Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Công an huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, đang điều tra vụ xô xát cũng như hành động nổ súng của thượng úy công an Đinh Hoàng Nam. Lãnh đạo công an huyện này trần tình rằng, "Việc nổ súng là ngăn chặn hậu quả xảy ra, dư luận cũng đồng tình. Clip trên mạng phản ánh sự việc rất khách quan".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến về vụ việc:
“Pháp luật bây giờ cho phép sử dụng công nghệ thông tin làm chứng cứ. Chứng cứ ở đây là những hình ảnh được quay lại.
Tôi nghĩ rằng qua điều tra nếu thấy vi phạm việc sử dụng công cụ hỗ trợ không có giấy phép theo luật thì sẽ bị xử lý. Về phía công an, việc bắn chỉ thiên có thể đúng, có thể vi phạm. Theo quan điểm của tôi nếu bắn để tự vệ thì được. Để coi phía công an điều tra ra sao. Nếu công an vi phạm thì phải xử lý theo luật công an nhân dân.
Đậy không phải là trường hợp đầu tiên. Đã có nhiều trường hợp trước đây bị xử lý theo quy định pháp luật. Vụ này đã đưa rộng rãi trên cộng đồng mạng. Về mặt pháp lý thì cho dù anh là ai cũng bị xử lý theo pháp luật thôi.”
Một trong những vụ công an bắn chết dân bị đem ra xét xử là vụ công an Nguyễn Tấn Phước dùng súng bắn chết người vào đầu năm 2018.
Sáng 29 tháng 11 năm 2019, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử ông Nguyễn Tấn Phước, nguyên Trung úy, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai về tội “Giết người" và "Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Tòa đã tuyên phạt ông Nguyễn Tấn Phước 15 năm tù về tội “Giết người”; 3 năm tù về tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, tổng hình phạt là 18 năm tù.
Ngày 29 tháng 1 năm 2020, ông Lê Quốc Tuấn, một công an, đã mang súng AK giết chết 4 người tại sòng bạc ở huyện Củ Chi sau khi tham gia đá gà, đánh bạc từ sáng đến trưa, thua bạc và cự cãi với một số người.
Chiều ngày 14 tháng 2, đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó giám đốc Công an Tp.HCM xác nhận Lê Quốc Tuấn đã bị lực lượng công an triệt hạ tại một ngôi nhà hoang ở huyện Hóc Môn.
Cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang nói với RFA rằng ông thấy buồn vì những ứng xử như vậy của những người được gọi là ‘công an nhân dân’, nhưng ông không thấy lạ. Ông giải thích:
“Việc làm của những chiến sĩ công an trong ngành như vậy làm tôi trước hết thấy buồn và sốc. Điều này sẽ xảy ra không sớm thì muộn đối với một số cá nhân thôi vì công tác giáo dục chính trị tư tưởng không được chu toàn cho lắm.
Theo tôi thì dù có giáo dục tư tưởng chính trị bao nhiêu chăng nữa mà luật pháp không nghiêm thì người ta vẫn coi thường kỷ luật và dẫn đến tình trạng mất hiệu nghiệm.”
Dù đã có pháp lệnh, nghị định được ban hành về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhưng vẫn có những trường hợp công an sử dụng sai mục đích.
Cụ thể, điều 22 pháp lệnh năm 2011 quy định rõ rằng, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền nhận định:
“Việc lạm quyền của công an mang tính hệ thống và từ nhiều năm nay, có lẽ là từ khi được thành lập, vì chế độ cộng sản coi lực lượng công an là thanh kiếm bảo vệ chế độ. Do vậy, cho lực lượng này quá nhiều quyền và không có luật kiểm soát lực lượng này.
Ngoại trừ quân đội, không có lực lượng nào có thể đối trọng với lực lượng công an.
Sự lạm quyền của công an bao gồm cả dùng súng để đối phó với nhóm người không vũ trang trong nhiều trường hợp, và đã gây ra nhiều hậu quả đau lòng, nhưng những kẻ gây ra tội ác, ở đây là những sĩ quan công an, thường không bị trừng phạt, hay bị kỷ luật ở mức nhẹ, không tương thích với tội mà họ gây ra như trong luật quy định.”
Tuy nhưng năm gần đây đã có những vụ công an gây thiệt mạng cho người dân bị đem ra xét xử theo pháp luật và lãnh án tù nặng nề, nhưng cũng có những vụ bị người dân cho là có bao che.
Một trong những vụ án gây xôn xao dư luận là vụ ông Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên bị công an đánh chết tại đồn công an.
Người ta đặc biệt chú ý vì đây là vụ án xử 5 viên công an đánh dân đến chết nhưng chỉ có một người bị Viện Kiểm sát đề nghị bản án 5 năm tù giam. Bốn người còn lại cho hưởng án treo.
Một vụ các lực lượng bảo vệ luật pháp lại bắn chết dân xảy ra vào đầu năm nay được truyền thông quốc tế lên tiếng rất nhiều, đó là vụ ông Lê Đình Kình.
Ông Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất Đồng Tâm, đã bị bắn chết vào ngày 9 tháng 1 năm 2020, khi hàng ngàn cảnh sát cơ động được điều đến làng Hoành, xã Đồng Tâm để bảo vệ các mục tiêu khi xây dựng hàng rào sân bay Miếu Môn cách đó khoảng hơn 3 km.
Vào ngày 3 tháng 3 năm 2020, bà Dư Thị Thành, vợ góa của ông Lê Đình Kình chính thức làm Đơn Tố Giác Tội Phạm gửi đến một số cơ quan chức năng yêu cầu điều tra, làm rõ hành vi giết người theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với chồng bà.
Tuy vậy gần trọn 100 ngày vụ việc xảy ra, người làm đơn tố giác tội phạm không những không được phúc đáp, mà ngược lại thân nhân của người bị giết còn bị sách nhiễu, đe dọa như trình bày của họ với những người quan tâm.
Diễm Thi
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét