Virus corona (COVID-19): Cơ hội để thay đổi? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

Virus corona (COVID-19): Cơ hội để thay đổi?


Đối phó với dịch COVID-19, dân Trung Quốc “tam thoái” (bỏ đi ba thứ) để tự cứu bản thân và gia đình. Ở Việt Nam, “nhạt đảng, khô đoàn, xa chính trị” rồi ra cũng có thể trở thành cao trào như “ba thoái”. Nhưng khi đại dịch và đại lễ chập làm một, tiếng chuông cảnh báo được gióng lên, phản bác lại nền chính trị thủ dâm hạ đẳng.

Hình minh họa. Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đưa bệnh nhân vào bệnh viện Chữ Thập Đỏ ở Vũ Hán hôm 25/1/2020

Ngày 11/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) loan báo là dịch bệnh do virus corona mới gây ra, được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái, nay được chính thức đặt tên là “COVID-19” . Tổ chức này cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại (11/2), có 42.708 ca lây nhiễm tại Trung Quốc với 1.017 người thiệt mạng. Trong khi đó 393 ca lây nhiễm khác được xác nhận tại 24 nước trên toàn thế giới với một người thiệt mạng bên ngoài Trung Quốc là ở Philippines.

“Tam thoái” để tự cứu

Giới phân tích cho rằng, hiện nay Tập Cận Bình đang phải đương đầu với cả bệnh dịch lẫn tình hình chính trị trong nước. Tại bài viết “Lãnh đạo Trung Quốc chiến đấu trên hai mặt trận – virus và chính trị – tờ Wall Street Journal (ngày 3/2) nhận định, ông Tập đang đối diện với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp, đó là cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ. Với các chỉ trích cho đến nay về suy thoái kinh tế, cuộc chiến thương mại với Mỹ và biểu tình dân chủ Hong Kong, ông Tập chủ yếu đổ lỗi cho “các thế lực thù địch nước ngoài”.

Nhưng với dịch COVID-19 lại là một câu chuyện hoàn toàn khác và ông Tập khó có thể đổ lỗi bệnh dịch cho một thế lực thù địch nước ngoài nào đó. Từ các thành phố lớn đến các quận huyện, nhiều người dân Trung Quốc cảm thấy an nguy của họ và gia đình bị đe dọa trực tiếp. Mối lo của họ tạo ra một cuộc khủng hoảng đánh vào tâm điểm những tuyên bố lãnh đạo mạnh mẽ của ông Tập, cũng như hệ thống độc tài toàn trị mà ông đi tiên phong và cổ động như một mô hình cho thế giới noi theo.

Mối lo, và sự giận dữ của dân Trung Quốc bùng nổ lớn trước tin cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng bị chính phủ tìm cách bưng bít, sau khi đã bưng bít tin tức về virus corona khi nó mới bộc phát. Bác sĩ Lý Văn Lượng, qua đời lúc 34 tuổi, vì bị nhiễm bệnh khi làm việc tại bệnh viện Vũ Hán, chính là người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về nguy cơ virus corona, do đó anh bị Công an triệu tập, rồi bị bắt vì tội “đưa ra những bình luận sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”.

Hình minh họa. Bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về virus Corona ở Vũ Hán AFP
Cái chết của người bác sĩ Trung Quốc tìm cách cảnh báo về sự bùng phát của virus corona mà không thành, đã gây ra sự phẫn nộ và đau buồn công khai trên toàn đại lục. Đi cùng với đau buồn và giận dữ là sự mất niềm tin vào chính quyền, hạt mầm của những bất đồng chính kiến. Cơ quan kiểm duyệt chính phủ Trung Quốc hiện đang cố lấp liếm để chống lại những ý kiến phản đối.

Thật bất ngờ khi biết rằng, từ khi dịch bệnh mất kiểm soát, người dân Trung Quốc ồ ạt thực thi “tam thoái” để tự cứu mình. Từ đầu mùa dịch đến nay, một số lượng lớn người dân Đại lục đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để tuyên bố “tam thoái”, rút khỏi các tổ chức đảng, đoàn, đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên quan, với niềm tin, chỉ có rời xa khỏi ĐCSTQ mới có thể bảo toàn tính mạng và bình an cho mình.

Dịch bệnh Vũ Hán cũng làm nhiều người dân thức tỉnh. Ngày 27/1, một người công nhân ở Vũ Hán đã đặt cho mình một bút danh “Muốn sống”, tuyên bố rút khỏi Đoàn Thanh niên Cộng sản. Anh nói, đã hai ngày kể từ khi anh ấy bị sốt, ho và tiêu chảy, đi bệnh viện cũng không tìm được bác sĩ, đành phải mua chút thuốc trong một hiệu thuốc. Anh không biết mình có đang mắc phải căn bệnh truyền nhiễm đang lưu hành hay không.




Anh đã nhìn thấy có rất nhiều bệnh nhân đau khổ giày vò, không được bác sĩ điều trị, anh không cam tâm cứ như vậy mà chết đi. Anh từng nghe người thân nói, rút khỏi đảng, đoàn, đội là có thể bảo đảm an toàn, chi tiết về người thân cũng không dám nói trên điện thoại. Anh không thể truy cập Internet ở nhà, vì thế anh đã gọi điện cho bạn cùng lớp, nhờ họ giúp anh tuyên bố rút khỏi đoàn trên trang web của “Epoch Times”.

Cháu Dương Dương, người tỉnh Hồ Bắc, tuyên bố rút khỏi đội thiếu niên tiền phong, viết: “Dịch bệnh này ở Hồ Bắc, Trung Quốc là do thiên tai và nhân họa gây ra! Vì thành tích, đám quan chức che giấu tình hình thực tế, xem mạng người như cỏ rác! Trong thời điểm quan trọng còn ca múa mừng cảnh thái bình mỗi ngày, nói suông nghe thật êm tai. Hành vi của ĐCSTQ thật buồn nôn! Trời chu đất diệt ĐCSTQ!”

Một nền chính trị thủ dâm

Mấy ngày nay, cộng đồng mạng ở ta ồn ào về bài viết “Ngạo nghễ Việt Nam”, dẫn câu minh hoạ: “Bay thẳng vào tâm dịch để đón 30 công dân của mình về nước chăm sóc. Chỉ có thể là Việt Nam!” Tút này tới giờ có lẽ đã đạt tới vài vạn reactions với hàng chục ngàn chia sẻ. Tại đó, tiếng cười chua chát, mỉa mai không ít, nhưng đáng buồn hơn là có rất nhiều “những trái tim bốc lửa” hay “những cái like” rất đỗi tự hào. Tuy nhiên, nếu quan sát kĩ ta sẽ thấy, đó chủ yếu là một lượng lớn các like ảo. Một tút FB có tới chục ngàn lượt chia sẻ, nhưng chỉ có vài chục comments ít ỏi. Điều đó cho thấy một phong trào thủ dâm tập thể có chủ đích của nhiều bên, với sự đạo diễn mà ai cũng biết đó là ai. (Ban Văn hoá Tư tưởng là người lãnh đạo các “bò đỏ” ấy!).

Hình minh họa. Người phụ nữ được đưa về Việt Nam từ Vũ Hán bế một em bé khi đến sân bay Vân Đồn hôm 10/2/2020 AFP
“Thủ dâm” kiểu nói trên dĩ nhiên thấp kém hơn tuyên bố “tự sướng” của Nguyễn Phú Trọng ngày 20/1: “Hiếm có đảng cầm quyền nào trên thế giới được dân tin yêu như Đảng ta”. Tuyên bố này của ông Trọng được đưa ra vào thời điểm công luận vẫn chưa ngớt chỉ trích ĐCSVN về hành động được cho là “thất nhân tâm” khi thực hiện cuộc đột kích vào làng Đồng Tâm khiến cho “thủ lĩnh tinh thần” của người dân làng – ông Lê Đình Kình, 84 tuổi – và 3 công an thiệt mạng vào ngày 9/1, ngay thời điểm sát Tết Nguyên Đán. Trở lại với “pros and cons” của cái tút nói trên, dư luận đòi hỏi chính quyền làm rõ những điều dưới đây:

i) Các nước đã di tản công dân bằng đường hàng không từ hơn tháng nay. Riêng Bắc Triều Tiên, do có nguồn tin đặc biệt, đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc cả tháng, trước khi dịch bệnh được công bố. Tại sao giờ này Việt Nam mới làm? ii) Đi kèm với chuyến bay di tản này là đợt chuyển hàng hoá viện trợ của Việt Nam tới Vũ Hán. Và có thể đó mới là lí do chính của chuyến bay. Ấy vậy nhưng khi chính quyền Trung Quốc cảm ơn sự giúp đỡ quốc tế, đã “quên hẳn” nhắc đến Việt Nam.




iii) Số lượng người Việt học tập, lao động ở Vũ Hán là bao nhiêu? Nghe nói số sinh viên còn kẹt lại ở đấy lên đến con số vài ba trăm. Vậy tại sao chuyến bay lại chỉ mang về chưa đầy 30 người? iv) Trong số những người được chở về, ảnh chụp lưu niệm chỉ là 26. Vậy những người không hiện diện là những ai, tại sao họ vắng mặt? v) Diễn đàn Sinh viên Việt Nam ở Trung Quốc có một tút nói về việc họ không đủ tiền để “được” đón về. Cái giá được đón như phản ánh là 1.000 USD. Thực hư việc này như thế nào?

Lại nữa, Thủ tướng hô hào “chống dịch như chống giặc”, nhưng khi người dân muốn mua khẩu trang và thuốc sát trùng thì tiếc thay, các mặt hàng này không những lên giá cao gấp nhiều lần, mà tự nhiên thấy “đồng loạt bốc hơi” khỏi các quầy hàng trong mọi hiệu thuốc ngay giữa thủ đô Hà Nội. Giới chức Việt Nam buộc phải xác định việc găm hàng và đội giá hàng là phạm pháp, nhưng có thật là họ bất lực trong việc chặn các nhà thuốc tuồn khẩu trang ra ngoài cho dân buôn, thay vì phục vụ nhu cầu phòng chống dịch?

Theo báo Thanh Niên, trong hai ngày 8 và 9/2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã bắt giữ 2 vụ xuất lậu khẩu trang y tế sang Trung Quốc, thu giữ hàng vạn chiếc. Vào tối ngày 8/2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cũng bắt giữ một vụ khác đang vận chuyển 7.500 khẩu trang y tế sang Trung Quốc. Bộ Công thương cũng cho biết từ ngày 31/1 đến ngày 9/2, Bộ này đã xử lý hơn 3.500 vụ vi phạm tại các nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên cả nước.

Nếu một trận dịch quy mô như Vũ Hán xảy ra ở Việt Nam, người dân có thể tin những gì báo chí chính quyền nói và tin vào những trấn an theo cách như giới chức các tỉnh miền Trung từng đi tắm biển và rủ nhau ăn mực hồi vụ khủng hoảng Formosa? Ấy vậy nhưng lực lượng dư luận viên vẫn ra sức “nâng bi” chế độ, kể cả khi sự an toàn sức khỏe và thậm chí sinh mạng của mình lẫn người thân đặt may rủi vào niềm tin “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo”? Vậy xin hỏi có gì đáng để “Ngạo nghễ” hay “Tự hào lắm, Việt Nam ơi”?


© Chiến Thành
    Blog RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad