Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Theo Bộ Y tế, với app NCOVI, người dân có thể tự động khai báo tình trạng sức khỏe của mình, giúp Bộ Y Tế tầm soát những trường hợp đáng nghi ngờ, bảo đảm công tác ngăn chặn sự lây lan COVID-19 một cách chủ động, nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Tính đến ngày 11/3, Việt Nam đã xác định 39 trường hợp dương tính với COVID – 19, dịch bệnh đang lan ra hơn 100 quốc gia và cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người.
Trước khuyến nghị toàn dân sử dụng ứng dụng cung cấp thông tin trợ giúp ý tế trong chiến dịch ngăn ngừa và phòng chống COVID-19 như hiện nay, chuyên gia chương trình nghiên cứu bệnh nhiệt đới do đại học Oxford tài trợ tại Bệnh Viện Nhiệt Đới thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Trần Tịnh Hiền, cho biết ông hoan nghênh với niềm tin là việc này có thể thực hiện được:
“Bởi qua kinh nghiệm của trường hợp vừa rồi (ở Hà Nội) mà nó làm tăng số bệnh nhân lên và đưa đến tình trạng hỗn loạn. Còn nếu bây giờ download cái app thì dĩ nhiên việc khai báo trở thành khả thi hơn nhiều, người có bệnh cứ tự động khai báo để được hướng dẫn việc khai báo ý tế, rất là tốt”.
|
“Cái app này thì quá là hay và lợi ích không những cho cá nhân mà cho cả cộng đồng. Nếu ứng dụng cái app này và tự giác khai báo thì rất lợi ích để phát hiện sớm và có biện pháp cách ly thích hợp để khống chế dịch lây lan”.
“Quan trọng là dân người ta có ý thức để khai báo đúng sự thật hay không, thí dụ đi đâu, đến vùng nào đó, có triệu chứng gì phải thành thật khai báo. Đã có nhiều trường hợp không muốn bị cách ly, vì thế điều lớn nhất là ý thức của mỗi người dân cùng hợp tác cùng chống dịch. Như vừa rồi báo chí đăng là có một ông giám đốc nhà máy điện gió đã được xác nhận lây nhiễm rồi, kêu ông cách ly thì ông lại cử một nhân viên đi thay. Hoặc một cô từ Hàn Quốc về, tức là có qua vùng dịch, nhưng lại né tránh để không bị cách ly. Thành thử quan trọng nhất phải là ý thức người dân, sâu xa hơn nữa cho một cộng đồng khỏe mạnh để bảo vệ lẫn nhau.”
Vậy mức độ khả thi của ứng dụng khai báo sức khỏe trên mạng như thế nào, bác sĩ Huỳnh Loan cho rằng khuyến nghị mới được loan ra một ngày, tức ngày 10/3 thôi, vì thế còn quá sớm để nói có khả thi hay không:
“Không phải người dân nào cũng có điện thoại và biết sử dụng để khai báo trên mạng rồi gởi đi. Giả sử đi tới một cơ quan y tế nào đó để lấy giấy về khai thì nhiều người làm được nhưng nhiều lúc họ làm biếng họ không đi. Còn nếu Online thì quá tiện nhưng không phải ai cũng có điện thoại và có Internet. Người có kiến thức, thứ hai là có điều kiện, chứ người nghèo quá người ta cũng chẳng quan tâm”
Người dân đón nhận khuyến nghị sử dụng ứng dụng cung cấp thông tin trợ giúp y tế của chính phủ như thế nào. Cô Thanh Tâm, cư dân thành phố Hồ Chí Minh, cho biết cô lấy làm phấn khởi trước tin này:
“Ra app NCOVI cho toàn dân khai báo y tế và app Vietnamese Health Declaration cho người đến và đi khỏi Việt Nam là ứng dụng công nghệ quá hay.”
“Khả thi hay không thì tôi xin thưa điều thứ nhất nó phù hợp với tình hình bệnh dịch thực tế. Thứ hai nữa là nó không mất thời gian và gần như nó đến tận mỗi người dân. Hiện tại ở Việt Nam điện thoại thông minh, điện thoại di động hầu như là người nào cũng có, hoặc là một gia đình nào cũng có một cái điện thoại thông minh, những thành phố tập trung đông dân thì hầu như ai cũng sử dụng”.
“Về biểu mẫu khai báo tôi thấy cũng rất đơn giản, có thể truy cập bằng nhiều cách. Như vậy để thấy rằng trong giai đoạn 2 này thì vấn đề quản lý đã triển khai và mở rộng hơn cho toàn dân khai báo và toàn dân đồng lòng để ngăn chặn dịch”
Năm nghi mười ngờ về một biện pháp, một chính sách mới là bản tính cố hữu của đám đông, thế nhưng sự lan truyền khủng khiếp và không thể lường trước lại là chuyện không thể phủ nhận, vì thế ứng dụng cung cấp thông tin và khai báo sức khỏe toàn dân nhất định phải có hiệu lực, là nhận định của cô Ngọc, giáo viên vườn trẻ ở Đồng Nai:
“Thông tin này tôi biết một hai hôm trước rồi, vấn đề ở chỗ người dân có sử dụng hay không. Gần đây nhất thì đường dây nóng được mọi người sử dụng nhiều hơn và nhanh nhất luôn. Còn về cái ứng dụng thực ra nó rất là hay nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được. Ví dụ ở quê không phải ai cũng có điện thoại thông minh để tải cái app đó về và không phải ai cũng biết sử dụng”
“Chuyện mà Nhà Nước ra những chính sách, những biện pháp, giúp dân có thêm kiến thức phòng tránh theo tôi rất hay. Chính phủ Việt Nam cũng đã làm rất tốt công tác này rồi, nhưng mà cộng đồng có sử dụng có làm theo hay không là một chuyện khác”.
|
Khai báo sức khỏe toàn dân là kế hoạch y tế bắt buộc khởi sự ngày 10/3, vào khi dịch bệnh lây lan chết người COVID -19 diễn biến phức tạp.
Theo phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ Đạo Quốc Gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới, tức COVID-19, Việt Nam chính thức bước vào giao đoạn 2 cuộc chiến phòng chống COVID-19 ngay khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện tại Hà Nội hồi đầu tháng.
Giai đoạn 2 khó khăn hơn giai đoạn 1, ông Phó thủ tướng nhấn mạnh, vào khi COVID-19 đã lan ra hơn 100 nước trên toàn cầu, vì thế Việt Nam phải chận dịch từ cả trăm ngả thay vì chỉ một vài ngả như trước.
Phát biểu của ông Vũ Đức Đam, được truyền thông trong nước diễn giải rằng Việt Nam đã lường trước mọi tình huống xấu nhất cũng như đã sẵn sàng cho kịch bản ứng phó khi dịch bùng phát mạnh, vì thế không có gì là bất ngờ nếu có thêm vài chục hay vài trăm ca nhiễm khác trong những ngày tới.
Trước đó, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, từng khẳng định chống dịch như chống giặc, và khuyến cáo tiếp rằng khai báo y tế không trung thực trong lúc này sẽ bị xử lý hình sự.
Thanh Trúc
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét