Cố Tướng Lê Minh Đảo: Bỏ Xuân Lộc sẽ ‘không có cộng đồng tị nạn’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Cố Tướng Lê Minh Đảo: Bỏ Xuân Lộc sẽ ‘không có cộng đồng tị nạn’



Di ảnh tướng Lê Minh Đảo: Cố Tướng Lê Minh Đảo: Bỏ Xuân Lộc sẽ ‘không có cộng đồng tị nạn’

Những ngày này 45 năm về trước, một trong những trận chiến vẻ vang cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đang diễn ra ở Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh dưới sự chỉ huy của Tướng Lê Minh Đảo. Ông Đảo vừa qua đời ở Hoa Kỳ hưởng thọ 87 tuổi ngay trước khi gần tròn 27 năm sang tị nạn tại nước từng là chỗ dựa của Việt Nam Cộng Hoà. Trước đó ông đã bị cầm tù tới 17 năm ở Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30/4/1975.

Tướng Đảo chỉ huy Sư đoàn 18 và một số lực lượng khác giữ Xuân Lộc từ ngày 8-21/4 trước khi được lệnh về trấn giữ Biên Hoà. Trước hàng rào phòng thủ hiệu quả ở Xuân Lộc, lực lượng Bắc Việt Nam đã không thể nhanh chóng tiến vào Sài Gòn. Trả lời phỏng vấn VieTV nhân dịp kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh cách đây ba năm, Tướng Đảo nói:

“Chúng tôi đã hy sinh để chúng ta có cộng đồng người Việt ở đây này… Long Khánh giữ 12 ngày để cho Sài Gòn có thời giờ đi được chừng nào tốt chừng đấy và để cho Chính phủ Mỹ họ có quyết định cho một trăm mười mấy ngàn hay một trăm ba chục ngàn người Đông Dương được tị nạn ở Mỹ và nó làm tiền đề cho làn sóng tị nạn sau này.

“Giả sử nếu ngày tám tây [tháng Tư] chúng tôi rút, Sài Gòn 12, 13 tây nó vô rồi thì sẽ giống như Đà Nẵng, còn tàn khốc hơn Đà Nẵng và chúng ta sẽ không có cộng đồng tị nạn chính danh như ở bên đây bây giờ đâu. Tôi không nghĩ tới cái đó đâu, tôi chỉ nghĩ tôi làm nhiệm vụ của tôi, vì cái thế chính trị ở sau lưng mình mình không biết, nhưng nó đã xảy ra như vậy.




Ông Đảo cũng nói thêm có cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và các nơi khác như hiện nay cũng là công của những người lính Việt Nam Cộng Hoà khác, những người đã “làm hết sức” để kháng cự tới ngày 30/4.

Khi được hỏi về quyết định ở lại chiến đấu tới cùng và cũng không để vợ và chín người con đi di tản, ông nói với người dẫn chương trình:

“Đau lòng chứ anh… nhưng mà tôi quyết định đúng mà. Mà tôi thấy là tôi có lời. Tôi có lời để cho con tôi có legacy, nó nói ‘ông già tao ông giữ tao lại, tụi tao khổ sở, năm năm ở trong chế độ cộng sản, tụi tao chốn chui chốn nhủi, tụi tao bị bắt lên bắt xuống sáu lần, bây giờ tao qua’. Tự hào chớ, vỗ ngực ‘tao là người vượt biên mà’.

“Nhưng khi mà năm 79 tôi nghe là con tôi đi được, tôi giống như người đàn bà mà chẳng hạn mang nặng đẻ đau rồi đẻ cái ruột mà bây giờ tôi khoẻ ru. Nó sung sướng. Thành ra trong cái rủi nó cũng nó những niềm sung sướng. Tới giờ này mà tôi có nhắm mắt tôi chết tôi cũng yêu thương cuộc đời này. Cuộc đời nó khổ sở nhưng dầu sao cuộc đời cũng làm cho tôi trở thành một con người thật sự.

Trận Xuân Lộc

Nói về trận Xuân Lộc trong cùng một phỏng vấn với VIETV Canada cách đây ba năm, Tướng Đảo nói: “Tuy nó có 12 ngày thôi nhưng nó đổi dữ lắm. Ban đầu một tụi tôi chống ba. Lần lần một tụi tôi chống năm. Có những lúc một chống ba, chống năm đó, có những đơn vị chúng tôi chống năm, có những đơn vị phải chống mười ấy. Và cái cấp chỉ huy, bộ chỉ huy của tụi cộng sản, cũng thay đổi hai lần [Tướng Trần Văn Trà thay Tướng Hoàng Cầm chỉ huy lực lượng Bắc Việt ở Xuân Lộc].

“Tương quan lực lượng thì lúc đầu nó có ba sư đoàn, 341, sư đoàn, 6, sư đoàn 7 cộng thêm với sư đoàn tăng. Rồi chung lại tất cả đến giờ chót trong trận đấy thì chúng ta thấy ngoài ba sư đoàn đó ra nó đưa tăng cường thêm trung đoàn biệt lập 95… và ngoài kia hỗ trợ đưa lên đây đánh là sư đoàn 325. Còn ngoài đó ra còn nguyên một sư đoàn pháo, gồm pháo 130 ly, pháo 122 ly và pháo phòng không, và một trung đoàn chiến xa, xe tăng của chúng nó, và các đơn vị đặc công, tình báo họ tung vào.




“Còn tương quan lực lượng chúng tôi lúc đầu chúng tôi chỉ có một sư đoàn trừ thôi, cộng với địa phương quân, nghĩa quân, số của mấy tiểu đoàn ở Long Khánh. Bởi vì lúc đó Tư lệnh quân đoàn [III] là ông [Nguyễn Văn] Toàn, ông ấy lấy của tôi hết một trung đoàn, trung đoàn 48, để ông ấy đưa yểm trợ cho sư đoàn 25, ở bên kia, sư đoàn 5 và sư đoàn 25, tôi xin về, về không kịp. Sau tôi phải dùng mọi cách tôi nói cái chỗ này ông phải đưa tôi giữ con đường Núi Chứa Chan đi về dưới Long Khánh, phải có một trung đoàn chặn ở đấy, thì ông mới trả. Đến sau năm ngày thì có một cái lữ đoàn dù, ông [Toàn] ấy thấy tình hình rồi ông ấy mới đưa chiến đoàn dù của lữ đoàn I gồm có ba tiểu đoàn và một tiểu đoàn nữa tăng cường.”

Chính truyền thông của ‘Bên Thắng Cuộc’ cũng thừa nhận họ đã không đạt được mục tiêu họ muốn trong trận Xuân Lộc hồi tháng 4/1975 và buộc phải có những “cách đánh mới”. Tướng Đảo giải thích lý do cho những thất bại của phía Bắc Việt ở Xuân Lộc:

“Trong phòng thủ, nếu mình có lợi thế phòng thủ, một mình có thể đánh tới bốn, tới ba… Đối với cái này tôi chuẩn bị đất đai đó rồi. Tôi nói có bao nhiêu đó chứ nếu nó vô nữa tôi cũng đánh được bởi tôi lợi thế hơn mà. Cái thứ hai nữa là cái sự quyết tâm của mình, mình đánh. Tôi chuẩn bị địa thế rất tốt.

“Đối với thằng cộng sản đó, đừng đánh theo uy lực của nó, anh đánh theo uy lực của nó là anh thua. Anh đánh cái gì mà cái uy lực của nó không đoán được, không ngờ được, anh đánh, thì anh mới thắng nó. Đầu tiên nó [muốn] tiêu diệt pháo, nhưng tôi đưa pháo ra ngoài tôi bắn vô. Ví dụ chẳng hạn như vậy. Nó có uy lực là tôi sẽ lúng túng với vấn đề dân chúng với lại gia binh này kia, tôi đưa đi trước hết rồi. Bãi đó là bãi chiến trường mà tôi biết cái nút chặn đó nó không thể nào nó đi khỏi cái nút đó được. Nó không thể nào đi khỏi quốc lộ I và quốc lộ 20 để nó về Sài Gòn.”

Ông Đảo nói ông đã để pháo rải rác ở các nơi cao cũng như đào nơi cất pháo, chỉ khi nào cần dùng mới kéo lên khiến lực lượng Bắc Việt “tìm không ra”. Về chỉ huy, ông Đảo cũng nói ông có ba bộ chỉ huy khác nhau để phòng trường hợp bị tê liệt. Tướng Đảo nói không những ông có một kế hoạch phòng thủ “bất ngờ và sáng tạo”, ông còn có những người lính có khả năng thực hiện tốt kế hoạch đó kể cả khi được lệnh rút khỏi Xuân Lộc để về bảo vệ Biên Hoà:




“Đây là điểm son… của lính Việt Nam Cộng Hoà mình. Hồi nào giờ họ có rút ban đêm đâu mà giờ họ rút ban đêm. Tôi nói trong những trận đánh đối với tôi, yếu tố mà có thể nói mà thành công đó là sự bình tĩnh, đừng có vấn đề hỗn loạn. Rút quân ban đêm vậy, bình tĩnh, phải có lớp có lang.

“Đánh cũng vậy, nó pháo kệ nó, một ngày nó [bắn] tôi 2.000 quả. Nhưng tôi để nó pháo. Bởi vì nó pháo, nó vô trong thành phố không, quân tôi nằm ở rìa hết. Mà anh biết càng lâu ở ngoài kia càng mất là tôi càng đào hố công sự của tôi càng vững chắc. Khi nó vào, nó vô nó đụng cái đó, nó pháo nó tưởng chết nó nhào vô tính lượm súng tôi thì nó đụng cái hàng của mình kháng cự, nó nằm tại chỗ. Mà khi nó nằm tại chỗ, các hoả tập của tôi, tôi để sẵn rồi, nằm ở đó là tôi rót vô… Tôi gọi đó là cái lò nướng thịt. Nội trong năm ngày đầu nó tấn công ba bốn lần là tôi đã loại nó ra một sư đoàn rưỡi rồi.”

Tướng Đảo nói ông được lệnh rút khỏi Long Khánh để về giữ Biên Hoà sau khi Phan Rang thất thủ dù ông không muốn rút quân: “Tôi đâu có muốn rút. Đánh khó lắm, đánh mà mình rút dở chừng hỗn loạn thì sao? Nhưng mà mình sư đoàn phải nghe lệnh của quân đoàn.”

Tướng Đảo cũng nói thế trận có thể hoàn toàn khác nếu quân lực Việt Nam Cộng hoà “ở đâu cứ ở đó” sau khi mất Ban Mê Thuột bởi nếu làm vậy Quân đoàn I và Quân đoàn II sẽ không tan rã. Ông nói sau này khi bị cầm tù 17 năm, những người cộng sản đã hỏi ông: “Tại sao các anh thua lẹ vậy?”.

Dân biểu Hoa Kỳ Harley Rouda hồi đầu tháng này đã có thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi để vinh danh “anh hùng” Lê Minh Đảo, người đã chứng tỏ “tài chỉ huy quân sự lỗi lạc” trong trận Xuân Lộc. Tướng Đảo cũng là một trong những tướng lãnh bị phe cộng sản cầm tù lâu nhất sau tháng 4/1975.


© Nguyễn Hùng
    Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad