Chẳng riêng công an cần ‘phát động học tập toàn ngành’! - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

Chẳng riêng công an cần ‘phát động học tập toàn ngành’!


Có lẽ ông Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bộ trưởng Công an – chỉ cảm thấy may mắn khi ngành do ông lãnh đạo không phải bồi thường cho ông Bùi Mạnh Lân, mặc dù lý do ông Lân từ chối nhận bồi thường vì bị bắt sai, giam oan rất đáng để ông Tô Lâm “phát động trong toàn lực lượng công an nhân dân” một đợt học tập, rút kinh nghiệm…

Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại quốc hội Việt Nam, 4/11/2019

Năm 2000, công an Việt Nam thành lập một Ban Chuyên án với bí số Z5.01 để điều tra, truy tố ông Trương Văn Cam (Năm Cam) và nhiều thuộc hạ từng phạm hàng loạt tội ác “giết người”, “cố ý gây thương tích”, “tổ chức đánh bạc”, “đánh bạc”, “che giấu tội phạm”, “hối lộ”, “tổ chức đưa người khác trốn ra nước ngoài”…

Bởi Năm Cam được viên chức nhiều ngành thuộc nhiều cấp hỗ trợ nên ông ta mới trở thành trùm tổ chức tội phạm khuynh đảo sinh hoạt xã hội tại TP.HCM trong hàng chục năm. Dọn dẹp tổ chức tội phạm do Năm Cam chỉ huy đồng nghĩa với việc lôi ra ánh sáng, trừng trị các viên chức hậu thuẫn cho Năm Cam.

Đó cũng là lý do “Ban Chuyên án Z5.01” trở thành một cơ quan siêu quyền lực. Lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống tư pháp khởi tố - điều tra – đưa ra xét xử các Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN là Thứ trưởng Công an (Bùi Quốc Huy), Viện phó Viện Kiểm sát Tối Cao (Phạm Sỹ Chiến),…

Ông Nguyễn Việt Thành, Thiếu tướng, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát, Trưởng Ban Chuyên án Z5.01 – trở thành ngôi sao, được báo chi ca tụng như một anh hùng, được tẳng thêm một sao, trở thành Trung tướng (2003) và được bổ nhiệm làm Phó Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng – chống tham nhũng (2006),…

***

Sau khi triệt phá tổ chức tội phạm do Năm Cam chỉ huy, “Ban Chuyên án Z5.01” của Bộ Công an đã “mở rộng điều tra về một số vụ án có dấu hiệu liên quan đến các nhóm tội phạm có tổ chức khác”. Một trong những vụ được “Ban Chuyên án Z5.01” xem như… “vụ án” là sự kiện “gây rối trật tự công cộng” tại Công ty Gas Bình Dương.

Công ty Gas Bình Dương tọa lạc trong Khu Công nghiệp (KCN) Đồng An ở Bình Dương. KCN này do Công ty Hưng Thịnh đầu tư. Thay vì để Tòa án phân giải bất đồng về góp vốn giữa các thành viên của Công ty Gas Bình Dương, có liên quan đến Công ty Hưng Thịnh thì “Ban Chuyên án Z5.01” khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng”.

Vụ “gây rối trật tự công cộng” mà “Ban Chuyên án Z5.01” xem là vụ án xảy ra từ năm 2000 nhưng đến năm 2003 mới được… lật lại để khởi tố. “Ban Chuyên án Z5.01” đã tống giam bảy người, trong đó có ông Bùi Mạnh Lân (Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Hưng Thịnh) và ông Phạm Văn Hướng (Phó Tổng giám đốc của Công ty Hưng Thịnh)…




Song song với việc tống giam, “Ban Chuyên án Z5.01” chủ động cung cấp thông tin để hệ thống truyền thông chính thức loan báo rộng rãi rằng Công ty Hưng Thịnh là một tổ chức tội phạm trá hình và những cá nhân như Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng,… là những ông trùm kiểu như Năm Cam!

Cho dù dư luận lại sôi sùng sục nhưng sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ mà “Ban Chuyên án Z5.01” cung cấp, Viện Kiểm sát Tối cao không dám phê chuẩn đề nghị tạm giam ông Hướng của “Ban Chuyên án Z5.01”, hoặc vội vàng hủy bỏ quyết định tạm giam ông Lân và một số người khác mà cơ quan này từng phê chuẩn.

Tuy nhiên “Ban Chuyên án Z5.01” lờ đi, kéo dài thời gian giam giữ ông Lân và ông Hướng. Tính ra ông Hướng bị giam giữ trái phép 63 ngày, ông Lân bị giam giữ trái phép 41 ngày và ông Hướng bị giam giữ trái phép 63 ngày. Sau thời gian vừa kể, cả hai được phóng thích nhưng vẫn là bị can cho đến tháng 8 năm 2004…

Vì sao “Ban Chuyên án Z5.01” lại làm như thế? Do áp lực từ tố cáo của nhiều nạn nhân trong một thời gian dài, năm 2011, Cục Điều tra hình sự của Viện Kiểm sát Tối cao đã khởi tố vụ án “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến một số sĩ quan từng là thành viên “Ban Chuyên án Z5.01”…

Theo Kết luận Điều tra vụ án do Cục Điều tra hình sự của Viện Kiểm sát Tối cao thực hiện, ông Lân, ông Hướng bị bắt vì ông Lân từng mua 23.000 mét vuông đất của một cặp vợ chồng ở Bình Dương. Tuy “tiền đã trao, cháo đã múc” nhưng cặp vợ chồng này lại muốn hủy giao dịch đó và hai bên đưa nhau ra Tòa. Vụ án “gây rối trật tự” mà “Ban Chuyên án Z5.01” khởi tố đã đẩy ông Lân vào thế yếu nên trong quá trình bị tạm giam, ông phải thực hiện gợi ý của Điều tra viên Nguyễn Văn Nên: Trả lại giấy tờ cho chủ cũ của thửa đất, nhận lại 5,2 tỉ đồng. Nhận lại giấy tờ, chủ cũ đã giao 5,2 tỉ cho Điều tra viên Nguyễn Văn Nên như “tang vật” của “vụ án”…

Sau khi được phóng thích, ông Lân tiếp tục theo đuổi vụ kiện cặp vợ chồng đã bán đất cho ông. Vì Tòa buộc cặp vợ chồng này phải giao đất cho ông Lân, họ quay lại đòi 5,2 tỉ đồng đã nộp cho “Ban Chuyên án Z5.01”. Tới lúc đó người ta mới biết Điều tra viên Nguyễn Văn Nên giữ khoản tiền này trong… tài khoản riêng của ông ta!

Nhiều sĩ quan từng là thành viên của “Ban Chuyên án Z5.01” còn dính líu vào nhiều chuyện động trời khác. Chẳng hạn đem hơn 20 tỉ đồng và 200.000 Mỹ kim là tang vật của một số vụ án đem gửi ngân hàng để lấy hàng tỉ tiền lãi rồi chia cho nhau (1). Những sĩ quan dính líu đến những chuyện bầy hầy như vừa kể đều thuộc Công an tỉnh Tiền Giang!




Tại sao các sĩ quan của Công an tỉnh Tiền Giang lại trở thành thành viên của “Ban Chuyên án Z5.01” của Bộ Công an? Rất đơn giản! Trước khi trở thành Trưởng Ban Chuyên án Z5.01, ông Thành là Giám đốc Công an Tiền Giang nên Công an Tiền Giang trở thành lực lượng chủ công trong tấn công tội phạm có tổ chức!

***

Ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng đã được xác định là vô tội (đình chỉ điều tra, không còn là bị can) từ năm 2004. Một năm sau khi “Anh hùng” Nguyễn Việt Thành nghỉ hưu (2009), chuyện “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của nhiều sĩ quan là thành viên “Ban Chuyên án Z5.01” đã được làm rõ.

Nhiều “người hùng” đã hầu Tòa và bị phạt tù: Nguyễn Tuyến Dũng (năm 2003 là Điều tra viên Cao cấp Công an tỉnh Tiền Giang) bốn năm tù. Ngô Thanh Phong (năm 2003 là Trưởng phòng Cảnh sát điều tra - CSĐT - Công an Tiền Giang) ba năm tù, Phạm Văn Út (Thủ quỹ kiêm Thủ kho tang vật của CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang) một năm tù. Nguyễn Văn Nên (năm 2003 là Phó phòng CSĐT Công an Tiền Giang) thì đang bị cưỡng bức chữa bệnh… tâm thần (2)!

Vì sao 16 năm sau khi đình chỉ điều tra Bộ Công an mới tổ chức xin lỗi ông Lân, ông Hướng và hứa sẽ xem xét bồi thường? Tại sao phải mất 16 năm mới “xin rút kinh nghiệm sâu sắc không để trường hợp tương tự xảy ra”? Song đó chưa phải là những vấn đề đáng ngẫm nghĩ.

Đáng ngẫm nghĩ nhất là tâm sự của ông Lân, giải thích tại sao ông không muốn nhận bồi thường oan sai: Thứ nhất, tiền bồi thường oan sai là tiền thuế do nhân dân đóng nộp, trong khi những người dân không có liên quan tới sự việc của ông. Thứ hai, tiền không thể bù đắp những tổn thất về danh dự, uy tín của ông và gia đình ông (3).

Trước nay, Bộ Công an cũng như các ngành còn lại thuộc hệ thống tư pháp (Viện Kiểm sát, Tòa án), rồi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không nhìn ra được hai khía cạnh mà ông Lân nêu, cho nên oan khiên tiếp tục chất chồng. Đó cũng là lý do một số oan án đã được giải như oan án của Nguyễn Thanh Chấn, oan án của Huỳnh Văn Nén, oan án của Hàn Đức Long,… chỉ mới được nhìn nhận để tuyên truyền như một… điểm son của “cải cách tư pháp” là… nhận sai và chấp nhận bồi thường nhiều tỉ!


© Trân Văn
    Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad