Người đứng đầu chính phủ Việt Nam, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ tại Hà Nội, nêu rõ không để tác động của tình hình kinh tế làm thay đổi tinh thần của chỉ thị 16 “mà cần thực hiện nghiêm hơn.”
Hôm 31/3, Thủ tướng Phúc ban hành chỉ thị thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc trong 15 ngày để kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh mà gần 240 người đã mắc phải ở Việt Nam. Trước đó một ngày, ông Phúc công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc với yêu cầu cơ bản là dừng vận chuyển công cộng.
Tại cuộc họp hôm 3/4, Thủ tướng đề ra mục tiêu là “không để vỡ trận, lây lan dịch trong cộng đồng ở mức độ cao, nhiều ca, có thể dẫn tới phá vỡ hệ thống cơ sở điều trị”. Ông Phúc nói “việc cách ly cần tiếp tục thực hiện nghiêm”.
Việt Nam đang cách ly hàng chục nghìn người tại các khu cách ly tập trung, trong đó khoảng 1 nửa tại các doanh trại quân đội, theo ghi nhận của Reuters.
Thủ tướng Phúc đưa ra cảnh báo trên trong lúc Việt Nam được cho là đã chuyển sang giai đoạn 3 với nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho VOA biết nguy cơ trên xuất phát từ việc các bác sỹ vẫn chưa thể xác định được đâu là ca nhiễm đầu tiên, còn được gọi là F0, tại các ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội hay quán bar Buddha ở TP HCM.
Vị PGS-TS này cho biết việc không tìm ra nguồn lây nhiễm ở BV Bạch Mai là "từ đâu và từ chỗ nào chứng tỏ có lây lan trong cộng đồng" và điều này là đáng lo ngại. Tuy nhiên cho tới lúc này, theo ông, số ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa lớn.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết hôm 30/3, dịch COVID-19 từ bệnh viện Bạch Mai “đã lan ra gần 20 quận, huyện”. Thủ tướng Phúc sau đó ra lệnh “phải tìm cho được khoảng 40.000 người” đã ra vào bệnh viện được cho là lớn nhất cả nước trong thời gian qua.
Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng theo truyền thông trong nước, các bác sỹ vẫn chưa tìm được ra nguồn lây bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai – hiện đang là ‘ổ dịch’ lớn nhất của cả nước với ít nhất 42 ca nhiễm COVID-19.
Trong khi đó ở TP HCM, giới chức y tế vẫn đang tiếp tục truy tìm những người liên quan đến ổ dịch tại quán bar Buddha, được xác định là một chuỗi lây truyền COVID-19 với 15 trường hợp nhiễm bệnh.
Theo PGS-TS Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Cộng đồng của Bộ Y tế Việt Nam, việc thực hiện “giãn cách xã hội” tốt là điều cần thiết trong việc dập dịch lây lan trong cộng đồng.
Trước đó, hôm 30/3, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rằng “hiện nay chúng ta đang ở vào thời điểm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng lớn” và kêu gọi “toàn hệ thống chính trị phải tập trung cao độ” để “chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.”
Ông Trọng, người hiếm khi xuất hiện trên truyền thông kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, đã đưa ra lời kêu gọi đối với người dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài “đoàn kết” để “thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo chiến thắng đại dịch COVID-19”, theo báo điện tử của Chính phủ.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, đến chiều tối ngày 3/4 Việt Nam đã ghi nhận 237 ca COVID-19 và vẫn không có trường hợp nào tử vong vì căn bệnh viêm phổi cấp đang hoành hành trên toàn cầu này.
© VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét