Người Việt hải ngoại làm công tác thiện nguyện tại Việt Nam từ sau 1975 đến nay - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

Người Việt hải ngoại làm công tác thiện nguyện tại Việt Nam từ sau 1975 đến nay



Hình minh hoạ. Một tình nguyện viên người nước ngoài chơi với trẻ em bị hở hàm ếch đang chờ phẫu thuận ở bệnh viện Việt Nam Cuba tại Hà Nội hôm 18/11/2020


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Một trong những nhóm thiện nguyện của người Việt ở nước ngoài, ra đời trong hoàn cảnh khá sớm, là tổ chức Avenir Măng Non ở Pháp. Sáng lập và điều hành Avenir Măng Non từ năm 1994, một năm 2 lần về Việt Nam, bà Hồ Quì cho biết:

“ Mục tiêu của Avenir Măng Non là giáo dục, đối tượng là thầy cô có thu nhập thấp và các em học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Ngoài học bổng, mình còn kiếm người bảo trợ để giúp các em đi học, không còn là gánh nặng cho gia đình”

Từ lúc thành lập đến nay, hơn 1.100 học sinh, sinh viên nghèo đã được Avenir Măng Non giúp đỡ:

“Quan trọng nhất là có hơn 250 em đã tốt nghiệp đại học và đã có việc làm. Hiện giờ, ngoài việc cấp học bổng cho 10 trường nghèo ở Hà Tĩnh, mỗi trường cấp cho 50 em, hơn 400 em đã được chúng tôi tìm người bảo trợ để đi học đến nơi đến chốn.

“Học sinh tiểu học và trung học thì chúng tôi giúp rất đầy đủ, riêng sinh viên vì học phí cao, trung bình một năm từ 700 cho đến 1.200 Euro tùy theo trường. Đó là chưa kể vì các em ở làng quê ra tỉnh học vừa tốn tiền ăn ở vừa học phí, nếu muốn đạt mục đích thì chúng tôi phải kiếm tiền thật nhiều. Một hội nhỏ, sức người có hạn, sự đóng góp cũng càng ngày càng yếu đi, chúng tôi cố gắng tới đâu hay tới đó vậy thôi”.



Hình minh hoạt. Hoạt động của hội thiện nguyện Avenir Măng Non ở Việt Nam Courtesy of FB Avenir Măng Non
So với chừng mười mấy hội thiện nguyện của người Việt ở tại Pháp như Avenir Măng Non hay AVNESS sau này, con số các tổ chức thiện nguyện ở Mỹ nhiều hơn và đa dạng hơn.

Năm 1994, tổ chức Abandoned Little Angels, Những Thiên Thần Nhỏ Bị Bỏ Rơi, được thành lập tại thành phố Houston, tiểu bang Texas. Bà Tú Chung, người khởi xướng Abandoned Little Angels, cho biết đối tượng là những trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ hè phố, trẻ từ làng quê ra tỉnh kiếm sống, trẻ Việt Nam từ Kampuchia chạy về không có giấy tờ. Đây là những thành phần dễ bị tổn thương, dễ bị lạm dụng nhất, được Abandoned Little Angels tiếp cận và đưa về các nhà trẻ, nhà cô nhi của các cơ sở tôn giáo. Những em nhỏ thuộc các gia đình dân tộc nghèo khó cũng được chiếu cố:

“Trước đây có 60 địa điểm, bây giờ chỉ còn 38 địa điểm, được liên tục giúp đỡ từ 1994 đến giờ” .

Trong 26 năm qua, hội đã đến với Cái Sắn, Kiên Giang, Cà Mau, Mỹ Tho, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Hố Nai, Biên Hòa, Củ Chi. Tại Gò Vấp là một nhà khuyết tật do các Xơ phụ trách. Ban Mê Thuột có 2 nhà, một của các Xơ dòng Saint Paul với gần 200 em và một nhà hoàn toàn các em tàn tật, bại não, chậm phát triển, được các Xơ Nữ Vương Hòa Bình coi sóc.




Tại Pleiku có một nhà mồ côi khuyết tật và một nhà hoàn toàn khuyết tật. Kontum cũng có 3 nhà đa số là trẻ mồ côi, mỗi nhà trên 200 em. Ở Dak Tô có một nhà do các Xơ Saint Paul chăm sóc. Miền Bắc có 2 nhà ở Bắc Ninh, một nhà ở Lạng Sơn và một nhà ở Hà Nội.

Hiệu quả công việc của hội được bà Tú Chung đánh giá là sự an toàn và sự tiến bộ của những trẻ từng không có nơi nương tựa:

“ Được chăm sóc kỹ càng hơn , được yêu thương nhiều hơn cho nên các em tiến bộ. Bây giờ còn gần 3.000 em, có một số em người thiểu số mà 2 em là bác sĩ. Cũng có em là cô giáo, em là y tá. Em nào thi đậu vào Đại Học, Trường Điều Dưỡng hay Trường Y Khoa thì hội tiếp tục giúp cho đến khi các em ra trường”

“Các em câm điếc có thể học computer, học vẽ, học may. Các em gái thì học uốn tóc, học trang điểm cho cô dâu, có em học nhạc. Nếu ở buôn làng không thì làm sao mà có thể trở thành những người như vậy được”

“Cách đây 2 năm Hội có được chương trình dạy Anh văn, có một ân nhân đặc biệt bảo trợ cho chương trình này. Nếu các em không học được lên cao nhưng nói được một ít tiếng Anh thì các em có thể giúp việc trong những gia đình ngoại quốc tới Việt Nam làm việc, có thể làm việc ở các khách sạn, các nhà hàng lớn”.

Qua bao năm hoạt động, bà Tú Chung nói tiếp, ước mơ của hội vẫn nguyên vẹn như lúc đầu:

“ Là giúp cho các em nên người có học vấn, nếu không được nhiều cũng vẫn là một người tốt, người đàng hoàng. Có những em ra đời rồi đã trở lại giúp nơi nhà mà các em ở trước đây. Điều mong ước của hội đã được như vậy.




Sau tháng Tư năm 1975, khi càng nhiều người Việt dọn về vùng nắng ấm California như một chốn dung thân lý tưởng, thì nhiều hội thiện nguyện lớn nhỏ, hơn kém cũng theo nhau mọc lên tại đây.

Năm 1996, Nam California biết đến Project Vietnam, tổ chức y khoa thiện nguyện qui tụ những bác sĩ chuyên môn Mỹ gốc Việt với những chuyến Medical Missions, tức công tác y tế, về trong nước mỗi năm.


Hình minh hoạ. Cha mẹ bế các em nhỏ bị hở hàm ếch chờ phẫu thuật tại bệnh viện Việt Nam Cuba ở Hà Nội hôm 18/11/2014 Reuters
Người khởi xướng Project Vietnam, bác sĩ Quỳnh Kiều, trình bày:

“ Khi về năm đầu tiên 1996 chúng tôi đánh giá trẻ em có dị tật bẩm sinh, thường gặp nhất là sứt môi hở hàm ếch, chưa được quan tâm hay ưu tiên của hệ thống y tế Việt Nam. Chúng tôi đã đem những chuyên gia phẫu thuật về,  số em được phẫu thuật  đã gần 3.000 rồi."

Không dừng lại ở đó, Project Vietnam còn thực hiện những công việc có tính cách chuyên môn hơn:

“ Là bác sĩ Nhi, cũng là một thành viên của Hàn Lâm Viện Y Khoa Hoa Kỳ, chúng tôi thấy Việt Nam có số tử vong sơ sinh cao, sức khỏe trẻ em cũng như  phát triển của trẻ chưa được tốt lắm. Chúng tôi đặt trọng tâm vào 3 việc là phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch và phẫu thuật về mắt, chăm sóc sức khỏe cộng đồng vùng sâu vùng xa, và thứ ba là đào tạo huấn luyện, chủ yếu về ngành Nhi”

“ Muốn thực hiện tất cả những mục tiêu đó thì mình phải làm việc với hệ thống y tế của Việt Nam, như vậy mới có hiệu quả. Chúng tôi phải có permit, phải chứng minh là mình có khả năng, có chuyên môn giống như ở bên này. Kể như là chúng tôi có license của chính phủ để có thể hoạt động”.




Theo bác sĩ Quỳnh Kiều, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là những chương trình đào tạo, huấn luyện:

“ Chúng tôi đã đào tạo liên tục, có thể coi như thành công thiết yếu nhất là cung cấp, đem những chương trình huấn luyện của Hàn Lâm Viện Y Khoa Hoa Kỳ về, nó trở thành tiêu chuẩn quốc gia rồi. Nhờ vậy mà nó đưa tử vong sơ sinh xuống 3% trên toàn quốc, kể như mỗi năm cứu được khoảng 50.000 trẻ em” .

Để có được kết quả như vậy thì tương tác, đối thoại, học hỏi là những yếu tố cần thiết. Tương tác thì các bác sĩ Mỹ gốc Việt luôn có thiện chí, còn đối thoại và học hỏi thì các y, bác sĩ Việt Nam không thiếu. Đó là tinh thần tìm thấy ở Việt Nam, bác sĩ Quỳnh Kiều kết luận.

Miền Nam California còn có Hội Bạn Người Cùi, thành lập năm 1995, luôn được sự ủng hộ của đồng hương bao năm qua. Một người trong ban quản trị Hội Bạn Người Cùi, bà Nguyễn Thị Soi cho biết:

“ Đa số đối tượng của mình là người phong cùi. Việt Nam có những người cùi ở trong các trại thành lập trước 1975, còn ở miền Bắc, miền cao nguyên, miền Tây thì đa số ở trong nhà, trong buôn làng riết vậy thôi. Người cùi trên vùng cao nguyên rất đông, cả mười mấy hai chục ngàn có. Mình phải nhờ qua dòng của các Xơ, danh sách các Xơ đưa ra rất chính xác. Miền Tây thì có các Xứ Công Giáo, các Xơ trong những xứ đó đều có danh sách của người cùi.  Hiện tại hội đang giúp 37 nơi, những nơi nào có báo cáo là hội giúp hết”.

Từ Nam ra Bắc, những nơi được Hội Bạn Người Cùi giúp đỡ gồm các trại cùi Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cù Lao Riêng, Cà Mau  ở miền Tây.

Kế đó, miền Trung với trại cùi Phan Rang, Tánh Linh ở  Bình Thuận, Can Tân, Phúc Đông, Xóm Nhỏ núi Sạn Nhà Trang, rồi trại phong Tuy Hòa, Qui Nhơn, làng phong Hòa Vân, Đà Nẵng.




Miền Nam, gần Sài Gòn là trại cùi Bến Sắn, Bình Dương, trại Bình Minh, Long Thành, trại Tân Mai, Biên Hòa, trại Tân Phước, Đồng Nai.

Miền Bắc có trại Thái Văn Môn, tỉnh Thái Bình, trai Quỳnh Lập ở Nghệ An, trại Cẩm Thủy ở Thanh Hóa…

“ Thiết thực nhất là tiền ăn cho họ mỗi tháng. Hiện tại hội giúp 13 USD cho mỗi một người, trên 4.000 người cùi thì mỗi tháng khoảng 50.000 Đô”

“ Nhà ở của người phong cùi rất là rách nát, hội phải giúp sửa cho họ. Thứ ba nữa là chân tay của người phong cùi không đều, cái ngắn cái dài mà họ cứ đi chân không như vậy. Hội phải kiếm xưởng đóng giày và đo chân để làm giày vừa cho họ nên số tiền cũng rất là cần. Những người cụt chân thì mình phải cho họ chân giả để họ đi, rồi cái cần thiết nữa là giúp con em của họ đi học”.

Đó chỉ là sơ lươc cảnh cùng khổ, khốn khó mà Hội Bạn Người Cùi chia sẻ. Thực tế nỗi đau không diễn tả được hết, bà Nguyễn Thị Soi kể. Thế nhưng phần thưởng đắt giá cho hội là nhìn thấy con cái người phong cùi không bị bệnh mà còn được học hành tử tế. Thậm chí nhiều em vào đại học, nhiều em có việc làm đàng hoàng.

Rời Nam California lên San Jose miền Bắc,  nơi có Friends Of  Huế Foundation, Hội Thiện Nguyện Thân Hữu Huế, thành lập năm 2003, có tôn chỉ hoạt động nhiều phần giống với Abandoned Little Angels ở Texas.

Luật sư Jenny Đỗ, mẹ của các em học sinh, sinh viên trong Friends Of Huế, cho biết đối tượng đầu tiên của Friends Of Huế bấy giờ là các em nhỏ bị mất cha mất mẹ trong trận lụt kinh hoàng năm 1999:




“ Qua một thời gian hoạt động thì mới thấy nhu cầu càng ngày càng thay đổi. Tình trạng các cháu nhỏ bị đem bán qua Lào, hoặc  tệ nạn xã hội, các cháu gặp cảnh ngặt nghèo, khó khăn và không có lối thoát thì mình phải đem các cháu về. Đến 2005 thì Jenny làm việc với East Meets West để xây một trung tâm khá lớn cho các em cơ nhở có nơi nương náu”

Không chỉ nuôi ăn nuôi mặc và cho đi học, chủ trương của Friends Of Huế là đào tạo những em trẻ có lòng nhân ái và tinh thần phục vụ xã hội. Các em được phân công để chăm sóc, đỡ đần khoảng 60  cụ già neo đơn mà Friends Of Huế đang hỗ trợ, gọi đó là Chương Trình Mệ:

“ Chương trình Mệ bắt cầu giữa hai thế hệ với nhau, các cháu được cảm giác là tạo niềm vui cho người khác thay vì chỉ chú tâm vào nhu cầu cá nhân”

“ Sau 20 năm hoạt động thì ngày hôm nay nhân viên cũng như lãnh đạo của trung tâm ở Huế là những cháu ngày xưa mình cứu vào thời 2003.

Sự thành công của Friends Of Huế dưới mắt cô giám đốc Jenny Đỗ là không em nào bỏ học, trên 25% vô Cao Học hoặc đậu vào Đại Học.


Hình minh hoạ. Một gia đình được nhận vào mái ấm Mai Tam của Hope For Tomorrow Courtesy of Hope for Tomorrow
Vùng Washington DC, mạn Đông Bắc nước Mỹ, không kém cạnh với các tổ chức thiện nguyện có chung mục đích là giúp bà con nghèo bên nhà. Hope For Tomorrow là một trong những tổ chức như vậy. Bác sĩ Phan Công Chương, một trong những người điều hành Hope For Tomorrow, kể rằng chuyến Medical Mission đầu tiên của hội năm 2005 là Campuchia chứ không phải Việt Nam:

“ Nhờ chuyến đi đó mình mới thấy những gì mình có thể giúp ở Việt Nam. Năm 2008, đặc biệt gặp một số các linh mục dòng Camillus chủ trương giúp người nghèo và người bệnh tật thì mình mới đồng hành và có cơ hội giúp được nhiều hơn”.

Hope For Tomorrow đã hỗ trợ tài chính để xây các ngôi nhà cho các bà mẹ và trẻ em HIV, xây một nhà ăn ở miễn phí cho các em bị ung thư từ nơi xa về thành phố chữa trị:

“ Sau này, một ngôi nhà tương tự cũng được Hope xây lên, gọi là Trung Tâm Y Tế ở Kênh Bảy, Rạch Giá. Hiện giờ cũng đang giúp xây một trung tâm cho người già vô gia cư ở Quận 12, Sài Gòn”

“ Hope cũng giúp xây những hệ thống nước sạch, có thể cung cấp nước cho khoảng mấy ngàn người chung quanh đó. Có những nơi hoàn toàn miễn phí, có những nơi tùy hảo tâm một hai ngàn để bảo trì hệ thống mà không bắt buộc. Trong hơn mười mấy năm qua việc làm của Hope cũng có nhiều người chú ý đến, những số tiền ân nhân tặng đều đưa hết về để xây dựng cơ sở vật chất và trang trải chi phí ăn học cho các em. Hiệu quả nhiều hơn điều mình mong đợi từ ban đầu”

Vừa rồi là một số hoạt động thiện nguyện giúp nhiều đối tượng khốn khó trong nước do những người Việt hải ngoại tiến hành trong suốt chặng đường 45 năm qua.

Cũng đừng quên hãy còn nhiều, rất nhiều, những hội thiện nguyện ở Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới mà tên tuổi không nêu ra ở đây, vẫn đang âm thầm lặng lẽ thực hiện những nghĩa cử cao đẹp cho người nghèo bên quê nhà.


Thanh Trúc
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad