Cá từ Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nhất ở Đông Nam Á (ĐNA), nguồn chất đạm chánh của người dân địa phương. [Ảnh: Getty] |
Tbong ngồi trong bóng mát của căn chòi xiêu vẹo bên mép hồ Tonle Sap, bao quanh bởi những đứa trẻ tò mò. Anh nói trong khi nhíu mắt vì chói nắng, “Rắn, cá bông lau, cá mũi voi… Trước đây, trước đây rất lâu… hồ có rất nhiều cá bông lau.”
Nhưng chỉ trong một thế hệ, tất cả mọi thứ đều thay đổi. Các loại cá giảm sút, cây cối chết dần và toàn thể hệ thống Mekong đang tan rã. Đối với bọn trẻ tụ tập chung quanh Tbong, một Tonle Sap phong phú chỉ có trong truyện.
Nằm ở trung tâm của hạ lưu vực Mekong, Tonle Sap là hồ nước ngọt lớn nhất ở ĐNA. Hồ và vùng ngập lụt phụ cận trở thành khu bảo tồn sinh học của UNESCO trong năm 1997 và hồ cung cấp nơi gây giống, nuôi dưỡng và thu hoạch hàng trăm chủng loại cá và sản phẩm nước ngọt khác.
Tbong, bên phải, thường kể cho bọn trẻ câu chuyện về thời có vô số cá. [Ảnh: Zoe Osborne] |
Nhưng năm nay, mực nước xuống đến mức thấp nhất lịch sử.
Marc Goichot, cố vấn trưởng của chương trình đại Mekong của WWF, nói: “Không chỉ có mực nước trên khắp hạ lưu Mekong xuống thấp chưa từng thấy kể từ khi thành lập Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) vào năm 1995, nước cũng trở nên xanh bất thường [vì mất phù sa lơ lững]. Màu xanh có thể tốt cho Biển Caribbean, nhưng đối với Mekong nó không tự nhiên và không tốt, đó là sự thay đổi lớn trong hệ sinh thái sẽ có ảnh hưởng rộng rãi như các loại thủy sinh mỏng manh dễ bị kẻ săn phát hiện, suy yếu bờ sông [và] đồng lúa, rừng đước và cá thiếu chất dinh dưỡng cần thiết.”
Trong khi khủng hoảng khí hậu làm vấn đề thêm nghiêm trọng – khiến cả Jeremy Clarson, hướng dẫn viên Grand Tour, cũng thừa nhận ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu lần đầu tiên – các khoa học gia đã cảnh báo về những thay đổi trong lưu vực Mekong từ nhiều thập niên trước.
Ý tưởng xây đập trên hạ lưu Mekong bắt đầu từ chiến tranh lạnh khi Hoa Kỳ, Sô Viết và Trung Hoa bắt đầu xem thủy điện như một tiềm năng chiến lược để phát triển kinh tế. Nó được thúc đẩy mạnh mẽ vào đầu thập niên 2000s. Vào lúc đó, MRC ước tính rằng 4 quốc gia thành viên của nó – Cambodia, Việt Nam, Lào và Thái Lan – có thể được lợi lên đến 30 tỉ USD.
Châu thổ Mekong ở Cambodia chụp trong tháng 1 năm 2016. Hồ Tonle Sap ở góc trên bên trái. [Ảnh: NASA] |
Nhưng nhiều năm sau, MRC duyệt xét lại dự đoán của mình, nói rằng những mất mát môi trường liên quan đến các đập vượt quá mọi lợi ích.
Mặc cho những cảnh báo, Trung Hoa nay vận hành 8 đập khổng lồ và các quốc gia hạ lưu Mekong quyết tâm với các kế hoạch thủy điện của họ. Chỉ ở Lào và Cambodia mà thôi, hơn 140 đập được dự trù trên dòng chánh và các phụ lưu.
Bằng cách chia sông Mekong thành nhiều hồ chứa, các đập thủy điện ngăn chận dòng nước giàu phù sa chảy xuống hạ lưu, thay đổi hình dạng và chiều sâu của đáy và bờ sông. Từ năm 1992 đến 2014, phù sa lơ lững trong lưu vực Mekong đã giảm trên ½ , theo WWF.
Khi phù sa bị ngăn chận, nước biển bắt đầu xâm nhập sâu hơn vào đất liền, đe dọa hệ sinh thái nước ngọt mong manh [Lời người dịch: Điều nầy không đúng. Phù sa không có quan hệ gì với sự xâm nhập của nước mặn.] Sông ngoạm vào bờ và đáy sông để thay thế phù sa, làm cho vấn đề thêm nghiêm trọng, và việc khai thác cát đào hết phần còn lại.
Các đập cũng ngăn chận sự di chuyển của khoảng 160 chủng loại cá trong lưu vực Mekong sống nhờ di chuyển xa.
Goichot nói: “Chúng cần di chuyển xa về thượng lưu (bắc Lào) để sinh sản, và cá con cần trở lại các cánh đồng lụt bao la ở châu thổ Mekong và hồ Tonle Sap để trưởng thành. Bất cứ trở ngại nào cho việc di chuyển sẽ có cơ hội đưa đến tuyệt chủng.”
Đập trên sông Mekong có ảnh hưởng tiêu cực đến sự di chuyển của cá tra dầu. [Ảnh: Zeb Hogan/EPA] |
Các chủng loại lớn hơn di chuyển xa hơn và bị ảnh hưởng nặng nhất. Năm 2010, con số cá tra dầu Mekong giảm 90% trong một thập niên.
“Cá bông lau Siam, từng hiện diện trong khu vực trước đây, bị tuyên bố tuyệt chủng năm 2013. Trong số 692 chủng loại cá nước ngọt được biết trong lưu vực Mekong, 68 (10%) bị đe dọa tuyệt chủng toàn cầu và 22 (3%) gần tuyệt chủng,” MRC ghi chú trong phúc trình Tình trạng Lưu vực 2018.
Sự sụt giảm không chỉ do thay đổi môi trường. Thị trường chợ đen cá nước ngọt Tonle Sap là mối kinh doanh quốc tế phát triển mạnh.
Đó rõ ràng là một chủ đề nhạy cảm khi nói về Tonle Sap. Không ai muốn đề cập đến. Các chủ tàu không rõ cái họ làm để kiếm sống, người bán ở chợ không nhớ giá cá, và một vài người không nhớ nơi họ lấy cá. Đó là vì họ không biết chắc cá được đánh bắt hợp pháp hay không.
Siem Reap chảy vào hồ Tonle Sap năm 2013. Mực nước sông Mekong xuống đến mức thấp kỷ lục trong năm nay. [Ảnh: David Wall/Alamy Stock] |
Nhiều thủ phạm là dân địa phương, thôi thúc bởi tuyệt vọng. Tổ chức Lương Nông Thế giới của Liên Hiệp Quốc cho biết nhiều phương pháp bất hợp pháp, gồm có chất nổ, lưới điện, thuốc độc, và lưới lớn trái phép.
Người dân cũng thường vi phạm lệnh cấm đánh cá từ tháng 6 đến tháng 10 ở nhiều vùng để cá có thể sinh sản.
Một số cá lớn hơn bắt được từ Tonle Sap được đưa sang Việt Nam, nơi cá to được xem là mang lại may mắn và tăng cường sinh lý. Việc buôn bán cá nầy bị cấm bởi luật pháp quốc tế và luật lệ của Cambodia và Việt Nam, nhưng việc thi hành rất lỏng lẻo. Con buôn người Việt mua cá từ ngư dân ở Tonle Sap với giá cao để cung cấp cho các nhà hàng đặc sản ở trong nước.
Ảnh hưởng của thị trường chợ đen, cùng với việc xây đập, khai thác cát và các hoạt động khác của con người đang càng ngày càng rõ hơn.
Là một trong những quốc gia sản xuất cá sông lớn nhất trên thế giới, Cambodia phần lớn dựa vào sông Mekong để bảo đảm lương thực. Trên khắp hạ lưu vực Mekong, phần chất đạm trong chế độ ăn uống trung bình đến từ cá nước ngọt nhiều gấp 2,2 đến 8,6 lần trị số trung bình của thế giới.
Đối với người dân sống gần Tonle Sap, cá thường không mất tiền nhưng nay họ phải mua, với giá càng ngày càng tăng. Theo một người bán cá ở chợ Siem Reap, Vannak, giá cá đã tăng gấp đôi trong vài năm. “Năm hay 10 năm trước [chúng tôi mua] 1 kg với 4.000 hay 5.000 riel (1,2 USD). Nay, cá – “trey rors”, một thức ăn chánh ở địa phương – giá 10.000 1 kg.” Ông vừa nói vừa chỉ vào cá đang nướng.
Các cộng đồng lân cận thường bắt cá miễn phí từ Tonle Sap, nhưng nay hầu hết phải đi mua với giá ngày càng tăng. [Ảnh: Zoe Osborne] |
Tbong nhớ lúc anh có thể giăng lưới trong rừng đước và cá sẽ vướng vào. “Nay, khi tôi đánh cá không chỉ 1 ngày, 2 ngày [và rồi] tôi đi về. Tôi phải ở giữa hồ từ 10 đến 15 ngày.” Anh cho biết.
Khi cá thiên nhiên càng ngày càng khan hiếm, ngư dân xây ao nuôi cá trong một phần của hồ, trong khi người dân Cambodia quay qua các nguồn chất đạm thay thế. Nhưng các nguồn chất đạm nầy cũng có ảnh hưởng sinh thái đáng kể.
Goichot nói: “Các nguồn khác, có thể là thịt bò, đậu nành hay cá nuôi, tất cả đều sử dụng đất và nước [và] chúng gây ô nhiễm. Điều đó có nghĩa là sản xuất chất đạm sẽ tạo thêm áp lực cho đất, và sẽ thúc đẩy việc phá rừng [và] sự cạnh tranh sử dụng nước giữa sản xuất và gia dụng.”
Cái đang xảy ra ở Tonle Sap là một dấu hiệu rất thực tế cho cái sẽ đến trong toàn thể lưu vực Mekong nếu tài nguyên vẫn tiếp tục được khai thác bừa bãi. Mặc cho cảnh báo của chuyên viên, hành động đáp ứng diễn ra rất chậm.
Ngư dân ở Tonle Sap nói cá thiên nhiên ngày càng khan hiếm. [Ảnh: Zoe Osborne] |
Goichot nói: “MRC tương đối thành công trong việc thu thập kiến thức, nhưng không mấy thành công trong việc tìm kiếm điểm chung hay thống nhất về các quyết định quan trọng, đặc biệt là thủy điện và quản trị phù sa.”
Một vài chiến lược đã hiện hữu. Thủ tướng Việt Nam vừa ký Nghị quyết 120 trong năm 2017, mô tả viễn cảnh cho việc phát triển khả chấp Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2100. Và các tổ chức môi trường tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa chánh phủ và thành phần doanh nghiệp.
Qua sáng kiến Phục hồi Châu thổ Á Châu (Resilient Asia Deltas), WWF cùng làm việc để bảo đảm đầu tư chánh trị và tài chánh cho “việc xây dựng thiên nhiên” khi hoạch định phát triển. Trong một sáng khiến khác, tổ chức nầy cũng tìm cách để thực hiện một chiến lược về quản lý nước.
Goichot nói: “Điều nầy nhằm mục đích để kỹ nghệ có hành động tập thể và góp phần vào việc đối phó với các thách thức của sông bên ngoài hàng rào của họ và cuối cùng có ảnh hưởng tích cực đến việc quản lý các hệ thống sông.”
Rừng đước ở Tonle Sap năm 2016. Rừng đước bị đập cướp đi nước giàu chất dinh dưỡng. [Ảnh: Panther Media/Alamy] |
Cách quản lý nầy không chỉ khẩn thiết cho tương lai của Mekong, nó khuyến cáo. Theo một nghiên cứu của MRC thực hiện từ 2012 đến 2017, sinh khối (biomass) sẽ giảm từ 35-40% vào năm tới nếu không có hành động.
“Phát triển thủy điện đến 2040 sẽ khai trừ di ngư trong phần lớn lưu vực Mekong. Không có chủng loại di ngư Mekong nào có thể sống sót trong hồ chứa của đập dự trù vào năm 2020 và 2040,” phúc trình cảnh bó trong phần tóm lược.
Goichot kết luận: “Hệ sinh thái Mekong rõ ràng đang trải qua những thay đổi quan trọng rất đáng quan tâm; chúng ta còn cách khủng hoảng to lớn bao xa?”
© Zoe Osborne
Bình Yên Đông lược dịch
Nguồn: Zoe Osborne, Mekong basin's vanishing fish signal tough times ahead in Cambodia | The Guardian
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét