Đây là một phần trong nỗ lực của Đảng Cộng sản nhằm định hình lại cách nhìn về nước này, từ chỗ Trung Quốc mắc những sai sót ngay từ đầu biến thành một quốc gia hành động quyết đoán để kiểm soát dịch bệnh.
Chính phủ Trung Quốc đã điều máy bay chở găng tay và quần áo bảo hộ đến Liberia. Họ cũng gửi 100.000 bộ xét nghiệm đến Philippines. Hơn 10 chuyến bay chở theo hàng triệu khẩu trang và các vật tư khác cũng được chuyển đến Cộng hòa Czech trong tuần rồi, khiến Bộ trưởng Nội vụ Czech Jan Hamacek nhận định rằng Trung Quốc “là quốc gia duy nhất có khả năng cung cấp cho Châu Âu với số lượng như vậy.”
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đả kích Liên minh Châu Âu và ca ngợi Trung Quốc về lời đề nghị giúp đỡ khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp để chống lại dịch bệnh. Đất nước của ông muốn gia nhập EU, nhưng chính phủ của ông đã xích lại gần Nga và Trung Quốc hơn trong một cuộc chiến giằng co ảnh hưởng.
“Tôi tin vào người anh em và người bạn của tôi [Chủ tịch Trung Quốc] Tập Cận Bình và tôi tin vào sự giúp đỡ của Trung Quốc,” ông Vucic nói, và nói thêm rằng “sự đoàn kết Châu Âu” chỉ là chuyện cổ tích.
Các quan chức EU phủ nhận họ ngừng viện trợ cho Serbia, nhưng cho biết ưu tiên hàng đầu của họ là các thành viên EU, theo AP.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói cử chỉ này là để đền đáp lại thiện chí của những nước đã giúp đỡ Trung Quốc trong lúc khó khăn, nhưng những nhà quan sát nhìn thấy những toan tính chiến lược đằng sau đó.
“Tính chất nhân đạo đó thực sự là một đòn ngoại giao,” chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà quan sát Trung Quốc ở bang California, nhận định. “Từ yếu tố nhân đạo chuyển thành một cuộc đấu tranh ngoại giao, đồng thời gây chia rẽ trong nội tình các nước Âu châu với nhau.”
Ông Nghĩa gọi sự trợ giúp của Trung Quốc là sự “mỉa mai thô bỉ,” cáo buộc nước này đã gây nên đại dịch đang hoành hành khắp toàn cầu vốn dĩ xuất phát từ thành phố Vũ Hán.
Sáu tuần trước, nhà chức trách Trung Quốc tìm cách dập tắt sự phẫn nộ ở trong nước và những chỉ trích ở nước ngoài vì điều mà họ nói là Trung Quốc cố tình trì hoãn cung cấp thông tin vì động cơ chính trị, và do đó đã xử lí sai trái đợt bùng phát dịch bệnh.
Trung Quốc đáp lại bằng cách trấn áp những tiếng nói của những bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo về dịch bệnh từ sớm và những nhà báo độc lập tường trình trên thực địa, trong khi cáo buộc những người chỉ trích là bôi nhọ nước này.
Giờ đây trong khi Mỹ và phương Tây chật vật khống chế sự lây lan của virus, Trung Quốc hi vọng hưởng lợi từ nhận thức rằng kiểm soát virus này khó đến mức nào, theo Julian Ku, giáo sư Đại học Hofstra ở New York.
“Những thất bại của chính phủ Trung Quốc sẽ được nhìn nhận bớt khắt khe hơn trước những thất bại của các chính phủ khác trong việc ứng phó một cách hiệu quả,” ông được AP dẫn lời nói.
Trung Quốc đã góp 20 triệu đôla cho Tổ chức Y tế Thế giới cho những nỗ lực chống COVID-19. Dù EU và Mỹ đã cam kết ngân khoản lớn hơn để chống lại căn bệnh này, hiện họ vẫn đang bận giải quyết cuộc khủng hoảng tại nhà.
Có những ý kiến khác nhau về tính hữu hiệu từ những nỗ lực của Trung Quốc.
“Chưa biết được việc này sẽ đi xa tới đâu… nhưng rõ ràng là họ đang thử làm theo lối cũ,” theo Daniel Russel, một nhà ngoại giao Mỹ tiền nhiệm giờ công tác tại Viện Chính sách Hội Châu Á ở New York. Ông nói tuyên truyền của Đảng Cộng sản đã thành công ở trong nước hơn là ở nước ngoài.
Clive Hamilton, tác giả cuốn sách “Cuộc xâm lược thầm lặng: Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc,” nói rằng Trung Quốc đã rót nguồn lực khổng lồ vào việc định hình diễn ngôn toàn cầu trong những năm gần đây.
“Sẽ là một sai lầm khi đánh giá thấp hiệu quả của chiến dịch quốc tế lớn này nhằm viết lại lịch sử virus corona.”
Nhà quan sát Nguyễn Xuân Nghĩa nói dịch virus corona cho thấy “bản chất thật” của Trung Quốc nắm giữ vai trò chủ đạo trong chuỗi cung ứng hàng đầu, gây khốn đốn cho nhiều nước khi khủng hoảng y tế xảy ra ở nước này khiến nhiều nước khác liên lụy và kéo theo khủng hoảng kinh tế.
“Trong những năm sắp tới, các nước phải nghiên cứu lại quan hệ kinh tế và xã hội của mình với Trung Quốc,” ông khuyến cáo. “Người ta cứ nói đến chuyện cách li xã hội (social distancing) nhưng mà tôi nghĩ hậu quả quan trọng nhất là economic distancing – cách li kinh tế.”
“Các quốc gia dần dần thấy rằng không thể nào trông cậy vào Trung Quốc để đến khi lâm nạn, Trung Quốc lại dùng chính những cái đó làm đòn bẩy bắt bí các quốc gia khác.”
© VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét