam. Đó là vấn đề tù chính trị và những người bị giam giữ với lý do chính trị; tình trạng đàn áp tự do biểu đạt, hội họp, lập hội, và đi lại; tình trạng đàn áp tự do thông tin; tình trạng đàn áp quyền được thực hành tôn giáo một cách tự do; nạn bạo hành của công an.




Việt Nam ký Công ước về nhân quyền và Tuyên bố phổ quát về nhân quyền năm 1948 vào năm 2007. Thế nhưng từ đó tới nay là mười mấy năm rồi mà theo đánh giá của quốc tế, trong đó có cả Hội đồng nhân quyền LHQ thì Việt Nam chưa có tiến bộ về nhân quyền.

- Ộng Hà Hoàng Hợp
Ngày 19 tháng 2 năm 2020, Đối thoại Nhân quyền Liên Minh Châu Âu-Việt Nam lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Ngay trước sự kiện này, HRW kêu gọi Bruxelles tranh thủ cơ hội này để yêu cầu Hà Nội cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Kêu gọi được đưa ra trong thông cáo báo chí công bố tại Bangkok, Thái Lan. Theo HRW thì vấn đề nhân quyền phải là một phần không thể tách rời của các mối quan hệ song phương EU-Việt Nam.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và tổ chức thành viên là Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) cũng đã ra thông cáo kêu gọi EU gây sức ép lên Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền trong nước.

Kêu gọi mới nhất như vừa nêu cũng tương tự như nhiều năm trước.

Quan điểm của Hà Nội

Từ khi ký Công ước nhân quyền và Tuyên bố phổ quát về nhân quyền thì mỗi năm Việt Nam đều có đối thoại song phương với rất nhiều nước, trước hết là với Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Đức, Pháp, Anh Quốc, Liên Hiệp Quốc…và Việt Nam cũng tham gia đối thoại về nhân quyền trong khuôn khổ ASEAN.

Theo Sách trắng Nhân quyền 2018 mang tựa đề “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam” do Bộ Ngoại giao Việt Nam cung cấp, Nhà nước Việt Nam cho rằng quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, mọi đường lối, chủ trương, chính sách và hệ thống pháp luật của Việt Nam luôn hướng tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh". Việc lấy người dân là trung tâm của mọi chính sách đã giúp cho các nhu cầu chính đáng của người dân ngày càng được đáp ứng tốt hơn.

Diễm Thi
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad