Tuổi trẻ Việt Nam nghĩ gì? (tiếp theo) - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

Tuổi trẻ Việt Nam nghĩ gì? (tiếp theo)


Trong thời gian qua, tôi may mắn có cơ hội tiếp xúc với một số bạn trẻ Việt Nam. Không nhiều. Chừng 20 bạn trở lại. Tất cả các bạn đều là những người lý tưởng muốn góp phần thay đổi xã hội ngày một tốt hơn. Có thể nói các bạn là những người phi thường trong một bối cảnh xã hội bất thường!
Cờ Việt Nam trong một trận đá banh. Hình minh họa.

Đầu tiên là họ phải vượt qua được chính mình, các cám dỗ của cuộc sống vật chất chung quanh. Hồi xưa ai cũng nghèo như nhau. Đi hoạt động hiếm có ai mà có tiền. Ngày nay thì hoàn toàn khác. Đi hoạt động là một hy sinh lớn, một sự chọn lựa lắm rủi ro và đầy bất an.

Kế đến là phải vượt qua được những lo lắng và áp lực của gia đình. Đây là cửa ải lớn nhất, khó khăn nhất đối với các bạn. Đại đa số các bạn đều phải vượt qua các áp lực này, hoặc nếu không qua nỗi thì tìm cách dấu gia đình và hy vọng một ngày nào đó gia đình đành phải chấp nhận. Nỗi lo bị an ninh biết những hoạt động của các bạn chưa chắc lớn bằng nỗi lo canh cánh về bố mẹ có hiểu, chấp nhận, khoan nói đến hỗ trợ các việc làm của mình? Hay bố mẹ sẽ tìm mọi cách cản trở, kể cả các hình thức dọa nạt, tống tiền bằng tình cảm (emotional blackmail)?

Sau cùng là va chạm thực tế. Dù có lý tưởng cao cả, các bạn sẽ sống ra sao? Sẽ làm gì vừa để sinh nhai vừa hoạt động? Nếu hoạt động thì lấy gì để sinh nhai? Nếu sinh nhai thì làm sao hoạt động cho hiệu quả? Còn nếu làm cả hai thì chẳng gì ra gì, họ biết vậy!

Nhìn chung quanh ai cũng chạy theo đồng tiền. Ai cũng “thực tế”. Còn các bạn, chỉ bất nhiêu người làm sao thay đổi được gì?

Những câu hỏi này, tuy các bạn không có câu trả lời, nhưng tâm hồn và tấm lòng cứ kêu gọi các bạn tiến tới. Nó không ngừng thúc dục. Tôi thương mến và khâm phục các bạn quá.

Trong cuộc trao đổi mới đây với bạn Minh Tâm, một nhà hoạt động tại Việt Nam, tôi hỏi bạn nghĩ sao về các phong trào và các tổ chức đấu tranh tại hải ngoại? Bạn nói rằng thú thật với anh, nói ra thì xúc phạm và có thể làm anh và người khác buồn, nhưng em thấy “phong trào bên ngoài chẳng ăn nhập gì với trong nước”. Tôi hỏi thêm bao nhiêu điều và Minh Tâm chia sẻ thêm như sau:

“Vấn đề của người Việt Nam cũng không phải phức tạp gì lắm anh ạ.

Thật ra thì không phải người Việt trong nước họ không biết, mà họ sợ, rồi nó thành mãn tính, cho nên họ chỉ biết lo cho thân của họ trước.




Kế đến, họ cứ nghĩ chống đối là bị bắt ..., nhưng thực tế không phải như thế. Mình làm sao giúp cho họ thấy và biết nhiều cách khác nhau để họ tham gia.

Rồi sau đó dần dần kết nối họ lại với nhau.

Nhưng để làm như thế thì cần có khả năng thuyết phục.

Tuy nhiên phong trào đấu tranh đa phần, không phải là tất cả, chỉ biết chửi bới. Ngoài ra thì vẫn có tư duy tự cho mình là tinh hoa, và muốn lãnh đạo người khác. Thêm vào đó, họ kêu người trong nước thay đổi tư duy, từ bỏ cái tôi, mà họ lai không từ bỏ cái tôi của mình để tạo ra cái tôi mới với người trong nước. Sau cùng họ đặt nặng vào hình thức, chấp vào thể thức, hơn là thực sự muốn dân chủ tự do cho Việt Nam. Em có cảm tưởng nhiều người vẫn muốn đấu tranh cho cái nền dân chủ tự do của trước năm 1975, trong khi dân chủ đã tiến rất xa rồi.

Còn những người có nhân cách tại Việt Nam họ thấy những người khác không bằng họ nên họ không tin và thậm chí coi thường.

Cho nên những người hoạt động trước tiên phải trở thành người đàng hoàng.

Rồi làm các công việc thiết thực.

Thì sẽ dần dần mang lại thay đổi.

Chứ em thấy 45 năm rồi, có hàng trăm tổ chức bên ngoài, bỏ biết bao nhiêu tiền và sức lực, nhưng có thực sự tạo ra sự thay đổi gì không? Trong nước có mấy ai biết đến họ không? Hay chỉ là đấu tranh cho thỏa nỗi hận của mình?...”

Những lời nói thật lòng của Minh Tâm, dù có thể khó nghe đối với nhiều người, đã làm tôi suy nghĩ nhiều.

“Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Đã 45 năm rồi, đã đến lúc chúng ta cần chăm chú lắng nghe bằng hai lỗ tai, bằng tấm lòng thành, bằng tình thương, sự đồng cảm và sự tôn trọng ý kiến của mỗi và mọi thành viên có tấm lòng cho Việt Nam, dù họ có trẻ đến mấy. Dù họ chỉ mới 15 hay 18 tuổi, 30 hay 35 tuổi. Tự do ngôn luận của mỗi người phải được tôn trọng phải không ạ? Trên hết, họ đáng được kính trọng và trân quý bởi vì sự dấn thân và hy sinh của họ, ít có ai trong chúng ta ở hải ngoại hiểu thấu được.

Tôi cũng thực hiện một cuộc khảo sát rộng hơn, tuy vẫn còn giới hạn, với các nhà hoạt động tại Việt Nam cũng như các bạn trẻ trong và ngoài nước. Tôi sẽ trình bày những suy tư và ý kiến thẳng thắn của các bạn trong các bài tới.


© Phạm Phú Khải
    Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad