Cũng trong thời gian ấy, con virus Vũ Hán biến ước mơ của những lãnh đạo cộng sản kinh điển ngày xưa, ước mơ “thế giới đại đồng”, đến gần hiện thực hơn bao giờ hết: chứng khoán tan tành khắp nơi, thất nghiệp khắp nơi, phá sản khắp nơi, đóng cửa nhà thờ (công viên, bãi biển, quảng trường …) khắp nơi.
Các nhà nước chuyên chế bỗng nhiên như cứu được hàng ngàn nhân mạng, nếu đem so với các nhà nước dân chủ và tự do.
Công dân các nước tự do bỗng nhiên thấy mình phụ thuộc chính phủ nhiều hơn trước; còn các chính phủ tư bản bắt đầu nghĩ đến bailout, trợ cấp và thậm chí quốc hữu hóa, bắt đầu từ các bệnh viện tư nhân. Ngay cả ở Việt Nam, người ta bắt đầu nói về mô hình hợp tác xã.
Chừng nào chưa có vaccine thì chưa khống chế được dịch bệnh. Dịch có thể dừng lại trong vài tuần tới. Và cũng có thể sẽ quay lại mùa đông năm sau, hoặc những năm sau nữa. Có khả năng corona là một con virus cánh tả cực kỳ bất khuất.
Đế chế Hoa Kỳ, liệu có giã từ thời kỳ đỉnh cao trong vàng son chói lọi của mình, giống như thời vàng son của Đế chế La Mã thoái trào sau cơn dịch hạch Antonine (Antonine Plague). Và có lẽ nào Pax Americana cũng sẽ tan tành như Pax Romana.
Toàn cầu hóa liệu có tành bành sau cơn dịch bệnh này? Quyền lực kinh tế và chính trị sẽ dịch chuyển từ Anh-Mỹ và đồng minh của họ đi đâu? Liệu họ có, một lần nữa như sau WWII, lại đứng dậy chói lòa? Hay sẽ như Byzantine của Phương Tây bị Ottoman của Phương Đông nuốt mất.
Địa chính trị bỗng dưng trở thành địa kinh tế. Nước nào lo kiếm ăn nuôi dân nước đấy. Cuộc chiến không gian sinh tồn có khia nào trở lại với biển Đông, nơi đã và mãi là xa lộ (trong mơ) để mở rộng không gian sống của Hán tộc xuống vùng Đông Nam Á?
Dịch bệnh rồi một ngày nào đó sẽ hết, nhưng trật tự thế giới sẽ thay đổi hoàn toàn?
Từ năm 2003, nhà thiên văn học đáng kính người Anh là Lord Martin Reese đã viết một cuốn sách có tên Our final hour: A Scientist’s Warning: How Terror, Error, and Environmental Disaster Threaten Humankind’s Future In This Century—On Earth and Beyond. Ông cũng đi nói chuyện khắp nơi về đề tài này.
Theo ông, thế giới ngày càng trở nên kết nối hơn (vận tải – hàng không, viễn thông – internet, các chuỗi cung cấp – toàn cầu hóa) nên vì thế nó trở nên mong manh hơn với các thảm họa. Ông cho rằng các mối nguy từ khủng bố, chiến tranh mạng, chiến tranh sinh học đều có thể gây tác hại toàn cầu. Ông cũng cho rằng dịch bệnh tự nhiên mới là cái ông e ngại nhất bởi ngay khi nó bùng phát nó sẽ làm quá tải hệ thống y tế và dẫn đến chết người. Trong một ví dụ về dịch bệnh, ông dự báo một căn bệnh do virus, bùng phát ở một megacity (cỡ chục triệu dân), ở một nước đang phát triển (ông ví dụ là Ấn Độ). Cuối cùng thì một bệnh dịch như vậy đã xảy ra, ở Vũ Hán (11 triệu dân), Trung Quốc, với con virus cúm dơi.
Đế chế La Mã khổng lồ ngày xưa là một phiên bản thô sơ (trước công nghiệp hóa) của toàn cầu hóa. Họ đồng bộ lịch. Họ có hệ thống đường giao thông rộng khắp và kết nối khắp nơi. Lương thực của họ phụ thuộc chuỗi cung cấp “toàn cầu”. Khi dịch hạch Antonine bùng phát, khoảng 25% người bị nhiễm tử vong. Nó bùng phát hai lần dẫn đến khoảng 30% dân số qua đời, và do đó trực tiếp tàn phá sức mạnh của quân đội La Mã. Chuỗi cung ứng lương thực bị ảnh hưởng, dẫn đến nạn đói ở Roma, gây ra bất ổn và loạn lạc ở thành phố số một thế giới lúc bấy giờ. Sau nạn dịch này, đế quốc La Mã bắt đầu thoái trào.
Lịch sử có thể lặp lại, chỉ có điều ta không biết đế chế nào sẽ sụp đổ vì bệnh dịch: Mỹ, Tây Âu hay Trung Quốc. Dù đế chế nào sụp đổ, trật tự thế giới có thay đổi ra sao, thì Việt Nam có vẻ như chưa kịp chuẩn bị gì, tầm nhìn vẫn ở bên trong cơn dịch, và bởi vậy sẽ cứ mãi là một kẻ bên lề.
© Blog 5xu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét