Trong cuốn “21 bài học cho thế kỉ 21”, xuất bản 08-2018, Harari đã nêu ra đòi hỏi những vấn đề toàn cầu hôm nay phải có câu trả lời mới, và cho rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ hậu sự thật – hàm ý: Mọi sự lừa dối và tin giả dù gian ác hay xảo quyệt đến mức nào, do bất kể quyền lực hay tham vọng nào thực thi, cuối cùng – như kinh nghiệm trong lịch sử của con người (ở đây Harari muốn nói đến lịch sử của Homo Sapiens) đã chỉ ra – hệ quả của mọi tội ác và lừa dối sớm muộn sẽ tự chính nó sẽ phơi bầy ra sự thật. Trong thời đại của tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay, lừa dối và tin giả mang những độ lớn với những tốc độ và chiều kích chưa từng có, gây ra những tội ác mới tương ứng chưa từng có, và chính hệ lụy của những tội ác này – cũng với tốc độ và chiều kích chưa từng có – sẽ vạch ra sự thật phũ phàng… [Trong phần này, Harari có một lưu ý đầy trào phúng: Nếu người nào còn nghi ngờ thực tế này, có lẽ anh ta chỉ có may mắn nếu sống chung với những người vượn tinh tinh!]. Đại dịch COVID-19 đang thừa nhận cách suy nghĩ của Harari.
Trước hết xin điểm qua thế giới suy nghĩ gì về đại dịch COVID-19.
Nhiều báo chí và các nhà nghiên cứu các nước phương Tây cho rằng: Từ những hệ quả chưa lường hết được của dịch bệnh SARS COVID-19 hiện nay, các quốc gia của họ phải tỉnh ngộ và xem lại toàn bộ mối quan hệ mọi mặt với Trung Quốc, nhất là (a) tình trạng các nước phương Tây phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, và (b) tình trạng Trung Quốc chẳng những không công khai minh bạch mà còn mang nặng sự mù quáng toàn trị (authoritarian blindness) trong đối nội cũng như đối ngoại, qua đó (c)Trung Quốc đang gây ra nhiều tác động rất nghiêm trọng cho toàn thế giới, chứ không phải chỉ riêng cho Trung Quốc!
Họ cho rằng sự bùng phát của dịch COVID-19 với nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu mà thế giới hôm nay đang phải hứng chịu, cách ứng xử bưng bít thông tin và thao túng thông tin của Trung Quốc với mọi hệ lụy cho bản thân Trung Quốc và cho toàn thế giới, 60 ngày đầu tiên của nạn dịch đã làm cho tăng trưởng kinh tế thế giới giảm khoảng 1%, và sẽ còn tệ hại hơn nữa nếu COVID-19 trở thành pandemic.., vân vân… Đấy là những minh chứng rõ ràng không thể trối cãi. Chưa nói đến chính sách đối ngoại bá quyền Trung Quốc triển khai từ mấy thập kỷ nay. Mặt khác ngày càng lộ ra nhiều thông tin Trung Quốc đã ăn cắp bí mật công nghệ trong các trung tâm y tế nghiên cứu sinh học của Mỹ và Canada, sau đó mang về Trung Quốc, đã tạo ra, và đã để xổng vi khuẩn covid-19 làm ra được tại phòng thí nghiệm vũ khí sinh học P400 ở Vũ Hán, dẫn tới nạn dịch hiện nay!
Nhiều nhà nghiên cứu của những nước này cho rằng những hệ lụy của hậu dịch SARS COVID-19 rất lớn không tiền khoáng hậu, sẽ tạo ra trên thế giới một địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu khác hẳn với hôm nay mà chưa ai có thể đoán định được… – Tất cả còn tùy thuộc Trung Quốc sẽ ra khỏi đại dịch này như thế nào: sống sót hay suy sụp, thậm chí tan rã..?! Sẽ có nhiều kịch bản cho Trung Quốc hậu dịch bệnh COVID-19, bởi vì đối với Trung Quốc thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19 đồng thời cũng là thời kỳ hậu sự thật đối Trung Quốc bá quyền: Cơn giận dữ COVID-19 của nhân dân Trung Quốc khiến cho chính họ sẽ có thể vượt lên được mọi sợ hãi để xét lại tất cả!.. Còn trước thế giới: Chưa bao giờ gót chân Ashine của Trung Quốc bá quyền lộ rõ như hôm nay, nội bộ Trung Quốc rối ren hơn bao giờ hết với không biết bao nhiêu đồn đoán theo thuyết âm mưu, Trung Quốc hậu đại dịch COVID-19 sẽ không còn là Trung Quốc hôm nay nữa, thế giới sẽ không khoanh tay ngồi yên trước một Trung Quốc như thế… Nạn dịch COVID-19 đã lan ra 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, lan tỏa theo tâm lý bài Trung chưa từng có… Nếu COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu (pandemic) sẽ có thể là trận đại hồng thủy[1]trong thế giới đương đại!!!.. Cũng chưa ai đoán định được cái quán tính của dạ dầy và ma lực của lợi nhuận vốn có như bản năng của loài người sẽ góp phần tích cực hay tiêu cực của nó như thế nào vào cái hỗn loạn chung này…
Các nước phương Tây suy nghĩ như vậy. Còn chúng ta nghĩ gì?
Để trả lời câu hỏi “Còn chúng ta nghĩ gì? – xin điểm qua vài nét về nước ta.
Ví dụ trong chống dịch: Chính phủ chủ trương phải chống dịch như đánh giặc. Cả nước đã và đang thực hiện quyết tâm này trước hết bằng thông tin minh bạch và thông suốt chứ không giấu diếm tình hình dịch bệnh. Thứ đến là chúng ta chống dịch quyết liệt trong những điều kiện và khả năng còn rất hạn hẹp của đất nước, và chống theo cách của chúng ta.
Hai đòi hỏi này khiến chúng ta đã phải độc lập tự chủ trong suy nghĩ, tìm ra được những biện pháp thích hợp tối ưu có thể, với mục đích ứng xử kịp thời và chống dịch ngay tại chỗ từng nơi dịch phát sinh. Kết quả bước đầu đạt được như đến nay có thể đánh giá là khả quan – tuy không bao giờ được phép chủ quan.
Giả thử chúng ta cũng rập khuôn theo Trung Quốc, ém nhẹm thông tin dịch bệnh vì đủ mọi thứ lý do này nọ, và chống dịch theo kiểu của Trung Quốc, hầu như chắc chắn dịch bệnh đã có thể làm sụp đổ đất nước chúng ta chỉ trong vài tuần lễ đầu tiên – vì nước ta không có lực và sức chịu đựng đối với dịch như Trung Quốc…
Bài học độc lập tự chủ trong tư duy một lần nữa khẳng định như đinh đóng cột tính đúng đắn của nó. Xin đừng lúc nào quên: Toàn bộ thách thức của dịch COVID-19 đối với nước ta còn nguyên vẹn phía trước.
Trong kinh tế, qua chống dịch lần này, chúng ta ngộ ra hai điều vô cùng quan trọng. Trước hết là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia là điều tất yếu. Song thực tế hai tháng chống dịch vừa qua cho thấy ngay từ Đổi Mới 1986, lẽ ra nước ta phải tính đến đa dạng hóa sự phụ thuộc này, và phải có những kịch bản đối phó khác nhau.
Hai tháng chống dịch COVID-19 dạy nước ta không thể kéo dài mãi tình trạng 80% toàn bộ sản xuất cho xuất khẩu của kinh tế nước ta phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, phần lớn nông phẩm chính có thế mạnh của nước ta đều xuất đi Trung Quốc, toàn bộ xuất siêu nước ta có được trong làm ăn với mọi đối tác trên thế giới không đủ bù cho nhập siêu của nước ta riêng từ Trung Quốc! Vân vân… Kéo dài tình trạng này, kinh tế nước ta không lớn lên được, sớm muộn sẽ đi vào ngõ cụt!
Bài học thứ nhất này trong kinh tế quan trọng lắm. Thứ đến là bài học thứ hai: Muốn đa dạng hóa sự phụ thuộc lẫn nhau và luôn luôn tìm ra được thị trường thay thế, thị trường mới, kịch bản mới… đòi hỏi sống còn là đất nước ta phải làm chủ được công nghệ cao, phải có đường lối chính sách và chế độ chính trị nào giải phóng được mọi tiềm năng kinh tế của đất nước…
Tất cả sao cho từng người lao động, từng doanh nghiệp, từng đơn vị công tác luôn luôn giữ vai trò hạt nhân và đi tiên phong trên mặt trận kinh tế của quốc gia. Đòi hỏi này cao lắm, phải có một nền giáo dục tiên tiến làm căn bản. Đạt được đòi hỏi này, ở nước ta mỗi công dân, thể chế chính trị nhà nước và quốc gia sẽ gắn quyện vào nhau để trở thành là một. Đạt được là một như thế, chủ nghĩa yêu nước và ý chí quật khởi dân tộc sẽ đạt đỉnh cao mới, nước ta sẽ phát triển năng động và có thể trụ vững trong mọi sóng gió.
Về nội trị, trong gần nửa thế kỷ nay xây dựng và bảo vệ đất nước kể từ khi độc lập thống nhất, không lúc nào ĐCSVN không nhấn mạnh phải có con người tốt thì mới có thể chế chính trị tốt và bộ máy chính quyền vững mạnh. Câu hỏi lớn là: Tại sao quan điểm đúng này không trở thành hiện thực? Mấy thập kỷ nay tham nhũng tiêu cực làm siêu vẹo đất nước mọi mặt, đạo đức và văn hóa xã hội xuống cấp chưa từng thấy, sự phát triển của đất nước bị kìm hãm, nhưng chủ nghĩa tư bản thân hữu nở rộ.
Câu trả lời ai cũng mắt thấy tai nghe được là: Nước ta chưa thành công trong việc xây dựng con người tốt và chưa có được chế độ chính trị đảm đương nổi vai trò phải thực hiện của nó. Trả lời như vậy, thực ra là câu hỏi vẫn chưa được giải đáp! Bởi vì yếu tố cốt lõi để phát triển được con người cũng như để xây dựng được thể chế chính trị mạnh là dân chủ!
Sự thật là mối nguy trầm trọng nhất đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc suốt mấy thập kỷ vừa qua là tình trạng mất dân chủ – ngay từ trong Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị! Riêng về xây dựng con người, còn phải nhấn mạnh: Không có tự do và dân chủ, không thể phát triển được con người – nghĩa là con người vẫn chưa được giải phóng!
Nếu phải khái quát trong một câu về mọi khó khăn của đất nước, đấy sẽ là: Nhiều vấn đề nghiêm trọng của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cho đến hôm nay có gốc gác là căn bệnh mất dân chủ. Nếu nhận định này được chấp nhận, sẽ có hướng trả lời nước ta phải thay đổi gì, và sẽ tìm ra cách thực hiện.
Cũng xin lưu ý, ngay trong nước ta, một số nhà nghiên cứu cho rằng thực tiễn đa dạng của tình hình toàn cầu hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa thúc ép, vừa là cơ hội Việt Nam phải tự thay đổi quyết liệt để thoát khỏi thân phận chư hầu, mở ra cho đất nước con đường phát triển mới!.. Có ý kiến còn nói thực tiễn toàn cầu hiện nay đang là cơ hội để thoát Trung!..
Xin được bàn sau những ý kiến như vậy. Nhưng hôm nay tại đây, trước hết xin hãy cùng nhau làm rõ: Trong thế giới này, có phải đất nước ta đang đứng trước đòi hỏi quyết liệt phải thay đổi để mở ra con đường phát triển mới hay không? Thống nhất được với nhau câu trả lời chính xác cho câu hỏi này, đất nước sẽ có hướng trả lời cho câu hỏi tổng quát: Phải thay đổi cái gì? Thay đổi như thế nào?
Xin mạn phép thử hỏi: Trong tình huống này, nước ta có thể cứ bình chân như vại, và cứ tiếp tục ngựa quen đường cũ được không? Chưa biết Đảng và Nhà nước sẽ có quyết định gì trước thực tiễn mới này, nhất là tại Đại hội XIII sắp tới. Song hôm nay có thể suy đoán trước, nói cho đúng hơn là khẳng định: Nhắm mắt trước thực tiễn mới này của hậu dịch COVID-19, hay bất lực đối với nó – cả hai đều dẫn đến thảm bại lớn cho đất nước.
Thực tiễn chống dịch như đánh giặc hai tháng qua và những kết quả khả quan đạt được vừa đòi hỏi, vừa cổ vũ nước ta phải thay đổi quyết liệt để mở ra con đường phát triển mới, để chiếm lĩnh cho nước ta vị thế quốc gia phải có tại vị trí đầu sóng ngọn gió trong khu vực nước ta đang sống! Việc của quốc gia cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm cao nhất của từng công dân!
© Cựu ĐS Nguyễn Trung
Hà Nội – Võng Thị ngày 27-02-2020
Viet-studies
[1] Xem: Truyền thuyết trong kinh thánh của Thiên chúa giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét