“Thương hiệu Tập Cận Bình đã bị hư hại” - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

“Thương hiệu Tập Cận Bình đã bị hư hại”


Tiến sĩ Maximilian Mayer nhận thấy giới lãnh đạo của Trung Quốc đang ở trong một cuộc khủng hoảng niềm tin lớn. Nhà chính trị học tiên đoán các khả năng kiểm soát rộng lớn sẽ được mở rộng hơn nữa sau cuộc khủng hoảng.

Tập Cận Bình

Làn sóng Đức: Giới lãnh đạo Trung Quốc đã phản ứng muộn, nhưng sau đó rất quyết liệt: họ cách ly hàng triệu người. Cuộc sống công cộng ít nhiều đã ngưng trệ. Những biện pháp này có sai không?

Maximilian Mayer: Về cơ bản thì tất nhiên có thể dự đoán trước một việc như thế từ hệ thống chính trị này. Về một mặt thì che giấu thông tin. Ưu tiên chính trị đi trước ưu tiên y tế. Đặc biệt ở cấp địa phương thì đây là phương thức hành động bình thường của chính quyền địa phương. Đã xảy ra tương tự như vậy với dịch SARS năm 2003. Về mặt này, chính phủ Trung Quốc – trái với những gì họ tuyên bố – đã không học được bài học nào từ dịch SARS, hoàn toàn ngược lại.

Mặt khác, toàn thể kho công cụ của chế độ độc tài đã bộc lộ ra ở đây. Điều đó cũng gây ngạc nhiên cho nhiều người Trung Quốc, rằng khả năng kiểm soát của chính phủ thật ra rộng lớn cho tới đâu. Nhà nước Trung Quốc cũng đã khai thác triệt để kho công cụ có sẵn này, với việc sử dụng các công nghệ mới như máy bay điều khiển từ xa, trí tuệ nhân tạo và các hệ thống giám sát thông minh khác. Nhưng họ cũng sử dụng cả những cách kiểm soát tương tự, truyền thống, cụ thể từ tổ lao động cho tới các ủy ban dân phố ở cấp địa phương đều đột nhiên được sử dụng như một cơ chế kiểm soát để ghi lại nhiệt độ của mỗi người dân Trung Quốc hàng ngày và giám sát việc ai được phép rời khỏi căn hộ và đi mua sắm vào lúc nào. Đây là những hình thức cực đoan của kiểm soát và giới hạn đi lại. Vẫn còn phải xem liệu tất cả những điều này sẽ ngăn chặn được dịch bệnh hay không.

Có thể duy trì việc giới hạn đi lại cực lớn này trong bao lâu?

Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyên không nên dùng những biện pháp quyết liệt như vậy. Nhưng tất nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới không thể chỉ trích công khai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất tại một trận bùng phát dịch bệnh như vậy.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu việc kiểm soát dịch bệnh được dỡ bỏ và lại có một đợt lây nhiễm thứ hai? Bởi vì đó là điều rõ ràng: chính phủ không thể giữ người dân như thế qua nhiều tháng và ít nhiều bóp nghẹt cả nền kinh tế. Điều đó là không thể – Chủ tịch Tập Cận Bình cũng biết điều đó. Phải có sự cân bằng giữa việc kiểm soát dịch bệnh một mặt và hoạt động kinh tế ở mặt kia. Nhưng không ai thực sự biết tạo ra sự cân bằng này như thế nào.




Ngoài ra, tại thời điểm này đang có một sự hỗn loạn trong phối hợp khi so sánh các thành phố, vùng và tỉnh khác nhau. Có những yêu cầu rất khác nhau, nghiêm ngặt ít hay nhiều hơn đối với các công ty, đối với làm việc tại nhà, cho người công nhân xa nhà, cho các trường học và đại học. Tôi không thấy chính phủ làm thế nào để một mặt duy trì những biện pháp cách ly này và mặt khác muốn các công ty hoạt động bình thường trở lại từng bước một.

Ủy ban dân phố quyết định ai được phép rời nhà khi nào để đi chợ

Bất chấp mọi sự kiểm soát chặt chẽ này, Đảng Cộng sản đã tạm thời mất kiểm soát dư luận. Có nhiều cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội, đặc biệt là sau khi bác sĩ Li Wenliang qua đời, người đã cảnh báo sớm về loại virus mới này và đã bị trừng phạt vì sự lan truyền của “tin đồn thất thiệt”. Cái chết của anh ấy đã khởi động điều gì trong ý thức tập thể?

Tôi thức suốt đêm sau khi cái chết của bác sĩ Li được công bố vì nhận thấy trên WeChat và Weibo của mình những gì đang diễn ra trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc. Điều đó chưa từng có trong những năm gần đây. Người ta không thể nhớ được điều gì tương tự như vậy.

Một lý do, Li là một bác sĩ rất đơn giản, không phải là một nhân vật chính trị, không phải là nhà khoa học nổi tiếng hay một nhà hoạt động nhân quyền. Thay vì vậy, anh ấy là một chàng trai bình thường, người thực sự đã làm công việc của mình và chỉ trích cách đối phó vô nghĩa và, sau này lộ ra là, cực kỳ nguy hiểm của chính quyền địa phương. Sau đó, anh ấy cũng công khai bày tỏ sự chỉ trích chung về việc đàn áp thông tin.

Và tấn bi kịch, rằng anh ta đã chết vì virus chính anh ấy đã cảnh báo vào cuối tháng 12 mà tất nhiên không biết chính xác nó là gì – lúc đó hàng triệu người Trung Quốc đã nói: Không, không thể như thế được!

Tất nhiên, không phải ai cũng xoay lại trực diện với chính phủ. Có nhiều hình thức phê bình khác nhau, những hình thức bất mãn, những hình thức giận dữ và thất vọng. Nhưng có một số lượng không thể tin được về những lời kêu gọi tự do ngôn luận sau khi cái chết của anh ấy được biết đến. Nhân vật công chúng như các giáo sư đã viết thư ngỏ. Các nhà kiểm duyệt và các bộ phận tuyên truyền không thể định hướng được nữa.




Chỉ dần dần, kiểm duyệt mới lấy lại được quyền kiểm soát. Một mặt, nhiều bài phê phán và bài viết trên mạng bị xóa đi. Mặt khác, một chiến dịch truyền thông nhà nước đã bắt đầu trong những ngày gần đây, có nhiệm vụ cho thấy các chính phủ và giới lãnh đạo nước ngoài đã ca ngợi chính phủ Trung Quốc như thế nào về những biện pháp tốt của họ.

Tạm thời cho phép chỉ trích, đó có thể là một cố gắng của chính phủ để làm giảm bớt áp lực hay không?

Cũng có thể. Nhưng tôi nghĩ lần bùng nổ cảm xúc này xuất hiện bất ngờ cho đến mức chính phủ Trung Quốc không còn có thể quyết định cứ đơn giản xả van áp suất một chút. Các phản ứng mạnh mẽ ấy hoàn toàn bất ngờ đối với giới lãnh đạo.

Quản lý khủng hoảng kém cũng có gây hư hại cho uy quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình hay không?

Thế nào đi chăng nữa thì thương hiệu Tập Cận Bình cũng đã bị hư hại, không còn nghi ngờ gì nữa. Người ta có thể đọc được điều này qua vô số tin ngắn và ý kiến và phê phán.

Mẹo của chúnh quyền trung ương, nói rằng: “Ừ, chúng tôi làm việc tốt. Nhưng ở cấp địa phương thì có những cán bộ bất tài, tham nhũng, vân vân”, việc đánh lạc hướng hay nói cho đúng hơn là đẩy trách nhiệm vấn đề về cho cấp dưới, việc này thì đã không thành công trong trường hợp này.

Tất nhiên là nó luôn được thử và bây giờ thì cũng có người đã bị trảm: Hai đại diện cấp cao nhất của ủy ban y tế ở tỉnh Hồ Bắc tại miền trung Trung Quốc vừa mới ra đi. Nhưng tôi nghĩ đối với nhiều người Trung Quốc thì rõ ràng dịch bệnh này là vấn đề của cả hệ thống và là một vấn đề có liên quan đặc biệt đến cách lãnh đạo của người chủ tịch. Do đó, có thể cho rằng người ta đã mất tin tưởng vào cá nhân Tập rất nhiều.

Tiến sĩ Maximilian Mayer tại Diễn đàn An ninh Quốc tế ở Bonn năm 2019

Từ trận động đất chính trị này, ông nghĩ sẽ có một sự suy nghĩ lại, một cuộc cải cách sự tập trung quyền lực vào trung ương hay thậm chí có tự do ngôn luận nhiều hơn không?

Khó có thể, mặc dù tất nhiên là khó có thể tiên đoán. Có nhiều khả năng khác nhau: Nếu cuộc khủng hoảng kết thúc nhanh hoặc tương đối nhanh, có khả năng nó sẽ thúc đẩy hơn nữa sự tập trung quyền lực và củng cố việc kiểm soát ý kiến. Tức là cũng những việc đó nhưng sẽ được tiến hành nhiều hơn nữa.




Khả năng khác là sự bất mãn trong giới tinh hoa hàng đầu sẽ khuấy động lên, ở giới mà Tập đã tạo ra nhiều kẻ thù cho mình với chiến dịch chống tham nhũng nhưng cũng cả qua việc trì trệ cải cách của ông ta và với sự tôn sùng cá nhân khiến người ta nhớ tới thời của Mao. Các thế lực này trong ĐCSTQ giờ đây có thể có cơ hội đẩy lùi chính sách của Tập.

Điều đó không có nghĩa là Tập, như là người chủ tịch, sẽ bị thay thế. Thay vì vậy, có thể là sự cân bằng quyền lực nội bộ giữa các phe phái khác nhau trong đảng có thể sẽ bị dịch chuyển theo chiều hướng bất lợi cho ông ta.

Nếu trường hợp này xảy ra, thì người ta có thể mong đợi rằng sẽ có thay đổi, ví dụ như về việc cải cách kinh tế, hay vai trò của ý thức hệ sẽ bị đẩy lùi lại, nhưng đặc biệt là sự sùng bái cá nhân Tập. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là hệ thống độc tài này bất thình lình sẽ thay đổi. Trong bất cứ trường hợp nào thì chúng ta không nên chờ đợi một sự tự do hóa hay thậm chí dân chủ hóa.

Tức là tự do ngôn luận cũng sẽ tiếp tục không có và một nhà nước giám sát sẽ tiếp tục được mở rộng?

Điều thứ nhì là một xu hướng mà chúng ta đã có thể quan sát được ngay từ bây giờ. Trong cuộc khủng hoảng y tế này, nhà nước giám sát đã được mở rộng thật nhiều. Một loại cơ chế giám sát sức khỏe kỹ thuật số đã được tạo nên, cái ban đầu đã đáp ứng một chức năng hữu ích trong cuộc khủng hoảng nhưng mà rồi có thể tiếp tục tồn tại.

Chúng ta cũng đã biết đến một sự bình thường hóa những phương tiện khác thường như vậy từ những vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Sau đó, Hoa Kỳ có một sự hạn chế về mặt cơ bản hay người ta có thể nói rằng đó là một sự đào rỗng những quyền công dân và quyền tự do. Câu hỏi luôn được đặt ra là: Những thứ đó có được tháo gỡ đi hay không? Cơ chế quản lý khủng hoảng thuần túy có được bãi bỏ hay không?

Trước hết, từ những gì chúng ta biết được từ cái được gọi là cuộc chiến tranh chống khủng bố tiếp theo sau ngày 11/9 thì đã rõ: Không, sẽ không được bãi bỏ. Còn ngược lại nữa: một khi những cơ chế giám sát đã được cài đặt thì chúng sẽ tiếp tục tồn tại. Người ta cũng có thể chờ đợi những điều tương tự như vậy ở Trung Quốc. Một số cơ chế mới nhằm theo dõi sức khỏe và theo dõi cá nhân con người có khả năng được giữ lại sau khi các vấn đề về hiệu quả và chi phí được làm rõ.

Nhà chính trị học Maximilian Mayer là  Assistant Professor về Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nottingham Ningbo gần Thượng Hải và mới đây đã rời Trung Quốc vì cuộc khủng  hoảng virus corona.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi Alexander Freund.


© Alexander Freund
    Phan Ba dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad