Đang chật vật với thị trường bán lẻ trong nước bị sụt giảm đến 85% doanh số vì dịch bệnh, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean) giờ đây tiếp tục đối mặt với tình trạng không thể đưa hàng hóa qua thị trường các nước nhập khẩu lâu nay của công ty ở khu vực châu Âu và Mỹ.
Ông Phan Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Vitajean, cho rằng việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định đóng cửa biên giới trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 khiến các đối tác nhập khẩu của Vitajean ở EU tạm ngưng toàn bộ đơn hàng nhập khẩu trong giai đoạn này.
Quyết định đóng cửa để ứng phó với đại dịch Covid-19 của EU đã bắt đầu từ ngày 17-3 và từ đó đến nay hoạt động đưa hàng hóa của Vitajean sang một số thị trường như Đức, Ý, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị ngưng lại theo.
Một số tiểu bang của nước Mỹ cũng đã ban hành quy định hạn chế hoạt động đi lại trong những khung giờ nhất định hàng ngày nhằm đối phó với tình trạng lây lan của dịch bệnh Covid-19 trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ ngày 16-3. Điều này cũng khiến hoạt động của một số doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, trong đó có Vitajean, càng thêm khó khăn khi các đối tác nhập khẩu nước này cũng thông báo tạm dừng nhập hàng trong thời gian này.
Ông Việt cho biết thị trường châu Âu chiếm khoảng 20% và thị trường Mỹ chiếm hơn 30% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của Vitajean nên đang ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động sản xuất và việc làm của người lao động.
Trong vai trò Phó chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM (AGTEK), ông Việt cho biết nhiều doanh nghiệp hội viên cũng chia sẻ thông tin trong hiệp hội rằng hoạt động xuất khẩu đến hai thị trường EU và Mỹ đều đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Cụ thể, các doanh nghiệp hội viên AGTEK đã phản ánh rằng các khách hàng nhập khẩu ở hai thị trường EU và Mỹ đã ra thông báo tạm ngưng nhập hoàn toàn hàng theo thời gian nói trên. Hiện AGTEK có hàng trăm hội viên có hàng hóa xuất sang hai thị trường nói trên.
“Với việc đóng cửa tạm thời của 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất sẽ khiến cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù của ngành sản xuất dệt may là sản xuất theo mùa. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp", ông Việt chia sẻ.
Tình hình tạm dừng thực hiện đơn hàng xuất khẩu vào thị trường EU và Mỹ cũng đang xảy ra đối với các doanh nghiệp hoạt động ở các ngành khác như đồ gỗ.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, một trong những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ trên cả nước, cho biết các doanh nghiệp hội viên có xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu đã phản ánh bị ảnh hưởng ngay khi khu vực này áp dụng biện pháp đóng cửa biên giới để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trong mấy ngày qua.
Một doanh nghiệp trong ngành đồ gỗ là Công ty Tân Thành Furniture cho biết đã có hai trong số 40 khách hàng nhập khẩu của công ty ở Mỹ thông báo chuyển đơn hàng nhập khẩu từ tháng 4 sang đến tháng 7 tới.
Giám đốc Tân Thành Furniture, ông Phạm Chân Quang, cho biết Mỹ là thị trường chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Chính vì vậy, ông Quang lo ngại việc "đóng cửa" ngăn chặn dịch bệnh ở Mỹ sẽ khiến các đối tác nhập khẩu tại thị trường này sẽ tạm ngưng hoặc kéo thời gian nhập hàng sang một thời điểm khác.
Giới phân tích cho rằng việc tạm đóng cửa của các thị trường lớn nói trên sẽ kéo theo những tác động tiêu cực. Trước mắt, người tiêu dùng hạn chế mua sắm giày dép, quần áo, đồ gỗ, điện thoại... vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU và Mỹ.
Ở nhóm mặt hàng giày dép lượng hàng Việt Nam xuất khẩu sang hai thị trường EU và Mỹ cũng rất lớn nhưng theo một số doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu thì đến nay chưa nhận được thông tin của đối tác đề nghị tạm ngưng nhập khẩu nhóm mặt hàng này.
Nguy cơ nhiều lao động phải nghỉ việc
Giữa vô vàng khó khăn do dịch từ Covid-19, việc tạm ngưng nhập khẩu hàng hóa của hai thị trường EU và Mỹ lúc này được xem là một đòn mạnh tiếp theo gián vào doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực trong đó đáng chú ý là các nhà sản xuất dệt may, giày dép, đồ gỗ,... vốn là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn ở hai thị trường này.
Theo ông Phan Văn Việt, với thị trường xuất khẩu hiện nay các doanh nghiệp trong ngành may mặc chỉ còn trông chờ vào thị trường khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Tuy nhiên, Hàn Quốc chiếm một tỷ trọng khá lớn ở khu vực này nhưng hiện lượng hàng nhập khẩu của thị trường này cũng bị sụt giảm đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, ở thị trường trong nước gần như cũng bị tê liệt với lượng tiêu thụ sụt giảm đến hơn 80%. Nhiều cơ sở may mặc quy mô nhỏ kiểu hộ gia đình là hội viên của AGTEK đã tạm ngưng hoạt động.
Đối với một số doanh nghiệp lớn hiện đã phải bắt đầu cho công nhân nghỉ việc luân phiên để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, khả năng chi trả lương chờ việc của các doanh nghiệp cũng chỉ có thể duy trì được trong vòng từ 2-3 tháng.
"Nếu đến hết tháng 4 tới, đối tác nhập khẩu của hai thị trường EU và Mỹ vẫn chưa thể nhập hàng vì do Covid-19 thì nguy cơ nhiều người lao động tại nhiều nhà máy buộc phải nghỉ làm toàn thời gian là hoàn toàn có thể xảy ra", ông Việt dự báo, và cho biết hiện doanh nghiệp sản xuất đang rất lo lắng.
Tương tự, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đang rất khó khăn với các doanh nghiệp trong ngành chế biến đồ gỗ.
"Diễn biến tình hình thị trường xuất khẩu đang rất khó khăn. Do việc ngưng nhập khẩu của thị trường EU và Mỹ mới xảy ra nên chưa thấy ngay những khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên bước sang tháng tới tôi cho rằng những khó khăn này sẽ thể hiện khá rõ", ông Hiệp nhận định.
Thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt 5,15 tỉ đô la Mỹ, giảm 4,56%; xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 10,26 tỉ đô la, tăng 25,48% so với cùng kỳ năm trước.
© Hùng Lê
Kinh Tế Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét