Covid-19: VN nên ‘bế quan tỏa cảng’ hay ‘sống chung với lũ’? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2020

Covid-19: VN nên ‘bế quan tỏa cảng’ hay ‘sống chung với lũ’?


Ban Chỉ đạo quốc gia của Việt Nam về phòng chống dịch virus corona chủng mới, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu, hôm 8/3 yêu cầu mọi người Việt thực hiện khai báo sức khoẻ từ sáng 10/3

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mới chỉ đạo toàn dân Việt Nam phải khai báo sức khỏe từ 10/3

Chỉ thị trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm đột ngột tăng trở lại ở Việt Nam, lên đến 31 người, theo con số do Bộ Y tế công bố hôm 9/3.

Tin cho hay, trong số những người mới mắc phải Covid-19, có tới 12 người là hành khách đi cùng chuyến bay với người nhiễm thứ 17, một cô gái đi về Hà Nội từ châu Âu hôm 2/3 và bị phát hiện dương tính với virus hôm 6/3. Hàng trăm người đã tiếp xúc với các ca nói trên hiện đang bị cách ly hoặc theo dõi sức khỏe.

Trước đó, trong nhiều tuần, Việt Nam không có bất cứ ca nhiễm nào sau khi 16 người đầu tiên mắc phải virus corona chủng mới đều được điều trị khỏi bệnh.

Nói về sự cần thiết của việc người dân phải khai báo sức khỏe, ông Đam chỉ ra mục tiêu của việc này là “để mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch” khi đất nước bước vào “giai đoạn 2” của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, được xem là “khó khăn hơn” vì dịch đã lan ra hơn 100 nước.

Những ngày tới đây, nếu có “vài chục, vài trăm ca nhiễm” ở Việt Nam, điều đó “cũng không có gì bất ngờ”, ông Đam nói hôm 8/3, được báo chí dẫn lại.




Bác sĩ, tiến sĩ Trần Tuấn, một chuyên gia độc lập thường lên tiếng phản biện về lĩnh vực y tế, đưa ra nhận định với VOA rằng việc khai báo sức khỏe bắt buộc sắp diễn ra sẽ có “sai số rất nhiều:

“Tiến trình thu thập thông tin, kiểm soát sai số của thông tin là cực kỳ khó, nên sẽ dẫn đến kết quả mà sẽ rất khó để rút ra những khuyến cáo cho đúng với thực tế”.

Việt Nam siết chặt quản lý nhập cảnh trong mùa dịch Covid-19

Đối với kiểm soát nhập cảnh trong mùa dịch, Phó Thủ tướng Đam cho hay Ban Chỉ đạo phòng chống dịch kiến nghị rằng chính phủ tạm dừng miễn thị thực đơn phương với các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh.

Ngoài ra, ban chỉ đạo cũng đề nghị tạm dừng hoặc từ chối cấp thị thực cho người đến từ những nước khác có trên 500 ca nhiễm, hoặc có trên 50 ca nhiễm tăng trong một ngày.

Sau các phát ngôn của Phó Thủ tướng Đam, nhiều người dân Việt Nam bày tỏ trên mạng xã hội sự ủng hộ của họ dành cho các biện pháp siết chặt của chính quyền để chống dịch, thậm chí chia sẻ các ảnh chế có nội dung như “Hãy đứng yên khi tổ quốc cần”, với hàm ý người dân cần tránh đi lại, giao thương, tụ tập đông người...

Trong khi đó, một số chuyên gia, nhà trí thức cho rằng cách chống dịch virus corona đang lan rộng bằng biện pháp phong tỏa hay bế quan tỏa cảng sẽ gây thiệt hại lớn về nhiều mặt. Vì vậy, Việt Nam nên “sống chung với lũ”.

Tiến sĩ Vũ Tú Thành thuộc Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ-ASEAN hôm 8/3 đăng một bài viết dài trên trang cá nhân, đề xuất về một chiến lược mới cho việc Việt Nam đối phó với dịch, được hàng trăm người ủng hộ, chia sẻ.

Vị tiến sĩ từng học tập, nghiên cứu ở Mỹ nhận định rằng các biện pháp ngăn chặn dịch xâm nhập và ngăn dịch lây lan tỏ ra hiệu quả trong giai đoạn 1, khi nguy cơ chủ yếu đến từ Trung Quốc, giờ đây không còn phù hợp.




Chỉ ra rằng ở giai đoạn 2 hiện nay tình hình đã chuyển biến “xấu hơn hẳn” với thực tế là dịch bệnh đang lan rộng ra toàn cầu, tiến sĩ Thành cảnh báo rằng “bế quan tỏa cảng” sẽ khiến nền kinh tế vận hành hoàn toàn dựa vào những gì tích trữ được hoặc có thể tự túc, nhưng nguyên liệu, nguồn lực sẽ “sớm cạn kiệt”, buộc toàn xã hội phải vận hành ở mức “tiêu thụ tối thiểu chỉ để duy trì sự tồn tại”.

Vì vậy, giải pháp tiến sĩ Thành đưa ra là chỉ nên “cách ly bảo vệ nhóm rủi ro cao nhất bao gồm người già, người có bệnh nền hoặc cả 2” và “cách ly ngăn chặn chỉ áp dụng với các trường hợp nhiễm”.

Đồng thời, theo ông Thành, “không áp dụng bế quan tỏa cảng”, mà chỉ cần “duy trì khai báo và sàng lọc y tế bắt buộc tại cửa khẩu”.

Việt Nam từng cách ly cả một xã ở tỉnh Vĩnh Phúc hồi tháng 2/2020 vì dịch Covid-19

Theo quan sát của VOA, đề xuất của tiến sĩ Thành được nhiều người thuộc giới trí thức ủng hộ, gọi đó là giải pháp “sống chung với lũ”.

Bình luận về chiến lược này, bác sĩ-tiến sĩ Trần Tuấn nói với VOA rằng cá nhân ông không ủng hộ việc phong tỏa quy mô lớn như cả một thành phố hay một làng; song ông Tuấn chưa thể dứt khoát đứng về phía ý tưởng “sống chung với lũ”, vì trong điều kiện của Việt Nam, các dữ liệu và thông tin còn “thiếu” và “không đủ khách quan”.

Bác sĩ Tuấn nói:

“Các số liệu hiện nay chúng ta nhận được là số ca mắc. Nhưng chúng ta không biết được đúng tỉ lệ mắc, tại sao, xác suất mắc thế nào để đánh giá, hay là khối toàn nhiễm hiện nay là đến đâu, bao nhiêu, chúng ta không biết. Ngay cả WHO cũng không nêu. Thế nên là rất khó”.

Hôm 9/3, tại một cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “cần có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ, kịp thời” để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây cũng như “xử lý nghiêm” trường hợp giấu bệnh.

Chỉ đạo của Thủ tướng Phúc có xét đến thực tế là Việt Nam “hội nhập quốc tế sâu rộng”, người trong và ngoài nước “đi lại nhiều”, dẫn đến “nguồn lây nhiễm đa dạng”.

Thủ tướng lưu ý rằng để chống dịch thành công và bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, “có thể hy sinh một số lợi ích kinh tế”.


© Trân Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad