Bữa tiệc kinh tế và gọng kìm Trung Quốc đối với Việt Nam - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Bữa tiệc kinh tế và gọng kìm Trung Quốc đối với Việt Nam


Hành vi của Trung Quốc gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng đến chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc lâu dài của Việt Nam.


Các tàu nạo vét của Trung Quốc được trông thấy ở vùng nước gần Đá Chữ Thập - hình ảnh do máy bay giám sát của Hải Quân Hoa Kỳ chụp hồi tháng 5/2015 /Reuters

Tin tức nói Trung Quốc vừa công bố thành lập hai huyện đảo trên Biển Đông, để kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Huyện Nam Sa có cơ quan hành chính đặt trên Đá Chữ Thập mà nước này gọi là Vĩnh Thử trong Quần đảo Trường Sa, còn huyện Tây Sa đặt trụ sở hành chính tại đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa.

Nhìn lại lịch sử 'lấn dần' của TQ

Từ năm 1974 Trung Quốc đã đem quân tấn công chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Trong các năm tiếp theo Trung Quốc tiếp tục chiếm thêm các đảo ở Trường Sa mà chính phủ Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Từ đó đến nay Trung Quốc liên tục bồi đắp cải tạo, xây dựng các công trình, tổ chức các hoạt động dân sự, tiến tới thiết lập các đơn vị hành chính để quản lý.

Việc này, theo quan điểm của tôi, bản thân nó là một bằng chứng cho thấy các vùng lãnh thổ này không phải là vùng lãnh nguyên của Trung Quốc, không phải là lãnh thổ đã có từ lâu đời, mà là vùng mới chiếm.

Chính vì mới có cho nên đến nay mới thành lập thêm đơn vị hành chính có tên gọi để quản lý.




Hành động này là một bước leo thang củng cố chủ quyền và quyết tâm chiếm đoạt của phía Trung Quốc.

Nhưng luật pháp và công lý không đứng về phía họ.

Kể từ Hòa ước Westphalia năm 1648, luật pháp quốc tế bước đầu được gây dựng, các quốc gia dân tộc trở thành đơn vị thành viên trong quan hệ quốc tế.

Từ đó đến nay, trải qua các cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai, luật pháp quốc tế ngày càng được xây dựng hoàn thiện và củng cố.

Các quốc gia phải hành xử tuân theo thông lệ tập quán, quy ước và luật pháp quốc tế.

Bởi đó, từ khi nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 đến nay, luật pháp quốc tế đã có rồi, quãng thời gian đó đến nay Trung Quốc không phải đang sống trong một môi trường hoang dã vô pháp.

Việc chiếm đoạt lãnh thổ bằng bạo lực không là căn cứ hợp pháp để xác lập chủ quyền cho phía Trung Quốc.

Luật pháp quốc tế sẽ không chấp nhận điều đó.

Bởi nếu chấp nhận như thế thì thế giới sẽ là vô trật tự, mạnh được yếu thua, chính trị cường quyền, cá lớn nuốt cá bé.

Sau khi dân sự hóa các hoạt động phía Trung Quốc đã, đang và sẽ tiến thêm các bước là đòi hỏi có quyền được hưởng quy chế EEZ và thềm lục địa 200 hải lý như lãnh thổ đất liền.

Theo đó phía Trung Quốc sẽ chiếm quyền quản lý các vùng biển xung quanh đảo, không cho phép đánh bắt cá, tàu hàng đi ngang qua phải xin phép, không được khai thác dầu khí dưới lòng đất.

Với tính chất địa hình của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc khi đó sẽ bao quát và chiếm trọn biển Đông.

Rồi phía Trung Quốc sẽ đòi thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên bầu trời, buộc các máy bay đi ngang biển Đông sẽ phải khai báo xin phép của phía Trung Quốc.




Hành vi của Trung Quốc gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng đến chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc lâu dài của Việt Nam.

Theo tôi, căn cứ theo luật pháp quốc tế và thực tế sự việc, chính phủ Việt Nam cần tuyên bố phản đối và lên án hành vi phi pháp của phía Trung Quốc.
Bản quyền hình ảnh Other


Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát đảo Phú Lâm từ năm 1956

Yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, khôi phục lại tình trạng các đảo như trước khi bị chiếm, giao trả lại Việt Nam các đảo đã chiếm ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Chính sách gọng kìm

Trong cuốn Hồi ký của ông Lý Quang Diệu, khi nói đến mối quan hệ Trung Quốc và Việt Nam, ông có nói một đại ý rằng các lãnh đạo Trung Quốc sẽ luôn kiềm chế Việt Nam.

Kiềm chế ở đây không phải là ở sự hung hăng bạo lực gây hấn mà nội dung kiềm chế ở sự phát triển và kiểm soát vâng phục.




Từ lâu nay phía Trung Quốc đã thực hiện một chính sách đầy chủ ý và đạt được sự hợp tác từ phía Việt Nam trong kết giao về kinh tế, phía Việt Nam được cung cấp nguồn nguyên phụ liệu cho gia công xuất khẩu và nguồn hàng tiêu dùng đủ các thể loại.

Trung Quốc cũng là thị trường lớn tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản chưa qua chế biến và khoáng sản của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam được cho dự phần vào bữa tiệc kinh tế thịnh vượng mà Trung Quốc tạo ra được, một thị trường tiêu thụ lớn, một tầng lớp trung lưu chi nhiều tiền cho du lịch, qua đó một loạt doanh nghiệp cỡ lớn của Việt Nam cũng phát triển theo.

Nhưng khác với mối quan hệ giữa hai thị trường liền nhau như Mỹ và Mexico, một nền kinh tế bé được hưởng lợi bên cạnh một nền kinh tế lớn, phía Mỹ không có dã tâm về lãnh thổ và là người tạo lập luật chơi công bằng.

Còn mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, bằng cách sử dụng mối liên kết kinh tế và dòng chảy thương mại vốn là sự tất yếu khách quan giữa hai nước liền kề, lãnh đạo Trung Quốc nắm được trong tay cầu dao ngắt nhịp dòng chảy thương mại, tạo ra sự phát triển hoặc ngưng trệ cho phía Việt Nam.

Đó là cách để tạo ra sự phụ thuộc và vâng phục.

Nhưng điều đó vẫn còn chưa đủ.

Hiện nay Trung Quốc đang có tham vọng thực hiện giấc mộng lớn.

Họ muốn Việt Nam trở thành một dạng như nguyên vật liệu để xây dựng công trình nước lớn của họ.

Điều đó không tránh khỏi khiến Việt Nam không còn nguyên trạng là mình, và lâm vào trình trạng bị nhào nặn bóp vỡ vụn để Trung Quốc xây dựng giấc mộng.

Hiện nay, có thể hình dung Trung Quốc đang thực hiện chính sách gọng kìm lấy sức bóp vỡ vụn Việt Nam.




Việt Nam bị tác động cả mặt phía Đông hướng ra biển và mặt phía Nam.

Ở Biển Đông Trung Quốc coi đó là vùng biển lãnh thổ của họ, gần như đang thực hiện chính sách phong tỏa đối với Việt Nam.

Họ bắt tàu ngư dân Việt Nam, không cho Việt Nam khai thác dầu khí, các tàu hải quân của Việt Nam tiến ra Biển Đông rất có thể sẽ trở thành mục tiêu tấn công của hải quân Trung Quốc.


Trung Quốc đã tổ chức chuyến bay dân sự đầu tiên hôm 06/01/2016,đưa người ra thăm Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) sau khi tôn tạo, xây cất đường băng dài ở đây/Xinhua

Trung Quốc cũng phát triển một mạng lưới đập thủy điện dày đặc để thực hiện tham vọng kinh tế nông nghiệp, một việc làm tất yếu khiến các nước khác cũng làm theo để có được nước. Điều này dẫn đến hệ quả người thụ hưởng cuối dòng là đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam bị cạn trơ đáy, không còn nước, không còn phù sa bên lở bên bồi.

Không còn mùa nước nổi về với đầy ắp cá tôm cây trái, những hình ảnh thơ ca nhạc họa về một vùng đất phì nhiêu trù phú sẽ chỉ còn trong quá khứ.

Mấy chục triệu dân Việt bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sinh kế.




Việt Nam sẽ bị bóp vỡ vụn bởi hai gọng kìm tác động đó từ cả phía Đông và phía Nam.

Ý thức hệ cộng sản chung nhau có giúp được gì?

Từ lâu nay nhiều người có quan điểm rằng lãnh đạo Trung Quốc sẽ không hành xử quá đáng với Việt Nam để khỏi bị mất đi một nước cộng sản anh em cùng chung phe hiện còn ít ỏi thành viên.

Nhưng nhận thức này đến nay cần phải xem xét lại.

Cần phải xác định rằng phía Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển giấc mộng Trung Hoa của họ lên cao nhất.

Và nếu Việt Nam là một rào cản chướng ngại thì họ sẽ dẹp bỏ ngay.

Trong trường hợp Việt Nam bị vỡ thì chính lãnh đạo Trung Quốc sẽ nói với người dân nước họ rằng điều đó chẳng quan trọng, đó chính là hành động chủ động của Trung Quốc và là bằng chứng cho thấy lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển quốc gia cao hơn ý thức hệ.

Bằng cách đó họ sẽ khẳng định với dân chúng rằng đối với lãnh đạo Trung Quốc không có gì lớn hơn lợi ích dân tộc.



Cũng đừng quên rằng lâu nay Bắc Kinh đã xây dựng một chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc riêng của họ.

Theo đó, một nước Việt Nam chậm tiến lạc hậu chẳng có lợi gì về hình ảnh khi gắn với một Trung Quốc thịnh vượng vĩ đại.

Bởi người ta sẽ đặt nghi ngờ về tính đúng đắn của chủ thuyết phát triển nếu hỏi Việt Nam cũng đường lối đó tại sao lại thế?

Cho nên những nhận thức chủ quan có khi sẽ phải trả giá đắt.

Cũng đừng ai nghĩ rằng nếu Việt Nam thay đổi thì Trung Quốc sẽ mất đi vai trò khả năng chi phối đối với Việt Nam.

Ngược lại cho dù tương lai Việt Nam ra sao, thì Trung Quốc vẫn tìm cách gây ảnh hưởng tác động tới Việt Nam, đó đã là đặc tính dân tộc của phía họ rồi và vì Việt Nam là láng giềng sát cạnh.

Cho nên hiện nay, với những gì đang diễn ra, với những tập quán nhận thức từ lâu không có sự thay đổi, lãnh đạo Trung Quốc đang chịu áp lực lớn về sự suy thoái kinh tế, sụt giảm uy tín quốc tế và niềm tin dân chúng.

Khi đó không loại trừ khả năng họ sẽ coi Việt Nam là mục tiêu phải bóp vỡ, nhằm tạo ra một tình thế trạng thái nhận thức có lợi cho lãnh đạo nước họ ở trong quốc nội.


© Ngô Ngọc Trai
    BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad